Thanh Vân Đài

Chương 207

Nửa tháng sau.

Kinh đô thức giấc trong tia nắng ban mai đầu tiên, sau vài trận tuyết rơi, trời trong nhiều ngày liền, bầu trời quang đãng khiến tâm tình tươi sáng hơn, toàn thành sôi động hẳn, trong ngoài ngõ Lưu Thủy gần như chật kín người, tiếng la hét, tiếng rao hàng, từ sáng sớm đã thành dòng người dài bất tận, trước cổng thành cũng có hàng dài người ra vào thành, may thay vụ án đã sắp kết thúc, không cần giới nghiêm nữa rồi.

Đức Vinh đặt vào tay Cố Phùng Âm một hộp bánh ngọt của tiệm Lưu Kí, “Thiên nhi nghe nói nghĩa phụ thích ăn bánh của tiệm này, sáng sớm đã tới đầu ngõ Lưu Thủy mua, được mấy khi hắn chu đáo như thế, nghĩa phụ cầm lấy đi đường ăn lót dạ. Đợi tính toán xong sổ sách cửa tiệm trong kinh, con sẽ cho người đem sổ sách và số hàng hóa còn lại về Cật Bắc.”

Cố Phùng Âm muốn bàn giao cửa tiệm ở kinh thành cho Đức Vinh lo liệu, nhưng Đức Vinh nói có khả năng hắn sẽ không ở kinh thành lâu dài, Cố Phùng Âm không còn lựa chọn nào ngoài đóng cửa tiệm.

Thanh Duy sai Triêu Thiên đưa mấy bộ đồ lông thú mới may cho quản gia, nói với Cố Phùng Âm: “Được rồi Cố thúc, trời lạnh nên thúc đi đường nhớ chú ý nhé, tôi không đưa tiễn nữa.”

Bây giờ Cố Phùng Âm đã biết được thân phận thật của nàng, nửa mừng nửa lo nói: “Thiếu phu nhân khách khí quá, cũng không phải lần đầu lão hủ đến phương bắc, làm phiền thiếu phu nhân mua nhiều đồ cho lão hủ rồi.”

Thanh Duy mỉm cười: “Cố thúc đến Cật Bắc thì nhớ gửi thư về nhé.”

Cố Phùng Âm quyết định sẽ đến Cật Bắc. Đôn Tử đã chết, một phần gia sản ông để lại cho Đôn Tử không ai nhận, Đức Vinh và Triêu Thiên lại không cần cửa tiệm trong kinh, sau mấy ngày nghĩ lui nghĩ tới, Cố Phùng Âm quyết định từ bỏ, dù gì cũng đã già rồi, may mà xương cốt còn chịu được. Ngày xưa ông nhận nuôi trẻ mồ côi, vận chuyển tơ lụa đến Trung Châu, sau đó từ Trung Châu bán đi khắp Đại Chu, nghĩ rằng làm thế là đang giúp Cật Bắc, nhưng nay ngẫm lại mới thấy vẫn còn chưa thấu đáo. Nửa đời tích góp được được rất nhiều tài sản, trước khi quá già ông muốn làm một chuyến cuối cùng, ngày xưa ông bán hàng hóa từ Cật Bắc đi khắp nơi, giờ lại muốn đưa hàng từ nơi khác về Cật Bắc.

Mọi người đứng ngoài cổng thành nói chuyện một lúc, trong khi trời còn sớm, Cố Phùng Âm nhanh chóng lên đường. Đức Vinh dắt xe ngựa tới, “Thiếu phu nhân, về nhà chưa ạ?”

Vầng thái dương nhô chiếu sáng xung quanh, Thanh Duy nghĩ ngợi: “Chưa về, đi dạo xung quanh đi.”

Nàng mặc áo chùng chống lạnh, tuy nhiên áo chùng không có mũ trùm đầu, để lộ gương mặt sạch sẽ. Nàng vốn dĩ đã ưa nhìn, người đã gặp ắt sẽ không quên. Vô tình có quan binh đi ngang qua, có vẻ nhận ra nàng, song lại chẳng nói gì mà chỉ thúc ngựa rời đi. Tuy triều đình vẫn chưa đưa ra phán quyết cuối cùng, nhưng quan viên trong kinh như đạt được thỏa thuận ngầm, không còn hô hoán truy sát nữ Ôn thị nữa.

Đã nhiều năm rồi Thanh Duy mới có thể đi lại trên phố mà không cần trốn tránh.

Triêu Thiên dè dặt hỏi ý: “Thiếu phu nhân, phía đông thành vừa mở một tiệm binh khí, tiểu nhân muốn sang xem.”

“Được.” Thanh Duy gật đầu ngay tắp lự, “Đi xem thế nào.”

