Nước Chảy Mây Vương

Chương 2: Đợi Chờ

Cũng không biết là vì bát thuốc thứ hai có hiệu quả hay là vì màn đánh cược quyết liệt của Côn Luân có hiệu quả, nhưng mà qua hết một ngày, Cục Thịt chậm rãi hạ sốt, hơn mười ngày sau thì khỏi hẳn. Kỳ lạ là bệnh nặng như vậy, ấy thế mà lớp mỡ trên người Cục Thịt lại chẳng tiêu tan đi bao nhiêu. Nuôi thêm nửa tháng, tất cả mỡ thịt trên người đều hồi lại. Thứ hồi lại, còn có thêm cả tài nói chuyện của Cục Thịt nữa. Chẳng bao lâu sau, "Khanh Khanh" đã thành "Côn Côn", "Côn Côn" lại thành "Côn Lan." Đợi đến khi chữ "Côn Luân" đã trở nên rõ ràng thì Cục Thịt cũng đã bốn tuổi rồi, đã có thể theo Côn Luân ra ngoài, lên trấn trên, đi họp chợ, đến huyện Lâm, càng chạy càng xa.

Côn Luân không phải tiên, mở cửa cũng phải có bảy điều (củi, gạo, dầu, muối, mắm, giấm và trà), lại còn phải nuôi thêm một cục thịt nhỏ. Hơn ba năm "ăn không ngồi rồi," mấy đồng bạc vụn vặt tích cóp được chịu không nổi, nhoắng cái đã khô cạn. Côn Luân trên lưng đeo sọt, tay dắt Cục Thịt tới biên thị (chợ biên giới).

Biên thị nằm trên biên giới giữa lãnh thổ Miêu Cương và Hán Thổ. Xuyên qua trấn trên tới cổng Đông Trực phải tới mất ba ngày.

Hán Thổ có tám vạn dặm núi non sông nước, dân cư đông đúc, phong cảnh rộng lớn, có nhiều đế vương, từ nam chí bắc có mấy chục người. Những vị này thường xuyên đánh nhau, đánh vài thập niên, cá lớn nuốt cá bé, kẻ mạnh diệt kẻ yếu. Hoàng đế đánh trận ngày càng ít, nhưng những trận chiến ngày càng lớn, người chết ngày càng nhiều, đất đai ngày càng cằn cỗi. Chỉ cần người Hán không thể làm việc hẳn hoi kiếm sống thì sẽ khan hiếm lương thực, dược liệu và thuốc phiện, nhưng như thế thì lại có thể khiến biên thị thêm phần khởi sắc.

Côn Luân tới biên thị để bán một loại thuốc viên có thể cầm máu, hạ sốt, tiêu viêm, tụ huyết, là loại thuốc tốt hiếm có thể chữa trị vết thương do đao kiếm. Người Miêu đều là những bậc thầy về thảo dược, nhất là những người kiếm sống bằng các loại thảo mộc như Côn Luân thì cơ bản đều đã nghiêm túc bái ít thầy mo lợi hại, chữa bệnh thì không hẳn là thông thạo nhưng dùng dược thảo làm thuốc viên thì lại rất có kinh nghiệm.

Côn Luân có một vị khách cũ ở biên thị, trước khi tới đã báo tin cho gã. Tên này vừa thấy y xuất hiện thì lập tức xúm lại, thuật lại mấy chuyện sinh hoạt vặt vãnh của nhà mình. Vốn đã rất hiểu nhau nên cả hai cũng không bàn đến giá cả, hiểu được "Hàng thật giá thật" là nền tảng của việc kinh doanh lâu dài.

Ai cũng nói hơn ba năm Côn Luân không lộ mặt, ra là vội vàng đi cưới vợ sinh con; còn nói Côn Luân còn trẻ như vậy mà đã có được một cậu con trai ngoan ngoãn như thế kia, quả là may mắn; sau đó là bắt đầu khen Cục Thịt khỏe mạnh, béo tốt, dung mạo anh tuấn, lớn lên nhất định trò giỏi hơn thầy. Côn Luân cũng không nói tiếp, chỉ nở một nụ cười nhàn nhạt trên khóe miệng. Y không coi trọng những lời nói ngon ngọt như này trên thương trường, nhưng tâm trạng tốt của y lại xuyên qua cán cân mà lộ diện -- thuốc viên bán ra nhiều hơn bình thường một chút.

