Dấu Chấm Câu

Chương 34: Chương 34

Toàn bộ chiếc bánh được phủ bằng kem trắng, có một người đàn ông be bé mặc áo blouse ở giữa, trông hệt như bác sĩ.

Bên cạnh bác sĩ là vài bông hoa trang trí nặn bằng kem với nhiều hình thù khác nhau, ngay giữa là dòng chữ "Chúc Bác sĩ Đường sinh nhật vui vẻ."

Đường Duy tự thấy trình độ thẩm mỹ của mình đã kém, nhưng cái này sến rện đến độ ngoài sức tưởng tượng.

Anh cười, hiếm khi trông thấy vẻ xấu hổ và giận dỗi trên khuôn mặt Kỷ Viêm.

Hắn đẩy lưỡi sang một bên miệng, nói gằn từng chữ: "Em nói là sinh nhật bác sĩ.

Ai biết thằng đó làm cho em cái bánh kem này chứ!" Giọng hắn xìu xuống.

"Em không kịp mua cái khác, Bác sĩ Đường ăn tạm đi."

"Sang năm em chắc chắn không ghé cửa hàng đó nữa."

Sang năm, một từ mang đến cảm giác dễ chịu quá đỗi.

Kỷ Viêm đột nhiên tắt đèn, căn phòng chìm vào bóng tối vô biên.

Đường Duy nghe thấy tiếng lách tách, ngọn lửa màu cam loé lên trên chiếc bật lửa thắp sáng bữa tiệc nhỏ giữa hai người.

Kỷ Viêm cắm cây nến vào bánh kem, đoạn châm nến.

"Bác sĩ Đường, anh ước đi." Kỷ Viêm thấp giọng.

Ngọn nến ánh tia sáng lên khuôn mặt Kỷ Viêm, khiến một người luôn nghịch ngợm và tinh ranh trông dịu dàng hơn hẳn.

Anh nhắm mắt, đưa ra ba điều ước cũ kỹ.

Đường Duy mở mắt, xuyên qua ánh sáng dìu dịu của ngọn nến là khuôn mặt thân thuộc của Kỷ Viêm.

Hắn cười, hỏi: "Bác sĩ Đường ước gì vậy?"

Đường Duy buồn cười: "Nói ra thì không linh nữa."

"Bác sĩ Đường còn tin cái này hả." Kỷ Viêm cong đôi mắt đào hoa.

Hắn xáp lại gần Đường Duy, dụ dỗ anh.

"Đừng tin ông trời.

Anh nói điều ước cho em đi, bạn trai thực hiện hết cho anh mà."

Đường Duy nhìn Kỷ Viêm.

Hai người đang ở rất gần nhau mà chẳng ai nhúc nhích trước, tựa như một bức tranh sơn dầu tĩnh lặng.

Đến lúc Kỷ Viêm toan nói, Đường Duy chợt hỏi: "Em có từng hối hận cái gì không?"

Kỷ Viêm sửng sốt.

Hắn liếʍ môi dưới, cười khẽ: "Em có gì mà phải hối hận."

Đường Duy nhướng mày, Kỷ Viêm nói có lý.

Một người tự tin sống trong một gia đình hạnh phúc, có can đảm đấu tranh cho bất cứ thứ gì mình muốn, làm sao từng trải qua cảm giác hối hận?

Đường Duy đứng dậy.

"Hạ An dặn anh chụp hình cho cậu ấy xem." Đường Duy bật dải đèn nhỏ mà Kỷ Viêm đã chuẩn bị.

Anh mỉm cười, cúi xuống chụp một bàn đồ ăn và bánh kem trên đảo bếp.

Kỷ Viêm lùi lại vài bước cho Bác sĩ Đường chụp ảnh.

Ánh đèn mờ mờ trong phòng và dáng hình của Đường Duy ánh vào trong mắt Kỷ Viêm.

Hắn nghĩ, khung cảnh này có lẽ giống như một bức ảnh.

Và, nó mãi mãi in dấu ở trong tâm trí hắn.

Đường Duy đang gửi tin nhắn cho Hạ An, bỗng nghe thấy một câu "Em có" không đầu không đuôi của Kỷ Viêm.

Tiếng nói không lớn, nhưng đủ rõ ràng.

Anh quay đầu, trông thấy Kỷ Viêm đang dựa vào giấy dán tường nơi góc tối.

