Sư Tôn Lại Bế Quan Rồi

Chương 1: Bái sư học nghệ

Thế giới Cửu châu đương độ phồn vinh, người phàm thì ít mà kẻ tu tiên thì nhiều, hễ ai có chút thiên phú thì đều cố hết sức mà tu tiên. Âu cũng là điều dễ hiểu, có ai không muốn trưởng sinh bất tử, trẻ mãi không già? Cho dù không được thế thì ít nhất cũng có thể kéo dài tuổi thọ, gọi nước biến lửa...

Thanh Khê sinh ở Gia Nam thôn, bốn bề đều là núi cao, tách biệt hoàn toàn khỏi thế giới bên ngoài. Người nơi này thuần hậu chất phác, sinh sống hòa thuận vui vẻ.

Nhưng lạ thay chốn ấy linh khí dồi dào nhưng tuyệt nhiên không có một ai tụ được khí, càng không có cơ duyên tiến vào cõi tiên.

Năm Thanh Khê sinh ra, thôn bị lụt. Bởi nằm trong thung lũng nên người dân chỉ đành vượt núi ra ngoài, ai không ra được thì chỉ có nước chết chìm.

Mẫu thân của Thanh Khê vác bụng bầu chín tháng, há có thể vượt qua tầng tầng lớp lớp núi non ấy, đành tìm một chỗ cao nhất cả thôn, chật vật sinh nàng ra rồi qua đời. Thanh Khê theo dòng lũ trôi ra biển.

Có ông lão đánh cá thấy thế thì nhủ thầm: "Đứa nhỏ này chìm trong nước bao nhiêu ngày mà không chết, ắt là phúc tinh, ngày sau sẽ làm nên nghiệp lớn". Đoạn bế nàng về nuôi, còn mời tán tu ngang qua truyền dạy đạo pháp cho.

Năm nàng mười sáu thì ông lão đánh cá qua đời. Sau khi lo liệu tang ma xong, Thanh Khê nhớ lời tán tu từng dạy nàng nói rằng: "Con có thiên phú nhưng tiếc nỗi không gặp được lương sư, nếu muốn đạt được thành tựu thì hãy đến các tông môn lớn mà tu tập thì có ích lắm". Lại bảo: "Trong Cửu châu, bốn tông môn lớn nhất là Côn Lông tông, Bảo Đan môn, Thiết Sí tông và Huệ Các tông. Trước nay Côn Lôn tông vẫn là tông môn đứng đầu, được người tu hành coi là Bắc Đẩu chỉ lối".

Thế là, Thanh Khê quyết định đến Côn Lôn tông bái sư học nghệ.

Đường đi xa xôi gặp nhiều trắc trở, trèo đèo lội suối, vượt vạn thành trì nhưng mỗi bước đi, Thanh Khê lại thêm quyết tâm. Trong thế giới tu tiên, có mấy ai không phải chịu nỗi gian nan? Có mấy ai ngồi không hưởng phúc? Nếu chỉ bấy nhiêu còn không vượt qua được thì nói gì đến đắc đạo thành tiên?

Sau một năm hành trình, cuối cùng Thanh Khê cũng đến được núi Côn Lôn.

Truyền rằng, Côn Lôn vốn là do xương cốt của thần long hóa thành, long mạch ẩn sâu trong lòng đất, long khí và linh khí vô cùng dồi dào. Núi cao muôn trượng, vách núi dựng đứng nom hùng vĩ tráng lệ. Những hang động, mỏm đá sừng sững uy nghiêm khiến Thanh Khê bất giác sợ hãi trong lòng.

Dưới chân núi có một cái cổng đá lớn, trước cổng đá là một kết giới kỳ dị mà nàng chưa từng thấy. Thanh Khê nhìn kỹ cổng đá, thấy dưới chân cổng có một miếng ngọc bích xanh biếc. Nàng cầm lên xem kỹ, thì thấy bên trên là một trận đồ bát quái, lại lật lại đằng sau thì là một trận pháp nho nhỏ.

Thì ra là trận pháp phá bỏ kết giới!

Thanh Khê dồn linh khí vào đầu ngón tay, vẽ lại trận pháp lên không trung, tức thì hàng ngàn linh tiễn phóng ra từ trận pháp phá vỡ kết giới.

Thanh Khê thu trận pháp vào lòng bàn tay, đặt viên đá vào chỗ cũ rồi ung dung lên núi.

Leo cả nửa ngày mới đến lưng chừng núi. Nơi đó có một cái chòi nghỉ, Thanh Khê bèn đi vào trong.

Trong chòi trơ trụi một chiếc bàn đá, trên bàn là một ấm trà, nước trà thì bị đông thành đá. Thanh Khê bấm một quyết Thôi Hỏa, đốm lửa nhảy nhót trong lòng bàn tay nhanh chóng làm nước trà tan chảy. Nàng vui vẻ uống trà trong ấm rồi cười hì hì, lẩm bẩm: "Khảo hạch dễ quá!"

Không sai, tất cả chúng đều là khảo hạch nhập môn của Côn Lôn tông với đệ tử.

Thanh Khê nghỉ một lát rồi lại tiếp tục leo lên trên. Lần này đường đi không còn thuận lợi mà gập ghềnh mấp mô, có chỗ chỉ là một con đường nhỏ hẹp, phải dựa sát vào núi mới không ngã xuống, có khi thì chẳng có đường mòn mà phải băng qua một rừng cây rậm rạp.

Cửa ải cuối cùng của Thanh Khê là một con yêu thú hình con dê có bốn sừng. Thú ấy tên Thổ Lâu, ăn thịt người.

Thanh Khê nhìn yêu thú rồi cười nhạt. Ngoại trừ bốn chiếc sừng trên đầu ra, Thổ Lâu rõ là một con thú vô hại với nàng. Dẫu gì nàng cũng là kỳ tài tu tiên, con yêu thú nho nhỏ này thì vẫn dễ dàng thuần phục được.

Chỉ thấy đám lá nhọn trên cành cây bỗng rụng lả tả rồi bỗng đổi hướng, nhắm về phía Thổ Lâu. Chẳng bao lâu, Thổ Lâu đã chỉ còn là một cái xác với chi chít những lỗ rỗng như tổ ong.

Thanh Khê mặt không đổi sắc tiến vào trong Côn Lôn tông.

Các đệ tử đã đứng ngay ngắn thành hàng chào đón đệ tử mới đến. Trên điện ngọc, một tôn giả chừng bốn mươi vung cây phất trần, cất tiếng oang oang nói với Thanh Khê: "Khá khen khá khen, còn nhỏ tuổi mà tu vi đã rất khá!" Đoạn hỏi: "Con muốn tu kiếm, tu đan, tu trận, hay là...?"

"Tu kiếm ạ".

"Được. Huyền Tôn! Đệ hãy thu nhận đứa bé này đi!"