Trong thành có sự yên tĩnh khác thường, không phải im ắng vô thanh, mà là dù đứng giữa âm thanh náo nhiệt thì vẫn khiến người ta yên bình thư thái.

Thật ra hôm ấy Tạ Dung Dữ dẫn tam ti đến cửa cung giải thích không mấy thuận lợi, có người nghe được nửa chừng đã kích động, thậm chí có người yêu cầu triều đình lập tức xử tử tất cả nghi phạm, cho đến cuối cùng khi hé lộ tất cả sự thật, mặc dù cơn giận của mọi người đã lắng, thay vào đó lại là sự hoang mang.

Có một số chuyện như vậy đấy, những lời đồn vu vơ rất dễ khiến người ta căm phẫn, còn chân tướng lại là một pho tượng khổng lồ khó tiếp nhận, khi bày ra trước mắt, gần như sẽ khiến tất cả lặng thinh.

Mọi người tụ tập trước cửa cung đã lâu, đợi từ sáng sớm đến tối mịt, nhưng lần này bọn họ không biết đang chờ đợi điều gì, mãi tới khi gió chiều nổi lên, có sĩ tử ngập ngừng nói: “Mọi người đi về thôi.” Thì đám đông mới dần giải tán.

Cùng lúc đó, các bộ nha ti của triều đình bận bù đầu. Chương Hạc Thư, lão thái phó, Trương Chính Thanh đã bị tống giam, Tào Côn Đức cũng bị giam cầm trong cung, trong quá trình thẩm vấn, những người có liên quan đến vụ án cũng lần lượt bị áp giải lên kinh, thư trắng như tuyết rơi bay khắp kinh thành, quan viên ngân đài làm việc liên tục. Mừng là vẫn có tin tốt, hồi sáng Lăng Xuyên gửi thư đến, báo rằng Chương Đình đã tỉnh.

Chẳng rõ có phải là vì nghiệt duyệt hay không, mà khi Khúc Mậu vừa đến Đông An thì Chương Đình lập tức tỉnh dậy.

Khúc Bất Duy đã để lại khúc mắc trong lòng Khúc Mậu, trên đường tới Lăng Xuyên hắn không ngừng gặp ác mộng, không ngày nào ngủ ngon giấc. Hắn nghĩ Chương Đình cũng đồng bệnh tương liên với mình, có lẽ có cách giúp giải tỏa, nhưng khi hắn chạy tới dinh thự, cha của Chương Đình sắp đi mà hắn vẫn ngủ say bất tỉnh nhân sự, Khúc Mậu chợt cảm thấy hóa ra Chương Lan Nhược cũng chỉ vậy mà thôi.

Từ bé đến lớn, Chương Đình luôn ưu tú hơn Khúc Mậu mọi mặt, mà nay chẳng mấy khi Khúc Mậu chiếm thế thượng phong, tự dưng tâm trạng cũng thoải mái hẳn, mây mù trong lòng tan biến, bao mệt mỏi hóa thành hư vô, Khúc Mậu cảm thấy mí mắt nặng trĩu, ngủ gục ngay trước giường Chương Đình.

Người hầu trong phòng thấy đã có Khúc Ngũ gia chăm trước giường, yên tâm đi sắc thuốc.

Mà thật không khéo, đúng lúc này Chương Đình lại tỉnh.

Thật ra Chương Đình đã tỉnh từ lâu, hai ngày qua cũng có mở mắt một lần, nhưng vì quá mệt nên nhanh chóng ngủ thϊếp đi. Còn bây giờ Chương Đình lại không nhắm nổi mắt – Khúc Mậu ngáy to đến nỗi hắn không ngủ nổi!

Chương Đình khàn giọng kêu nước mấy lần, nhưng Khúc Mậu ngủ quá say, không nghe thấy.

Chương Đình cố kìm lửa giận đợi người hầu về.

Hay tin Tiểu Chương đại nhân đã tỉnh, người hầu tức khắc mời đại phu và gọi nô bộc đến, ngay cả hội Tề Văn Bách và Tống trưởng lại cũng từ châu phủ chạy tới. Tiếng bước chân và âm thanh líu ríu trong phòng đã đánh thức Khúc Mậu, hắn mở đôi mắt ngái ngủ, khi vươn vai, tình cờ đập vào tay người hầu đang đút thuốc.

Người hầu loạng choạng, đổ nửa chén thuốc vào họng Chương Đình, nửa còn lại hất vào mặt hắn, Chương Lan Nhược còn đang lơ mơ thì bị kéo quay về thế giới thực, hắn tức tối quát lớn: “Khúc Đình Lam, ta đúng là… đúng là nợ ngươi từ kiếp trước!”



