Vạn Người Ngại Tối Tăm Thụ Trọng Sinh

Chương 79: Lập Đông (1)

Kinh thành giờ đã tiến vào tháng sáu, nghênh đón một mùa mưa kéo dài xưa nay chưa từng có. Tường ở Thiên Cực Cung bị nước mưa ngày đêm thấm ướt, dần dần tỏa ra một mùi mốc ngai ngái. Ta thường xuyên cảm thấy người mình lúc nào cũng nhớp nháp, ban đêm luôn bị tiếng mưa rơi đánh thức. Thải Ông cũng bởi vì mưa kéo dài mà trở nên rầu rĩ không vui, thường xuyên ngồi thẩn thơ chải lông rồi thở dài, nó bị quốc sư nói là tính tình vẫn chưa đủ trầm ổn.

Hôm nay, vì Hoàng Thượng triệu ta về nên ta lại ngồi xe ngựa hồi cung. Ven đường, ta chợt chú ý thấy quang cảnh nơi kinh thành có chút khác thường.

"Tống Nam, những người kia là ai vậy?"

Người ta nhắc tới chính là một nhóm bá tánh quần áo tả tơi đang trú ở dưới mái hiên bên đường, trong đó có già có trẻ, có cả những đứa trẻ nhỏ xíu chỉ quấn tã lót, bọn họ ai nấy đều xanh xao vàng vọt, ánh mắt dại ra.

Thanh âm của Tống Nam từ bên ngoài truyền đến, "Hồi bẩm Cửu hoàng tử, những người này là dân chạy nạn từ ngoài thành dạt đến đây."

"Dân chạy nạn? Kinh thành giờ có cả nạn dân sao?"

Tuy ta không để ý gì tới chuyện triều chính, nhưng cũng biết rằng nếu một quốc gia xuất hiện dân chạy nạn nơi kinh thành thì không phải là điềm tốt lành gì. Tầm mắt của ta nhẹ đảo qua mặt từng người qua khe cửa sổ, có người chú ý tới ta, ban đầu họ ngơ ngẩn nhìn, sau đó lại xoay người như muốn tiến đến gần xe, nhưng có lẽ là bọn họ sợ thiết kỵ binh đi kèm xe nên cứ chần chừ không dám động.

Thật ra lính hộ vệ trước đây của ta không phải là thiết kỵ binh mà chỉ là tư binh. Thường ngày có đi lại giữa hoàng cung và Thiên Cực cung ta cũng không mang theo nhiều binh hộ vệ như vậy, khoảng cách gần nên ta không muốn quá phô trương.

Chỉ là năm trước có một sự kiện đã xảy ra, khi đó có người muốn cáo trạng lên vua nhưng lại không biết gõ trống Đăng Văn, thấy xe ngựa của ta hoa lệ liền cho rằng ta là dân quý tộc, nghĩ rằng nếu chặn xe ta hỏi thì nhất định sẽ gặp được Hoàng Thượng.

Mấy người đó không quản nguy hiểm mà lao thân ra cản xe ngựa, trong đó có một người phụ nữ trung tuổi. Người nọ sau khi bị tư binh của ta bắt giữ vậy mà làm càn đến mức lột hết cả quần áo ra. Đám người Tống Nam ngay tức khắc chân tay luống cuống, cuối cùng vô ý khiến người phụ nữ đó thoát được, bò lên xe của ta. Khung cảnh ta nhìn thấy khiến ta nhất thời cứng đờ cả người, tuy đã lập tức nhắm mắt nhưng vẫn là đã nhìn thấy một số thứ không nên xem.

Sau khi chuyện này xảy ra thì ta được Hoàng Thượng cử đến một đoàn kỵ binh để hộ vệ như bây giờ.

"Tống Nam, cho bọn họ chút bạc đi." Ta phân phó Tống Nam.

Tống Nam trầm mặc một hồi rồi mới đáp "Vâng."

Vừa đến hoàng cung, ta còn chưa kịp tới cung Hoa Dương gặp Trang quý phi đã bị thái giám thân cận của Hoàng Thượng thỉnh đến ngự tiền.

Khi ta đến thì không chỉ có mình Hoàng Thượng ở trong điện mà bên cạnh còn có cả Hoàng Hậu bồi giá. Ta đi vào trong điện, cấp Hoàng Thượng, Hoàng Hậu hành lễ, "Nhi thần thỉnh an phụ hoàng, Hoàng Hậu nương nương ạ."

Hoàng Thượng ngồi ngay ngắn ở trên ghế, nhìn thấy ta tới liền hơi lộ ra ý cười, "Đi đường có vất vả không?"

"Không vất vả ạ, nhi thần đi xe ngựa tới mà." Khi ta nói chuyện cũng đồng thời chú ý tới bát thuốc mà Hoàng Hậu đang cầm, nàng nhìn thấy ta nhìn liền chậm rãi đặt bát thuốc lên bàn.

"Tiểu Cửu tới đây, đã lâu rồi ngươi chưa hồi cung, nhìn có vẻ khác trước đây nhiều đó." Hoàng Hậu nhẹ giọng nói.

