Vệ quân kinh thành đang đi tuần quanh lều, Nhạc Ngư Thất không tiện nán lại lâu, nhanh chóng lách ra ngoài.
Nhưng ông không đi xa mà chờ trên một gốc cây gần đó, đợi tới tận sáng hôm sau khi vệ quân đã rút lui, Nhạc Ngư Thất lại tiến vào lều, song Thẩm Lan đã chết.
Tiển Khâm Đài sập quá đột ngột bất ngờ, nhẽ ra sĩ tử may mắn sống sót phải nên được dốc lòng cứu chữa, nhưng bây giờ lại có người bị độc hại chết, Nhạc Ngư Thất dấy lên rất nhiều nghi vấn. Ông nhanh chóng đến tìm Tề Văn Bách, cùng điều tra cái chết của Thẩm Lan, mặt khác, để hoàn thành tâm nguyện của Thẩm Lan, ông quyết định sẽ đi tìm cô con gái mà Thẩm Lan đã nhắc.
Nhưng bất ngờ thay, theo như chi tiết hộ tịch ghi chép, Thẩm Lan không có con gái.
Y mất vợ từ lâu, về sau cũng không tái giả, nửa đời không sinh con, vậy cô con gái này từ đâu ra?
***
Tề Văn Bách nói: “Chuyện càng kỳ quặc thì càng chứng tỏ bên trong có gì đó. Cho nên tại hạ đã phái người âm thầm điều tra, cuối cùng vào tháng Chín cùng năm, đã điều tra ra tung tích con gái của Thẩm Lan.”
***
Đúng là Thẩm Lan có một cô con gái tên Uyển Uyển, được sinh bởi vong thê của ông. Vợ ông qua đời do khó sinh.
Nhắc tới Thẩm gia, tổ tiên nhà họ kinh doanh tranh chữ, cũng được xem là phú hộ Đông An, tiếc thay đến thế hệ Thẩm Lan thì gia nghiệp dần lụn bại. Vốn dĩ ông cha trong nhà không đồng ý hôn nhân giữa Thẩm Lan và vong thê Bạch thị, nói Bạch thị phúc mỏng mệnh khổ, bát tự không hợp với Thẩm gia. Nhưng Thẩm Lan và Bạch thị là thanh mai trúc mã, yêu nhau sâu đậm, dưới sự cương quyết của Thẩm Lan, cuối cùng Bạch thị vẫn qua cửa.
Bạch thị quả đúng là mệnh khổ, vào đêm hạ sinh Uyển Uyển, bà còn chưa kịp nhìn mặt con gái đã ra đi. Rồi sau đó, không biết là cô con gái Uyển Uyển sinh vào giờ âm khắc âm dễ rước họa, hay vốn dĩ Thẩm gia đã hết thời vận, mà ông cha trong nhà lần lượt qua đời, gia nghiệp xuống dốc, con út phòng ba chào đời chưa đến một tháng đã đổ bệnh nặng qua đời. Trưởng bối trong nhà trách rằng toàn bộ những chuyện đó là lỗi của Uyển Uyển, tìm thầy bói đến xem, thầy bói cũng nói Uyển Uyển có số khắc người thân, chặt đứt tài vận, mẹ đẻ nàng ta chết trong lúc sinh nàng ta chính là ví dụ rõ rệt nhất, thế là Thẩm gia nhen nhóm ý muốn đưa Uyển Uyển đi.
May mắn là cũng có người muốn nhận đứa trẻ sinh vào giờ âm khắc âm. Trong số mệnh có cách nói thế này, phúc vận quá vượng cũng không phải chuyện tốt, cây cao quá rừng ắt bị gió thổi quật, cần tìm một đứa trẻ sinh vào giờ âm để áp chế.