Anh không nhìn rõ vẻ mặt bây giờ của hắn.

Hai người cứ nhìn nhau như thế, không một ai lên tiếng trước.

Bẵng đi một lúc, Kỷ Viêm bước ra từ trong bóng tối.

Hắn lấy một chai rượu từ tủ rượu trong phòng bếp, hỏi: "Uống không?"

Đường Duy khẽ gật đầu.

Kỷ Viêm rót ly rượu cho hai người.

Hắn lắc nhẹ chiếc ly, nhìn chất lỏng sóng sánh bên trong, và rồi chậm rãi đưa Đường Duy gặp một Kỷ Viêm thuở còn bé.

Ông nội của Kỷ Viêm có hai người con trai.

Bố Kỷ tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình, nhưng chú của hắn là Kỷ Hưng Đức không hề mảy may quan tâm đến gia nghiệp.

Từ khi Kỷ Viêm có ý thức rõ ràng về thế giới xung quanh, chú của hắn đã rất bận rộn.

Thỉnh thoảng ghé thăm Kỷ Hưng Đức, trong nhà chú không có lấy một chút hơi thở sinh hoạt.

Có chăng cũng là hằng hà những mô hình phi thuyền có người lái.

Một kỳ nghỉ hè nọ, bố mẹ của Kỷ Viêm đi công tác nên gửi hai đứa nhỏ đến nhà Kỷ Hưng Đức.

Thực ra, không có gì khác biệt giữa hai anh em ở nhà cho bảo mẫu chăm sóc hay đến nhà chú.

Bởi, Kỷ Hưng Đức quá bận.

Ban ngày chẳng bao giờ thấy bóng dáng của chú, đúng giờ chỉ có bảo mẫu tới nấu cơm.

Những lúc rảnh rỗi là vài giờ ngắn ngủi khi màn đêm buông xuống, đó cũng là khoảng thời gian Kỷ Viêm thích nhất.

Vì chỉ vào lúc đó, Kỷ Hưng Đức mới kể về vũ trụ bao la cho hai anh em.

Kỷ Lê Chu đang ở độ tuổi thích la cà với bạn bè nên không hứng thú với chúng, song Kỷ Viêm thì khác.

Hắn rất thích nghe.

Ban đầu, Kỷ Lê Chu còn chịu khó ngồi xuống nghe đôi ba phút.

Nhưng sau đó, hễ Kỷ Hưng Đức kể chuyện thì anh hoặc là ra ngoài chơi, hoặc ở suốt trong phòng ngủ.

Chỉ có mỗi Kỷ Viêm lắng nghe Kỷ Hưng Đức nói.

Kỷ Hưng Đức thường kể hắn nghe về sự rộng lớn của vũ trụ.

Có một lần Kỷ Viêm hỏi chú rằng, vũ trụ lớn như thế nào.

Kỷ Hưng Đức mỉm cười, ôm Kỷ Viêm ngồi lên đùi mình và dùng ngón tay ra hiệu.

Chú nói rằng —— "Nếu vũ trụ là một chiếc đồng hồ lớn không ngừng chuyển động, thì trái đất mà con đang sống giống như một cái bánh răng be bé ở trong chiếc đồng hồ lớn.

Và những người như con và chú sống trên trái đất thì phải cần một cái kính hiển vi mới có thể nhìn thấy.

Đối với chiếc đồng hồ lớn, con người ta quá nhỏ bé."

Giọng nói trầm thấp mà ngân nga của Kỷ Hưng Đức là điều cực kỳ thu hút Kỷ Viêm lúc bấy giờ.

Hắn không tài nào vẽ nên chiếc đồng hồ bằng trí tưởng tượng của mình.

Hắn nói, giọng phấn khích: "Con muốn đi ngắm vũ trụ!"

Kỷ Hưng Đức sửng sốt, cười nói: "Chú cũng muốn ngắm vũ trụ."

Cuộc trò chuyện ngày hôm đó đã hằn sâu trong trí nhớ Kỷ Viêm rất lâu.

Về nhà, hắn bắt đầu xem hết tất cả các bộ phim tài liệu và sách báo liên quan đến vũ trụ đầy sao.

Nhà họ Kỷ chưa bao giờ thấy Kỷ Viêm nghiêm túc với học tập như thế, ai nấy đều ủng hộ hắn hết mình.

Kỷ Viêm có thật nhiều thật nhiều vấn đề muốn hỏi Kỷ Hưng Đức.

