Vợ Có Thuật Của Vợ

Chương 67

Mẹ tôi nói: “Con lại bắt đầu cằn nhằn rồi. Con không nghĩ thử xem với cái tính khí này của con, trừ mẹ và bố con ra ai là người có thể chịu được? Lê Bằng là đứa hiếm thấy, nó rất biết chăm sóc con, rất chu đáo, mẹ đều nhìn thấy cả, chỉ có mỗi con là vong ân phụ nghĩa. Nuôi thế nào cũng không trưởng thành, chỉ cần không thuận theo ý con, là con bỏ nhà đi. Trước kia khi con còn ở nhà lúc giận dỗi cũng bỏ đi, còn bắt bố con đi lôi con về, giờ gả cho người ta rồi, vẫn chưa chán trò này à, con sắp ba mươi rồi đây, không thấy xấu hổ à!”.

Tôi kêu lên: “Ai sắp ba mươi! Con mới hai mươi lăm, hai mươi lăm tuổi thôi! Sao đến tuổi tác mà mẹ cũng có thể nói quá lên thế!”.

Mẹ cười nói: “Ồ, thế con cũng biết là mình hai mươi lăm tuổi rồi à? Bụng có gì chưa? Khi bằng tuổi con bây giờ mẹ đã làm mẹ rồi đấy”.

Tôi liếc mẹ một cái, tỏ vẻ coi thường: “Lại bắt đầu rồi đấy, đừng có lừa gạt con, mẹ hai mươi chín tuổi mới mang thai con. Ở thời đại của mẹ chính phủ đâu có cho kết hôn và sinh con sớm, hai mươi lăm tuổi mẹ còn chưa kết hôn thì làm gì có con?”.

Mẹ không để ý đến những chứng cứ tôi nói, bà tiếp tục với suy nghĩ của mình: “Lê Bằng biết kiếm tiền, lại đối xử tốt với con, nhà mình và nhà Lê Bằng đều chỉ sinh có một đứa, tất cả tiền của, nhà cửa sau này chẳng cho hai đứa con thì cho ai? Con ấy à, tranh thủ lúc còn trẻ mau mau sinh con, mẹ chăm cháu cho, con cũng nhàn, đỡ lo lắng. Không thì vài năm nữa con thành sản phụ lớn tuổi, lúc đó chỉ mình con mệt thôi. Tinh lực của đàn ông ở vào giai đoạn này cũng là tốt nhất, vài năm nữa đều là phế phẩm bị đào thải, làm sao đủ điều kiện để sinh con khỏe mạnh!”.

Những lời mẹ nói câu nào cũng có lý, nhưng vừa vào trong đầu tôi, tất cả đều chuyển hóa thành: Hiện tại tôi và Lê Bằng đang trong thời kỳ sung sức, chứ đợi thêm vài năm nữa mới để những tàn binh yếu ớt của chúng tôi kết hợp với nhau, có sinh con đẻ cái cũng đều là thứ phẩm, giống như việc ăn bớt nguyên vật liệu trong xây dựng, dùng nguyên vật liệu của bảy tầng để xây một tòa nhà mười tầng, bên ngoài có vẻ hoành tráng nhưng bên trong thì chất lượng không đảm bảo.

Tôi nói: “Mẹ nói khéo quá, đẻ con thì dễ, nuôi con mới khó. Nghèo gì thì nghèo chứ không thể nghèo giáo dục được. Với thu nhập hiện tại của con và Lê Bằng chắc chỉ đủ nuôi một con lợn. Dù sao thì con của con, cái gì cũng cần phải tốt nhất, nếu không thể cho nó thứ tốt nhất, con thà không đem nó đến với thế giới này để nó khỏi phải chịu khổ. Hơn nữa, Lê Bằng càng ngày càng lười, bây giờ việc nhà đều là con làm, nếu con mang thai, có thể trông cậy vào anh ấy sao? Ngay như chuyện vừa rồi, anh ấy gây sự với con chỉ vì một chuyện nhỏ, làm con tức đến nỗi phải tìm đến đây, vậy sau này có con, chẳng phải sẽ khiến cả hai mẹ con con đều tức đến nỗi phải bỏ về đây sao? Anh ấy ngang ngược như vậy, con không chịu đựng được, con của con cũng không chịu được!”.

