Sau khi nghe thằng Cần kể hết chuyện buôn bán cô quyết định dẫn theo nó đi xem xét mấy hiệu buôn. Đáng lý ra người nhà ông hội đồng đi ra ngoài đều bằng xe hơi đắt tiền nhưng địa vị của cô và mẹ mình trong nhà không được coi trọng, lại thêm cô rất ít ra ngoài nên phương tiện đi lại cũng chỉ dựa vào hai cái chân này.
Vừa đi trên con đường làng cô vừa chửi thầm trong bụng “chủ mấy hiệu buôn, giấu một hộp tiền vậy mà còn keo kiệt không chịu mua một chiếc xe để đi nữa, tới chiếc xe đạp cũng không có để giờ phải đi bộ mệt mỏi như vầy, thiệt bực mình hết sức”.
Từ khi xuyên qua tới nay đây là lần đầu cô ra ngoài. Cảnh vật nơi này thật khiến cô thích thú, hồi còn ở hiện đại cô luôn muốn về già mình sẽ tìm một miền quê thanh bình mà sống, cô thật chán ghét thành phố xô bồ bon chen.
Trước mắt cô giờ đây là con đường làng trải dài, một bên đường là đồng lúa bao la bát ngát, một bên là dòng sông trong xanh, xa xa còn trông thấy vài chiếc xuồng nho nhỏ. Cô vừa đi vừa hướng mắt nhìn về phía bên kia bờ sông, ngôi nhà nhỏ bên kia bờ tuy không rộng lớn nhưng lại thanh lịch vô cùng, trước nhà có hàng bông trang được cắt tỉa thẳng tấp, ngôi nhà gỗ theo kiểu cách cực kỳ khang trang. Ngôi nhà này khác xa với những ngôi nhà khác trong làng. Treo trước cửa nhà là hai câu đối liễn được viết bằng cổ ngữ, tuy cô không hiểu ý nghĩa câu đối nhưng trông nét chữ lại cực kỳ thanh thoát cùng xinh đẹp, thật đáng ngưỡng mộ.
----------------------------------------
Đi bộ hơn nữa tiếng, cuối cùng cô với thằng Cần cũng đã tới chợ huyện. Chợ này không quá lớn cũng không quá nhỏ nhưng lại tấp nập người lui tới. Tới lui trong chợ loại người nào cũng có, nào là tá điền, nào là dân tri thức, nào là cô hai cậu cả con nhà phú hộ.
Sau khi dạo hết một vòng chợ cô liền quay sang bảo thằng Cần “con dẫn cậu đến mấy hiệu buôn ở đây đi, cậu muốn đến đó xem chút”.
Thằng Cần dạ một tiếng liền dẫn cô đến hiệu vải gần đó. Hiệu vải treo tấm bảng to đùng viết hai chữ “Liên Thành”. Bước vào trong cửa hiệu cô thật muốn ngất đi với cách bày trí này, làm ăn như vầy biết chừng nào mới phất được đây, bao nhiêu cây vải cũng đều trưng lên kệ, không có lấy một thước vải treo lên giá làm mẫu cho khách xem.
Người coi tiệm ở đây vừa thấy cô ăn mặc sang trọng lại thêm đi chung với thằng Cần nên nhanh nhẹn chạy tới hỏi “chào cậu, cậu muốn mua vải như thế nào để tui dẫn cậu đi lựa”.
Cô quay sang nhìn người vừa hỏi nhàn nhạt trả lời “tui không đến coi vải, tui đến là để đóng cửa tiệm này vài hôm”.
Người gia nhân trông coi tiệm trố mắt nhìn cô rồi tươi cười lấy lòng “cậu cứ thích đùa, cửa hàng đang buôn bán làm sao nói đóng là đóng được”.
“Tôi không rảnh đùa. Ông nói đang buôn bán sao? Vậy khách ở đâu?” cô lạnh nhạt hỏi lại người gia nhân. Quả thật cửa hàng bây giờ đang vắng hoe.
Người gia nhân câm nín không biết trả lời thế nào đành giương mắt nhìn thằng Cần cầu cứu.
Thằng Cần thấy vậy liền mở miệng giải thích “đây là cậu ba An, cậu ấy mới là chủ của mấy hiệu buôn này”.
Gia nhân nọ giật mình ngẩn đầu nhìn, trước giờ cứ tưởng chủ của thằng Cần là một hội đồng lớn tuổi không ngờ lại còn trẻ tới vậy.
Thành An không muốn lòng vòng lâu lắc nên nói thẳng luôn vào vấn đề. “Nội trong ba hôm nữa ông hãi dùng tiền buôn bán được của tháng rồi mà thuê người đến làm theo lời tui nói. Ông thuê thợ mộc làm vài giá treo vải dựng phía bên trái này, mỗi loại vải đều treo một thước ở đây làm mẫu cho khách xem. Phân chia loại vải mà trưng bày trên kệ, những hàng trên cùng là vải thượng hạng, hàng dưới này để vải bình thường cho khách bình dân, loại nào bị trùng thì cất vào trong kho. Mỗi loại vải đều mai thử một hoặc hai cái áo làm mẫu treo lên. Viết hết giá cả lên trên một cái bảng và dựng ở cửa ra vào. Sau khi ông làm xong thì kêu mấy người ở cửa buôn còn lại tới coi rồi làm theo”. Gia nhân coi tiệm dà dạ làm theo.
