Vợ Có Thuật Của Vợ

Chương 22

“Anh không được nhắc lại chuyện cá bị rơi xuống đất, cũng không được vì nuốt không trôi cục tức này mà bới móc những lỗi lầm khác của em!”

Anh ngừng lại một chút rồi cũng đồng ý.

Tôi mãn nguyện mở cửa, nhìn bộ mặt đen sì của anh, đưa tay ra hiệu: “Lê Bằng, hoan nghênh anh đến chơi lần nữa!”.

Quả nhiên, Lê Bằng không nhắc lại chuyện con cá đó nữa, nhưng cũng không thèm để ý đến tôi, anh ngồi trên giường của tôi, đọc cuốn Harry Potter của tôi, ăn bỏng ngô của tôi, uống cô ca của tôi, thế nhưng trong mắt không hề có tôi.

Tôi gọi điện cho Miumiu ngay trước mặt anh, nói với Miumiu rằng: “Cưng ơi, nếu bạn trai của cưng đỏng đảnh giống như nàng dâu mới cưới, cưng sẽ làm gì với anh ấy?”.

“Cứ để thế mặc kệ anh ấy.”

“Không không không, hiện tại là người ta đang mặc kệ tớ. À đúng rồi, anh ấy còn ăn của tớ, uống của tớ, ngủ giường tớ, còn xem cả sách của tớ.”

Miumiu cười một cách khoái trá: “Là ngủ với cậu thì có”.

Tôi “xùy” một tiếng, cười một trận, liếc mắt nhìn sang Lê Bằng, phát hiện anh cũng đang nhìn tôi một cách chăm chú, khiến tôi càng ngượng ngùng hơn.

Hai chúng tôi nhìn thẳng vào nhau, cuối cùng anh cũng cười.

Đầu điện thoại bên kia Miumiu nói: “Cậu đúng là kẻ thất bại”.

“Không phải tớ thất bại, mà là anh ấy mắc bệnh công chúa.”

Miumiu hỏi bệnh công chúa là gì, tôi nói đó là bệnh mà không nghe được nửa câu nói phật lòng, đó là kiểu người vì những chuyện nhỏ nhặt mà om sòm bướng bỉnh, luôn cho mình là đúng, người khác đều sai.

“Tớ thấy hai người cần phải nói chuyện nghiêm túc với nhau, mới ở bên nhau được vài ngày đã gây chuyện, không chừng sau này sẽ đánh nhau như cơm bữa.”

“Tớ có cách trị anh ấy, anh ấy mắc bệnh công chúa nhưng số phận lại là của a hoàn, còn non nớt lắm.”

“Bốp” Lê Bằng vứt cuốn sách xuống giường, lườm tôi một cái rồi lại cầm một cuốn khác lên.

Lúc tôi tắt máy thì cũng là lúc điện thoại của Lê Bằng đổ chuông, là mẹ anh gọi đến.

“Mẹ ạ, ngày mai con về, con sẽ dẫn theo một người bạn… vâng, là bạn gái ạ… Vâng, bọn con ở lại ăn tối.”

Sau khi tắt máy, anh nói với tôi: “Ngày mai về nhà anh một chuyến nhé, về gặp bố mẹ anh”.

Tôi cau mày, không nói gì, anh thật lạ, thay đổi rất nhanh, giống như anh chàng tiêu sinh trong các vở kịch.

“Chẳng phải vừa rồi anh còn không thèm để ý đến em sao?”

“Mẹ anh muốn gặp mặt em, bà sẽ làm món thịt kho tàu.”

Tôi liên tưởng đến món mỳ bò kho, thơm nức mũi, mím mím môi, nói: “Vậy mẹ anh là người thế nào?”.

“Mẹ anh rất dễ gần, đối xử với người trong nhà không có gì phải nói.”

Nét mặt của Lê Bằng khiến tôi bán tín bán nghi, vì thế tôi bắt anh lấy một ví dụ.

Lê Bằng kể, khi anh còn học đại học, bác sĩ phát hiện bố anh mắc bệnh gan, lúc đó mẹ anh vừa dồn hết tiền lương hưu để mở một cửa hàng nhỏ, gia đình ba người góp tiền lại cũng không đủ để khám bệnh, mẹ anh đã lẳng lặng đi tìm chủ nhà để trả lại cửa hàng đã thuê, chủ nhà nói phải phạt mười phần trăm, bà cho rằng đáng giá, liền đồng ý.

Chưa đến một tháng sau, bác sĩ lại nói rằng, bố anh đã khỏi bệnh, không cần khám lại nữa. Mẹ anh rất kinh ngạc, hỏi bệnh chữa thế nào mà lại khỏi, bác sĩ nói chủ yếu dựa vào ý chí và nghị lực của người bệnh, không cần thuốc cũng tự khỏi. Bà rất giận dữ, đập mạnh xuống bàn của bác sĩ, đòi bác sĩ phải có lời giải thích rõ ràng. Bác sĩ nói, bệnh nhân này chưa nằm viện bao giờ, chỉ uống thuốc và điều trị tại nhà, nên bác sĩ không có trách nhiệm, trách nhiệm đều thuộc về người thân, công lao cũng thuộc về người thân, may nhờ có người nhà chăm sóc bệnh nhân một cách chu đáo, nên bệnh nhân mới có thể tiếp tục nhìn thấy mặt trời. Mẹ anh lại hỏi, bệnh có khả năng tái phát không, bác sĩ cho biết, bất kỳ lúc nào cũng có khả năng tái phát, bà lại nổi nóng lần nữa, lại đập mạnh vào bàn làm việc của bác sĩ, may mà một vài bảo vệ biết tin xông vào, lôi mẹ anh ra ngoài.

