Thì Ra Vai Ác Sư Đệ Yêu Thầm Ta

Chương 14: Tân nương

Nếu Chấp Pháp Đường là nơi mà đệ tử Thái Huyền Tông sợ nhất, Tàng Thư Các là nơi đến mà miễn cưỡng nhất, vậy thì Nhâm Vụ Đường là chỗ mà các đệ tử thích thú muốn được đến nhất.

Nhâm Vụ Đường nhận ủy thác từ khắp mọi nơi trên đại lục Thần Châu, có ủy thác xin giúp đỡ từ dân thường, cũng có ủy thác treo thưởng từ các thế lực giang hồ, độ khó khác nhau, các đệ tử sẽ tự chọn nhiệm vụ theo năng lực của mình. Hoàn thành ủy thác sẽ nhận được phần thưởng như đan dược, pháp khí, cấp bậc cũng dựa theo độ khó của nhiệm vụ.

So với việc ngồi thiền đọc sách tu luyện cả ngày trên núi, đương nhiên các đệ tử thích xuống núi rèn luyện hơn, bởi vì vừa có thể rèn giũa tâm tính giữa cảnh ấm lạnh nhân gian, nâng cao thực lực, vừa được ngao du sông núi, dạo chơi thắng cảnh. Nhóm đệ tử mới nhập môn chờ ngày này đã lâu, cuối cùng cũng hóng được tin tức.

“Nghe gì chưa, chúng ta được xuống núi làm nhiệm vụ đó!”

“Thật không?”

“Thật trăm phần trăm, chính miệng Dữu trưởng lão nói với ta mà! Cơ mà chúng ta mới nhận nhiệm vụ lần đầu, không có kinh nghiệm nên phải đi theo nhóm, có sư huynh theo hướng dẫn nữa.”

“Sư huynh nào?”

“Không biết, nghe nói đợt trước là đại sư huynh Vũ Chiếu Phong với Ngọc Hoa Phong, chắc lần này cũng là họ nhỉ?”

Mãi đến ngày thu dọn hành trang lên đường, họ mới gặp sư huynh hướng dẫn, ai cũng mừng ra mặt, kích động kêu la, “Mạnh Trần sư huynh!!”

Ai biết họ may mắn đến vậy, sư huynh hướng dẫn họ là Mạnh Trần đó!

Thật ra sư huynh cảnh Kim Đan là đã lợi hại lắm rồi, thừa sức ứng phó vói mọi tình huống dưới núi, kể cả đánh nhau với ma tu tầm thường. Còn cảnh Nguyên Anh đã có thể xưng là cao thủ, thời điểm thấy Mạnh Trần, các đệ tử như được uống máu gà. Trước đó còn sợ nhiệm vụ quá khó hoặc gặp nguy hiểm, nhưng giờ không ai lấn cấn chuyện đó nữa, chỉ thấy hưng phấn!

Tiết Lãng lẳng lặng đứng cuối hàng cũng nhịn không được ngẩng đầu lên.

Vì phải xuống núi nên mọi người không mặc đồng phục mà đổi thành thường phục. Mạnh Trần mặc trường bào xanh nhạt, càng tôn lên sắc đẹp tuyệt trần. Y đưa quyển trục ghi nội dung nhiệm vụ cho mọi người chuyền tay nhau, “Độ khó của ủy thác là hạ trung đẳng nhưng không được xem thường. Ta mong mọi người luôn duy trì cảnh giác, tuân thủ kỷ luật, không hành động một mình, nếu tình hình có gì khác thường phải báo với ta ngay.”

Mười đệ tử tính cách khác nhau, có thành thật có bốc đồng, nhưng trước mặt Mạnh Trần ai cũng ngoan như gà, cùng đồng thanh trả lời, “Vâng ạ!”

Mạnh Trần gật đầu, chia cho mỗi người một vật, “Đây là bùa truyền âm, lỡ đi lạc thì dùng nó truyền âm cho ta.”

Tiết Lãng nghe vậy thì lòng xao động, bất giác mím môi.

Bùa truyền âm?

Ai cũng có luôn?

Tiết Lãng xụ mặt, nhìn qua mới thấy Mạnh Trần phát cho mọi người một lá bùa truyền âm màu vàng, là loại rất phổ biến trong giới tu chân chứ không phải hạc giấy.

Bản mặt như bánh bao chiều tức khắc thả lỏng, biểu cảm của thiếu niên từ âm u chuyển thành quang đãng.

Mạnh Trần phát hết bùa truyền âm, nữ đệ tử Liên Chi nhìn Tiết Lãng ở cuối hàng rồi nhìn Mạnh Trần, bối rối một lúc lâu, rốt cuộc phải nhắc, “Ừm… Mạnh sư huynh à, Tiết Lãng chưa có bùa truyền âm kìa.”

Mạnh Trần nghe vậy thì nhìn Tiết Lãng, bảo, “Hắn thì khỏi.”

