Đồng Bệnh Tương Liên

Chương 6-2

Edit: Sa

Chiếc Mercedes-Benz chạy trên quốc lộ, tôi gặm cái hamburger, nhìn bộ dụng cụ đặt ở ghế sau, “Thầy, chúng ta đi đâu đây?”

Anh lái xe bằng một tay, làm ra vẻ như đang suy nghĩ gì đó: “Làm một việc rất có ý nghĩa.”

Rốt cuộc việc “rất có ý nghĩa” với Lão Mạch là việc gì?

Là ba tháng đổi một cô bạn gái hay siêu năng lực “mắng tất cả nhân viên của studio đến bật khóc”?

Tôi im lặng một lát rồi lấy hết can đảm nói: “Xa không? Ngồi xe lửa được không?”

“Em phiền phức thật đấy.” Lão Mạch liếc tôi nhưng không phản đối.

Đợi đến lúc biết đáp án thì đã là ba tiếng sau.

Tôi đứng ở một thôn làng hoàn toàn xa lạ, hơi ấm chốn thị thành như không thể nào xâm phạm tới nơi đây, mặt đất đã đóng băng, có hai đứa trẻ chạy ngang qua tò mò quay đầu nhìn chúng tôi.

“Ngẩn người ra đó làm gì?” Anh ấy nói, “Làm việc thôi.”

“Việc gì?” Tôi hơi hoang mang.

Có vẻ anh rất quen thuộc với nơi đây, anh kéo tôi vào một căn nhà, chào hỏi cụ già và đứa trẻ.

Thì ra thôn này chỉ còn lại trẻ em và người già vì đa số những người còn trẻ đã đi làm xa, bỏ lại cha mẹ già và con thơ sống với nhau. Ngôi nhà này rất đơn sơ, được xây bằng gạch nung, ở góc tường mắc một cái võng, cụ già đã rụng hết răng mặc cái áo khoác dày ẩm hơi nước, đang nói gì đó không rõ.

Nhìn cảnh này, lòng tôi quặn lại.

Mạch Trăn Đông ngồi sát bà cụ, vừa nắm tay vừa nói chuyện với bà.

Tôi đã từng thấy Lão Mạch hung dữ ở studio, từng thấy Lão Mạch được người ta vây quanh ở buổi tiệc sau lễ trao giải, từng thấy Lão Mạch phong lưu đa tình, nhưng chưa từng thấy Lão Mạch như lúc này.

Dịu dàng, nhẫn nại, quan trọng nhất là tôn trọng, là sự tôn trọng giữa người với người.

Nhận được sự đồng ý của bà cụ, anh lấy máy ảnh bắt đầu chụp ngôi nhà: bình nước bên bếp, chiếc chăn bẩn, đôi giày vải bị mòn đáy.

Những hình ảnh mà anh chụp rất đẹp, không hề thua kém ảnh đế, ảnh hậu giành được giải Kim Tượng chụp cho bìa tạp chí số đặc biệt.

Tôi nghi ngờ rằng liệu mình có biết cái tên “Mạch Trăn Đông” nổi danh kia không?

Chịu đói chịu lạnh chụp đến tối, đứa cháu gái bảy tuổi dùng mũi chân để xào rau rồi lấy bánh bao lạnh ra để ăn cùng bà. Trong xe Lão Mạch có một thùng mì gói. Anh bê thùng mì vào, nấu nước rồi pha cho mỗi người một hộp mì. Cô bé rất vui, cẩn thận nhai miếng mì trong miệng hồi lâu rồi mới nuốt, nói: “Chú ơi, sinh nhật năm ngoái cháu đã được ăn cái này rồi đó.”

Dưới ánh đèn mờ, tôi nhìn đôi mắt sáng như sao của cô bé mà lòng chua xót.

Đến tận bây giờ, tôi mới thực sự cảm thấy ăn ở sống chết mới là vấn đề lớn nhất của đời người. So với những thứ này thì thất tình chỉ là hạt cát.