***

“… Tề đại nhân nói, bệnh tình của Tiểu Chương đại nhân không còn đáng ngại nữa, nhưng vì vừa dậy nên vẫn phải tĩnh dưỡng thêm ít hôm. Tiểu Chương đại nhân định viết tấu sớ thuật lại đầu đuôi sự tình trong núi Chi Khê hôm ấy, may có Tề đại nhân ngăn ngài ấy lại.”

Thượng thư bộ Hình nhận được thư khẩn, báo cáo lại lúc vào yết kiến cùng Đại Lý Tự khanh.

Triệu Sơ nói: “Chuyện này cứ từ từ, khanh hãy thay mặt trẫm gửi thư, dặn Chương Lan Nhược chú tâm dưỡng bệnh trước.”

“Ngoài ra…” Thượng thư bộ Hình do dự một lúc, “Bẩm Quan gia, năm ngày trước Trương Nhị công tử đã rời kinh rồi.”

Huyền Ưng Ti cùng tam ti đã thẩm vấn Chương Hạc Thư và lão thái phó nhiều ngày, còn Trương Viễn Tụ nói vô tội cũng được mà có tội cũng đúng, chỉ chắc chắn một điều rằng, y chưa thực sự làm hại bất cứ ai. Cái chết của hộ buôn thuốc nằm ngoài dự đoán của y; giúp Tào Côn Đức nuôi chim truyền tin cũng không phải tội ác tày trời; người xúi giục sĩ tử tụ tập ở cửa cung là Tào Côn Đức, tuy y biết mà không báo, nhưng may triều đình giải quyết thích đáng nên chưa gây ra hậu quả xấu nào. Cho nên sau mấy ngày giam giữ Trương Viễn Tụ, Thượng thư bộ Hình đích thân mở cửa lao, nói với y: “Đi đi.”

Trương Viễn Tụ ngước mắt, bình bình hỏi: “Triều đình không trị tội của tôi à?”

Thượng thư bộ Hình không trả lời.

Trương Viễn Tụ suy nghĩ, cuối cùng không hỏi nữa mà lặng lẽ rời đi.

Y không về nhà cũ thành tây mà đến phủ thái phó, nơi y và Trương Chính Thanh cùng nhau lớn lên.

Người của phủ thái phó quả biết tình nghĩa, cho dù lão thái phó và Trương Chính Thanh đã bị bắt giam, tôi tớ trong phủ không ai rời đi. Trương Viễn Tụ ngồi một mình trong thư phòng nơi y từng đọc sách học vẽ ba ngày ba đêm, cuối cùng nói với Bạch Tuyền: “Chúng ta đi thôi.”

Xe ngựa rời kinh vào sáng sớm năm ngày trước, phía trước xe treo một tấm biển có chữ “Trương”, mặc dù lính canh ở cổng thành nhìn thấy, nhưng không biết được ai nhờ vả mà không hề chặn lại.

Thượng thư bộ Hình nói: “Xe ngựa đi về hướng nam, xem ra Trương Nhị công tử muốn đến Lăng Xuyên.”

Nói đoạn, ông chợt quỳ thụp xuống đất, “Bẩm Quan gia, tội thần đáng chết muôn lần.”

Với thân phận của Trương Viễn Tụ bây giờ thì y tuyệt đối không thể rời kinh, chỉ vì có người chạy chọt nên y mới có thể bước ra khỏi cổng thành. Mà người có bản lĩnh để y bình an rời đi, ngoại trừ hoàng đế, chỉ có đại thần quyền cao chức trọng.

Lão thái phó có học trò đệ tử khắp thiên hạ, tuy Thượng thư bộ Hình không được ông truyền dạy, song ngày trước đường làm quan của Thượng thư đại nhân cũng rất chông chênh, may nhờ có lão thái phó mến mộ nhân tài, nhiều lần tiến cử với triều đình nên ông mới có ngày hôm nay.

Lão thái phó đã già, sinh mệnh hay quan lộ đều đã đi đến điểm cuối, chỉ có duy nhất một tâm nguyện, đó là hi vọng Trương Vong Trần có thể quên đi trần thế. Dù bị tống vào lao ngục, lão thái phó cũng chỉ khẩn cầu Thượng thư bộ Hình rằng: “Nói với Vong Trần là nó vẫn chưa đi xa, vẫn có thể ngoái đầu…”

Vì vậy Thượng thư bộ Hình đã nghĩ, nếu đã không phân rõ Trương Viễn Tụ có tội hay vô tội, thì để ông tự ý làm chủ một lần, cũng coi như báo đáp ân tình của lão thái phó.

