Tam Hạ Nam Đường

Chương 14: Dư Hồng trừ Lưu Kim Đính Miêu Huấn viện tướng ngũ âm

Tống Thái Tổ thấy các ngự y đều chạy bệnh Kim Đính thì càng kinh hãi bội phần. Vợ chồng Cao Hoài Đức nghe tin cũng buồn rầu thảm thiết. Tống Thái Tổ than:

- Trẫm tuy có hùng binh hai mươi vạn và dõng tướng cũng đông, mà trị không nổi yêu đạo, nhờ có cháu dâu đánh nó đặng, nay rủi mắc phải bịnh kỳ, nếu chẳng thuyên giảm thì Dư Hồng đắc thế! Nói rồi lau nước mắt thở ra! Hoàng Cô khóc và than rằng:

- Dâu tôi là đệ tử Thánh mẫu, lẽ nào không biết chứng bệnh mình?

Tống Thái Tổ và Cao Hoài Đức nghe Hoàng Cô nói phải, liền hối Hoàng Cô vào hỏi Kim Đính coi thế nào? Chẳng ngờ Kim Đính mê man vì bị Dư Hồng bắt vía, Hoàng Cô hỏi lắm mà Kim Đính nói u ơ. Tống Thái Tổ nghe Hoàng Cô tâu lại mọi điều, càng thêm ủ dột. Miêu quân sư thấy vậy tâu:

- Phàm làm thầy phải biết căn bệnh người đau thì trị mới đặng. Nay Thái y coi mạch không hiểu thì biết làm sao mà trị? Vậy tôi xin bói một quẻ thử coi, xin bệ hạ đừng ưu phiền mà tổn hao long thể.

Tống Thái Tổ nghe quân sư nói, có ý mừng, liền xin quân sư bói thử Miêu quân sư lập bàn xa quẻ rồi tâu:

- Không trách chi Lưu phu nhân đau chứng bệnh lạ lùng như vậy! Ấy là bị người ta trù ẻo bắt hồn mà cầm nơi phía Đông Bắc hơn mấy ngày nay, tôi chắc Dư Hồng sợ Lưu phu nhân nên bày kế ấy. Cao Quân Bảo nghe nói bị trù thì nói phăng:

- Xin quân sư cứu mạng vợ tôi không lẽ bó tay mà chờ chết? Miêu quân sư nói:

- Cứ theo quẻ này thì trong bảy ngày tuyệt mạng! Cao Quân Bảo khóc nước mắt như mưa. Tống Thái Tổ thở dài than vắn, rồi phán hỏi quân sư:

- Quân sư có phép chi mà giải cứu hay chăng? Miêu quân sư tâu:

- Nay đang bối rối, tôi chưa đoán chắc được việc kiết hung. Xin để tôi coi sao thì mới rõ đường họa phước. Ấy là nghề sở trường của tôi mà.

Đêm ấy, Miêu quân sư lên lầu, xem coi các vị tinh tú. Từ giờ Tuất đến giờ Sửu mà kiếm không đặng Thiên Ma nữ tinh thì kinh hãi than:

- Chắc Lưu phu nhân phải khốn. Vì quân sư đánh tay coi rõ, biết Dư Hồng thâu đặng vì sao ấy rồi, nên xuống lầu tâu với Thái Tổ:

- Dư Hồng đã thâu sao bổn mạng của Lưu Kim Đính phu nhân mà giam cầm, nếu vậy thì tôi chẳng biết làm sao? Thái Tổ và Quân Bảo đều chắt lưỡi. Miêu quân sư mới tâu:

- Để tôi chiếm một quẻ nữa, coi nội trong bảy ngày có ai tới cứu chăng? Hoàng Cô khóc và nói:

- Xin quân sư chịu phiền coi giúp, tôi mang ơn muôn thuở. Miêu quân sư liền chiếm quẻ hóa lục hạp, coi rồi mừng rỡ:

- Không hại gì! Chỉ trong ba ngày sẽ có người đến cứu Lưu phu nhân, mà bệ hạ lại được thêm một tướng nữa.