Mạch Trăn Đông trò chuyện với hai bà cháu suốt cả ngày, giúp họ thay bóng đèn rồi mới đưa tôi đi.

Bước thấp bước cao ra khỏi thôn, tôi hỏi: “Mấy tấm ảnh này dùng để làm gì?”

Anh móc bao thuốc từ trong túi ra, rút một điếu rồi châm lên. Tôi lặng lẽ giơ tay ra, anh che miệng liếc tôi rồi bỏ bao thuốc vào túi mà không thèm để ý tới tôi, chỉ cười, “Bạch Hi, có những điều Thẩm Khâm Tuyển nói đúng, em đi theo anh thực sự rất khổ.”

“Hả?” Sao tôi không biết hai người lén nói về tôi khi nào nhỉ?

Đợi đến khi hút xong điếu thuốc, Mạch Trăn Đông lấy album hình ở ghế sau đưa cho tôi. Tôi mở quyển album, từng tấm hình lướt qua mắt, đều là ảnh đen trắng, nhân vật không trang điểm, không ăn mặc đẹp đẽ, họ chỉ là những người bình thường. Đó có thể là người ăn sáng tại một quán ven đường nho nhỏ giữa trời đông rét buốt, có thể là nhân viên môi trường mang đôi găng tay rách nắm chặt cán chổi để dọn tuyết ở ngoài đường.

Mỗi một bức ảnh đều là những người bình thường, họ chỉ làm những công việc quen thuộc hằng ngày, nhưng ẩn chứa đầy sức mạnh.

Có thể nhận ra sự nhập tâm của người chụp, khiến người ta phải kính nể.

“Xem xong nhanh thế?” Lão Mạch hơi giật mình, “Sao, thấy đẹp không?”

Thật ra tôi đã xem những tấm ảnh này rồi, đó là bộ ảnh với chuyên đề “Sống” của tác giả X-Ray. Tôi vô tình nhìn thấy chúng ở trên mạng, lúc ấy thực sự bị rung động nên đã tải về, thậm chí còn dò la bạn bè trong giới xem có ai biết nhϊếp ảnh gia ẩn danh này là ai không, mọi người bàn luận rất nhiều, nhưng đáp án cuối cùng chỉ là: Cao thủ nhân gian.

Không ngờ vị cao thủ ấy lại chính là thầy tôi.

“X-Ray?” Tôi nói, cảm thấy rất sốc.

“Em từng xem rồi?” Anh ấy cười to, vẻ mặt rất đắc ý.

Trong bóng đêm, tôi cẩn thận quan sát anh ấy, đó là người đàn ông phóng khoáng không màng danh lợi, hay là chàng trai dò dẫm trong bóng tối để giúp hai bà cháu neo đơn thay bóng đèn? Rốt cuộc ai mới anh?

***

“Khách sạn ở đây không tệ lắm, ráng chịu một chút nhé,” Mạch Trăn Đông dừng xe, vẫy tay ý bảo tôi xuống xe.

Tôi ngồi yên, nắm chặt dây an toàn, hỏi: “Anh không thấy giống bị phân liệt ư?”

“Hửm?” Anh ấy quay đầu nhìn tôi, đôi mắt sâu láy.

“Thời thượng và dân dã, hai phong cách hoàn toàn khác nhau, làm sao anh thay đổi được?”

Anh im lặng một lúc rồi như cười như không, “Anh đã nói là thỉnh thoảng làm ít việc có ý nghĩa rồi mà.”

“Vậy việc anh chụp những shoot hình thời thượng là vô nghĩa ư? Nếu là thế thì khi việc mà nội tâm cho là vô nghĩa, sao anh có thể tiếp tục được?” Tôi nói.

Nhận ra giọng tôi hơi lạ, anh ấy mở mui xe, xích tới xoa đầu tôi, “Ngốc. Làm việc với sự thời thượng là theo đuổi cái đẹp, còn những bức ảnh dân dã là để cho anh biết thế giới này không hoàn mỹ.” Anh nói nghiêm túc: “Chúng không mâu thuẫn nhau.”

