Bẵng thêm vài hôm nữa, nếu tính nhẩm trên đầu ngón tay thì đã gần một tuần trời. Bà Năm và cái xác thằng Huy đã thực sự đã biến mất khỏi ngôi làng. Cứ mỗi ngày trôi qua tâm trạng của ông Tuấn lại tiếp tục xấu đi, bởi nếu chỉ thằng Huy Vu còn đỡ, đằng này còn kéo theo bà Năm Thọt, người nhà bà ấy hôm nào cũng qua cửa nhà ông, khóc lóc van xin, mong ông mau tìm được tung tích bà Năm, chứ nếu mọi việc cứ kéo dài như thế, chỉ sợ bà Năm lành ít dữ nhiều, nhưng hỡi ôi biết tìm ở đâu bây giờ.Ngày này nối tiếp ngày kia, qua khoảng thời gian một tuần, không ngắn không dài, nhưng cũng đủ khiến cuộc sống thường nhật của người dân trong làng trở về với trạng thái cũ, mọi người lại sáng sớm dắt trâu ra đồng, tối tối vác cày về nhà như bình thường, dường như cái đại nạn thứ hai, vốn dĩ vẫn treo cao trên đầu ngôi làng này, đã thực sự biến mất. Mọi người đều có suy nghĩ như thế, chỉ riêng ông Tuấn biết rõ được mọi thứ vẫn chưa hề kết thúc, chỉ đơn giản là nó như một mồi than nhỏ, đang cháy âm ỉ, chỉ chực có gió thổi qua là nó sẽ lại bùng lên một lần nữa, rực cháy dữ dội, lần này tính mạng của mọi người trong làng chính là củi khô. Bác Mộc cũng hiểu được những gì mà ông Tuấn suy nghĩ, nhưng bác đang bận tối mắt tối mũi để chuẩn bị cho việc hội làng, cuối cùng sau một năm dài đằng đẵng thì cái việc mà tất cả mọi người mong chờ đã tới, ngày tổ chức lễ hội. Hôm ấy đa phần tất cả mọi người dân trong làng đều nghỉ ngơi, các cụ hương sắc, bô lão khoác lên mình những bộ đồ lễ màu đỏ, màu xanh, đầu đội khăn xếp, mặc áo dài chỉnh tề, các bà các cô miệng nhai trầu bỏm bẻm, phụ giúp chuẩn bị những lễ vật, các anh các chị thì cũng khoác lên mình bộ cánh mới để hò hẹn với nhau, đám trẻ con thì nô đùa khắp xóm, tiếng cười vang vọng khắp mọi nơi. Vào ngày vui như thế, nhưng tâm trạng của ông Tuấn vẫn chẳng khá lên được, đã năm ngày nay, ông bị mất ngủ, ông tự biết bản thân mình chỉ là người trần mắt thịt thì làm sao mà truy tìm được những con tinh con tà kia, đã rất nhiều lần ông cố gọi điện cho phía gia tộc họ Trần, gọi cho thầy Nam, thầy Toàn, kể cả gọi cho thầy Long,thầy Quân, nhưng đều không thấy phản hồi, chẳng rõ được các thầy đã tiêu diệt được cái đầu của Phạm Nhan hay chưa? Hoặc gia tộc họ Trần đang lâm vào tình huống như thế nào mà đến mức không thể liên hệ với bất kì ai, miên man với những suy nghĩ trong đầu, nhưng chân ông Tuấn vẫn không ngừng lại. Là một trong những hương sắc trong làng, ông cần có mặt sớm tại đình , tham gia cùng với các cụ khác để làm cho trọn phần lễ nghi. Lễ hội sẽ được tổ chức trong ba ngày, ngày đầu tiên là thực hiện phần tạ lễ, con cháu thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên, đối với các vị tiền bối đi trước, ngày thứ hai là phần rước kiệu, bốn trai làng tư chất tốt, khỏe mạnh, ngoan hiền sẽ được các cụ lựa chọn ra để làm phu kiệu, như mọi năm thì kiệu đức thần hoàng sẽ được khiêng đưa đi xung quanh làng, vòng một vòng các trục đường chính, sau đó sẽ đưa lại về đình làng, đến ngày thứ ba, ngày cuối cùng là khoảng thời gian mà mọi người vui chơi, giải trí, ca hát. Nói thì ngắn chứ thủ tục lễ nghi vô cùng phức tạp, rườm rà, ...Nhưng dẫu sao cũng là truyền thống của ngôi làng này suốt mấy trăm năm nay, chẳng ai dám đứng ra mà thay đổi. Ông Tuấn vừa đến được cổng đình thì đã gặp rất đông các cụ khác, mọi người tay bắt mặt mừng, thăm hỏi lẫn nhau, sau đó ông Tuấn tiến vào bên trong, vừa vào ông Tuấn đã gặp một thân ảnh quen thuộc, bác Mộc trên trán mồ hôi nhễ nhại, đang chạy đôn chạy đáo mà sắp xếp mọi việc, thấy ông Tuấn bác chạy ra chào hỏi. Ông Tuấn nét mặt cũng chẳng thể vui nổi, cố nặn ra một nụ cười, sau đó thầm thì vào tai bác Mộc vài câu:
- Lễ hội lần này của làng, chỉ sợ có biến, chú ý quan sát tất cả mọi thứ, nói tổ chức mừng đức thần hoàng làng, nhưng bây giờ ngài ở đâu thì chúng ta đều không rõ. Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm, cẩn thận vẫn hơn.