Lúc bấy giờ ở Đông An, vừa khéo có một gia đình họ Doãn muốn nhận nuôi đứa trẻ sinh vào giờ âm, Thẩm gia bèn đưa Uyển Uyển đến Doãn gia. Từ đấy trở đi, Uyển Uyển không còn được gọi là Uyển Uyển nữa, nàng đổi sang họ Doãn, tên Doãn Uyển.
***
Nghe đến đây, Doãn Trì ngơ ngác lên tiếng: “Như thế có nghĩa, Uyển Uyển không phải là em gái ruột của tôi, muội ấy họ Thẩm, là Uyển Uyển con gái của thầy Thẩm. Nhưng những chuyện này, vì sao không ai nói tôi biết?”
Tề Văn Bách thở dài: “Phải bắt đầu nói từ đâu đây? Thẩm Lan này, y là một kẻ si tình…”
***
Thẩm Lan là kẻ si tình, cả đời chỉ yêu một mình Bạch thị.
Đêm cưới Bạch thị, ông đã quỳ trong từ đường tổ tông thề thốt, thề rằng cả đời này sẽ không nạp thϊếp, suốt đời suốt kiếp chỉ có mình Bạch thị. Ngày Bạch thị còn sống, hai người họ đi đâu cũng có nhau, ân ái tình nồng. Về sau Bạch thị qua đời, có thể tưởng tượng được ông đau đớn đến chừng nào, nghe nói ông không ăn không ngủ chỉ để túc trực linh cữu của Bạch thị, chỉ mới vài tuần đã gầy sọp hẳn đi, nếu người nhà không ôm Uyển Uyển chưa đầy tháng đến cạnh ông, có lẽ ông cũng sẽ đi theo Bạch thị.
Từ đấy trở đi, Thẩm Lan dành hết tình yêu cả đời cho con gái Uyển Uyển, tự tay chăm bẵm dạy dỗ nàng, không cấm đoán trói buộc nàng chỉ vì nàng là con gái, nàng thích vẽ, ông lập tức dạy nàng hội họa, dạy nàng đọc sách biết chữ.
Nếu ông cha trong nhà không lấy cái chết ra uy hϊếp, cha mẹ quỳ trong từ đường ba ngày ba đêm, thì chắc chắn Thẩm Lan không bao giờ chịu đưa Uyển Uyển đi.
Năm ấy Thẩm Lan đã có công danh Cử nhân, được triều đình cử đi thí thủ, sau khi Uyển Uyển rời đi, có vẻ Thẩm gia cũng dần khá hơn.
Chẳng ngờ biến khéo thành vụng, khi Thẩm Lan nghe tin Uyển Uyển được đưa đến Doãn gia, vừa hay Doãn gia đang tìm thầy dạy học, ông lập tức từ bỏ chuyện làm quan, tìm tới Doãn gia, nói rằng bằng lòng dạy vỡ lòng cho Doãn Nhị thiếu gia, chỉ mong trong khi dạy học có thể gặp được Uyển Uyển nhà ông.
Cha con Thẩm Lan và Uyển Uyển phải xa cách nhau, Doãn lão gia cũng rất xúc động, hơn nữa Thẩm Lan là Cử nhân, lại chịu dạy vỡ lòng cho Doãn Trì, cớ gì không nhận?
***
“Có thể điện hạ đã từng thắc mắc, vì sao một Cử nhân như Thẩm Lan không làm quan mà lại đi dạy học, vì sao lại cho phép một tiểu cô nương có mặt trong buổi học, rồi vì sao lại chịu dạy vẽ cho cả Doãn Nhị thiếu gia và Doãn Uyển? Bởi vì Doãn Uyển chính là Uyển Uyển, nàng là con ruột của Thẩm tiên sinh.” Tề Văn Bách nói.
Rồi ông lại thở dài, “Có lẽ là ý trời. Doãn Nhị thiếu gia cũng giống Uyển Uyển, là người mê vẽ trời sinh, Thẩm Lan lại là người cởi mở, cho rằng làm người không nên chỉ biết mỗi đọc sách, phải sống theo mong muốn của bản thân, làm chuyện mình thích. Vì thế y đã gác chuyện học hành sang một bên, chuyên tâm dạy vẽ cho Doãn Trì và Doãn Uyển.”
