Anh vừa chán nản nhấn phím tắt thì có cuộc gọi đến của mẹ Quỳnh, mẹ bảo mẹ đang bị cảm, xin phép anh và ông bà thông gia cho Hoài về chăm mẹ. Anh Hoàng sốt sắng định gửi thuốc về nhưng mẹ kêu cảm vặt ấy mà, mấy hôm là khỏi anh cứ an tâm. Thực ra mẹ vẫn khoẻ, chỉ là không muốn con gái mang tiếng dỗi chồng bỏ về nhà mẹ đẻ nên đành viện cớ vậy thôi. Nói chuyện với con rể xong mẹ tất tả chạy xuống bếp gọt ít dứa để xào với mực lá, nãy giờ còn chưa thái hành tây, thế nhưng mắt mẹ đã cay xè. Từ lúc nghe tin dữ ruột mẹ cứ buốt như có người bỏ băng vào, ba Hùng thì ngốc không hiểu chuyện, nghe con gái sắp về lòng phấn khởi lắm, ôm rổ ra bờ biển bới mãi được ít sò và một con cua cỡ nhỡ.
- Sò...nhiều sò...cua nữa....cho...cho...Hoài.
- Ối dồi ôi tôi đã bảo có mực rồi cơ mà? Ông đi ra tận xó xỉnh nào thế? Vào đây tôi rửa chân tay cho.
Chị Hoài về đến cổng nghe tiếng ba cười hềnh hệch, tiếng mẹ càu nhàu chợt thấy tâm trạng nhẹ nhõm hẳn. Chị ùa vào giúp ba mẹ rửa sạch cua và sò. Suốt cả bữa cơm mẹ Quỳnh tránh nhắc tới việc con cái, mẹ cố ý chỉ kể chuyện vui đây đó chọc Hoài cười. Ban đêm cả nhà trải chiếu ra ngoài hiên hóng gió ngắm trăng, ba chị ngồi tựa cột nhà bóc hạt bí, mẹ và chị nằm trên đùi ba buôn dưa.
- Hôm nọ con Như Ý nhà thím Triều sang biếu cân nho, em nó bây giờ không phải nấu cơm ở dưới xưởng gỗ nữa rồi, thấy khoe được điều lên trung tâm thương mại bán đồ nội thất từ tháng trước, nom trắng trẻo ra hẳn. May nhờ có chú Nhất dì Kỷ tạo công ăn việc làm cho mọi người trong nhà bớt khổ, nghe nó bảo cậu Niệm sắp về phải không Hoài?
- Dạ, đúng rồi mẹ. Thi thoảng anh Hoàng nhà con cứ trêu cậu dắt em mắt xanh tóc vàng về hại dì Kỷ lo tái mặt.
Chị Hoài ríu rít tâm sự, bà Quỳnh chẹp miệng kêu chị cũng phải thông cảm cho dì Kỷ, chắc dì sợ cậu Niệm lấy người nước ngoài rồi cậu định cư luôn bên đó thì dì mất con. Cái thằng bé Niệm này mặt mũi sáng sủa ghê lắm, ngày xưa theo Hoài về nhà chơi bà Quỳnh cứ ấn tượng mãi vụ bà bóc cua để vào bát bên cạnh, mời mỏi mồm cơ mà nó dứt khoát động đũa. Bà tưởng nó không thích hải sản nên lật đật chạy qua nhà bà Mai mua mấy quả trứng, ai ngờ về nhà thấy thằng bé đang ăn ngon lành, tất nhiên không phải cua bà bóc mà là cua Hoài bóc. Đêm đến bà nhường cho cái phòng to của bà với ông Hùng, nó lịch sự từ chối nhưng xong lại nhảy vào tranh cái buồng nhỏ xíu của Hoài. Bà phì cười chê thằng nhỏ trẻ con, ông Hùng kêu chắc Hoài làm ở nhà dì Kỷ lâu rồi nên thằng bé thấy thân quen hơn tụi mình. Hồi đó ông vẫn còn minh mẫn, chiều chiều còn cho hai đứa ra biển cùng. Hoài ra khơi cùng ba từ nhỏ, được ba truyền đạt cho trăm ngàn mẹo hay mà vẫn không bằng Niệm học một buổi, ông Hùng trêu Hoài đanh đá quá cá nó sợ chạy hết sang lưới của Niệm rồi. Hoài xị mặt nhìn mấy con tép lít nhít, không cam lòng lén lựa mấy con cá to của Niệm bỏ vào giỏ của mình rồi í ới gọi ba:
- Con tuy bắt được ít nhưng toàn cá to gấp năm gấp mười cá của Niệm đó ba, kiểu chất lượng thắng số lượng á!