Hơi lạnh từ anh tuy không rõ ràng nhưng khiến người ta tỉnh táo.

Người đàn ông này… Vào lúc tôi tuyệt vọng, anh cho tôi công việc; vào lúc tôi hoang mang đắm chìm trong chuyện tình cảm, anh dạy tôi rằng chỉ cần ta còn có thể sống, thì yêu đương chẳng có gì đáng nhắc tới.

“Thầy ơi, em ôm anh được không?” Tôi chân thành nói.

“… Tại sao?”

“Cảm ơn anh.”

Anh ấy bình tĩnh nhìn tôi, nụ cười bên khóe môi dần biến mất. “Tốt nhất là đừng.”

“Hả?”

“Vì anh chưa bao giờ từ chối tình cảm của phụ nữ.”

“… Cút.”

Sáng sớm hôm sau, Mạch Trăn Đông gọi tôi dậy.

Vì khách sạn cách âm không tốt nên cả buổi tối tôi bị tiếng máy sấy tóc dùng chung dày vò, mãi không ngủ được. Vừa mở cửa phòng, Mạch Trăn Đông đã ném túi bánh rán nóng hổi vào lòng tôi, “Nhanh lên, phải đến viện mồ côi trong sáng nay.”

Tôi dùng tốc độ nhanh nhất để rửa mặt, sau đó gặm cái bánh rán trái cây đã mềm nhũn, nói: “Đi thôi.”

Anh ấy khoanh tay nhìn tôi chằm chằm, khóe miệng hơi cong, rồi đột ngột vươn tay vén mấy sợi tóc bị mắc trong miệng tôi ra, lắc đầu than thở: “Anh đang nghĩ em có phải là con gái thật không, lôi thôi quá thể.”

Tôi cười ngượng ngùng, nhanh chóng cột tóc lên, đánh trống lảng: “Dễ nuôi.”

Anh nheo mắt, mắt như ánh sao, nụ cười tuy chỉ phảng phất nhưng rực rỡ.

Viện mồ côi này chẳng xa lạ gì với tôi vì trước khi học đại học, tôi đã ở đây.

Nhưng vì vậy mà khi đi vào, tôi càng có cảm giác thấp thỏm, tựa như người lâu ngày về quê.

Có vẻ như Mạch Trăn Đông rất thân thiết với quản lý, hai người đi phía trước trò chuyện, tôi ở đằng sau tự đi dạo, nhân tiện đi theo một nhóm người vào văn phòng làm việc. Có người đang sửa lại hồ sơ, tôi hiếu kỳ ngó vào trong, trên bàn có chồng giấy xác nhận ngày vào viện.

Không biết ai là người đã đưa tôi vào viện nhỉ?

Tôi thấp thỏm nghĩ cách rồi hỏi một cô hơi béo trông có vẻ dễ gần: “Cô ơi, ai đưa mấy đứa trẻ này vào đây ạ?”

Cô ấy đáp: “Bệnh viện, cục công an.”

“Mấy danh sách này là…”

Cô ấy nhìn thoáng qua, “Là những người tài trợ.”

Tôi cảm thấy ấm áp từ tận đáy lòng, luôn có ai đó giúp đỡ tôi nên tôi mới có thể thuận lợi tốt nghiệp trung học để thi lên đại học… Đột nhiên trong đầu tôi thoáng hiện lên một chuyện, tôi hoảng hốt, trực giác nói cho tôi biết chuyện này vô cùng quan trọng. Nhưng tiếc là như có một vầng sáng chiếu mạnh vào mắt, vào tận vô số tế bào thần kinh sâu bên trong tôi nên tôi không nhìn thấy nó nữa.

Có lẽ vì thế mà cả ngày hôm nay tôi rất mệt, theo tính cách ngày thường của Mạch Trăn Đông thì tôi đã bị mắng như chó rồi. Nhưng anh không mắng, thỉnh thoảng còn quan sát tôi khiến tôi thấy rất kỳ lạ.

