Ông Sherlock Holmes
Sherlock Homes ngồi vào bàn và ăn sáng. Tôi đứng trên tấm thảm nhỏ cạnh lò sưởi tay vân vê chiếc gậy mà người khách bỏ quên hồi hôm qua. Chiếc gậy to và rất tốt, được coi là “bằng chứng đáng tin cậy”. Mảnh bạc bề rộng khoảng 1 inchđược đóng vào ngay phía dưới chỗ phồng lên của chiếc gậy. Có một hàng chữ được kẻ trên miếng bạc: “tặng James Mortimer M.R.C.S., những người bạn ở C.C.H., 1884”.
- Anh Watson, ý kiến của anh ra sao?
Holmes hỏi, dù đang ngồi quay lưng về phía tôi.
- Do đâu anh biết tôi đang quan tâm tới cây gậy. Cứ như là mắt của anh ở phía sau gáy ấy? - Tôi nói.
- À, có một chiếc bình cà phê bằng bạc được đánh bóng loáng đang để ở trước mặt tôi. Nhưng thôi, chúng ta đã mất cơ hội để biết người chủ của chiếc gậy ta đến đây làm gì và vì sao lại bỏ quên một vật kỷ niệm quan trọng như vậy... Vậy thì anh hãy tìm hiểu cây gậy và qua đó thử hình dung lại người chủ của nó, còn tôi thì ngồi nghe.
- Theo tôi, bác sĩ Mortimer là một thầy thuốc trạc tuổi trung niên, được bạn bè kính trọng.
- Được đấy! - Holmes nói.
- Là bác sĩ nông thôn, ông thường phải đi bộ trên những quãng đường xa.
- Tại sao vậy?
- Trước đây cây gậy rất tốt nhưng giờ đây nó bị mòn đến mức tôi không thể hình dung nổi là nó đang ở trong tay một bác sĩ thành phố.
- Lập luận thật là sáng suốt.
- Còn về hàng chữ “những người bạn ở C.C.H”, tôi cho rằng chữ cái “H” có nghĩa là “săn bắn”[1], có lẽ là một hội những người đi săn nào đó. Ông ấy đã săn sóc sức khoẻ cho các thành viên của Hội và được họ tặng món quà này.
- Anh đã đạt được những kết quả không thể ngờ - Holmes nói, ngả người ra ghế và bắt đầu hút thuốc – Tôi không thể không chú ý tới điều này: Trong khi ghi chép những cống hiến của tôi, anh thường đánh giá thấp những khả năng vốn có của mình. Nếu ánh hào quang không xuất phát từ nơi anh, thì trong mọi trường hợp, anh là chất dẫn truyền ánh sáng. Có nhiều người tài năng không trội hẳn lên, nhưng lại có khả năng kí©ɧ ŧɧí©ɧ tài năng ở người khác. Thú thật là tôi thường đánh giá sai về khả năng của anh đấy!
Những lời nói của Holmes làm tôi hài lòng. Tôi tự hào vì tôi chẳng những đã thành công trong việc nắm bắt phương pháp của Holmes mà còn biết vận dụng nó trong các công việc.
Holmes cầm lấy cây gậy chăm chú xem đến vài phút. Rồi sau đó anh đặt điếu thuốc lá qua một bên, đến cạnh cửa sổ và quan sát cây gậy bằng kính lúp.
- Chẳng có gì đặc biệt cả, nhưng rất là thú vị! – Anh nói khi trở lại cạnh đi-văng.
- Phải chăng có một cái gì đó lọt ra ngoài sự quan sát của tôi? - Tôi hỏi, không khỏi có cảm giác tự mãn - Hy vọng là tôi không bỏ qua một chi tiết quan trọng.