Bà Quỳnh nhại lại lời con gái trêu ghẹo hại chị Hoài ngượng chín mặt mày. Sao ngày đó chị có thể ngu dữ vậy? Cậu Niệm khôn như rận ấy làm gì có chuyện cậu không biết chị trộm cá. Chẳng qua cậu giả bộ ngốc nghếch để tối về ba Hùng có cớ phê bình chị thôi, còn nó thì được dịp cười đểu rõ ghét, nhìn cái mặt khốn nạn chị thề chỉ muốn vả cho vài phát. Nó ranh đến mức thi thoảng chú Nhất với ba Thuận ngồi uống trà còn ước giá kể thằng Hoàng và thằng Niệm san sẻ tính cách cho nhau thì phúc, một thằng đỡ quậy, một thằng bớt khờ.
- Tháng trước anh Nam chị Nhung khánh thành nhà mới vợ chồng Hoài bận không về được nhưng Hoàng nó vẫn gửi phong bì đấy. Thôi Hoài ạ, vợ chồng như đũa có đôi, có gì thì bỏ qua cho nhau.
Mẹ Quỳnh cứ thủ thỉ nỉ non khiến chị Hoài nguôi ngoai dần. Chị ngó quanh nhà cái tivi là chồng mua, cái giường chồng đóng, cái cổng cũng chồng xây, bất giác thấy bản thân mình hơi khắt khe với chồng. Sáng hôm sau chị bắt chuyến xe sớm nhất lên thành phố, cầm theo ít cua tươi làm quà cho chị Thư, vừa hay đến bệnh viện thì bắt gặp ông xã cũng khệ nệ xách hai hộp tổ yến to bự qua. Chị mới nhắc có một lần mà anh vẫn nhớ, tự dưng thấy hơi cảm động.
- Vợ lên rồi đó à? Mẹ Quỳnh đỡ chưa vợ?
Cái ông Hoàng khờ này, mẹ nói thế mà cũng tin. Anh còn bận việc công ty nên về trước, chỉ mình chị qua phòng chị Thư trút bầu tâm sự. Chị Thư nghe xong một hồi lắc đầu cảm thán:
- Ôi chao trước khi lấy chị đã cảnh cáo mà cô đâu có nghe. Đã bảo cái ông này hiền đυ.t mà, hồi năm nhất chị thi trượt một môn, buồn quá ra cầu đứng hóng gió mà ông tưởng chị tự tử, cứ sán lại khuyên ngăn hại con bé Kim tức lộn ruột.
Chị Kim là con gái của bạn ba Thuận nên ngày xưa mỗi lần sang chơi khuya quá ba hay kêu anh Hoàng chở chị về. Chị Kim bây giờ đang làm phó quản lý xí nghiệp kẹo bánh chỗ anh Hoàng, mấy năm gần đây chị ấy ít qua nhà chị hẳn, chắc do có người yêu rồi nên bận bịu. Chị Hoài thở dài rồi tiếp tục kể chị Thư nghe về em giúp việc vượt quá bổn phận, theo chị Thư thì loại như thế nên thuê xã hội đen đến dần cho một trận nhớ đời. Tuy nhiên chị Hoài nghĩ ngợi một hồi lại thấy không đành lòng, dù sao con bé vẫn còn nhỏ, trẻ người non dạ. Bởi vậy nên chị lựa chọn phương án ít gây xô xát hơn, buổi tối ăn cơm xong chị thưa chuyện với ba mẹ chồng rằng từ giờ chị khoẻ thì có thể quán xuyến công việc trong nhà rồi, xin ba mẹ cho bé Hằng về quê. Con bé nghe thấy ngay lập tức mếu máo nài nỉ:
- Không đâu, Hằng ứ thích đâu, Hằng nhớ bà lắm á. Bà làm ơn làm phước bà cho Hằng ở lại đi mà bà. Bà trả ít lương cho Hằng cũng được á.