Thằng Cần nảy giờ đứng ngơ ngác xem Thành An xử lý việc mà ngưỡng mộ. Không ngờ cậu của nó lại có lúc oai như vậy, khác xa với hình ảnh yếu ớt bình thường.
Thành An vừa định rời đi nhưng lại thấy thằng Cần đứng chết trân tại chổ “ Cần, dẫn cậu tới cửa hàng buôn muối”.
Thằng Cần giật mình nhanh chân chạy trước dẫn đường. Qua hai con hẻm nhỏ là tới hiệu buôn muối, hiệu buôn muối cũng là “Liên Thành” nhưng có vẻ buôn bán khá khẳm hơn. Chủ yếu khách ở chổ này là những hộ nông dân hay những nhà phú hộ mua về dùng. Buôn bán tốt nhưng chỉ có tầm này khách hàng thì không thể phát triển. Sau khi tìm hiểu xong con đường lấy muối và vận chuyển Thành An quyết định sẽ tìm đầu ra lớn hơn và cô sẽ trở thành đầu mối lớn của họ. Sáng hôm nay thằng Cần vừa đưa lá thư của ông Cả ở miệt Bạc Liêu cho cô, cô sẽ suy xét về vấn đề đến gặp mặt ông ta để hợp tác làm ăn. Cô cũng muốn sản xuất muối bọt trắng vì ở đây vẫn chưa có loại muối này.
Khi giải quyết xong chuyện ở mấy cửa hàng thì trời cũng đã xế chiều, Thành An bây giờ mới cùng thằng Cần đi bộ về. Trên con đường làng bây giờ đông đúc người qua lại, đa phần là tá điền với mấy đưá con nít chạy giỡn. Cảm giác này thật sự rất thích, trông nó thật yên bình. Đang thả hồn tận hưởng khung cảnh trước mắt Thành An bổng nghe tiếng đàn xa xa vọng lại, càng đi tới tiếng đàn càng rõ hơn.
Phía bên kia sông vẫn là căn nhà đẹp mắt đó, vẫn là khung cảnh đó nhưng bây giờ lại có thêm một người con gái. Cô gái ngồi cạnh gốc cây dưới bến sông, tay cầm cây đàn tỳ bà, ngón tay thon nhỏ lả lướt trên dây đàn. Dáng người mảnh khảnh ôm cây đàn, chiếc áo bà ba xanh ngọc làm nổi bật làn da trắng hồng cùng vẻ đẹp mỹ miều của cô. Gương mặt đó cùng đôi mày lá liễu sao mà xinh đẹp đến lạ thường, đôi môi hồng khẽ mím cùng hàng mi cong vυ't, tất cả tạo nên một gương mặt vô cùng kiều mị nhưng sâu trong đôi mắt lại như chất chứa một nổi buồn sâu thăm thẳm.
Tiếng đàn thê lương như đánh thẳng vào tim Thành An khiến cô có cảm giác rung động lạ thường. Cô như người vô hồn dừng chân bên vệ đường nhìn chằm chằm về phía cô gái nhỏ kia.
Bất chợt một tiếng hét vang dội đầy chát chúa của một người phụ nữ vang lên “con Hương đâu, sao mày không vào rửa chén mà còn ở đó lẳn lơ đàn hát hả”.
Tiếng hét kia làm Thành An bừng tỉnh, đến khi nhìn lại thì không còn thấy cô gái kia đâu nữa. Cô quay sang hỏi thằng Cần “cô gái đó là con cái nhà ai vậy Cần ?"
“Thưa cậu, cô gái đó là cô hai Mai Hương con của ông giáo Đặng Sinh đó cậu”.
Nghe xong câu trả lời cô lại thắc mắc “ông giáo sao? Ông giáo là mần cái chi vậy Cần?”
“dạ ông giáo là thầy dạy chữ đó cậu. Ông giáo Sinh nổi tiếng khắp cái vùng này nhờ tài dạy chữ, nhiều phú hộ hay gửi con đến đây học chữ của ông lắm đó cậu”.
“vậy....cô gái đó thì sao?”
“dạ cô hai Mai Hương là con gái của ông giáo Sinh với người vợ trước. Mẹ ruột của cô Hương bệnh nặng mất sớm, cô vừa đẹp người vừa đẹp nết lại giỏi chữ viết cùng đàn hát nên cũng được nhiều người biết tới. Tuy được tiếng cô hai nhưng cô ấy lại cực khổ chẳng kém con ở là bao. Từ ngày ông giáo cưới về vợ mới, bà mẹ kế này liền bạc đãi cô Hương, bắt cô làm đủ thứ chuyện như con ở. Ông giáo tuy thương cô nhưng ngại vợ mình nên chẳng bảo vệ được cô. Càng cực khổ hơn khi bà mẹ kế sinh được cậu con trai, từ đó hai mẹ con bà thay phiên nhau ức hϊếp cô. Con cũng nghe đâu cô Hương mến mộ cậu hai Dương ở làng bên, nghe đâu cậu Dương từng sang học chữ nhà ông giáo rồi sinh lòng mến mộ. Chắc không lâu nữa cậu Dương qua hỏi cưới đó đa, khi ấy cô Hương được cứu khỏi cảnh khổ rồi”.
Đang chăm chú lắng nghe thằng Cần nói nhưng khi nghe tới cô gái đó đã có người thương trong lòng Thành An lại nổi lên cơn buồn bực khó tả. Ngó sang bên kia sông lần nữa rồi cô cất tiếng giục thằng Cần đi về nhà.