Tôi vừa dứt lời, liền bị mẹ bấm vào huyệt thái dương.

Mẹ nói: “Cái con bé này sao lại ích kỷ thế, ai dạy con tính toán chi li như thế! Mẹ thấy con đừng có sinh đẻ gì nữa hết, sinh ra cũng chỉ thêm một đứa vong ân phụ nghĩa thôi”.

Tôi nói: “Ai dạy, mẹ không biết ai dạy sao, còn hỏi người khác?”.

Mẹ tôi nói: “Nói tóm lại, ngày mai con phải về nhà, Lê Bằng ngã bị thương, con là vợ nó thì cho dù có thù oán lớn thế nào cũng phải gác sang một bên mà về xem sao, tình cảm vợ chồng không nhân lúc này vun đắp còn chờ đến khi nào? Cái tính khí đấy của con phải kiềm chế lại”.

Vừa nghe mẹ nhắc đến chân của Lê Bằng tôi trở nên trầm ngâm.

Cổ nhân nói rất đúng, vợ chồng khi tốt với nhau thì không gì bằng, nhưng khi đã trở mặt thì còn dửng dưng hơn người xa lạ. Vợ chồng cãi nhau quay lưng thành kẻ thù hễ gặp nhau là đỏ vằn đôi mắt, nhưng vừa xa nhau là bắt đầu cảm thấy nhớ nhung.

Tôi hỏi mẹ: “Chân anh ấy không sao chứ?”.

Mẹ hỏi lại tôi: “Thế nào, bây giờ biết lo lắng rồi chứ?”.

Tôi nói: “Con chỉ hỏi thế thôi, mẹ không thích nói thì thôi”.

Mẹ tôi nói: “Ngày mai con tự về xem sẽ biết”.

Buổi trưa hôm sau, đem theo những lời căn dặn của mẹ, tôi quay trở về căn hộ của tôi và Lê Bằng, lúc đến cửa nhà tôi còn suy nghĩ không biết giây phút gặp lại nên nói câu gì đầu tiên:

“Ừm, đã lâu không gặp.”

“Mẹ em nói anh bị ngã tím chân.”

“Lớn thế này rồi sao anh lại không cẩn thận vậy?”

Tôi đã suy nghĩ rất kỹ, chuyện cãi vã nhỏ nhặt giữa vợ chồng với nhau là thứ khủng khϊếp nhất, cho nên nếu đã hạ quyết tâm sẽ sống với nhau cả đời, thì cần gì phải lãng phí thời gian vào mấy thứ vụn vặt ấy, chi bằng gặp mặt hãy nở một nụ cười thật tươi, một nụ cười có thể xóa đi mọi thù hận. Tôi mang theo tâm tư này trong lòng đi tới bấm chuông cửa, cố nặn ra nụ cười tươi nhất, còn tưởng chắc phải đợi một lúc mới nhìn thấy Lê Bằng khập khiễng ra mở cửa, không ngờ cửa mở ngay lập tức, người đứng trong cửa cũng không phải là Lê Bằng mà là mẹ anh.

Nụ cười của tôi lập tức biến thành nét ngượng ngùng xấu hổ, nhưng mẹ anh lại cười rất ấm áp, đón tôi vào nhà, hỏi tôi đã ăn cơm chưa, có uống nước không, có mệt không, có cần ngủ một lúc không… làm tôi có cảm giác như mình là khách và được đón tiếp rất chu đáo.

Mặc dù tôi rất muốn nói với bà rằng, đây là nhà tôi.