Chuyện lương ít lương nhiều chẳng thành vấn đề với bà Hoà vì còn Hằng được dì Kỷ mướn cùng quê với mấy đứa người làm nhà dì nên lương của nó là dì trả mà. Đuổi nó thì tội mà giữ nó thì bà đâu mất xu nào, hơn thế ngày ngày có người đấm lưng bóp chân thủ thỉ ngon ngọt bên tai cũng thích nên bà tất nhiên không đồng ý. Mà bà đã không đồng ý thì ông Thuận đâu dám ý kiến gì, anh Hoàng cũng im nốt, Hằng sướиɠ nhìn cô Hoài nhếch môi cười mỉa. Cơ mà cái cô Hoài từ lúc về nhà mẹ đẻ lên cô ý như biến thành một người khác ý, hở ra là sai vặt Hằng thôi. Thấy cái Bích bảo thực ra không phải biến hoá gì cả mà bản chất cô Hoài vốn đanh đá như thế, chẳng qua mấy bữa trước đi thụ tinh về phải giữ gìn nên nom hiền hiền thôi, chứ giờ cô đã hiện nguyên hình thành một con hồ ly chín đuôi. Eo ôi không vừa ý cái gì là quát Hằng sa sả đi á, xong Hằng méc chú Hoàng thì cô lại ra cái điều cô thương Hằng nên cô mới dạy bảo, sau này đi làm dâu đỡ khổ.
- Cô Hoài nói có lý đấy. Mày xem cái áo sơ mi hàng thủ công mà mày cứ lười bỏ vào máy giặt như thế thử hỏi sau này chồng mày chịu sao nổi?
Chú Hoàng giả bộ trách Hằng nhưng trong lời nói lại ẩn chứa sự đong đưa không hề nhẹ. Chồng mày? Ý chú phải chăng là Hằng nên chú tâm học nữ công gia chánh để mai sau người chồng như chú còn an tâm làm việc nuôi gia đình. Hằng phì cười liếc trộm chú một cái rồi đem áo đi giặt lại. Nó ngoan thế mà lúc chú Hoàng đi làm vẫn bị cô Hoài gọi vào nói chuyện riêng mới bực chứ.
- Áo trong của con đâu hả Hằng?
- Nóng á, con không thích mặc. Bà còn không nói mắc mớ gì đến lượt cô hỏi? Cô bớt lo chuyện bao đồng đi ạ!
Con nhỏ này, cái mồm lem lẻm đi à, bà không nói là do bà mắt kém rồi chưa nhìn rõ, chứ bà mà thấy cái bộ dạng hớ hênh như thế bà chả táng cho sấp mặt. Chị Hoài cố gắng phân tích nhưng Hằng nó bướng không nghe, chị bực mình cầm quyển sổ chi tiêu xuống nhà nhờ mẹ chồng xem sáng nay mình đi chợ thế đã hợp lý chưa. Bà Hoà đem kính lão ra săm soi mãi mà không phát hiện được điểm gì sơ hở, chỉ là, bà vừa ngẩng mặt lên thì hai quả bưởi của con Hằng đập ngay vào mắt bà, ông Thuận ngồi xem tivi ngay đấy mà nó dám cầm cây chổi lau nhà đi qua đi lại mới láo nháo chứ nị. Điên hết cả người, bà đứng dậy đá bay chậu nước ra sân rồi lôi nó vào buồng tắm xả giận:
- Cái con nặc nô này nữa, mày chê mướp bà già nên mày tính dâng bưởi non hả? Con gái con lứa, ăn với chả mặc, nom không khác gì con lợn sề mới đẻ. Đến con lợn sề nó còn biết xí hổ, cái loại mày ý à, trơ trẽn, vô duyên, ngu xuẩn.
