Lê Bằng bĩu môi nói: “Em nói cái gì cũng có lý nhỉ”.
Tôi rất đắc ý, nói: “Đương nhiên, em là một bà nội trợ đảm đang mà”.
Lê Bằng lại bĩu môi thêm lần nữa, chỉ vào chiếc hộp trên nóc tủ nói: “Vậy tại sao em mua cả hộp xà phòng bánh thế kia? Còn nữa, trong bếp có đến sáu lọ nước rửa bát, trong phòng tắm có đến bảy túi bột giặt, tủ bếp thì có đến mười mấy chai xì dầu và dấm”.
Tôi biện hộ: “Vật giá ngày càng leo thang, anh có hiểu điều đó không, không tranh thủ lúc này mua nhiều một chút, sau này mua không biết sẽ mất thêm bao nhiêu tiền! Hơn nữa, tất cả những thứ này đều là đồ dùng hằng ngày, mua nhiều sớm muộn gì cũng dùng đến, có dùng thì cũng phục vụ cho tổ ấm của chúng ta, chứ đâu phải em nhàn rỗi không có việc gì làm mà đi sưu tầm chúng”.
Lê Bằng lắc đầu thở dài, không nói.
Tôi nói: “Tại sao đàn ông lại chỉ ghi nhớ những khoảnh khắc phụ nữ chi tiêu một cách cảm tính và vung tay quá trán, mà quên đi mất phần lớn thời gian họ đều là người tiêu dùng thông thái?”.
Quan niệm về chi tiêu của đàn ông và phụ nữ vĩnh viễn không thể đi đến một thể thống nhất, chỉ còn cách một quốc gia hai chế độ.
Giờ cơm tối, tôi hỏi Lê Bằng muốn ăn gì, anh nói ăn cá.
Tôi nói, nhà hết cá rồi.
Anh nói, vậy thì ăn thịt kho tàu.
Tôi hỏi lại, tại sao anh không nói sớm, kho thịt cần ít nhất hai tiếng đồng hồ, mà phải kho bằng nồi áp suất.
Anh suy nghĩ một lát rồi hỏi tôi: “Thế tại sao em lại hỏi anh muốn ăn gì? Em nói luôn với anh em có thể làm món gì là xong mà”.
Tôi cau mày, hai tay chống nạnh, nhìn thẳng vào anh, nói: “Trong nhà chỉ còn cải thảo, đậu phụ, khoai tây, giá đỗ, anh muốn ăn canh cải thảo đậu phụ hay cải thảo hầm khoai tây, hay là giá xào!”.
Tôi có cảm giác như mình đang trên bờ vực thẳm, nên những lời tôi đưa ra không phải là câu hỏi, mà là sự uy hϊếp.
Anh nói: “Tùy em”.
Tùy em, tùy em, đây là hai từ khó chiều nhất trên thế giới!
Tôi căm ghét hai từ này, bởi đằng sau nó thường có rất nhiều điều kiện và oán trách đi cùng.
Ví như Lê Bằng lúc này, sau khi anh nói câu “tùy em” xong, thường sẽ thêm vào một câu: “Chỉ cần có thịt là được”.
Lại một ví dụ khác, nếu như bữa cơm đó không có thịt, anh sẽ lầm bầm: “Sao không có thịt”.
Tôi hỏi lại, chẳng phải anh nói tùy em sao, chắc chắn anh sẽ trả lời tôi rằng: “Cho dù thế thì cũng không thể tùy tiện thế này!”.
Nghe đi, xem đi, đây chính là “tùy em”, câu nói khiến người ta luôn cảm thấy khó chịu, vấn đề lớn nhất của nó đó là mỗi một người lại có một định nghĩa khác nhau về nó.
Tôi nén giận, đề nghị Lê Bằng: “Hay là anh xuống dưới nhà mua hai lạng thịt thái chỉ, về mình nấu món thịt rang xì dầu nhé?”.