Tống Thái Tổ và vợ chồng Cao Hoài Đức nghe nói an tâm, chỉ có Cao Quân Bảo làm thinh, ngồi ủ rũ. Hoàng Cô thấy vậy liền khuyên:

- Con chẳng nên buồn rầu, mẹ đã nửa đời người chỉ có một mình con nương cậy lúc trở về già, nếu con buồn thảm rủi sanh bệnh thì không hay. Con hãy làm khuây cho vui lòng cha mẹ.

Cao Quân Bảo tuy ngoài mặt làm vui, nhưng trong lòng vẫn sầu khổ. Tống Thái Tổ thấy Cao Quân Bảo khóc lóc, liền phán:

- Vậy quân sư tìm cách giải cầu vì sao bồn mạng của tiểu thơ. Miêu quân sư tâu:

- Tôi từ thuở bé không học nghề trấn yếm, thì làm sao giải cứu được chỉ có thần tiên giáng hạ, sai người lấy vía mà thả sao bổn mạng mới được. Song tôi chắc trong đôi ba ngày nữa sẽ có người đến cứu, xin bệ hạ an lòng.

Lúc này Kim Đính vẫn mê man, bốn cơn tỳ nữ là Xuân Đao, Hạ Liên, Thu Cúc, Đông Mai bàn với nhau:

- Mình không rõ tiểu thơ đau bệnh gì, nay quân sư nói tiểu thơ bị cầm hồn tại hướng Đông Bắc, vậy chúng ta đi coi thử xem sao. Nếu có gì sẽ cùng nhau giải cứu.

Bốn cô tỳ nữ đều khen phải, lấy bùa của Kim Đính đằng vân bay qua phía Đông Bắc, thấy có một cái đài đèn đuốc sáng chói. Bốn nàng vội đến đó bị các thần giữ vía cản trở chẳng cho vào. Bốn nàng tỳ nữ pháp thuật không bao nhiêu, liệu cự không lại, nên phải lui về.

Bấy giờ vua Nam Đường thấy luôn ba ngày mà quân Tống không khiêu chiến, thì biết quân sư đã yếm đặng rồi, chỉ còn trông đủ bảy ngày thì Kim Đính sẽ bỏ mạng, liền truyền dẫn binh đến khiêu chiến, quyết phá thành báo oán. Dư Hồng cản ngăn không được. Vua Nam Đường truyền cho Tần Phụng, Tiết Lữ, La Anh, Trình Phi Hổ dẫn mười vạn binh đến khiêu chiến dưới thành Thọ Châu. Tống Thái Tổ có nghe báo binh Đường đến khiêu chiến thì nghĩ thầm:

- Chắc Nam Đường thấy mấy bữa ta không ra quân, nên tìm cách khiêu chiến để biết thiệt hư. Vậy ta phải mạnh dạn, kẻo chúng nó thừa cơ đoạt ải.

Nghĩ rồi truyền cho Đào phu nhơn, Triệu Hoàng Cô, Lý phu nhơn, Cao Quân Bảo. Cao Quân Bội dẫn binh ra thành cự địch. Khi binh Tống dẫn binh ra thành đánh với binh Đường, thì cả hai bên đều có hao binh, không ai chịu thua ai. Hai bên đang giao chiến đồng lực thì Dư Hồng đi đến cười và nói lớn:

- Các ngươi đừng ỷ mạnh, không mấy ngày nữa sẽ đến chầu Diêm Vương. Mạng Lưu Kim Đính chỉ còn sợi chỉ treo chuông.