***
Tiếc thay ngày vui ngắn chẳng tày gang, chuyện Doãn Trì miệt mài học vẽ đã bị Doãn gia phát hiện. Doãn lão gia nổi trận lôi đình, cho rằng Thẩm Lan làm lỡ dở chuyện học hành của con trai, không những đuổi Thẩm Lan đi mà còn lo Doãn Uyển sẽ làm ảnh hưởng đến công danh của Doãn Trì, đưa cả Doãn Uyển đến Quy Ninh Trang ở.
***
Doãn lão gia ân hận: “Kể ra, toàn bộ chuyện này đều là lỗi của tôi, lúc đó tôi quá kích động, cũng quá cố chấp, thực chất thầy Thẩm đã từng khuyên nhủ tôi, ông ấy nói cuộc đời con người không phải chỉ có mỗi con đường công danh, nếu có thể vui vẻ làm chuyện mình thích, chí ít trong lòng cũng được thỏa mãn. Ví dụ như kiến trúc sư Ôn Thiên, cũng từng thi đậu Tiến sĩ, nhưng về sau ông ấy miệt mài nghiên cứu xây dựng, chẳng phải bây giờ cũng đã trở thành kiến trúc sư được người người kính nể sao? Thầy Thẩm bảo, cuộc đời con người, điều khó nhất là sống theo mong muốn của bản thân, Doãn gia có điều kiện, Trì nhi cũng chịu khó học hành, vì sao không để Trì nhi theo đuổi hội họa?
Nhưng khi nghe những lời đó, tôi chỉ cảm thấy y đang ngụy biện, cho rằng y… muốn dạy con gái mình học vẽ nên mới nói vậy, làm lỡ dở việc học của Trì nhi.”
Doãn Trì nghe vậy thì la lên: “Cha, cha hiểu lầm thầy Thẩm rồi. Học vẽ là mong muốn của Nguyệt Chương, là Nguyệt Chương biết gia đình thầy Thẩm kinh doanh tranh chữ, năn nỉ thầy ấy nửa năm, bằng không thầy ấy cũng sẽ không chịu dạy vẽ cho Nguyệt Chương.”
Doãn lão gia xót xa nói: “Lúc đó tôi giận đến hồ đồ, không những đuổi Thẩm Lan đi, mà còn nói với y là, tôi biết y muốn đưa con gái về, nhưng Uyển Uyển đã vào hộ tịch của Doãn gia, là người của Doãn gia tôi, cả đời này y đừng mơ dẫn Uyển Uyển về. Giờ nghĩ lại, tôi không nên nói với thầy Thẩm những lời đó, nếu tôi không nói, có lẽ y đã không đi đến bước ấy…”
Vệ Quyết hỏi: “Đi đến bước nào?”
Tề Văn Bách nói: “Chư vị còn nhớ Tứ cảnh đồ không? Không phải bức Sơn vũ tứ cảnh đồ mà Doãn Tứ cô nương mới mô phỏng sau này, mà là bản chính của Đông Trai tiên sinh, bức danh tác Tứ cảnh đồ truyền thế. Tứ cảnh đồ này, năm xưa ở ngay tại Thẩm gia.”
***
Tổ tiên Thẩm gia kinh doanh buôn bán, có một hôm nhận được Tứ cảnh đồ của Lã Đông Trai, xem nó như bảo bối trấn đi3m, nhất quyết không bán.
Điều này cũng giải thích vì sao Doãn Uyển có thể bắt chước phong cách của Lã Đông Trai, vì sao còn trẻ mà có thể vẽ được bức Sơn vũ tứ cảnh đồ, chưa nói tới việc nàng ta là thiên tài hội họa trời sinh, mà đúng là nàng ta được tiếp xúc với bản gốc Tứ cảnh đồ trong suốt thời thơ ấu.