Bà Hoà mà đã chửi thì kinh lắm, cơ mà con Hằng cũng dẻo mỏ không kém phần. Nó bao biện do sơ suất nhỏ những ngày nóng bức chứ nó nào dám so với bà, bà mắng rất đúng, bưởi nó dẫu sao cũng chỉ là bưởi non bưởi xanh, còn mướp của bà mới là mướp vàng mướp bạc, mướp hương mướp quý. Ông Thuận thấy ầm ĩ thì thở dài tắt tivi bỏ lên phòng làm việc trên tầng ba, trầm ngâm lật qua lật lại quyển sổ cũ kỹ đã phai màu. Tấm ảnh đen trắng ở trang đầu tiên là hình dì Kỷ bồng Niệm, thằng nhỏ nom kháu khỉnh quá, trang thứ hai có ảnh Niệm đang tập bò, trang thứ ba là ảnh thằng bé đạp xe cút kít, ông lật từng trang, từng trang một rồi dừng lại ở bức ảnh Niệm chui trong đống lưới từ cái thuở nó còn là học sinh tiểu học. Hồi đó chú Nhất dì Kỷ đi vắng gửi Niệm cho ông và bà Hoà nên ông đưa nó về biển tham dự hội giảng cùng. Đã dặn khản cả cổ rằng con phải ngồi thật ngoan rồi mà cái thằng bướng bỉnh, ngoảnh đi ngoảnh lại chẳng thấy nó đâu hại ông sợ thất kinh, hớt hơ hớt hải chạy đi tìm. Mất cả tiếng đồng hồ mới phát hiện ra cu cậu đang nghịch trên một con thuyền nhỏ dập dềnh bên bờ biển, thấy ông giận phừng phừng thằng bé hoảng hốt đứng dậy chỉ vào con nhỏ bên cạnh, dõng dạc méc tội:
- Là chị này dụ con.
Con bé kia đang ngồi đan lưới giật nảy mình ngẩng lên, nó ngơ ngác nhìn quanh ngó dọc một hồi, ấp úng nói:
- Con...con không có dụ em...
- Vậy con nói thầy nghe em nhỏ xíu thế này làm sao trèo được lên cái thuyền cao như vậy? Em có cánh hử?
- Con...con không biết...
Con bé ngang nhiên chối tội khiến ông hơi khó chịu, nhìn vào phù hiệu trên áo nó thì biết tên Thu Hoài, học sinh lớp 7A do cô Hồng Phương làm chủ nhiệm nên ông dắt về cho cô giáo xử lý. Mặc dù hôm đó lớp 7A được nghỉ học nhưng cô Phương vẫn phạt Hoài đứng cạnh cột cờ nửa tiếng. Đoạn, cô dẫn ông và Niệm vào nhà ăn của trường dùng bữa trưa. Vừa mới ăn xong đã thấy cu cậu chạy ra chỗ chị, xoè bàn tay nhỏ xíu có chiếc kẹo dừa thơm lừng ra trước mặt chị.
- Chả thèm! Em mau vào bảo thầy cô chị không dụ em đi!
Thằng bé lắc đầu nguầy nguậy, con bé giận dỗi xị mặt. Đến khi con bé hết bị phạt, chả rủ rê chút nào mà thằng bé vẫn cứ lẽo đẽo đi theo nó, thấy tò mò nên ông bí mật bám đằng sau. Bé Hoài về lại chiếc thuyền tiếp tục đan lưới, còn thằng Niệm, ông tưởng như không thể tin vào mắt mình, nó quả thật tự trèo được lên thuyền, như con khỉ con đu bám đến siêu. Ông hắng giọng gọi Niệm ơi thì thằng nhỏ ranh ma trốn luôn vào đống lưới chị đang đan, còn suỵt suỵt với chị như kiểu đống lưới đó có thể che kín nó không bằng. Ông Thuận mắc cười quá chụp luôn kiểu ảnh lưu niệm, đến giờ nhìn lại tấm ảnh đó ông vẫn thấy vui vui.
- Ơ cái con bé trong ảnh nom giống con hồi nhỏ ghê!
Chị Hoài thắc mắc, tay vẫn cầm chổi quét mạng nhện trên tường. Ông Thuận nheo mắt nhìn con dâu, từ lần đầu tiên gặp lại chị bên nhà dì Kỷ ông đã nhận ra, còn chị Hoài nghe ba chồng kể chuyện tự nhiên ớ người. Phải rồi, thảo nào hồi xưa tới nhà dì chị nom cậu Niệm thấy quen quen, hoá ra chính là cái thằng nhóc hư hỗn đó. Láo nháo thật đấy, chị lén chụp lại bức ảnh của ba Thuận làm bằng chứng, đợi khi nào cậu về nước tính sổ sau. Cái thằng này nó như khắc tinh của chị ý, chẳng bù cho anh Hoàng, ân tình của anh chị trả cả đời khéo không hết. Vừa nhắc tới chồng thì nghe tiếng chồng gọi, bữa nay chồng lại về sớm lạ thường, chị Hoài vui vẻ xuống dưới nhà, tiếc rằng có người đã đón ông xã hộ chị rồi. Chị biết bé Hằng thích mách lẻo, cơ mà không thể ngờ được nó có thể trơ trẽn đến thế, điềm nhiên cởϊ áσ trong rồi ép sát sàn sạt vào người chồng chị.