Bác Mộc không nói gì chỉ gật đầu dứt khoát, quen biết ông Tuấn bao năm nay, bác Mộc biết ông Tuấn sẽ không thổi phòng bất cứ chuyện gì. Cứ thế lễ hội diễn ra bình thường như mọi năm, như thường lệ, làng sẽ mời một đoàn quan họ Bắc Ninh về để biểu diễn phục vụ cho bà con cô bác. Lần này đoàn hát về có năm người, bốn nam một nữ, hai về kỹ thuật âm thanh, chuẩn bị loa đài, còn ba người còn lại thì hát chính. Như kế hoạch họ sẽ lên chiếc thuyền rồng, bơi quanh ao Nghè, biểu diễn cho bà con cô bác xem. Thấy con gái nhà người ta từ xa đến, lại là ca sĩ hát quan họ, xinh đẹp dễ mến, đám trai làng bu đông xung quanh bờ ao, kẻ hít sáo, người buông lời tròng ghẹo, nhưng mấy anh thanh niên chưa đắc ý được lâu, ông Bình đã vác gậy ra đuổi bằng sạch, ông còn tuyên bố, đứa nào còn láo nháo, ông trói gô cổ ném sang nhà Huy Vu. Đám trai làng mọi năm vô cùng lì lợm, chỉ chực ông Bình rời đi là bọn họ sẽ ngay lập tức quay lại, nhưng vừa nghe đến việc bị ném sang nhà Huy Vu một đêm, thì anh nào anh nấy sợ xanh mắt mèo,bao nhiêu máu anh hùng bị mài mòn hết, cũng không còn dám quậy phá nữa. Chỉ ngoan ngoãn đứng trên bờ ao, thành thành thật thật mà cổ vũ. Nói đi nói lại quả thật, lần này cô gái về nàng vô cùng xinh đẹp, theo như những gì ông Bình nói thì cô chỉ tầm độ mười chín, hai mươi tuổi gì đấy, tên là Lam thì phải. Cứ thế lễ hội diễn ra bình thường từ sáng sớm cho đến tối. Đêm hôm ấy để tiện lợi cho đoàn hát, bác Mộc chuẩn bị cho bọn họ chỗ nghỉ ngơi ở tại phòng khách sau đình, bản thân mình thì trải đỡ một cái chiếu, lót chăn bông lên cho đỡ lạnh, rồi cũng nằm xuống, chuẩn bị chìm vào giấc ngủ sau một ngày vô cùng mệt mỏi. Trời ngày càng về khuya, đêm xuống khiến nhiệt đồ ngày một giảm, đình làng cũng dần chìm vào trong yên lặng, bởi vốn dĩ trời mùa đông lạnh quá, chẳng ai có thể nán lại mà chơi bời gì nữa, hội tan người tán, mọi người đều về chiếc giường ấm áp của mình nghỉ ngơi. Làm xong tất cả mọi việc, bác Mộc ra phía ngoài cửa đình, thấy ông Tuấn đang ngồi đấy, trầm tư hút thuốc, đôi mắt vẫn chằm chằm nhìn xuống ao Nghè, như muốn xuyên thủng làn nước đen kia, ông muốn biết được, liệu sâu dưới đáy ao, còn thứ gì ẩn chứa dưới đó. Đáng lẽ giờ này ông Tuấn đang ở nhà, nhưng linh tính mách bảo ông, lễ hội làng năm nay kiểu gì cũng xảy ra chuyện, vì vậy ông nán lại, đêm nay ngủ lại đình chung với bác Mộc. Thấy vì chuyện của làng mà dạo gần đây ông Tuấn gầy đi trông thấy, khuôn mặt lúc nào cũng cau có, bác Mộc cảm thấy vô cùng thương ông, mở miệng khuyên ngăn:
- Chú, chú đừng nghĩ nhiều nữa, chú vào trong đình nghỉ ngơi đi, sương bắt đầu xuống rồi, ở ngoài lâu đổ bệnh mất.
Ông Tuấn mỉm cười, biết bác Mộc lo cho ông, gật đầu, ném điếu thuốc trong tay đi, xoay người đi vào trong. Nhưng có một điều ông Tuấn không nhìn thấy được, khi ông Tuấn vừa quay lưng, ở dưới ao Nghè bỗng nhô lên nửa cái đầu, đôi mắt đỏ như máu, phát sáng lập lòe trong đêm, nhìn vào phía trong đình làng.