Phó Ngọc Thanh vừa tới Nam Kinh đã tự mình viết một bức thư thật dài cho Mạnh Thanh. Đại ý là bảo nhà phải chuẩn bị cho hôn lễ của Phó Ngọc Hoa, cho nên mới về Nam Kinh trước, rồi bảo năm sau sẽ quay lại, dặn hắn dưỡng thương cho thật tốt, chuyện của Tô tiên sinh chưa cần lo vội.
Nhưng sợ hắn nghĩ nhiều, lại bảo chờ đến lúc về Thượng Hải rồi, đương nhiên sẽ gửi thiệp, đến lúc đó lại mời hắn tới.
Vốn Phó Ngọc Thanh định bảo Đỗ Hâm đến Thượng Hải một chuyến, nhưng lại thấy thế thì quá, cuối cùng chỉ bảo Đỗ Hâm mang thư đến bưu điện gửi.
Nào ngờ anh về Nam Kinh chưa được mấy hôm, trong thành phố đã có tin lớn. Tưởng Giới Thạch lại một lần nữa đảm nhiệm chức Tổng tư lệnh quân Cách mạng Quốc dân, báo chí ca ngợi rầm rộ suốt một hồi.
Phó Ngọc Thanh cũng nghe nói cuối năm ông ta và con gái thứ ba của Tống gia kết hôn ở Thượng Hải, giờ đã khác rất nhiều. Nghe cả bạn bè trong đảng nói về tình hình hiện tại, đều bảo năm sau sớm hay muộn cũng sẽ có đợt Bắc phạt thứ hai. Bắc phạt có thành công hay không thì chưa biết, vừa mới hòa bình chưa được một năm đã lại sắp chiến tranh.
Phó Ngọc Thanh nhớ lại hồi quân Bắc phạt tiến đánh Nam Kinh, tàn quân không hề rút lui của Trương Tông Xương, cả khung cảnh hỗn loạn lúc tàu chiến của Anh và Mỹ oanh tạc Nam Kinh, trong lòng vẫn còn thấy sợ.
Sau khi Phó Cảnh Viên và Phó Ngọc Hoa cũng về Nam Kinh, ba cha con cùng thảo luận rồi quyết định sẽ ở lại Nam Kinh đến năm sau, tạm thời không quay về Thượng Hải, để nhỡ phía Nam Kinh có biến động gì thì còn lo được.
Thật ra Phó Ngọc Thanh không mấy hứng thú với chính trị, nhưng anh cũng biết trong quân Bắc phạt có rất nhiều phe phái, giờ lại rạn nứt với Liên Xô đến mức này, thêm cả Mỹ Anh, Nhật Bản đang lăm le như hổ rình mồi thì cũng cảm thấy thế cục bất ổn, khiến người ta lo lắng.
Lúc Diệp Hãn Văn tán gẫu cùng anh thì nhớ tới chuyện hồi trước anh bị người khác vu khống kết giao với Cộng đảng, bèn dặn anh phải cẩn thận một chút, giờ Nam Kinh coi đảng Cộng sản là cái gai trong mắt, đã bắt rất nhiều Cộng đảng rồi. Rồi lại bảo anh cẩn thận, đừng để bị hãm hại trong thời điểm này.
Phó Ngọc Thanh nhớ tới chuyện hồi trước thì cũng lo, thở dài mà nói: “Nếu chỉ là tiền nong thì cũng chẳng sao, sợ là sợ cái khác kia.”
Diệp Hãn Văn biết chuyện giữa anh với Lục Thiếu Kỳ, ở Nam Kinh có rất nhiều báo lá cải, rất thích viết về chuyện phong lưu giữa vũ nữ và thiếu gia công tử nhà giàu, phần lớn đều là tin vịt, nhưng lại viết sống động chau truốt vô cùng.
Tuy Diệp Hãn Văn không quan tâm đến mấy cái này, nhưng cũng biết đôi chút, hỏi anh chuyện lúc ở Thượng Hải, Phó Ngọc Thanh dù gì cũng có cái tôi, nên không muốn kể chuyện Lục Thiếu Kỳ dùng súng cưỡng ép cho người khác. Nào ngờ báo đã viết từ lâu rồi, Diệp Hãn Văn còn lấy hẳn ra cho anh xem, chỉ vào tiêu đề chậc một tiếng, nói: “Người này buồn cười thật đấy, lại còn viết cái gì mà tiệm u phục đường Bắc Tứ Xuyên, ai mà chả biết đấy là tiệm u phục của Vương Thuận Xương?” Sau đó nén cười hỏi rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra giữa anh và Lục Thiếu Kỳ.