- Đó, chú xem. Nóng nực thì bỏ ra chút, bên ngoài vẫn có áo che mà cô Hoài khó tính làm căng, hại người ta bị bà mắng mỏ tội nghiệp kinh lên á.
Vâng, đúng như bé nói là có áo bên ngoài, cơ mà áo mỏng tanh à, lại còn trễ cổ nữa, chị Hoài đứng từ trên cầu thang nhìn xuống hai quả bưởi còn đỏ mặt huống chi anh Hoàng. Khá khen cho ông xã nhà chị, chẳng những vượt chướng ngại vật thành công mà lần này còn cùng quan điểm với vợ.
- Cô khó là đúng rồi, mày hớ hênh thế nhỡ nhà có khách thì còn ra thể thống gì nữa, con gái lớn rồi nên kín đáo một chút.
Hằng nom chú Hoàng giận mà hai má nóng ran, chú lên cơn ghen rồi đấy, đàn ông mà, làm gì có ai muốn người phụ nữ của mình hở hang cho đàn ông trong thiên hạ chiêm ngưỡng. Hằng còn chưa kịp mặc lại áo cho chú an tâm thì đã bị bà Hoà lôi vào phòng chửi thêm cho một trận nữa vì tội ban ngày ban mặt giở trò mèo câu dẫn con trai bà, bà mắng ghê quá hại Hằng phải lí nhí thú nhận:
- Thực ra...con...con thật lòng thương chú, muốn đẻ giúp chú thằng cu. Con mong con mình có được người cha giỏi giang như chú, người bà vĩ đại như bà, chỉ cần vậy là con mãn nguyện rồi. Bà yên tâm, đẻ xong con sẽ về quê ngay chứ không bao giờ dám nghĩ quá phận.
Bà Hoà nghe con bé trình bày như được rót mật vào tai. Nếu anh Hoàng chịu thì cứ chửa đẻ tự nhiên cho nó đỡ tốn kém, thật tốt quá đi thôi. Bà gọi con trai xuống nói chuyện mà ông Thuận kêu anh đưa vợ đi chơi rồi. Gớm cái con Hoài kiếp trước giải cứu thế giới hay sao mà kiếp này lấy được người chồng tốt như Hoàng nhà bà. Anh Hoàng thì nghĩ ngược lại, may mắn lớn nhất đời anh là rước được Hoài. Anh mê vợ từ cái thuở vợ giành vương miện hoa khôi miền biển cơ, hồi đó thần tượng lắm, cứ đợi vợ xuống thành phố thi hoa hậu để xin chữ ký mà mãi không thấy. Hôm gặp lại vợ ở chỗ Thư hỏi chuyện mới biết ba Hùng không cho vợ đi thi tiếp, rồi lúc biết tin vợ chuyển về nhà dì Kỷ làm toàn thời gian, anh sướиɠ mất ngủ cả đêm. Có đợt trung tâm thương mại của chú Nhất mới khai trương chưa ổn định nhân sự, anh được cử tới đó làm thu ngân tạm thời ở quầy mỹ phẩm, tình cờ gặp vợ với cậu Niệm ghé qua mà tim anh run bắn lên ấy. Cái cậu Niệm ác ghê, son phấn thử ở đâu không thử, lấy luôn mặt vợ làm chuột thí nghiệm, tô tô vẽ vẽ xanh đỏ tím vàng choe choét hết cả, đến lúc vợ phát hiện ra thì cậu đã bỏ sang gian khác rồi. Anh nhân cơ hội chạy qua đưa giấy ướt cho vợ, vợ vừa lau vừa cảm ơn anh không ngớt. Rồi anh còn lén bỏ một hộp phấn vào chiếc balô nhỏ vợ đeo đằng sau làm quà tặng, cơ mà anh quên không gỡ chíp chống trộm hại vợ bị nhân viên nghi oan là kẻ cắp. Anh định chạy ra minh oan cho vợ, nhưng thấy chú quản lý đi qua tự dưng bước chân chững lại. Liệu chú có tin lát anh sẽ trả tiền hộp phấn đầy đủ không? Hay chú sẽ nghĩ anh biển thủ mỹ phẩm? Nếu mang tiếng nhơ, sau này con đường thăng tiến của anh sẽ ra sao? Nhưng người anh thương đang bị mắng xối xả, anh là đàn ông thì nên đứng ra giải thích mới phải chứ, anh vừa đưa ra được quyết định thì nghe tiếng cậu Niệm:
- Hộp phấn đó là tôi lấy.