Chín đệ tử đồng loạt hít ngược một hơi, cùng nhìn Tiết Lãng bằng ánh mắt thương xót.

Quả nhiên Mạnh sư huynh ghim thằng nhóc này rồi, đến một lá bùa người ta cũng không thèm cho! Tội quá tội!

Tiết Lãng bình thản đón nhận ánh mắt “tự mà cầu may”, âm thầm sờ hạc giấy trong tay áo rồi cùng mọi người xuống núi, lên đường đến thôn Trương Bách thuộc thành Hà Dương.

Quyển trục viết rằng, dạo gần đây trong thôn Trương Bách xảy ra nhiều vụ mất tích, thân phận người mất tích hết sức đặc biệt, họ đều là tân nương mới gả. Thôn dân tưởng có kẻ cướp dâu nên báo quan phủ, nhưng lính tuần tra xét mấy ngày vẫn không bắt được ai đáng nghi, cũng không tìm được manh mối những người mất tích. Thế là thôn dân kháo nhau rằng tân nương bị quỷ bắt mất. Thôn dân vừa sợ vừa e ngại, sau đó có người chỉ điểm, họ vội vàng cầu cứu tiên nhân. Thái Huyền Tông gần thành Hà Dương nhất nên nhận ủy thác này.

Mạnh Trần dẫn nhóm vào thôn Trương Bách.

Thôn này bốn bề là núi, giao thông ách tắc, thôn dân thoạt nhìn chẳng khá giả gì, cũng chưa từng gặp người tu tiên trong lời đồn. Khi thấy một nhóm người tay áo bồng bềnh, ngự kiếm từ trên trời đáp xuống, ai cũng khϊếp vía lùi ra xa, vừa quan sát họ vừa nhỏ giọng bàn tán, chỉ có mấy gia đình mất con khóc lóc chạy đến.

“Tiên nhân, cầu xin ngài cứu con gái tôi!” Khóc dữ nhất là một người phụ nữ đầu quấn khăn xanh, bà nhìn một cái là biết ngay Mạnh Trần dẫn đầu, bèn quỳ bên chân nắm vạt áo y.

Vì làm việc nặng quanh năm suốt tháng nên đôi tay bà thô kệch, da nứt nẻ, móng tay còn dính bùn đen vô cùng xấu xí. Mạnh Trần lại chẳng để tâm, y nhẹ nhàng đỡ bà ta dậy, “Có thể kể chi tiết chuyện đã xảy ra không?”

Người phụ nữ lau nước mắt, nức nở rằng, “Cách đây không lâu, con gái tôi là Nhị Phượng đính hôn với con út của Trương gia trong thành Hà Dương, ba ngày trước đội rước dâu đến thôn đưa con bé đi, nào giờ hai canh giờ sau lại nhận được tin tân nương mất tích!”

Bà kể rồi khóc òa, có đệ tử nghe mà nóng ruột, hối thúc, “Sao tự dưng mất tích?”

“Họ nói đang đi thì đột nhiên bầu trời tối sầm, cuồng phong nổi lên, đội rước dâu nhắm mắt ôm đầu, chờ hết bão cát mới phát hiện trong kiệu hoa không còn ai cả!”

Các đệ tử mấy mặt nhìn nhau. Tình huống quá kỳ lạ, cướp dâu bình thường sao lại có khả năng tạo bão cát?

Mạnh Trần hỏi thăm những người khác, tổng cộng có ba gia đình mất con gái, lời kể cũng tương tự mẹ của Nhị Phượng.

“Mà này, ta có hai vấn đề.” Nữ đệ tử Liên Chi rụt rè lên tiếng, “Theo lời mấy người thì ba tân nương mất tích theo thứ tự ba ngày trước, năm ngày trước, sáu ngày trước. Vậy… nếu người đầu tiên đã mất tích thì cớ sao hai gia đình sau không ý thức được nguy hiểm? Tại sao vẫn tiếp tục tổ chức hôn lễ?”

Người phụ nữ quấn khăn xanh nghe thế thì nổi đóa lên, nhào tới đánh gã đàn ông cao gầy núp tuốt đằng sau, “Tôi có nói rồi, sau chuyện của Quế Hoa và Nhị Nha thì tôi không cho gả Nhị Phượng, nhưng cha nó không chịu! Là ông đẩy con vào chỗ chết!”

Cha của Nhị Phượng bị đánh đến phát cáu, “Sao lại trách tôi được? Chuyện của Quế Hoa và Nhị Nha là ngoài ý muốn, ai mà ngờ Nhị Phượng cũng mất tích chứ? Mắc gì tôi lại đi hại con gái mình? Hơn nữa hôn sự này đã được định sẵn, đột ngột đổi ý thì biết ăn nói với Trương gia thế nào đây? Tôi không trêu nổi nhà người ta đâu!”