“Sao cứ nhìn em thế?” Khi ngồi trên xe lửa để đi về, tôi hỏi.

“Anh xin lỗi.” Anh ấy khẽ nghiêng mặt, nhìn thẳng về phía trước, giọng nói rất trầm.

“Hửm?”

“Hôm nay… em nhớ tới chuyện gì không vui đúng không?” Anh vuốt mũi, trông hơi mất tự nhiên.

“Anh nói đến viện mồ côi hả?” Tôi thở phào, ngả người ra lưng ghế, “Không biết nữa.”

Tôi đã sống ở viện mồ côi suốt mười mấy năm trời.

Những ai gặp tôi thì phản ứng đầu tiên của họ khi biết tôi xuất thân từ viện mồ côi là thương hại, giống như tôi đã phải chịu khổ chịu cực lắm vậy. Đến khi họ biết tôi học đại học XX thì ánh mắt của họ sẽ thay đổi, chắc là họ nghĩ rằng tôi là hình mẫu cho tấm gương “con nhà nghèo vượt khó”.

Chắc là vì may mắn nên viện mồ côi tôi ở không gặp bất kì khó khăn nào về kinh tế, càng không có trường hợp nhân viên ngược đãi trẻ em. Ai cũng đối xử rất tốt với tôi, tôi có một căn phòng đầy nắng hướng về phía nam, mặc dù ba bữa cơm đạm bạc nhưng rất sạch sẽ. Khi đi học, trường có quy định mặc đồng phục, có ba kiểu cho mùa xuân, hạ, đông, tổng cộng phát sáu bộ. Tôi và bạn học mặc quần áo giống nhau, sự khác biệt duy nhất là sau giờ tan học, họ về nhà, còn tôi thì về viện mồ côi.

Chuyện quan trọng hơn là từ lúc tôi bắt đầu hiểu chuyện thì có hai vợ chồng tốt bụng luôn tài trợ cho tôi. Tuy chưa gặp họ bao giờ nhưng hằng tháng tôi đều viết thư cho họ để báo tình hình của mình.

Cuộc sống đơn giản ấy kéo dài mười mấy năm, cho đến khi tôi lên đại học.

Đối phương vẫn muốn tài trợ học phí cũng như sinh hoạt phí cho tôi nhưng tôi từ chối. Tôi phải tự chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình, còn về phần người tài trợ tốt bụng thì tuy tôi đã nhiều lần ngỏ ý muốn được gặp họ để cảm ơn, nhưng từ đó về sau không nhận được bất cứ tin tức nào về họ nữa.

Vay tiền học cần xác nhận rất nhiều giấy tờ, khi viện trưởng đóng dấu giấy tờ cho tôi, bà sờ đầu tôi, cười, “Phải sống tốt nhé, đi rồi thì đừng về nữa.”

Tôi bỗng thấy trán mình nhoi nhói, cảnh tượng ấy như hiện lên trước mắt…

“Á.” Choàng tỉnh khỏi cảnh tượng ấy, tôi đã nhớ ra chi tiết nho nhỏ đáng ngờ.

Tờ giấy xác nhận ấy đang nằm trong ngăn kéo nhà tôi, tôi phải lập tức về nhà để xem nó. Tôi phải xem nó.

Xe lửa sắp vào ga, hành khách bắt đầu nhốn nháo. Mạch Trăn Đông cầm điện thoại “Alo” rồi nghiêng người. Tôi không có ý định nghe điện thoại của anh, nhưng vì giọng nói từ điện thoại quá to nên tôi đành cúi đầu nghịch điện thoại, giả vờ như mình đang rất bận rộn.

Mạch Trăn Động huých khuỷu tay của mình vào tôi, dùng khẩu hình miệng: “Ông cụ Thẩm tìm em.”