Lòng anh như trút được gánh nặng ngàn cân, cậu khác anh, cậu là con trai chú Nhất, chú Nhất lại là chủ trung tâm thương mại này nên chẳng ai nghĩ cậu trộm đồ cả, cùng lắm thì người ta cho rằng cậu đãng trí. Cậu Niệm đưa tiền nhưng chú quản lý xua đi kêu tặng, cậu bảo vậy thì cậu nể tình khai sáng cho chú một vài mẹo bán hàng nhỏ. Chú chăm chú nghe cậu mách nước, về sau áp dụng thì đúng là doanh thu theo ngày tăng gấp năm gấp bảy. Chú cứ tấm tắc khen cậu mãi, anh thấy bình thường mà, cậu trẻ tuổi, nắm bắt tâm lý giới trẻ nhanh hơn anh và chú là điều hiển nhiên. Chú quản lý giờ đã lên Giám đốc rồi nên hôm nay anh đưa vợ tới đây không gặp chú, anh bảo vợ thoải mái chọn son phấn nhưng vợ không có hứng, ánh mắt rầu rĩ nhìn vào gian bán đồ cho trẻ sơ sinh ở bên cạnh.
- Bao giờ thì được sang gian bên đó anh nhỉ?
Giọng vợ nghèn nghẹn khiến lòng anh nao nao.
- Đi, đi sang...mình mua trước cũng được mà.
- Thôi anh ạ, mua về cô Bích cười cho đấy.
Anh đưa tay lau đi giọt nước mắt vương trên gò má vợ, mang tiếng dẫn vợ đi mua sắm nhưng toàn anh chọn đồ cho vợ, còn vợ thì chả để tâm, chỉ chăm chăm nhìn mấy chị có bầu rồi trầm trồ:
- Chị đó giỏi dã man ý chồng nhỉ? Ai lấy được chị phúc ghê, chẳng bù cho anh vớ phải con vợ không biết đẻ.
Anh vỗ nhẹ lên vai vợ an ủi rồi đưa bà xã đi ăn bên ngoài cho khuây khoả. Lúc hai vợ chồng về thì mẹ đã đứng đợi sẵn ngoài cổng. Bà Hoà nom con dâu chướng mắt ghê, đã dặn bao nhiêu lần phải chi tiêu hợp lý rồi mà lần nào đi chơi nó cũng vòi vĩnh chồng đủ thứ, nghĩ bực bực nên bà hắng giọng chẳng hề nể nang:
- Giờ anh Hoàng định tính thế nào nhờ? Anh không nghĩ cho anh thì cũng phải nghĩ cho cái bà già này chứ? Mẹ người ta tay ẵm tay bồng, mẹ anh sắp xuống lỗ rồi vẫn chưa được ngửi hơi cháu nội là thế nào nhỉ anh nhỉ?
- Mẹ từ từ để tụi con tính.
Anh Hoàng lễ phép thưa, mẹ anh gạt đi:
- Không cần tính toán gì cả. Mẹ tính cho anh hết rồi, mẹ đã tìm được người đẻ thuê cho anh, người ta thương anh nên người ta sẵn sàng hi sinh cho anh. Nguyện đẻ cho anh thằng cu bằng phương pháp tự nhiên, không tốn của anh xu nào cả. Anh thương mẹ anh, thương người ta thì anh ừ một câu cho nó xong chuyện.
Điều mà chị Hoài sợ nhất rốt cuộc cũng tới, dẫu đã lường trước được mẹ sẽ làm thế nhưng nghe chính mẹ nói ra lòng chị vẫn đau xót khó tả. Chị biết bản thân chẳng đủ tư cách, mà trong thâm tâm vẫn mong chồng hiểu cho cảm xúc của mình, tiếc rằng anh lại tò mò hỏi:
- Người ta là ai hả mẹ? Có đáng tin không?
Bà Hoà mừng rỡ, bà liếc về phía con Hằng đang bẽn lẽn đứng dựa bên giàn hoa thiên lý, gớm mặc cái váy hoa của con Bích nom xinh đáo để cơ. Bà vẫy tay gọi nó ra, nó ngại ngùng chạy tới ôm bà, hai má hây hây hồng. Bà biết nó thẹn nên mở lời thay:
- Đây, em Hằng, đã đủ đáng tin chưa?