Lịch Sử Giao Thương

Chương 1

Bối cảnh chẳng có gì đặc biệt: một buổi sáng tháng chín, tại sảnh khách sạn giữa trung tâm Berlin. Trong lúc nhân viên lễ tân và tôi lịch sự chào nhau bằng thứ tiếng Anh và tiếng Đức rời rạc, tôi lơ đãng đưa tay với trái táo trong chiếc tô đặt trên quầy và thả vào ba lô. Vài giờ sau, khi cơn đói tìm đến, tôi quyết định dừng ở Tiergarten để ăn nhanh chút đồ nhẹ. Khung cảnh và âm thanh của công viên thành phố rộng lớn này làm tôi suýt quên mất cái nhãn bé xíu cho biết bữa trưa miễn phí của mình là một “sản phẩm của New Zealand.”

Ti vi Đài Loan, rau diếp Mexico, sơ mi Trung Hoa, và dụng cụ Ấn Độ phổ biến đến nỗi khiến người ta dễ quên mất rằng những điều kỳ diệu này của thương mại chỉ vừa mới xuất hiện. Còn hình ảnh nào tượng trưng cho thiên anh hùng ca về thương mại toàn cầu hay hơn hình ảnh trái táo đến từ bên kia địa cầu của tôi, được tiêu thụ đúng lúc những người anh em của nó tại châu Âu vừa chín tới và vào vụ thu hái?

Hàng nghìn năm trước đây, chỉ những hàng hóa có giá trị cao nhất - tơ lụa, vàng bạc, gia vị, trang sức, đồ sứ, và thuốc men - là được vận chuyển giữa các lục địa. Thật dễ hiểu khi một món hàng đến từ vùng đất xa xôi được bao phủ trong sự thần bí, lãng mạn, và địa vị quyền quý. Nếu trở lại thế kỷ 3 và địa điểm là thành Rome, thì ví dụ điển hình nhất cho hàng nhập khẩu xa xỉ chính là tơ lụa Trung Hoa. Những hoàng đế La Mã vĩ đại nhất được lịch sử ca tụng nhờ các cuộc đại chinh phục, công trình kiến trúc và xây dựng, cũng như thể chế pháp luật. Nhưng Elagabalus, trị vì từ năm 218 đến 222, thì lại được nhớ đến, nếu có dịp hiếm hoi nào đó ông ta được nhớ đến, vì hành xử tàn bạo cùng với sở thích dành cho các cậu trai trẻ và tơ lụa. Trong suốt thời gian tại vị, ông ta đã khiến người dân vốn thờ ơ ở kinh đô thế giới cổ đại bị choáng váng trước sự phô diễn nhiều hành động bê bối, từ đùa cợt vô hại tới gϊếŧ chóc trẻ em theo tính khí đồng bóng của ông ta. Tuy nhiên, chẳng điều gì khiến thành Rome quan tâm (và nhen nhóm sự đố kỵ) bằng gia tài quần áo của ông ta và những trò màu mè lúc ông ta chưng diện nó, như cạo hết lông trên người và vẽ mặt bằng bột trắng bột đỏ. Mặc dù loại vải ưa thích của ông ta đôi khi lẫn cả vải lanh - cũng được gọi là sericum [Từ gốc La Mã, chỉ sản phẩm làm từ tơ. (Tất cả chú thích của người biên tập trong sách này sẽ đánh dấu (BT); các chú thích còn lại là của người dịch.)] - nhưng Elagabalus vẫn là vị vua đầu tiên ở phương Tây mặc quần áo hoàn toàn bằng tơ lụa.1