Tôi đi vào phòng ngủ, nhìn thấy Lê Bằng đang nằm trên giường, mặt mũi trắng bệch, tôi tiến lại gần, ngồi xuống giường, vốn dĩ tôi muốn nặn ra vẻ mặt đau khổ giống những nữ diễn viên chính trong phim truyền hình, vuốt ve tóc mái anh và nói rằng: “Em về rồi”.

Nhưng khi tôi vừa mới tạo được chút cảm xúc, thì mẹ anh bước vào, gọi tôi ra ngoài phòng ngủ.

Mẹ anh múc một bát canh cho tôi, và bảo tôi tranh thủ ăn lúc còn nóng. Nhưng khi tôi mới uống được ngụm đầu tiên, bà đã đi thẳng vào vấn đề, tôi đành phải dừng việc ăn canh lại, tập trung nhìn vào đôi mắt bà, thể hiện dáng vẻ lễ phép mà người nghe nên có.

Mẹ anh nói: “Nhược Nhược à, con và Đại Mao đều là người lớn rồi, tính khí trẻ con cần bỏ đi. Người ta vẫn nói thành gia lập nghiệp là tốt, đó là vì gì cơ chứ, chẳng phải là vì muốn cho đối phương có một mái ấm sao? Con nói thử xem, chỉ vì những cãi vã nhỏ nhặt của hai vợ chồng trẻ mà suốt đêm con không về nhà, chồng con sẽ nghĩ sao? Con đã bước vào nhà chúng ta, thì thành người nhà chúng ta, nhưng mẹ đã bao giờ yêu cầu ở con điều gì chưa. Mẹ và cả bố con nữa, không kỳ vọng ở các con điều gì cả, chỉ mong hai đứa con có một cuộc sống hạnh phúc, đó cũng là sự báo đáp lớn nhất đối với mẹ”.

Tôi suy nghĩ mãi câu nói: “Mẹ đã bao giờ yêu cầu ở con điều gì chưa”, trong lòng thầm nghĩ, mẹ anh đang oán trách tôi, hay chỉ là một câu nói vô tâm?

Mẹ anh nói tiếp: “Hai vợ chồng con sống riêng cũng tốt, một là vì nhà chúng ta không rộng, không đủ cho bốn người cùng sống, hai là giới trẻ các con luôn đề cao việc phải có không gian riêng, coi trọng sự riêng tư. Mẹ và bố con đều là những người thấu tình đạt lý, cũng hiểu thế nào là tôn trọng, thế nên chỉ cần hai đứa sống vui vẻ với nhau, người làm cha mẹ chúng ta cũng cảm thấy yên lòng. Nhưng Nhược Nhược à, có một điểm mẹ phải nói với con… Con nhìn cái bếp thử xem, rồi nhìn phòng khách nữa, con nhìn mà không thấy khó chịu à? Sáng nay mẹ đã lau dọn sạch rồi, sau này con phải tự làm lấy. Làm vợ người khác rồi, cần phải thật tỉ mỉ, bền bỉ, đừng để mất thời gian vào mấy việc giận dỗi bỏ nhà ra đi, phải quan tâm nhiều hơn đến nhà cửa, mỗi người lùi một bước, rồi xem lại cái khó của đối phương, cũng tự xem lại những khiếm khuyết của mình, như vậy sẽ tránh được cãi nhau”.

Tôi đã nghe hiểu, mẹ anh đang đánh phủ đầu tôi.

Trước khi kết hôn tôi từng nghe Lê Bằng nói về những việc làm vĩ đại của mẹ anh, lúc đó tôi hỏi Lê Bằng, nếu như anh không thích tôi thì phải làm sao, tôi không thể đấu lại được với bà. Lê Bằng còn an ủi tôi rằng, không có chuyện đó, em đã bước qua cửa nhà anh thì là người nhà anh, mẹ anh sẽ yêu thương em như con gái bà.