- Than ôi! Phần lớn các kết luận của anh đều sai lầm. Khi tôi nói rằng anh là một chất kính thích tốt cho tôi thì điều đó cần được hiểu thế này: Những sơ sót của anh sẽ dẫn tôi đến con đường đúng đắn. Nhưng, trong trường hợp cụ thể này, không phải là anh sai lầm hoàn toàn. Quả thật ông ta là một y sĩ ở nông thôn, ông ta buộc lòng phải đi bộ trên con đường xa.
- Vậy là tôi đã nói đúng?
- Chỉ đến đó thôi.
- Nhưng đó đã là tất cả rồi.
- Chưa, chưa đâu, Watson thân mến. Chẳng hạn thế này nhé: Cứ giả thiết rằng bác sĩ nhận tặng vật của một bệnh viện nào đó, chứ không phải là Hội các thợ săn và nếu trước cửa một bệnh viện[2] có tấm bảng mang các chữ C.C.H. thì cái tên này tự nhiên nảy ra là Charing Cross Hospital[3].
- Rất có thể anh đúng - Tôi nói.
- Tất cả đều gợi ý nên giải thích như thế. Còn nếu anh cho giả thiết của tôi là có cơ sở thì chúng ta sẽ có thêm nhiều tư liệu bổ sung cho việc tái lập đặc điểm của người khách này.
- Được. Chúng ta cứ cho rằng chữ cái C.C.H. có nghĩa là “Bệnh viện Charing Cross”. Vậy những kết luận tiếp theo sẽ như thế nào?
- Không có ý nghĩ gì nảy ra trong đầu anh hay sao. Anh thử vận dụng nó đi.
- Kết luận hiển nhiên là: Trước khi về nông thôn, con người này đã từng hành nghề ở London.
- Rõ ràng là vào lúc bác sĩ rời khỏi bệnh viện để đi đến nông thôn, người ta biếu ông món quà này. Điều này liệu có đúng không?
- Có thể như vậy.
- Bây giờ anh hãy lưu ý là ông ta không phải là một trong những bác sĩ lãnh đạo của bệnh viện. Những bác sĩ lãnh đạo như vậy ắt hẳn có địa vị vững vàng với số thân chủ đông đảo và họ phòng khi nào rời bỏ thủ đô để đi lập nghiệp ở nông thôn. Vậy lúc đó ông ta làm gì? Phục vụ ở bệnh viện mà không được làm bác sĩ chỉ đạo chuyên môn thì có nghĩa là...
-... vai trò của ông chỉ lớn hơn một chút so với vai trò của một thực tập sinh.
- Ông rời khỏi chỗ đó 5 năm trước đây. Hãy nhìn vào năm tháng ghi trên chiếc gậy. Như vậy, người bác sĩ này không già như anh tưởng. Ông ta chỉ khoảng 30 tuổi. Đó là một người dễ mến, không tham vọng, đãng trí và rất yêu con chó của mình, một con chó to hơn giống terrier nhưng nhỏ hơn giống mastiff.
Tôi phá lên cười hoài nghi, còn Holmes thì ngả lưng vào đi-văng thả lên những vòng khói nhỏ biến nhẹ nhàng trong không khí.
- Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu về tuổi tác của con người ấy, và cả về con chó của ông ta nữa - Tôi nói.
Tôi rút từ giá sách ra một quyển hướng dẫn y học và lật tìm. Có vài tên Mortimers ở đó, nhưng tôi lập tức tìm thấy tên của vị khách của chúng tôi.
“Mortimers, James, thành viên của M.R.C.S.[4] từ năm 1882. Sinh ở Gripen, Dartmoor, học Devon. Từ 1882-1884: làm việc tại bệnh viện Charing Cross. Giải thưởng Jackson về môn Bệnh lý học so sánh với luận đề “Bệnh tật có phải là sự đột biến nghịch không?”. Hội viên thông tấn của Hội bệnh lý học Thụy Điển. Tác giả của bài báo “Vài hiện tượng bất thường của đột biến nghịch” (Báo Lancet, 1882), “Chúng ta đã có tiến bộ không?” (Báo Tâm lý học, tháng 3-1883). Bác sĩ của các giáo xứ Grimpen, Thorsley và High Barrow.