Nhưng chú bận quá, Kỷ Viêm không thể gặp chú.

Đến một ngày của ba năm sau, Bố Kỷ nói với hắn rằng —— "Con dành chút thời gian với chú đi."

Kỷ Viêm đến nhà Kỷ Hưng Đức một lần nữa.

Hắn phát hiện những mô hình mà mình thích ở ba năm trước chẳng còn đâu.

Kỷ Hưng Đức vẫn rất bận, và cũng không còn kể với hắn về vũ trụ mênh mông.

Đêm nọ, Kỷ Viêm khát nước nên choàng tỉnh giấc.

Hắn xuống lầu rót nước thì thấy Kỷ Hưng Đức đang uống rượu một mình ở phòng bếp.

Hắn đã hỏi Kỷ Hưng Đức thật nhiều câu hỏi, nhưng Kỷ Hưng Đức không trả lời hắn.

Căn phòng tối om, song Kỷ Viêm không thấy sợ hãi.

Hắn chỉ cảm thấy buồn bã.

Hắn không hiểu nỗi buồn ấy đến từ đâu.

Mãi về sau hắn mới biết, rằng đó là đau lòng.

Đau lòng cho sự cô đơn của một chàng thanh niên bị chôn vùi cùng với giấc mộng.

Kỷ Viêm phát hiện dẫu mình nói gì chăng nữa thì Kỷ Hưng Đức cũng không để tâm tới, thành thử hắn định đi ngủ.

Đến đầu cầu thang, hắn nghe thấy Kỷ Hưng Đức bảo: "Kỷ Viêm, chú không bao giờ có thể ngắm vũ trụ bao la này nữa." Đó là câu nói đầu tiên và là duy nhất Kỷ Hưng Đức nói với Kỷ Viêm vào đêm hôm đó.

Hắn không hiểu, nhưng Kỷ Hưng Đức không giải thích gì thêm.

Hai người đột ngột cắt đứt liên lạc sau đêm ấy.

Nhiều năm trôi qua, Kỷ Viêm chưa từng gặp lại Kỷ Hưng Đức.

Đến một ngày cuối tuần vào năm lớp mười, Kỷ Viêm trông thấy Kỷ Hưng Đức đã biến mất một thời gian dài ở nhà.

Không còn sự vô hồn trong lần gặp cuối cùng, chú đã trở về Kỷ Hưng Đức mà Kỷ Viêm quen thuộc.

Ngày hôm đó, Kỷ Viêm vui lắm.

Hắn không biết năm xưa Kỷ Hưng Đức đã chịu đả kích gì, nhưng bây giờ chú lấy lại tinh thần là tốt rồi.

Sau bữa tối, hắn kể về những thước phim tài liệu và sách báo mà mình đã xem trong nhiều năm qua với Kỷ Hưng Đức.

Chú kiên nhẫn giúp hắn trả lời các câu hỏi, và sửa những chỗ sai cho hắn.

Trước khi ngủ, Kỷ Viêm nói với Kỷ Hưng Đức bằng giọng điệu kiên định: "Chú, sau này con phải làm phi hành gia."

Kỷ Hưng Đức sửng sốt.

Chú ngỡ rằng đôi ba câu nói vui đùa thuở còn thơ thì vu vơ nhanh qua, đâu biết gieo hạt mầm vào lòng Kỷ Viêm lâu dài như thế.

Nhìn đứa cháu trai đang tuổi ăn tuổi lớn mà còn sắp cao bằng mình, Kỷ Hưng Đức nói với giọng nghiêm túc: "Kỷ Viêm, con không thể làm phi hành gia." Ấy là lần đầu tiên hắn trông thấy nét mặt nghiêm nghị của chú.

Kỷ Viêm ngỡ ngàng.

Hắn không hiểu vì sao chú mình lại không ủng hộ ước mơ của mình.

Nhưng Kỷ Viêm kiêu ngạo từ trong xương máu, thuở niên thiếu càng ngỗ nghịch hơn những đứa trẻ khác.

Hắn nói với Kỷ Hưng Đức: "Con không biết tại sao chú không thể làm phi hành gia.

Nhưng chú không thể, thì đâu chứng minh con cũng không làm được?"

Hắn không biết câu này có ý nghĩa thế nào với Kỷ Hưng Đức, vừa nói xong thì hắn đã bỏ đi.

