Nghe được làng Hồi Quan nào đó trên Bắc Ninh, chết đến mấy chục mạng người, nhóm của ông Tuấn biến sắc, sợ hãi. So với ngôi làng ấy, thì làng của ông Tuấn chẳng là gì, biết là không nên so sánh hơn thua việc làng ai có nhiều người bị hại hơn, bởi nó chỉ đem lại cho người ta sự đau thương, mất mát, tính mạng con người chứ đâu phải rơm rạ, cỏ rác đâu mà khoe ra để tự hào ai hơn ai cho được. Nhưng ít nhất đối với việc làng mình đã mất bốn mạng người thì nhóm ông Tuấn cũng chỉ có thể âm thầm thở dài,đúng là trong cái rủi thì cũng có cái may rồi , mà cái may ở đây chính là việc ông Tuấn đã sáng suốt đi mời thầy Quân và thầy Long về làng sớm trước khi lũ ma quỷ kia bắt đầu tiến hành thảm sát mọi người. Trong lúc các thầy vẫn còn đang tiếp tục bàn bạc thì có tiếng huyên náo ngoài cổng đình. Đằng ấy đang có mấy bóng người muốn lao vào trong đây, nhưng bị các tộc nhân của nhà Trần ngăn lại, tiếng kêu gào rất lớn, khiến mọi người đang ngồi ở bàn đá không thể không chú ý. Vì quá ầm ĩ , ồn ào quá, khiến lão Qủy Nhân khó chịu, lão cất giọng quát:
- Có chuyện gì ngoài đó thể hử? Sao bây giờ vẫn còn dân thường lại gần khu vực này? Tôi đã chẳng thông báo nơi này từ bây giờ do hai gia tộc tiếp quản hay sao? Ai xử lí sự vụ này? Làm ăn như thế hả?
Thấy lão Qủy Nhân nổi nóng, ông Tuấn và bác Mộc đều quay sang nhìn ông Bình với vẻ mặt nghi hoặc, khiến ông Bình mồ hôi chảy ròng ròng, lên tiếng phân bua:
- Không phải, không phải vậy đâu, cháu thề là đã thông báo đến toàn bộ bà con cô bác ở trong làng rồi, mà trải qua cái nạn đợt trước, bây giờ làm gì có ai dám mò tới đây cơ chứ?
Khi ông Bình vẫn còn đang quơ tay trình bày mọi thứ, một tộc nhân đã nhanh chóng lại gần bàn đá, cung kính cúi đầu báo cáo:
- Dạ bẩm các vị sư thúc, sư bá, ở bên ngoài có mấy người không phải là người làng này ạ, họ nói mình là dân làng Hồi Quan ở trên Bắc Ninh, đến đây cầu sự giúp đỡ ạ.
Lão Qủy Nhân vừa nghe thấy gì mà dân làng, rồi tìm sự giúp đỡ gì gì ấy, giãy nảy chửi:
- Thế sao còn để người ta đứng ở ngoài đấy, sao không cho họ vào hử? Mấy cái thằng oắt toi cơm này, ông mày lại tẩn cho một trận bây giờ.
Người kia nghe vậy, cười khổ bái tạ, vâng dạ rồi lui ra. Bên đây nhóm người ông Tuấn chỉ thấy tội nghiệp cho những vị tộc nhân này, rõ ràng hồi nãy lão Qủy Nhân ra lệnh nói người ta canh giữ bên ngoài, không cho phép bất kỳ kẻ nào đi vào trong, ấy vậy bây giờ lão lại lật lọng. Tộc nhân ở ngoài cổng nhận được mệnh lệnh đều nhường đường, để những người kia đi vào sân đình. Chỉ thấy từ đằng xa có bốn thân ảnh vội vàng tiến lại đây, đợi đến khi họ đến gần bàn đá tầm mười mét. Nhóm người ông Tuấn mới biết được những người này là ai. Tưởng người không quen, nhưng ngờ đâu lại quen không tưởng, hóa ra lại là đoàn hát quan họ Bắc Ninh mà các cụ bô lão đã mời về để hát cho hội làng, nhưng năm người giờ chỉ còn bốn người, còn thiếu cô Lam, bởi sau khi cái vong nó thoát ra khỏi người cô thì cô Lam đã bị bất tỉnh nhân sự. Ông Bình đã sắp xếp cho đoàn hát nghỉ tại nhà mình, cô Lam hiện giờ chắc vẫn còn đang nằm tịnh dưỡng ở nhà ông. Bốn người thanh niên đến trước mặt lão Qủy Nhân thì đều tính quỳ xuống đất mà cúi lạy, nhưng lão Qủy Nhân luôn quan sát mọi hành động của họ, đầu gối của mấy người vừa hơi cong, lão đã đứng dậy nghiêm giọng:
- Cấm, ta cấm, mấy cái thằng này, đứa nào quỳ ta đuổi thẳng cổ.