Cao Quân Bảo nghe nói nổi giận xông đến đầm Dư Hồng một giáo. Dư Hồng đỡ không kịp liền lui lại, niệm chú, gió thổi ào ào, cát bay mù mịt, binh Tống bỏ chạy vào thành. Cao Quân Bảo nhờ có lá bùa hộ mệnh nên gió thổi không bay, lưới tới hỗn chiến, gϊếŧ binh Đường vô số. Cao Hoài Đức thấy phép yêu hại binh Tống quá nhiều liền đánh kiểng thu quân lại. Cao Quân Bảo nghe lệnh kiểng cũng phải trở vào thành. Binh Đường đắc thắng, vây thành dày mịt hơn xưa, tướng Tống không ai dám ra cự địch nữa. Bấy giờ Miêu quân sư chiếm quẻ, biết ngày mai có người đến cứu Lưu Kim Đính, nên tâu với vua:

- Xin bệ hạ tạm giao ấn soái cho tôi để tôi sai tướng đi tìm cho đủ Ngũ âm thì trừ Dư Hồng mới được. Tống Thái Tổ hỏi:

- Khi trước Trần Đoàn lão tổ có tặng thơ, ý nói chờ năm tướng gái đến giải vây, nên trẫm đã dùng đủ năm vị phu nhơn. Nay còn tướng Ngũ âm nào mà tìm nữa. Miêu quân sư tâu:

- Ấy là Ngũ âm trẻ, không phải Ngũ âm già. Ngặt thiên cơ không tiện tiết lậu.

Tống Thái Tổ liền truyền Cao Hoài Đức giao ấn soái cho quân sư. Hôm sau. Miêu quân sư ra phòng khách liền phát một cây lệnh tiễn cho Cao Quân Bội và dặn:

- Hãy lén vào Song Long trấn, nửa đêm bắn tên lửa vào đốt lương thảo ấy là việc cần gấp. Cao Quần Bội thưa:

- Nghe nói tướng giữ Song Long trấn tính kỹ càng lắm, e tôi làm Chẳng nên việc, vậy xin quân sư thay tướng khác tài năng hơn. Miêu quân sư nói:

- Tuổi nhỏ mà trí dày, đáng con giống cháu giống. Song ta đã liệu trước rồi, ngươi hãy lãnh phong thơ này chờ tiết Trung thu gặp Trịnh Ấn sẽ xé ra coi theo đó mà làm, bề nào ngươi cũng thành công mà lại gặp duyên cá nước nữa. Sau đó, quân sư liền phát một cây lệnh tiễn đưa cho Trịnh Ấn và dặn:

- Ngươi mau qua Thạch Châu viện binh về trợ chiến.

Hai tướng tạ từ dời gót. Miêu quân sư bước xuống lầu, trả ấn lại cho Đông Bình vương. Lúc này vua Nam Đường thắng trận, vây thành Thọ Châu như xưa, mà không thấy Lưu Kim Đính ra quân, nên khen Dư Hồng là bậc thần thông quảng đại, sai Dư Hồng thường bữa đem quân đến khiêu chiến làm cho Tống Thái Tổ nóng lòng như lửa đốt, sợ quân Nam Đường hãm thành nên buồn thở than:

- Nay cháu trẫm mang bệnh, không ai trị nổi Dư Hồng, e khó bề giữ nổi giang sơn, xã tắc. Miêu quân sư quỳ tâu:

- Xin bệ hạ đừng lo, chờ người đến cứu Kim Đính rồi sẽ phá vòng vây.

Tống Thái Tổ nghe quân sư khuyên giải cũng khuây khỏa, ra lệnh bế thành mà thủ. Còn quân Nam Đường ngày đêm cứ việc công phá không lúc nào yên.

Lúc này bốn con tỳ nữ rủ nhau đi lấy vía không được bị thần tướng đuổi về, vào thuật chuyện lại cho Cao Quân Bảo nghe, rồi đêm ngày sầu thảm. Cao Quân Bảo nghĩ thầm:

- Nếu quả như lời bốn con tỳ nữ đã nói, thì mười phần Lưu Kim Đính khó bề cứu sống.