Ngày hôm sau, mẹ anh lại đi tìm chủ nhà, muốn thuê lại cửa hàng với giá cũ. Chủ nhà nói rằng, gần đây có rất nhiều người hỏi thuê, đã có ba người trả giá, người trả giá thấp nhất cũng cao hơn mười phần trăm so với giá tiền mà bà đưa ra. Mẹ anh thấy vị trí của cửa hàng này rất tốt, lại cách nhà không xa, nên lại cắn răng, liều vay tiền lần nữa để trả tiền đặt cọc. Bởi câu nói bệnh tình có thể tái phát bất cứ lúc nào của bác sĩ, nên lúc nào bà cũng rất cẩn thận, không để cho bố anh làm bất cứ việc gì, cũng không cho ông ấy ra ngoài nhiều, đảm bảo cho ông một cuộc sống cơm bưng nước rót tránh xa mọi lo lắng, phiền muộn, cáu gắt để bệnh không tái phát.

Không ngờ, trường đại học của Lê Bằng tổ chức hiến máu và phải kiểm tra gan, kết quả kiểm tra phát hiện Lê Bằng cũng mắc bệnh gan. Suýt nữa thì mẹ anh gục ngã, hai người đàn ông quan trọng nhất với bà lần lượt ốm đau, lại còn mắc cùng một chứng bệnh, là một người phụ nữ, bà nhất định phải gánh vác gia đình này. Vì thế, bà lại tìm đến chủ nhà lần nữa, lại nhắc đến chuyện trả cửa hàng, chủ nhà một lần nữa trừ mất mười phần trăm tiền đặt cọc.

Tôi nói xen vào: “Vậy cuối cùng sao lại thuê được cửa hàng đó? Anh còn mắc bệnh gan không?”.

Không phải tôi kỳ thị người bệnh, mà đó chỉ là phản ứng tự nhiên, tôi tin rằng bất kỳ người phụ nữ nào khi nghe thấy bạn trai mới của mình nhắc đến bệnh sử cũng đều tỏ ra lo lắng, những người không lo lắng đều là đóng kịch.

“Lần đó lại chẩn đoán sai.”

“Vậy mẹ anh lại đến bệnh viện cãi lý à?”

“Có đến, nhưng ông bác sĩ đó không phải xin nghỉ thì cũng vắng mặt, không gặp được lần nào.”

“Ồ, tỉ lệ chẩn đoán nhầm ở nhà anh cao quá nhỉ. Nếu mẹ anh cũng xét nghiệm ra có bệnh gan thì đủ rồi còn gì.”

Lê Bằng im lặng, nhìn tôi một hồi lâu, khiến tôi tự hỏi không biết câu nói đó có động chạm đến điều gì không.

“Thế nên mới nói, mọi người trong gia đình anh rất đồng lòng, vì thế em yên tâm đi, mẹ anh cũng sẽ đối xử tốt với em.”

“Không đúng, điều này chỉ có thể chứng minh rằng mẹ anh đối xử tốt với anh và bố anh, em là phụ nữ, mẹ anh cũng là phụ nữ, hai người phụ nữ không thể sống chung với nhau, nhất định sẽ có chiến tranh! Hơn nữa, anh còn nói mọi người trong gia đình anh rất đồng lòng, nếu như em đắc tội với ai, chẳng phải tất cả mọi người sẽ đều chĩa mũi nhọn về phía em sao?”

“Không đâu, mọi người trong gia đình anh đều rất hiểu đạo lý. Hơn nữa, mẹ em cũng là phụ nữ, em và mẹ sống với nhau rất tốt còn gì?”

“Anh đã thấy cảnh em và mẹ sống với nhau chưa, chính là không hợp nên em mới dọn ra ngoài sống. Còn nữa, em cũng rất hiểu đạo lý!”

Đột nhiên tôi có cảm giác tai họa đang âm ỉ. Nếu như sau này, tôi và mẹ anh có xích mích, không biết có bị anh nhắc lại câu: “Mọi người trong gia đình anh đều rất hiểu đạo lý” hay không.

Trương Tam nói kết hôn tốt, Lý Tứ cũng nói kết hôn tốt, mẹ tôi nói kết hôn tốt, nhưng bố tôi không tốt, Trương Lực và Lâm Nhược kết hôn với nhau tốt, chỉ có điều là duyên phận chưa tới. Tất cả mọi người đều nói kết hôn tốt, vậy kết hôn có thực sự tốt không, nó có thích hợp với tôi và Lê Bằng hay không, điều này cần chúng lôi đích thân trải nghiệm, người ta thích nói thế nào thì nói, bởi người nói đâu có cần chịu trách nhiệm.

Tôi tiếp tục nói: “Chi bằng thế này, anh đừng nói những chuyện anh với mẹ em đã nói vội, đợi xem em và mẹ anh gặp nhau thế nào đã?”.

Lê Bằng gật đầu đồng ý, năm phút sau anh lại đề nghị ngủ sớm để nuôi dưỡng tinh thần, bởi ngày hôm sau gặp phụ huynh sắc mặt phải thật tươi tắn. Tôi thấy câu nói này của anh cũng có lý như lời của Hòa Mục, nên đã đồng ý.

Trước khi chìm vào giấc ngủ, tôi tranh thủ liếc nhìn đồng hồ, đã hơn hai giờ sáng, anh giày vò tôi suốt từ mười giờ đêm đến tận hai giờ sáng, còn luôn miệng lẩm bẩm. Hôm nay anh không ăn được cả con cá, nên toàn thân ngứa ngáy, còn bắt tôi thề không bao giờ được làm rơi cá xuống đất nữa.