Lê Bằng cuộn tròn trên sofa nói: “Anh không muốn đi, bên ngoài lạnh lắm”.
Lúc này, điều anh không nên làm nhất là nhõng nhẽo, lười biếng!
“Cạch” một cái, tôi vứt xẻng lật lên mặt bàn ăn, khiến anh giật mình.
Tôi nói: “Thế thì lát nữa anh đừng có nói với em “tại sao không có thịt”, muốn ăn thịt thì tự ăn thịt mình đi!”.
Lê Bằng ngồi thẳng người, gương mặt thảng thốt nói: “Em sao thế, nóng nảy quá!”.
Tôi cao giọng hơn nữa, nói: “Em đang bực mình đấy! Thì sao nào! Em đang đến kỳ, đau lưng mỏi vai nhưng vẫn phải vào bếp làm cơm cho anh, anh ăn sẵn lại còn đòi hỏi! Anh mua thịt là để cho em ăn à? Anh không cần ăn sao?”.
Lê Bằng như trở thành nơi trút giận, thở dài rồi đứng dậy, miệng lầm bầm: “Được rồi, được rồi, anh đi là được chứ gì”, rồi lê đôi dép lê đi tới ngưỡng cửa.
Tôi hét lên lần nữa: “Nhấc cao chân lên! Em đã nói bao nhiêu lần là em không thể chịu nổi cái tiếng loẹt quẹt đó!”.
Lê Bằng ảo não ra ngoài.
Hai mươi phút sau, tôi đã nấu xong hai món, chỉ đợi anh mang thịt về.
Lê Bằng lững thững bước vào cửa, khắp người tỏa ra hơi lạnh và mùi thuốc lá.
Mặt tôi xị ra nói: “Anh lại đi hút thuốc à, hút hút hút, chỉ biết hút thôi! Trên ti-vi chẳng nói, người hút thuốc nhiều phổi sẽ đen như than còn gì!”.
Lê Bằng làu bàu, nói: “Anh vừa hút một điếu, em đã cằn nhằn rồi”.
Tôi nói: “Bố em là một người nghiện thuốc lá, hằng đêm ông ấy đều ho, mà đã ho là không thể dứt được. Mẹ em bị suy nhược thần kinh cũng vì thế! Em nói cho anh biết, nếu sau này mà anh cũng bị mắc bệnh vì thuốc lá thì chúng ta ngủ riêng!”.
Đối với một người phụ nữ suốt ngày chìm ngập trong khói dầu khói bếp, thì thuốc lá là thứ không nên tồn tại nhất trên đời này.
Lê Bằng cũng mở thật to mắt, nói: “Anh nói là anh chỉ hút một điếu thôi, em cằn nhằn cái gì, nói mãi không dứt!”.
Mắt anh mở rất to, nhưng mắt tôi còn mở to hơn.
Tôi trợn mắt lên đến mức con ngươi như sắp rơi ra, khí thế dọa nạt: “Anh còn hút thuốc, em còn cằn nhằn đến khi anh bỏ mới thôi! Còn nữa, sau khi hút thuốc không được hôn em!”.
Tôi vừa quạt mùi thuốc trên người anh, vừa đẩy anh vào nhà tắm, cằn nhằn: “Anh đi đánh răng đi, hút thuốc nhiều răng sẽ vàng, ăn cơm cũng mất ngon, mau đi đi!”.
Lê Bằng tối sầm mặt, đóng sập cửa nhà tắm, rất lâu vẫn không ra.
Tôi đoán anh vào đó hờn dỗi.
Tranh thủ lúc đó, tôi lục bao thuốc trong túi áo khoác của anh, lén lút giấu vào tủ bếp, rồi đem áo ra lan can giũ cho bay mùi, sau đó mới phủi tay vào bếp.
Sau khi món thịt rang xì dầu được sắp lên bàn ăn, Lê Bằng mới mở cửa nhà tắm, người còn chưa thấy đâu, lời của tôi đã đến: “Anh rửa tay chưa?”.