Bấy giờ, Lê Sơn Thánh mẫu đã hay việc Lưu Kim Đính bị nạn, tình thầy trò nghĩ càng chua xót, ý muốn xuống cứu, song nghĩ lại ở núi Huỳnh Hoa có ông Huỳnh Thạch Công có tên học trò là Phùng Mậu, con của Phùng Ích, theo học đã lâu, nay cho Phùng Mậu xuống giúp Tống, sẵn dịp này ra qua đó bàn chuyện sai Phùng Mậu xuống cứu Kim Đính thì tiện hơn.

Nghĩ rồi, Thánh mẫu đằng vân qua núi Huỳnh Hoa. Huỳnh Thạch Công là một vị tiên ông, hồi trước qua Hớn, có hóa ra một ông già, đi ngang qua cầu Hạ Bì, giả đò làm rớt dép, thấy có đứa nhỏ chơi gần đó, mượn xuống lấy giùm. Đứa nhỏ vui lòng xuống lấy đưa cho ông. Ông đi ít bước lại làm rớt nữa, đứa nhỏ ấy cũng lượm giùm cho ông. Ba lần như vậy, Huỳnh Thạch Công khen:

- Thằng nhỏ này dễ biểu.

Sau ông hẹn với nó đến cầu ấy cho cuốn binh thơ, trong binh thơ có đủ thiên văn địa lý, đủ việc binh cơ. Đứa nhỏ ấy là Trương Lương, tên chữ là Tử Phòng, sau nhờ sách này mà phò Hán Cao Tổ, dẹp Tần đánh Sở, được vua phong đến chức Lưu công hầu. Hôm đó, Thánh mẫu đến cửa động, có đồng tử bước ra, hình tướng tuy lùn, mà tuổi vừa thành nhân. Đó chính là Phùng Mậu. Thánh mẫu nói:

- Ta là Lê Sơn Thánh mẫu đến ra mắt Huỳnh tiên ông.

Phùng Mậu vội vàng trở vào báo tin. Huỳnh Thạch Công vội vã ra nghinh tiếp. Lê Sơn Thánh mẫu nói:

- Dư Hồng làm phép Đinh Đầu Thất Tiễn mà trừ Lưu Kim Đính, vậy xin đại nhân sai lệnh đồ kịp xuống Thọ Châu, trước là cứu giùm học trò tôi, sau nữa dẹp Đường giúp Tống thì chẳng uổng công dạy dỗ của đạo huynh. Huỳnh Thạch Công nói:

- Dư Hồng cãi lời thầy, phải bị tội chết, còn học trò tôi rèn tập tám năm văn võ, nay cũng đã gần đến kỳ vầy hiệp nhơn duyên, cũng nên cho xuống Thọ Châu đặng quần thần phụ tử sum hiệp. Dầu Thánh mẫu không đến, tôi cũng sai đi. Vả lại lệnh đồ Kim Đính là đầu dọc của năm vị ngũ âm, không lẽ để Dừ Hồng hại chết? Xin Thánh mẫu yên lòng về động, tôi sai nó đi! Lê Sơn Thánh mẫu nói:

- Việc ấy tôi cảm ơn đạo huynh nhiều lắm!

Nói rồi, từ giã đằng vân về động. Sau đó Huỳnh Thạch Công kêu Phùng Mậu mà dạy:

- Ngươi ở núi đã tám năm, tuổi ngươi nay đã hai mươi, vậy phải xuống Thọ Châu mà cứu chúa, trước là cho gặp mặt cha, sau nữa là kết duyên Tần Tấn. Nhơn dịp cứu Lưu Kim Đính mắc nạn. Song đánh với Dư Hồng hễ nó bại trận khá chẳng đuổi theo, mà cũng không nên gϊếŧ nó. Nếu chọc giận tới thầy nó là Xích Mi lão tổ là khó dễ đến ta? Phùng Mậu lạy thầy và khóc:

- Tôi ở non tiên tám năm, nhờ thầy dạy dỗ, nay xuống phàm trần, biết chừng nào về núi cho gặp mặt thầy nữa? Huỳnh Thạch Công mỉm cười nói:

- Ngươi chẳng quên ơn, thiệt là người trung hậu, số người thành tiên không đặng, hưởng công danh phú quí mà thôi. Vả lại, còn nhân duyên dưới trần, phải lo việc hương lửa cho họ Phùng mới tròn ngay thảo.