Cục Thịt đứng trong gùi của Côn Luân, gọi "Thúc thúc", "Bá bá", gặp may tứ phía. Thúc thúc, bá bá không ai từ chối, nó gọi xong là kiểu gì cũng được mấy viên kẹo đào, mấy đồng tiền đồng. Tiền đồng nó đưa Côn Luân, còn kẹo đào thì được cẩn thận cất vào trong cái bao nhỏ đeo trên cổ. Có kẹo ăn, Cục Thịt cười đến là ngọt, làm cho lòng các thúc thúc, bá bá lại càng nóng lên, chỉ muốn ôm cục thịt nhỏ hồng hào, ấm áp này một cái, khiến cho Côn Luân phải bất động thanh sắc ngăn lại. Ai biết đâu được liệu những tay buôn thảo dược, thuốc lào, sơn dầu quê mùa này có thuận đường bán trẻ con luôn hay không. Tuy nói thế gian loạn lạc khiến mạng người rẻ rúng nhưng một bé trai bộ dáng có chút tuấn tú cũng không thiếu chỗ dùng. Mỗi lần trên đường về, Côn Luân đều có cảm giác có người đang không xa không gần bám theo sau y. Ngươi đi hắn cũng đi, ngươi dừng hắn cũng dừng. Đi đường chính thì không thể cắt đuôi mà chỉ có thể đi theo lối nhỏ quanh co; đại thụ rừng sâu, đá thạch kỳ quái, dây leo khô héo, ngẫu nhiên còn có thể thấy các loại rắn độc và cạm bẫy được bố trí khắp nơi. Trong hoàn cảnh rối ren phức tạp như vậy, người Hán mới không dám đối đầu với người Miêu vốn đã quen thuộc địa hình nơi đây.

Đưa một đứa nhỏ bốn tuổi trèo non lội suối rốt cuộc không phải là kế sinh nhai lâu dài. Tới biên thị vài lần, cũng bắt đầu dư dả rồi, Côn Luân bèn thu mua mười mấy thùng nhựa sơn, gần chục gánh thuốc phiện và vài bình rượu thuốc lớn ở một số ngôi làng ven sông Đà, dự định sẽ vận chuyển chỗ hàng này dọc hạ lưu sông, bán cho thương gia ở Dậu Dương, người nào ra giá cao hơn thì bán cho người đó. Thành Dậu Dương nằm ở rìa sông Đà, một phụ lưu của sông Khúc, xung quanh là hai toán binh đang nước sôi lửa bỏng. Hai toán binh này chèn ép hai bên sông Khúc hơn một năm, thiếu lương thiếu thực, thiếu y thiếu dược. Binh lính đều ranh ma, chiến thời làm binh, nhàn rỗi làm tặc, "văn mượn", "võ cướp" đều thông thạo, mượn tiền không được thì sẽ thuận tay gϊếŧ người cướp của. Y vốn đã làm tốt công tác bù lỗ cho những tốp hàng bị phỉ cướp, binh đoạt, đắm sông hoặc tương tự.

Cùng cược xem là ai lợi hại hơn nha, xem xem là binh lính, thổ phỉ, thiên địa, hay là mệnh số của y lợi hại hơn. Cùng lắm thì làm lại lần nữa.

Đánh cược thì có thể, nhưng không thể quá gay gắt, ít nhất là không thể tới cửa tìm chết mà phải chờ tới khi có chút manh mối hoặc là sơn phỉ "thuận gió đẩy thuyền" xuống núi gây nhiễu loạn để chọn đúng thời cơ mà thả hàng xuống sông, chi tiền mướn thêm một chiếc thuyền nhanh nhẹn, không cần lớn, rồi tách ra mà đi, xuôi dòng đi ba ngày là tới nơi. Trước đó phải liên lạc để người ta chuẩn bị trước nhưng cũng không nói rõ thời gian đến, tránh có kẻ hai mang bán tin, cấu kết với kiêu binh hoặc là sơn phỉ để trong tối ngoài sáng cướp thuyền. Thời cơ như vậy không nhiều, một năm cũng chỉ có hai đến ba lần. Nhưng hai, ba lần cũng đủ rồi, đủ để y và Cục Thịt có một, hai năm "ngồi chơi xơi nước" thư thái.

Cục Thịt còn quá nhỏ, đường đi gian nan, hiểm trở như vậy, Côn Luân đương nhiên là không dẫn nó theo. Bình thường y đều gửi nó cho bà cụ bán trứng hấp đầu phố. Bà cụ vốn neo đơn, không con cái, lập một quầy hàng để kiếm sống, đối xử với bọn trẻ con vô cùng cẩn thận, chân tâm thực lòng mong chúng nó sống tốt. Trước khi đi, Côn Luân sẽ đích thân gửi gắm Cục Thịt, để lại đầy đủ tiền bạc, lương thực, thuốc trị vết côn trùng cắn cùng đủ loại bệnh lặt vặt đau đầu nhức óc khác, sau đó nhấc chân rời đi.