Triệu Sơ nhìn Thượng thư bộ Hình quỳ gối dưới đại điện thỉnh tội, chậm rãi nói: “Trẫm nhớ trong buổi chầu đầu tiên khi trẫm đăng cơ, các tướng quân và hai vị đại nhân Chương, Hà khắc khẩu không ngừng, trẫm chỉ biết ngồi trên long ỷ mà không thể nói được một lời, như một người ngoài chỉ biết đứng nhìn, cuối cùng Đại Lý Tự Tôn Ngải và các văn sĩ Hàn Lâm phải đứng ra hỏi, ‘ý Quan gia thế nào’. Hai ba năm sau, mỗi lần có buổi chầu triều, hội Tôn Ngải luôn hỏi ‘ý Quan gia thế nào’, dù lúc ấy trẫm trả lời thế nào cũng không quan trọng. Lão thái phó thường nói chưa giúp được gì cho trẫm từ khi trẫm kế vị, nhưng trẫm biết, Tôn Ngải cùng các văn sĩ đều là học trò của ông ấy.”

Trải qua vụ án này, vị hoàng đế trẻ tuổi càng lúc càng chín chắn, “Ái khanh bình thân, trẫm không trách khanh. Con người nào phải cỏ cây mà có thể vô tình, tuy luật pháp nghiêm khắc, nhưng nhìn chung vụ án này ai cũng có tư tâm, không phải vị tiên sinh dạy vẽ cũng vậy sao, thư sinh lên kinh cáo trạng cũng có tư tâm đấy thôi. Đôi khi trẫm cảm thấy, có lẽ trong khuôn khổ pháp luật nên chừa chút đường sống, thế mới thực sự yên ổn được lâu dài.”

Thượng thư bộ Hình đứng dậy, “Đa tạ Quan gia rộng lượng.”

“Chẳng qua,” Triệu Sơ thở dài, “Sự ngoan cường của ba cha con họ Trương là di truyền, triều đình tha thứ cho Trương Vong Trần, có điều, Trương Vong Trần có tha thứ cho bản thân không thì không rõ.”

Triệu Sơ dừng lại, sau đó hỏi: “Tại sao khanh lại nói có mấy người trong vụ án này không thể bị kết án?”

“Là thế này,” Đại Lý Tự khanh tiếp lời, “Chắc chắn nhóm Khúc Bất Duy, Phong Nguyên sẽ bị trừng trị kịch khung, nhưng khó là khó ở Chương Hạc Thư. Tuy Khúc Bất Duy, lão thái phó đều xác nhận cáo buộc Chương Hạc Thư tham gia vào vụ án mua bán danh ngạch, bản thân Chương Hạc Thư cũng đã khai, khổ nỗi, chúng ta lại không có bằng chứng.”

Hay chính là không có vật chứng.

Bằng chứng duy nhất có thể chứng minh Chương Hạc Thư tham gia vào vụ án đó là thẻ bài trống ông ta làm giả, dù Tạ Dung Dữ đã điều tra ra người thợ thủ công, song người kia đã qua đời từ một năm trước, Huyền Ưng Ti đến Khánh Minh một chuyến vô ích.

Nếu chỉ là một vụ án bình thường, nếu tất cả lời thú tội của tội phạm đều nhất quán đầy đủ và bản thân nghi phạm đã nhận tội, vậy chỉ cần kết án là xong. Nhưng vụ án Tiển Khâm Đài liên đới quá rộng, mọi tội danh Chương Hạc Thư phạm phải đều liên quan đến lão thái phó, Trương Chính Thanh và những người khác, nếu không có lấy nổi một bằng chứng vật chứng, đợi tới lúc chiêu cáo thiên hạ thì rất khó để dân chúng tin tưởng.

“Vật chứng là thứ nhất, còn thứ hai…” Đại Lý Tự khanh do dự, “Dù sao thì… Chương Hạc Thư cũng là quốc trượng.”

Tựa hồ để trả lời câu nói ấy, một tiểu hoàng môn hớt hải chạy tới ngoài điện Tuyên Thất, quỳ xuống trước cửa, “Quan gia, ngài mau đến điện Nguyên Đức đi, Hoàng hậu nương nương… nương nương đã lấy mũ phượng và huy y* ra, nói muốn trả lại hoàng từ.”

(*Huy y: Trang phục của bậc Hậu.)

Trả lại mũ phượng và huy y cho hoàng từ là lễ chế chỉ khi phế hậu mới có.

Chẳng lẽ Chương Nguyên Gia muốn… yêu cầu được phế hậu?

Thượng thư bộ Hình và Đại Lý Tự khanh vội vàng bước sang một bên.

Triệu Sơ biến sắc, chàng bước xuống đài, vội vàng đi tới điện Nguyên Đức.