Cái tôi của Phó Ngọc Thanh ngay tức thì có hơi không nhịn được, chỉ nói: “Cậu ta là loại người gì, chẳng lẽ cậu còn không biết à, sao chỉ lo trêu tớ vậy.”
Diệp Hãn Văn thấy anh không chịu nói thì cũng không hỏi nữa, nhưng vẫn không nhịn được muốn trêu anh, bèn bảo: “Còn tưởng cậu là người đi qua vạn bụi hoa, không dính một phiến lá, hóa ra cũng có ngày hôm nay.” Rồi cười anh: “Chết dưới hoa mẫu đơn, làm quỷ cũng phong lưu, chỉ tiếc Lục công tử đầu thai sai rồi, nếu không tài tử mỹ nhân cũng coi như giai thoại đấy.”
Nói đến đó thì Diệp Hãn Văn lại nghĩ tới một tin, bèn hỏi anh, “Đúng rồi, cậu có biết Lục thiếu kỳ có một cô chị hai, tên là Lục Thiếu Du không?”
Phó Ngọc Thanh không biết tại sao hắn lại nhắc tới nàng, hơi bất ngờ mà đáp: “Nhớ chứ, tớ với cô ấy còn gặp nhau mấy lần mà, sao?”
Diệp Hãn Văn hơi cười nhạt, nói, “Lục gia lần này lùm xùm phết đấy.” Thấy anh không hiểu thì bèn giải thích, “Nghe bảo cô ta rất thân với Hoàng Phụ Bình ở Đại học Kim Lăng, người này vừa mới bị bắt mấy hôm trước xong, nghe bảo là thư ký thành ủy cho Cộng đảng ở Nam Kinh đấy.” Rồi nói, “Vụ này ầm ĩ lắm, cổ cũng bị người Lục gia nhốt lại, không cho thò mặt ra ngoài luôn.”
Phó Ngọc Thanh sửng sốt, mãi không nói nổi một lời.
Diệp Hãn Văn thấy anh kinh ngạc như thế thì nói: “Cái này có gì lạ đâu, Thượng Hải cũng thế mà.”
Phó Ngọc Thanh im lặng, một lúc lâu sau mới than, “Quốc Phụ Tiên* mới đi được có mấy năm.”
(*Chỉ Tôn Trung Sơn – người được vinh danh là Cha đẻ của Trung Hoa hiện đại. Ông mất năm 1925, em vợ của ông, bà Tống Mỹ Linh, cưới Tưởng Giới Thạch vào năm 1927, nghĩa là mốc thời gian trong truyện đang ở 1927.)
Diệp Hãn Văn không đồng tình mà nói: “Cậu đấy, buôn bán thì tớ thua cậu, nhưng bàn về chính sự, cậu tốt nhất vẫn nên tém miệng lại thì hơn. Cậu không biết thôi, riêng lần này đã bắt hơn hai mươi người rồi, nghe nói là canh bắt ở cổ lâu, sợ là chẳng mấy chốc sẽ tiễn đến Vũ Hoa Đài TruyenHD hết.” Thấy anh kinh hãi thì không đồng tình mà nói: “Đám bắt năm ngoái bị gϊếŧ sạch vứt xuống sông Tần Hoài đấy, cậu không biết thôi.”
(*Công viên tưởng niệm liệt sỹ ở Nam Kinh.)
Phó Ngọc Thanh nghe thế thì hơi khó chịu, nghĩ đến Lục Thiếu Du lại càng thấy phiền muộn.
Vốn tưởng chỉ thế là xong, nào ngờ vẫn còn những chuyện đột ngột ở phía sau.
Hai ngày sau, anh và Diệp Hãn Văn đi từ trường giáo hội về, hai người đang tản bộ trên đường thì Diệp Hãn Văn chợt bảo anh: “Ôn Trì Lương lần này cũng bị bắt.” Ôn Trì Lương là học sinh kỳ năm của Học viện Quân đội Hoàng Phố, từng tham gia Bắc phạt, quen Diệp Hãn Văn lúc đi làm, chơi thân. Diệp Hãn Văn đứng đó, biểu cảm phức tạp, mãi một lúc lâu sau mới lên tiếng: “Nghe nói Hoàng Phụ Bình khai cậu ta ra.”
Phó Ngọc Thanh cũng rất bất ngờ, bèn hỏi: “Cậu ta cũng là Cộng đảng sao?”
Diệp Hãn Văn hừ lạnh một tiếng, rồi bỗng nói: “Tên Hoàng Phụ Bình này, nghe bảo hắn cắn Lục Thiếu Du không buông đâu.”