Có đệ tử hỏi, “Không trêu nổi? Trương gia kia có lai lịch gì?”

Gã đàn ông nói, “Nhà đó mở tiệm cầm đồ trong thành Hà Dương, nhìn trúng con gái nhà tôi là may lắm rồi, nhà bọn tôi nào dám từ hôn.”

“Mở tiệm cầm đồ thì hẳn là lắm tiền.” Tiết Lãng chợt nói, “Nên là không phải ông không dám từ hôn mà là tham sính lễ của nhà trai.”

Các đệ tử nghe thế thì bừng tỉnh, cha của Nhị Phượng như bị giẫm phải đuôi, mặt hết xanh rồi đỏ, muốn chửi ầm lên nhưng e dè thân phận “tiên nhân” của Tiết Lãng nên không dám làm quá. Gã ta bèn trút giận lên vợ mình, túm cánh tay bà mà xô mạnh, “Đã nói là báo quan phủ được rồi, bà cứ một hai gọi đám tiên nhân này đến! Họ thì làm được cái đếch gì? Trên đời làm gì có quỷ? Nực cười!”

Các đệ tử tỏ vẻ bất bình, có người nóng tính định cãi thì thấy Mạnh Trần khoát tay, bèn cố nhịn không nói, lui về hàng.

“Bọn ta đã biết tình hình.” Mạnh Trần nói với người phụ nữ quấn khăn xanh, “Giờ bọn ta sẽ đến thành Hà Dương, khi có kết quả điều tra sẽ về báo cho bà.”

Người phụ nữ cảm động tiễn họ đi.

Mạnh Trần dẫn đội vào thành Hà Dương, đến tiệm cầm đồ của Trương gia.

“Tôi cũng đâu nghĩ lại có chuyện xảy ra!” Ông chủ tiệm cầm đồ đã hơn bảy mươi, nhắc đến việc này là tức đến khó thở, người làm trong tiệm vội vã rót nước vuốt ngực cho ông ta. Ông chủ phất tay, đau lòng kể, “A Đức tới tuổi cưới vợ rồi, tôi tìm người bói ngày sinh tháng đẻ, bà mối nói cô nương Nhị Phượng kia đẹp người đẹp nết nên hai nhà đính hôn. Ai mà ngờ tân nương đi được nửa đường thì mất tích đâu chứ!”

“Việc này thật sự rất kỳ quặc.” Người làm vừa hầu ông chủ cũng nói nhỏ, “Lúc đó tôi có trong đội rước dâu, đang đi bình thường thì trời tự dưng tối om, sau đó gió cát nổi lên. Cơn gió rất tà, trai tráng khỏe mạnh cũng bị thổi văng tứ phía, nhất thời không ai nhớ đến tân nương trong kiệu, gió ngừng mới phát hiện trong kiệu không có người.”

Có đệ tử hỏi, “Chẳng lẽ tân nương bị gió cuốn?”

“Không thể nào.” Người làm nói không cần nghĩ, “Nơi đó chỉ có bây lớn, bọn tôi lùng sục bao nhiêu lần mà vẫn không thấy người, nên tôi đoán… hẳn là có yêu ma quấy phá.”

Rời khỏi tiệm cầm đồ Trương gia, mọi người tiếp tục đến nhà chồng của Quế Hoa và Nhị Nha, tức Lý gia và Vương gia, một nhà buôn muối, một nhà bán vải. Hai gia đình tích cực phối hợp nhưng cũng chẳng cung cấp được manh mối hữu dụng.

Sau khi rời khỏi Vương gia thì trời đã tối, Mạnh Trần hỏi các đệ tử, “Có ai có ý kiến gì không?”

Chúng đệ tử nổi da gà, cảm giác hệt như bị phu tử gọi hỏi bài, cả đám vắt óc đưa ra phân tích.

“Đệ thấy họ chỉ là dân thường, vẻ lo lắng đó không giống giả vờ, hẳn là không liên quan đến việc tân nương mất tích.”

“Đệ cũng nghĩ vậy. Người thường không thể làm thời tiết biến đổi, nhiều khả năng là có ma quỷ lộng hành!”

Mạnh Trần lắng nghe ý kiến của từng người, cuối cùng hỏi, “Tiết Lãng, đệ thì sao?”

“Ta có hai nghi vấn.” Tiết Lãng im lặng một chốc rồi ngẩng đầu nói, “Thứ nhất, người tiếp đãi chúng ta đều là trưởng bối của nhà trai, tại sao tân lang không ra mặt? Tân nương mất tích thì người sốt suột nhất phải là tân lang chứ.”

“Thứ hai, ba nhà Trương – Lý – Vương không giàu sang cũng cao quý, đều là nhà có máu mặt ở thành Hà Dương, muốn tìm con dâu cũng nên tìm nhà nào môn đăng hộ đối, cớ gì lại nhắm đến các cô nương ở thôn Trương Bách xa xôi hẻo lánh?”