Anh đi về phía trước mặt tôi, giơ tay ra cách mặt tôi mười centimét nói: “Rửa rồi, em nhìn đi, sạch lắm rồi, chỉ còn mỗi đường chỉ tay!”.
Tôi cười đắc ý, cười nhìn thế gian không đổi thay.
Món thịt rang mặn, nhưng tôi không muốn nghe thấy câu này từ miệng Lê Bằng.
Tôi nói: “Thịt rang hơi mặn, anh ăn nhiều cơm vào”.
Anh nói: “Ừ, hơi mặn”.
Tôi trừng mắt, anh lập tức đổi giọng: “Không mặn, không mặn tí nào cả, món thịt rang này rất ngọt!”.
Tôi lập tức vui vẻ trở lại, lườm anh một cái, rồi nói: “Đáng ghét!”.
Ngày hôm đó trôi qua, Lê Bằng lại đưa ra một kết luận nữa với tôi: Phụ nữ đang trong kỳ kinh, đàn ông phải nhẫn nhịn, bởi một khi họ cãi lại hoặc biện hộ, sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh mới.
Ngày thứ ba của kỳ kinh, cũng là ngày tôi và Lê Bằng bắt đầu đại chiến giới nghiêm.
Tại các địa điểm như nhà bếp, nhà tắm, phòng khách, phòng ngủ, ban công tôi đều dán một tờ giấy cảnh báo, trên đó viết: “… Cấm hút thuốc”, nếu là nhà tắm thì sẽ viết: “Nhà tắm cấm hút thuốc”, tương tự như vậy.
Buổi sáng khi Lê Bằng thức dậy, đứng ngây ra giữa phòng khách, anh nhìn tất cả các cửa theo chiều kim đồng hồ, sau đó nhìn tôi với vẻ mặt vô cùng ngạc nhiên.
Tôi nói: “Để giúp anh cai thuốc, với tư cách là vợ anh, em không thể chỉ ủng hộ ngoài miệng, bắt đầu từ hôm nay, em sẽ dùng hành động để nói với anh thế nào là cuộc sống không có thuốc lá”.
Lê Bằng vẫn giữ im lặng, nhưng động tác đánh răng dứt khoát hơn, trước khi ra khỏi nhà anh cũng không hôn tôi như thường lệ, mức độ phản kháng của anh đã tăng cấp.
Trước khi lấy chồng, mẹ tôi đã đánh giá tôi như thế này, bà nói: “Con là một đứa con gái, đừng hơi một tí là đòi quyền lợi, đòi làm cách mạng, con không thích nghe mẹ và bố con nhai thành tiếng khi ăn, con tỏ ra buồn bã, điều này gây áp lực rất lớn cho chúng ta. Gia đình chúng ta lại không phải là gia đình trí thức, không quá xét nét. Cái hấp dẫn của bữa cơm chính là hương vị, nếu nhai không thành tiếng thì còn cảm nhận được hương vị nữa không? Giặt quần áo con cũng yêu cầu mẹ phải phân loại, chia lần giặt, giặt khô, giặt nước, giặt tay, còn phải vò nhẹ, giũ khô, con đều yêu cầu phân loại rất kỹ. Nếu mẹ giặt sai, con sẽ xị mặt cả ngày với mẹ. Mẹ làm sao biết được, chiếc áo nào của con đáng giá bao nhiêu tiền. Lần nào con cũng nói, ci này tám trăm đồng, cái kia một nghìn đồng, theo mẹ thì nó đều không đáng với cái giá đó. Thị trường kiếm lời được là nhờ những cô gái trẻ còn chưa phải lo vấn đề kinh tế gia đình như con. Đấy là còn chưa nói đến chuyện kén ăn của con, hành không ăn, tỏi không ăn, cải thảo và đậu phụ cũng không ăn. Ăn cá sinh hỏa, ăn thịt sinh đờm, ăn cải trắng, đậu phụ đem lại bình an, những câu nói đó của người xưa có những lý lẽ nhất định của nó!”.