***
Doãn Uyển khẽ cất tiếng: “Hồi còn bé, vì để dỗ tiểu nữ nên phụ thân thường lén đem bức Tứ cảnh đồ đến cho tiểu nữ xem. Lúc ấy tiểu nữ còn quá nhỏ, không hiểu được sự huyền diệu trong bức tranh, nhưng phụ thân lại có cách riêng của ông, Tứ cảnh đồ là một bộ tranh gồm một bức nền và bốn bức phủ, sẽ thay đổi biến hóa theo ánh sáng, kết hợp các bức tranh lại với nhau sẽ thành bốn khung cảnh ở Lăng Xuyên. Phụ thân thường…” Nói đến đây, Doãn Uyển nhớ tới Thẩm Lan, giọng trở nên nghẹn ngào, “Phụ thân thường cất tranh phủ đi, chỉ để lại tranh nền, sau đó tự tay vẽ tranh phủ chồng lên tranh nền cho tiểu nữ xem. Tranh phủ của ông khá đơn giản, chỉ là một chùm sáng thôi, nhưng nếu chồng lên tranh nền thì lúc sẽ thành con mèo con chó, thành chim khách ve sầu. Đấy là…” Doãn Uyển rớm khóc, lệ lăn dài trên má, “Đấy là trò tiểu nữ thích nhất hồi bé, vì vậy phụ thân đã vẽ rất nhiều rất nhiều, ngày nào cũng có tranh mới, không hề trùng lặp. Về sau tiểu nữ thích vẽ, thích phong cách của Đông Trai, quá nửa cũng là vì phụ thân…”
***
Vào năm Chiêu Hóa thứ mười, Thẩm Lan bị đuổi khỏi Doãn gia, câu nói cuối cùng của Doãn lão gia là, Uyển Uyển đã nhập tịch vào Doãn gia, là người họ Doãn, cả đời này ông đừng mơ tới chuyện dẫn Uyển Uyển về.
Thẩm Lan đã mất Bạch thị, cũng không giữ được Uyển Uyển nữa rồi.
Ông còn muốn đích thân gả con gái đi, trao con gái cho tấm chồng tử tế.
Tới lúc này Thẩm Lan mới bắt đầu hối hận, ông hối hận vì sao ngày trước khi thi đậu Cử nhân lại không nhậm chức quan, nếu bản thân có thể bước lên mây xanh, trở thành đại quan nhất ngôn cửu đỉnh, có phải sẽ không ai cướp con gái khỏi tay ông không, có phải khi ông muốn đòi lại Uyển Uyển, không một ai dám từ chối không.
Vậy là Thẩm Lan quyết định làm quan, nhưng đường làm quan không thuận lợi như ông tưởng tượng, có thể do tính cách của ông – ông không thích luồn cúi, càng không nịnh nọt ai, đi bước nào chắc chắn bước đấy, rồi sẽ có ngày thành danh. Nhưng Thẩm Lan không chờ nổi, nếu tới ngày Uyển Uyển đã lớn mà ông vẫn chưa trở thành đại quan nhất ngôn cửu đỉnh thì phải làm sao đây? Ông cần một cơ hội, hay nói cho chính xác, là một lối tắt.
Mà vào năm Chiêu Hóa thứ mười hai, cơ hội đã đến.
Triều đình quyết định xây dựng Tiển Khâm Đài, vào tháng Bảy năm sau sẽ chọn sĩ tử ở khắp nơi lên đài.
Thực ra ban đầu Thẩm Lan không cho rằng Tiển Khâm Đài sẽ là cơ hội của mình, tuy ông là Cử nhân nhưng không có thành tích, thậm chí còn thua cả Tú tài đã làm quan từ sớm. Mãi cho tới một ngày, một vị Thông phán Lăng Xuyên tên là Sầm Tuyết Minh tìm đến ông.