Phùng Mậu lau nước mắt cúi đầu lạy tạ. Huỳnh Thạch Công liền truyền cho các phép hộ thân, đặng xuống cự với Dư Hồng. Phùng Mậu thưa:

- Việc đằng vân là đi đường, còn đánh giặc lấy chi mà đỡ trót xin thầy chỉ biểu cho luôn. Huỳnh Thạch Công nói:

- Sau non tiên chúng thiếu chi cầm thú, mặc ý người chọn lựa mà tiếng. Nói rồi dắt Phùng Mậu ra sau vườn. Phùng Mậu xem thấy lấy làm lạ, bèn nghĩ:

- Mình ở tám năm trên núi mà nay thầy mới dắt tới vườn này?

Đương nghĩ trong bụng xảy thấy trên cửa vườn có để chữ: "Phi Cầm Động". Huỳnh Thạch Công niệm chú, tự nhiên cửa động mở ra. Huỳnh Thạch Công dắt Phùng Mậu bước vào, Phùng Mậu ngó thấy thần thú tiên cầm không biết bao nhiêu mà kể. Những cầm thú ấy đều cúi đầu hết thảy, dường như làm lễ chào mừng. Huỳnh Thạch Công kêu một thần nha là con quạ cao lớn hơn hết. Thần nha liền bay tới. Huỳnh Thạch Công bèn dạy:

- Nay ta sai ngươi theo Phùng Mậu sư huynh xuống phò Tống, trừ xong yêu đạo thì trở về cũng đặng thành tiên vậy. Thần nha gật đầu bay theo Phùng Mậu. Huỳnh Thạch Công dặn Phùng Mậu:

- Ngươi hãy đi cho gấp! Đừng dần dà, nếu trễ việc binh thì tội rất nặng, hãy cứu Lưu Kim Đính kẻo trễ ngày giờ. Phùng Mậu tạ thầy, cởi quạ bay vυ't lên mây.

Lời bàn: Danh lợi làm tối mắt con người, nếu muốn giữ vững được giá trị lòng người cần phải coi thường danh lợi. Dư Hồng, một kẻ tu tiên, thế mà khi xông vào thế sự, cõi trần đã biết tiếng, Dư Hông trở thành người phàm tục, mến chuộng giàu sang phú quí, đầy lòng tự ái, tham lam danh dự, trái lời thầy đế bảo vệ tham vọng của mình. Trong cuộc sống loài người, danh lợi là miếng mồi đưa sinh vật vào cạm bẫy. Kẻ trọng danh dự, đạo nghĩa làm người coi danh lợi như mây khói, kẻ đã trọng danh lợi thì coi danh dự con người không có giá trị gì. Nếu tham vọng trong cuộc sống có một định mức rõ ràng thì tham vọng con người không đến nói mê hồn. Lòng tham con người không đáy, càng được càng muốn nhiều hơn, kẻ chưa có thì mong cho được, kẻ đã có thì mong cho có nhiều hơn nửa. Đó là một thảm họa trong cõi sống loài người. Dù thụ hưởng đến bực nào, khi nhắm mắt xuôi tay, chỉ là một cơn ảo mộng, thế mà con người trong lúc sống vẫn tranh đua tìm cách thụ hưởng đến tranh đoạt lẫn nhau, gây rối trong xã hội.-oOo-

- Hết hồi 14:00 (84):