Bốn người trong đoàn hát khựng lại, cười xấu hổ, cúi đầu cung kính với lão Qủy Nhân. Những hành động của họ khiến cho nhóm người ông Tuấn vô cùng khó hiểu, không lẽ lão Qủy Nhân và mấy cái người này có quen biết nhau từ trước. Thấy họ không quỳ nữa, lão Qủy Nhân lúc này mới hài lòng, gật gù ngồi lại xuống ghế, mở miệng ôn tồn hỏi:
- Sao? Mọi chuyện ở làng bên đấy bây giờ xong xuôi cả chưa? Có còn chuyện gì xảy ra không? Cũng may là ta có việc đi ngang qua bên đấy đấy, chứ không chết tiệt hết cả làng rồi.
Một người ở trong đó đứng ra trả lời lão Qủy Nhân, ấy chính là Hưng, anh ruột của cô Lam:
- Dạ vâng thưa thầy, làng con đội ơn thầy lắm, nếu không có thầy, chỉ sợ...chỉ sợ là cả làng con lành ít dữ nhiều ạ.
Lão Qủy Nhân dương dương tự đắc, đánh mặt qua phía thầy Long kɧıêυ ҡɧí©ɧ, ý bảo thấy lão oai chưa, cứu được cả làng người ta đây này, thầy Long chỉ xì mũi khinh bỉ lão. Lúc này quả thật nhóm người ông Tuấn không tài nào mà nhịn nổi sự tò mò nữa, ông Tuấn đành lên tiếng:
- Không ngờ là lại có sự trùng hợp đến vậy, hóa ra mấy đứa đều ở làng Hồi Quan, thứ cho cái thân già này của ta nhiều chuyện, nhưng thực sự ta rất muốn được biết rốt cuộc là ở làng mấy đứa đã có chuyện gì xảy ra mà mất đến hơn chục mạng người như thế?
Anh Hưng nghe thế, bèn nhìn về phía lão Qủy Nhân xin ý kiến, lão gật đầu,thấy lão cho phép mình nói, lúc này anh Hưng và những người khác ngồi bệt ngay xuống dưới đất, bắt đầu trầm tư suy nghĩ, hồi tưởng mọi thứ, kể lại đầu đuôi câu chuyện của ngôi làng mình:
- Khởi nguồn của mọi chuyện bắt đầu từ gần hai tháng trước, khi mà nhà ông Bá làm nghề chài lưới ven sông vớt lên được một cái đầu người bằng đá. Kể từ ngày đó cả làng bắt đầu gặp họa, đáng sợ nhất là làng cháu bị trùng tang, hơi vắn tắt ạ, thôi để cháu kể kỹ lưỡng lại vậy.
Cứ thế mọi người vây quanh bàn đá trong đình, ngồi nghe anh Hưng kể về những chuyện ma quái diễn ra ở làng mình. Phía dưới góc ao chiếc máy bơm vẫn đang ầm ầm hoạt động, hút nước từ dưới ao Nghè lên, mực nước vẫn đang một giảm dần, với tốc độ như thế này,ắt hẳn gần đến nửa đêm, ao Nghè sẽ cạn đến đáy. Trên nền trời lúc bấy giờ, vẫn là những đám mây đen, to và nặng trĩu, khiến bầu trời mùa Đông lại càng âm u hơn bao giờ hết.Nếu có người không biết chuyện đi ngang qua nơi này, còn tưởng mấy người dân làng đang tụ tập lại với nhau, ngồi uống nước chè, kể chuyện phiếm cho nhau nghe vậy. Nhưng họ không biết là, chỉ ít phút nữa thôi, những người ngồi ở đây sẽ dấn thân vào trong hiểm nguy, tính mạng như tơ nhện phất phơ trong gió, chỉ cần một lực tác động vừa đủ, có lẽ sẽ có người phải nói lời từ biệt với thế gian này. Là ai thì hồi sau sẽ rõ, còn bây giờ, giọng kể của anh Hưng vẫn đều đều vang vọng khắp nơi đây, anh đang kể về ngôi làng mà mình đã sinh sống. Làng Hồi Quan với những đám tang, với những thi thể, với những cái chết vô cùng kỳ bí, ngập tràn sự ma mị.