Sầm Tuyết Minh nói, trong triều có một vị đại quan rất thích Tứ cảnh đồ của Lã Đông Trai, chỉ cần Thẩm Lan bằng lòng bỏ ra bức Tứ cảnh đồ, vị đại quan kia sẽ cho Thẩm Lan một suất lên đài.
Tứ cảnh đồ là bảo bối trấn gia của nhà họ Thẩm, mới đầu Thẩm Lan còn do dự, nhưng danh họa có quý đến đâu cũng chỉ là vật chết, Uyển Uyển lại đang lớn lên từng ngày, thời gian cha con bên nhau được bao lâu đây?
Nếu có thể trở thành sĩ tử được lên Tiển Khâm Đài, có phải người ta sẽ xem trọng ông hơn không, ông muốn đón Uyển Uyển về cũng sẽ dễ dàng hơn.
Thế là Thẩm Lan cắn răng, giao bức Tứ cảnh đồ cho Sầm Tuyết Minh.
Bấy giờ là đầu hè năm Chiêu Hóa thứ mười ba, Thẩm Lan đến Quy Ninh Trang, gặp Doãn Uyển lần cuối, ông nói: “Uyển Uyển, sắp tới cha phải đến núi Bách Dương một chuyến, con chờ cha nhé, có thể vào mùa thu sang năm cha sẽ đón con về nhà. Sau này cha con ta sẽ ở với nhau, không chia xa nữa.”
Doãn Uyển mất mẹ từ bé, lại phải sống trong cảnh ăn nhờ ở đậu, tuy tuổi còn nhỏ nhưng rất hiểu chuyện, nghe phụ thân nói xong, nàng không hỏi lý do và cũng không hối thúc, thay vào đó chỉ nói: “Cha ơi, kỹ thuật vẽ của con có tiến bộ rồi, bắt chước Đông Trai tiên sinh cũng ra hình thù, con có thể đưa cho cha xem được không? Nếu cha xem, chắc sẽ vui lắm cho xem.”
Vì chuyện của Doãn Trì nên giữa Thẩm Lan và Doãn gia xảy ra xích mích, ông không thể vào trong Quy Ninh Trang. Thẩm Lan bèn bảo: “Uyển Uyển là họa sĩ trời sinh, tranh con vẽ có thể đem bán được rồi, nếu con muốn để phụ thân xem tranh, vậy cứ gửi bán tranh ở Thuận An Các, đợi cha đi núi Bách Dương về sẽ mua xem.”
Doãn Uyển bỗng nhớ tới cảnh sống giữa thiên nhiên* trong bức “núi cao tháp cổ tiếng chuông ngân” thuộc bộ Tứ cảnh đồ của Đông Trai tiên sinh, nhớ ngày trước khi phụ thân vẽ tranh nền con mèo con chó, thường để lại hai chữ “Chẩm Lưu”, bèn gật đầu nói: “Vâng ạ, vậy Uyển Uyển sẽ gửi tranh đến Thuận An Các, lấy tên Sấu Thạch, bao giờ cha trở về, nhớ nhất định phải xem đấy nha.”
(*Từ gốc ở đây là Chẩm Lưu Sấu Thạch, có nghĩa lấy đá làm gối, dùng nước sông rửa miệng và sống tự do trong tự nhiên.)
Vào một ngày đầu hạ mưa liên miên không ngớt, những bức tranh với nét vẽ non nớt, ghi hai chữ “Sấu Thạch” lần lượt được đưa đến Thuận An Các.
Đáng tiếc thay, họa sĩ đợi rồi lại đợi, đợi mùa hè nóng bức qua đi, ngày thu mát mẻ dàn tới, vẫn không đợi được người sẽ đến mua tranh.
Vào Năm Chiêu Hóa thứ mười ba, Lăng Xuyên bị nhấn chìm trong cơn ác mộng khủng khϊếp cuối hè, còn Thẩm Lan, ông mãi mãi ở lại núi Bách Dương, chẳng thể đón con gái về như điều mình hằng mong.