Tôi cuống quýt khoát tay nhưng anh ấy đã nhét điện thoại vào tay tôi, thấy tôi luống ca luống cuống thì cười gian xảo…

“Alo, ông ạ.” Tôi nghe máy, nguýt dài anh ấy một cái.

Đã lâu không liên lạc mà nay ông Thẩm mắng tôi một trận qua điện thoại khiến tôi chỉ đành phải thành khẩn xin lỗi, đồng thời hứa sẽ nhanh chóng về thăm ông.

“Cháu không cần phải đến nhà thăm ông đâu, tối ngày mười sáu gặp cũng được.” Ông cân nhắc một lát, “Cháu có đến không?”

Mười sáu là ngày gì? Tôi mù mờ.

“Dạ có.” Cứ đồng ý trước đã rồi tính sau, tôi nghĩ.

Ông cười sảng khoái, “Vậy ông bảo bọn họ xếp chỗ ngồi của cháu gần ông.”

Cúp máy, tôi hỏi: “Mười sáu là ngày gì? Là ngày kỷ niệm gì của tập đoàn hả thầy?”

“Mười sáu?” Anh ấy nhìn tôi, “Tiệc đính hôn của Thẩm Khâm Tuyển và Tần Mâu.”

Mọi âm thanh trong khoang xe lửa như biến mất.

Tôi nghiêng người về phía trước, quay đầu nhìn ra ngoài cửa sổ, trong khung cảnh trắng xóa có một chấm đen, không biết đó là người hay cây.

“Không sao chứ?” Thầy vỗ đầu tôi, “Không đi cũng được.”

“Không thèm đâu.” Tôi bình tĩnh nhìn anh, nói, “Khi không lại tốn tiền mừng.”

Mạch Trăn Đông nhìn tôi hồi lâu, khuôn mặt đang căng thẳng dần dịu đi, anh cười to.

Tôi không để Mạch Trăn Đông tiễn mà tự gọi xe về nhà, sau đó cuống cuồng lục tung nhà mình.

Cuối cùng cũng thấy túi đựng hồ sơ trong thùng đựng đồ hồi đại học của tôi.

Lần lượt lôi từng thứ ra khỏi túi, tờ cuối cùng chính là giấy xác nhận của viện mồ côi, vì đã rất lâu rồi nên chữ rất mờ, có mấy chữ còn đọc không ra. Tôi lấy lại bình tĩnh, nhìn vào chỗ khiến tôi nghi ngờ.

Một dòng chữ rất bình thường được viết ở góc tờ giấy: Có tài trợ.

Từ lúc tôi có ký ức, các cô chú ở viện mồ côi đều nói với tôi rằng tôi bị vứt bỏ ở trước cửa viện mồ côi.

Chẳng lẽ bắt đầu từ lúc vào viện mồ côi, tôi may mắn đến mức có ngay người tài trợ?

Tôi ngồi thần người ở bàn sách, không biết chuông điện thoại đã reo bao lâu tôi mới nghe máy, “Alo.”

Đối phương không hề mở đầu mà trực tiếp hỏi: “Khỏe hơn chưa?”

Tôi giật nảy mình, kéo thần trí trở về với thực tại, phản xạ có điều kiện nói: “Chúc mừng.”

Đối phương im lặng một lát, “Cảm ơn.”

Giống như không còn gì để nói.

Đầu ngón tay tôi lướt trên trang giấy xác nhận, thấp thỏm, “Chắc thời gian này anh bận lắm, tôi cúp máy trước đây.”

“Bạch Hi.” Anh gọi tôi lại, sau đó ngập ngừng hỏi, “Hai ngày nay em đi đâu?”

Nếu là trước kia, chắc chắn tôi sẽ nổi giận khi nghe anh hỏi vậy, nhưng hôm nay tôi rất bình tĩnh trả lời anh: “Làm chuyện có ý nghĩa. Thế nhé, tôi cúp máy đây, lần sau lại nói chuyện.”

Trong giây phút tôi ngắt cuộc gọi, tôi… rất khâm phục sự kiên quyết của chính mình.

Hết chương 6.2