Mấy ngày tiếp theo, Kỷ Viêm cố tình tránh mặt chú.

Đến khi chú lại bận rộn đi mất, Kỷ Viêm mới giả vờ lơ đãng hỏi bố trong một bữa cơm muộn: "Bố, tại sao chú không làm phi hành gia ạ?"

Bố thở dài: "Không đủ tiêu chuẩn sức khoẻ.

Nhà mình có tiền sử mắc bệnh di truyền lặn*.

Dù tỷ lệ phát bệnh rất thấp, nhưng không thể nào trở thành phi hành gia."

[1] Bệnh di truyền lặn: là bệnh di truyền gây ra do bất thường ở cả 2 gen.

Cả bố lẫn mẹ đều phải là người mang gen bất thường mới có thể khiến bệnh xảy ra ở con họ.

Kỷ Viêm không còn nhớ mình phản ứng thế nào khi hay tin, có lẽ tương đối đáng sợ.

Nhưng hắn nhớ người nhà đã lo lắng lắm, cho rằng hắn sợ mình sắp chết nên luôn miệng nói khả năng phát bệnh rất thấp.

Nhưng chỉ có Kỷ Viêm biết, một thoáng đó trong đầu hắn vang lên những âm thanh "răng rắc".

Ấy, là tiếng gãy vỡ của giấc mơ hắn.

Kỷ Viêm cười nhẹ, uống cạn phần rượu còn lại trong ly.

Đoạn hắn nói với Đường Duy: "Sau này, em lén đốt hết đống băng đĩa và sách vở sưu tầm được trong mấy năm đó."

Đường Duy nhấp môi một hớp, hỏi: "Vậy em còn muốn làm phi hành gia không?"

"Mấy năm trời ôm giấc mộng, sao mà muốn quên là quên." Kỷ Viêm cười khẩy.

"Hồi đó em không cam lòng, còn tính đi xăm nữa."

Đường Duy nhướng mày: "Vị thành niên không thể xăm hình đâu."

"Làm chui thì vẫn có, nhưng em sợ dơ." Kỷ Viêm cười khẽ, giọng điệu thản nhiên.

"Bây giờ lớn rồi thì thấy ngu quá."

Đường Duy vuốt nhẹ quanh miệng ly: "Chú em thì sao?"

"Suy sụp tinh thần, chịu đả kích rất lớn."

Đường Duy thử tưởng tượng, giả sử anh học y nhiều năm và đến phút cuối có người nói anh không thể cầm dao mổ vì tay có vấn đề.

Anh nghĩ, kiểu suy sụp đó không phải người nào cũng có thể chấp nhận, huống hồ phi hành gia còn là tín ngưỡng của Kỷ Hưng Đức.

"Nhưng chú hoà giải với chính mình, đến khoa học và công nghệ hàng không vũ trụ làm nghiên cứu."

"Còn em thì sao?" Em đã hoà giải với chính mình chưa? Em đối mặt thế nào với giấc mơ dai dẳng suốt nhiều năm? Em có muốn nỗ lực cho ngành hàng không vũ trụ của nước mình không, Kỷ Viêm?

Câu hỏi của Đường Duy không đâu vào đâu, song Kỷ Viêm hiểu ý anh.

Kỷ Viêm nhướng mày, nụ cười đầy kiêu hãnh: "Em không thiếu."

Hắn nói không ngoa, hắn quả thật không thiếu.

Từ xưa đến nay, hắn chỉ quan tâm những gì mình để ý.

Giấc mơ của hắn là tận mắt trông thấy vũ trụ vô biên, đưa tay ra là chạm đến những vì tinh tú.

Nếu không được, vậy quên đi.

Đối với việc âm thầm cống hiến ở hậu trường, đó không phải là điều mà trái tim hắn hướng đến.

Dẫu vĩ đại thế nào chăng nữa, chỉ cần không phải là điều hắn muốn thì nó không thể chiếm lấy một góc nhỏ trong mắt hắn.

*

Tác giả có điều muốn nói:

Xin lỗi mọi người.

Híc, sinh nhật Bác sĩ Đường chưa viết xong nữa.

Ai biểu sinh nhật Bác sĩ Đường quan trọng quá chi! Chương sau kết thúc liền!

*

Q: Khi mình đọc chương này, mình nghĩ ngay đến bài "Phi hành gia cô đơn" của Vũ Cát Tường.

Thật tình bài đó hay lắm luôn ạ ~.