Dềnh dàng quá, vừa gọi Cục Thịt tới, y liền thấy ánh mắt mênh mông hơi nước của nó, hai chân lập tức khóa chặt lại. Mỗi lần Côn Luân rời nhà, Cục Thịt không khóc không quấy. Dù cho nước mắt đã lưng tròng, hốc mắt đã sưng tấy, cay xè thì nó cũng vẫn cắn răng chịu đựng, chịu đến khi không chịu được nữa thì sẽ vùi đầu xuống, để lộ cái xoáy tóc lẻ loi mà không một tiếng động để nước mắt tự sinh tự diệt. Côn Luân sớm biết rằng nó muốn khóc nhưng cũng chỉ nhiều lắm là nhẹ nhàng vò đầu nó một cái, chẳng nói hai lời.

Một đi như vậy liền không biết dài hay ngắn. Sáng sớm tinh mơ nào Cục Thịt cũng dọn một chiếc ghế đẩu nhỏ ra canh ở đầu phố, ba bữa cơm cũng là bưng đến đó ăn, chỉ còn thiếu mỗi nước là sinh trưởng ở đó thôi. Đợi chờ khổ sở tới vậy -- tơ chia rũ tằm*, thấp tha thấp thỏm, nào đâu phải thứ một đứa trẻ bé nhỏ như vậy nên chịu đựng?

(*) Lòng sầu thảm lúc chia ly, ví như con tằm khi kéo tơ thân hình rũ ra: Đau lòng kẻ ở người đi, Lệ rơi thấm đá, tơ chia rũ tằm (Truyện Kiều) - Raw: 牵丝绊缕

Bà cụ cũng bắt đầu khuyên nhủ, nhưng thời gian dài trôi qua, bà cũng hiểu trong tính tình đứa nhỏ này có hai chữ "ngoan cường", cơ thể đã đến cực điểm rồi nhưng vẫn không ngừng gồng sức. Chuyện đã nhận định rồi thì sẽ chẳng thể dễ dàng gỡ bỏ nên bà cũng chẳng khuyên nữa, chỉ trời nắng thì đưa ô cho nó cầm, trời mưa thì mang áo mưa khoác thêm cho nó.

Đốt đèn da diết đợi chờ như vậy, chờ đến ngày Côn Luân về, Cục Thịt mừng như đón Tết, mừng đến độ phép tắc đều mặc kệ, một trận gió như thổi qua, nó cũng chẳng thèm để ý, cứ vậy mà nhào vào lòng Côn Luân, cũng chẳng cần biết có nhào chuẩn không, như thể nó biết Côn Luân nhất định sẽ vững vàng đón được nó vậy.

Hơn mười ngày xa nhau có thể đổi lại mấy tháng nhàn nhã yên tĩnh. Những ngày rảnh rỗi, Côn Luân sẽ dạy Cục Thịt tập viết. Sáu tuổi là có thể bắt đầu tập viết rồi. Ở Hán Thổ thì tập viết không gọi là tập viết mà gọi là vỡ lòng. Đám trẻ con trong làng đều không tập viết. Trước giờ người Miêu đều truyền miệng nhau rằng: Công lao to lớn của tổ tiên, đại gian đại ác, ân oán tình cừu truyền từ đời trước sang đời sau, không mất, không thiếu, không hư, cực kỳ viên mãn, còn cần chữ làm gì nữa?

Trên trấn thật ra cũng có mấy trường tư thục nhưng non cao nước xa không an toàn, gửi Cục Thịt ở đó Côn Luân không yên tâm nên tự mình dạy luôn. Bắt đầu từ Tam Tự Kinh, rồi đến Thiên Tự Văn. Cục Thịt tuy không nhất thiết phải hiểu thế nào là "Nhân chi sơ, tính bản thiện", thế nào là "Thiên Địa Huyền Hoàng, Vũ Trụ Hồng Hoang" nhưng cũng giun giun dế dế viết được. Nhưng miễn là Côn Luân ở đó, nó sẽ vô duyên vô cớ phấn chấn. Mỗi khi tinh thần phấn chấn, Côn Luân còn sẽ cõng sọt trên lưng, chất Cục Thịt và sách ở trong, chậm rãi đến khe núi cách làng bảy, tám dặm gì đấy. Trong khe núi nơi nơi đều là phong dại, lại đúng lúc giữa thu, sương giá vừa tan là một trời đỏ rực. Gió núi thoảng qua, từng phiến lá điêu tàn rụng xuống. Một cảnh hoang tàn rực rỡ, động lòng người.