Hoàng Thượng nghe thấy thế cũng cảm thấy hứng thú, "Có thay đổi gì?"

"Hoàng Thượng không phát hiện ra Tiểu Cửu và quốc sư càng ngày càng giống nhau sao? Không phải tướng mạo mà là khí chất, toàn thân hắn khí phái, khi vừa mới từ bên ngoài tiến vào thần thϊếp còn tưởng là tiên nhân nào tới. So với các huynh đệ thì vẫn là Tiểu Cửu đẹp mắt nhất."

Lời Hoàng Hậu nói làm Hoàng Thượng cười vui vẻ, "Hắn được thừa hưởng diện mạo của mẫu phi hắn nên tất nhiên là lớn lên trông đẹp mắt rồi, cũng giống như Thái Tử giống nàng vậy."

Hoàng Hậu cũng cười một chút, "Triều nhi vẫn là càng ngày càng giống bệ hạ thì đúng hơn, cái cằm rồi đôi tai giống bệ hạ như đúc đó, bệ hạ còn nhớ Triều nhi khi còn nhỏ không? Nhìn như một tiểu bệ hạ vậy."

Hoàng Hậu cũng không ở lại thêm lâu mà sau đó rời đi ngay, gần như nàng vừa đi là Hoàng Thượng liền chuyển từ ngồi thẳng lưng sang dựa ngồi ở trên long ỷ. Nụ cười duy trì trên môi của ông ấy cũng nhạt dần, ông ấy vẫy tay với ta.

"Tòng Hi, ngươi lại đây."

"Phụ hoàng." Ta vừa mới lại gần liền cẩn thận nhìn ông ấy một chút, "Người sinh bệnh ạ? Nhìn sắc mặt có vẻ kém"

"Không phải sinh bệnh, là bệnh cũ thôi."

Bệnh Hoàng Thượng nói chính là chuyện xảy ra một năm trước, năm ngoái Bắc Quốc có cống phẩm hai con Hãn Huyết bảo mã chưa qua thuần phục*. Hai con ngựa này vốn được đưa cho quan huấn luyện ngựa trong cung nuôi dạy trước, nhưng một ngày khi Hoàng Thượng bất chợt đi qua thấy hai con ngựa đó, vốn có lòng yêu thích cưỡi ngựa nên liền không màng nguy hiểm mà ra lệnh muốn tự mình cưỡi thử.

*Hãn huyết bảo mã: Hay còn gọi là ngựa Akhal-Teke, là một giống ngựa có nguồn gốc từ Turkmenistan nơi chúng được tôn vinh làm biểu tượng quốc gia. Là giống ngựa quý hiếm chỉ còn vài trăm cá thể trên thế giới bao gồm cả loài từng đi vào truyền thuyết có màu lông ánh kim, mồ hôi đỏ như máu. Akhal-Teke chính là chúa tể trong sa mạc Karakoum. Akhal-Teke được cho rằng chính là Hãn huyết mã (Ngựa Đại Uyên) của Đại Uyên được nhắc đến trong sách cổ Trung Quốc. - Nguồn Wikipedia

Hoàng Thượng khi còn trẻ đã từng thuần phục không ít con ngựa, nào biết giống ngựa này lại rất hung hăng khó thuần, trực tiếp quăng ngã ông ấy xuống đất.

Cú ngã này khiến Hoàng Thượng tái phát bệnh cũ, eo thường xuyên đau, mấy lần ta hồi cung về thăm đều thấy ông ấy thi thoảng trộm lấy tay xoa eo.

Ta nghĩ nghĩ, "Nếu thái y trong cung trị không hết thì người thử tìm đến các y sĩ phàm dân xem ạ, nói không chừng lại có hiệu quả. Mà cả sư phụ con đã xem trị cho người mà cũng không có thuyên giảm bớt bệnh sao ạ?"

Sư phụ ta nhắc tới chính là quốc sư, hai năm trước ta đã chính thức bái ông ấy làm thầy, lúc ấy Thái Tử phản đối rất nhiều nhưng cũng không xoay chuyển được quyết định của ta.

Hoàng Thượng cười lắc đầu, "Phụ hoàng cũng lớn tuổi rồi nên thân thể tất nhiên không tốt được như xưa, hơn nữa bệnh cũ của trẫm cũng không thể để cho quá nhiều người biết được." Ông ấy nói xong, sắc mặt trở nên trắng bệch.

Ta nhìn chung quanh, tìm được một chiếc đệm mềm trên ghế nên liền lấy nó lót ở sau lưng ghế Hoàng Thượng "Phụ hoàng, dựa như vậy sẽ thoải mái hơn. Nhi thần biết chút tài xoa bóp đó, để nhi thần bóp cho người nhé."

"Đợi lát nữa đi, hôm nay phụ hoàng triệu ngươi tới đây là có chuyện muốn nói với ngươi." Hoàng Thượng bắt lấy tay của ta, lời nói thấm thía, "Mấy ngày nay trẫm nằm mơ thấy tiên đế, trẫm nghĩ có khả năng mình sống không được bao lâu nữa rồi, nhưng trẫm có một số việc không yên lòng, thứ nhất là ngươi và mẫu phi của ngươi. Năm nàng mười sáu tuổi đã đi theo trẫm, từ nhỏ nàng đã mồ côi, một thân một mình lớn lên ở nhà gia mẫu, cô mẫu của nàng lại đối xử với nàng không tốt nên trẫm hận cả nhà đó, mấy năm nay trước sau cũng không đoái hoài gì đến bọn họ. Giờ một nhà cô mẫu của mẫu thân ngươi chỉ còn lại cô nhỉ quả phụ, có cất nhắc bây giờ cũng đã muộn. Trẫm nghĩ nếu trẫm đi thì liệu mẹ con ngươi sẽ thế nào? Trong những vị ca ca kia của ngươi liệu có mấy người sẽ bao dung ngươi và mãu phi của ngươi?"

Ta nghe như vậy liền lắc đầu, "Phụ hoàng chỉ là bị đau eo thôi mà, sao có thể nghiêm trọng như vậy được."

"Trẫm đã sống hơn phân nửa đời người rồi nên tất nhiên trong lòng hiểu rõ. Những người trong hoàng gia đều tầm tuổi trẫm là bắt đầu lập tân thiên, ngươi cứ tiếp tục nghe trẫm nói, đừng ngắt lời. Thứ hai là trẫm không yên lòng giang sơn xã tắc, Thái Tử vốn có tính tình thô bạo, năm nay ta giao cho hắn công tác trị thủy ở vùng ngoại thành, vừa mới đến nơi là hắn đã chém đầu 50 người, nhiễm đỏ cả gạch các hộ." Vẻ mặt của Hoàng Thượng chợt trầm đi rất nhiều, "Điều quan trọng nhất là quan hệ giữa hắn và mẫu gia cũng quá thân cận, ngoại thích tham gia vào chính sự là điềm báo ngày mất nước chẳng còn xa. Trẫm cũng đã ra tay xử trí nhưng hiện tại môn hạ đệ tử ở Vinh phủ đã rất đông đảo, trong triều không thiếu con cháu Vinh gia, nên nếu làm căng là rút dây động rừng. Nếu Lâm Trọng Đàn còn ở đây thì cục diện trong triều cũng không đến mức như bây giờ."

Đã gần hai năm ta không nghe đến tên Lâm Trọng Đàn, từ ngày hắn tạ thế là cái tên đó cũng như chết theo, được ta chôn dấu ở nơi sâu nhất trong lòng mình.

Ta nhấp môi dưới, "Nhưng lúc trước Lâm Trọng Đàn là người đi theo Thái Tử mà."

Ta vừa mới dứt lời là Hoàng Thượng liền lắc đầu.

"Hắn không phải, Lâm Trọng Đàn và Thái Tử đã định không thể đi chung đường, ngươi biết năm đó thi đình, trẫm lén hỏi hắn một chuyện gì không?"

Ta đáp không biết.

"Trẫm hỏi hắn, giữa trung thần và lương thần* thì cái nào mới tốt, hắn nói là lương thần. Trẫm vẫn còn nhớ rõ hắn đã nói " Vua Hạ đã từng nói, lời vua không chỉ là ban bố lệnh cho triều thần mà cũng là đại diện cho thần dân thiên hạ. Vua là người đứng đầu vạn dân, cũng là người quyết định liệu cuộc sống của dân có cơm ăn áo mặc, có đủ đầy hay không. Vua phải thuận theo thiên mệnh, nhưng cũng cần thuận theo nhân tâm, thiếu một thứ cũng không được. Nếu thiếu một tất không phải minh quân, cần phải chọn ra người khác thì thiên hạ mới tất thái bình. "

*Trung thần và lương thần: trung thần là thần tử trung thành, lương thần là thần tử tài giỏi nhân cách tốt đẹp

Lúc ấy trẫm liền mắng hắn hỗn trướng, nhưng vậy mà hắn không sợ, cứ thẳng lưng quỳ gối trên điện. Sau đó trẫm lại cho hắn chọn, hoặc là cưới Tụng Tụng để làm phò mã, hoặc là đi Lĩnh Nam. Trẫm còn nói ngoài hắn ra trong các quan còn hai ứng cứ viên khác, muốn hắn sau khi đến Lĩnh Nam phải nhớ khiến cho mọi bá tánh ở đó đều được ăn no, không ai chết đói. Mọi người đều biết Lĩnh Nam khó khăn, nhưng hắn lại chọn đi Lĩnh Nam, còn dõng dạc mà nói trong vòng mười năm tới hắn sẽ biến Lĩnh Nam thành nơi khác hoàn toàn nơi hiện giờ."

Khi Hoàng Thượng nhắc tới Lâm Trọng Đàn, vẻ mặt tươi cười của ông ấy có giảm đi chút, ánh mắt trở nên nghiêm nghị uy nghiêm, làm người khác thấy sẽ lấp tức run rẩy hai chân, không rét mà run.

"Nhưng trẫm cũng nên gϊếŧ hắn, ai bảo hắn cự tuyệt việc trở thành phò mã là bởi vì nhi tử mà trẫm thương nhất."