Tìm một chỗ ngồi xuống, Côn Luân lấy sách, rượu, ngẫu nhiên còn có một bao nhắm rượu cùng củ lạc từ trong gùi ra. Cục Thịt đã nhịn không nổi, vội vàng bò ra khỏi gùi, vui sướиɠ chạy khắp nơi đuổi theo lá bay. Côn Luân lẳng lặng canh giữ ở cách đó không xa, nhìn nó chạy tới mức trán đầy mồ hôi, bèn vẫy vẫy tay gọi: "Cục Thịt! Lại đây!" Cục Thịt dừng lại, kiềm chế con quỷ nhỏ trong người, cắm đầu chạy về phía y, ý đồ muốn đẩy người ngã. Nhưng Côn Luân lại bất động như núi, chút tiêu khiển cũng không cho nó.

Khi đó, ngôn ngữ của Côn Luân vô cùng đơn giản, thế nhưng câu nào cũng phải kèm theo chữ "Cục Thịt." "Cục Thịt, tập viết." "Cục Thịt, ăn cơm." "Cục Thịt, về nhà." Hồng trần mênh mông, tựa hồ như cứ liên quan đến hai tiếng "Cục Thịt" này là có thể tìm được chốn về, sơn nam thủy bắc, trời nam đất bắc cũng không thể ly tán.

Qua tiết Thu Phân, trời bắt đầu ngày ngắn đêm dài. Lúc hai người về thì trăng sao đã đầy trời rồi, thế nhưng còn phải băng qua một ngọn núi nữa. Cục Thịt đi mệt quá, chết sống đòi leo lên lưng Côn Luân, lại không chịu ngồi trong gùi mà muốn trực tiếp nằm sấp. Cũng may gùi không nặng nên Côn Luân có thể treo gùi trước ngực, còn Cục Thịt thì cho nằm sấp trên lưng. Hai người một lớn một nhỏ dựa vào một đôi chân mà đo ba nghìn bậc đá núi Vạn Nhận, từng bậc từng bậc, lúc đến sườn núi thì trăng đã lên đến đỉnh.

"Côn Luân, Côn Luân, người nhìn mặt trăng kìa! Có phải rất giống trứng hấp cụ bà ở đầu làng bán không?" Côn Luân ngẩng đầu nhìn thiên, nhìn thấy mặt trăng to lớn, để lại một vầng hào quang màu vàng treo ngay trên đỉnh núi, cách họ rất gần. Màn trời rộng lớn khiến ánh trăng kỳ cục này như rơi thẳng xuống, tựa hồ chỉ cần vươn tay ra là có thể chạm vào.

Côn Luân bỏ qua ánh trăng, từ vầng hào quang bao quanh nó mà đoán vài ngày nữa sẽ có trận gió tốt, trong lòng bèn tính toán xem lần này nên chuẩn bị bao nhiêu lô hàng, có nên bí mật mang theo lương thực trong sơn dầu, thuốc phiện không. Lén lút vận chuyển lương thực cũng nguy hiểm chẳng kém gì vận chuyển vũ khí vì kẻ muốn cướp sẽ không chỉ có sơn phỉ kiêu binh mà còn có dân chạy nạn ven đường, đến độ có thể phóng hỏa gϊếŧ người.

Muốn giàu sang thì phải dám mạo hiểm. Nếu chuyện dễ thành như thế thì loại nghề nghiệp này chẳng nhẽ lại không người người đua nhau làm, làm gì còn đến phiên y?

Côn Luân ham tiền, có lẽ là vì từ lần Cục Thịt bệnh nặng, cũng có lẽ là vì những giọt lệ thầm lặng của Cục Thịt mỗi lần y rời đi và niềm hân hoan như được đại xá mỗi lần y quay lại, và cả nỗi niềm thấp thỏm không biết ngày nào hắn sẽ đi xa của nó nữa.

Xong chuyến này, y có thể từ đây cáo biệt kế sinh nhai hiểm ác này, mang theo Cục Thịt tránh xa thế gian. Không đói rét, không ưu phiền, an tâm thoải mái lánh xa thế giới. Những chuyện liên quan đến tiền bạc trong thế tục khi đó đừng hòng quấy nhiễu bọn họ.