- Watson thân mến, không có một lời nào nói tới hội săn bắn cả - Holmes nói, nở một nụ cười tinh quái - Nhưng, ông ta đúng là bác sĩ nông thôn như anh đã nhấn mạnh.
- Vậy sự suy diễn của tôi là đúng.
- Vì sao tôi dùng những tính từ dễ mến, không tham vọng và đãng trí: Chỉ có những người dễ mến mới nhận những món quà lúc chia tay, chỉ những người không có tham vọng mới đổi phạm vi hành nghề từ London về nông thôn và chỉ những người đãng trí mới để lại chiếc gậy cùng tấm danh thϊếp sau khi chờ đợi hơn một tiếng đồng hồ.
- Còn con chó?
- Con chó đi theo chủ và ngậm chiếc gậy. Chiếc gậy được làm bằng gỗ cứng. Con chó cắn vào đoạn giữa, dấu vết của hàm răng in hằn rất rõ. Phỏng đoán theo khoảng cách giữa các dấu răng thì đây là giống chó lông xoắn.
Khi nói đến đó, Holmes bắt đầu đi đi lại lại trong phòng, rồi dừng lại cạnh cửa sổ. Trong các lời nói sau cùng của anh mang theo niềm tin quả quyết tới mức khiến tôi nhìn anh ngơ ngác.
- Tại sao anh không tin vào điều đó? Đơn giản là tôi đang trông thấy con chó ở cạnh cửa ra vào. Đấy, tiếng chuông của chủ nó đấy. Đừng đi khỏi đây, anh Waston, anh là bạn đồng nghiệp của ông ta. Điều gì đã khiến cho bác sĩ James Mortimer, một con người của khoa học, lại đến tìm Sherlock Holmes, một chuyên gia về tội phạm? Anh có nghe tiếng bước chân trên cầu thang không? Mời vào!
Vẻ ngoài của vị khách khiến tôi ngạc nhiên. Bác sĩ Mortimer là một người gầy gò, cao ngẳng, cái mũi dài trồi lên giữa cặp mắt xám, ánh lên rạng rỡ dưới gọng kính vàng. Ông ta ăn mặc giống như một bác sĩ, nhưng hơi luộm thuộm một chút: áo và quần tây sờn rách. Lưng ông hơi khòm mặc dầu chưa già. Ngay lúc vừa bước vào phòng, ông rướn cả người về phía Holmes.
- Thật là may mắn! Tôi không thể nhớ được là tôi đã để nó ở chỗ nào, ở đây hay là ở hãng tàu thủy. Mất cái gậy là một điều khủng khϊếp.
- Vật kỷ niệm chăng? - Holmes hỏi.
- Vâng, thưa ông.
- Của bệnh viện Charing Cross phải không?
- Vâng, những người bạn ở đó tặng, nhân ngày cưới của tôi.
- Chúa ơi, tệ quá! - Holmes lắc đầu nói.
Bác sĩ Mortimer bắt đầu chớp mắt một cách ngạc nhiên.
- Điều ấy có gì là xấu xa?
- Chỉ vì chúng đã làm đảo lộn suy luận của chúng tôi. Thế có nghĩa đây là món quà cưới?
- Đúng, thưa ông. Tôi lấy vợ, rời bệnh viện. Tôi phải tạo lập sự nghiệp cho riêng mình.
- Ôi thế đấy! Chúng tôi đã không quá lầm lẫn - Holmes nói - Còn bây giờ, bác sĩ Mortimer...
- Xin cứ gọi tôi là ông Mortimer thôi, tôi chỉ là thành viên của Hội phẫu thuật Hoàng gia và chỉ là một hạt cát nhỏ trong bể học rộng lớn. Nếu tôi không lầm, thì tôi đang có diễm phúc tiếp chuyện với ông Sherlock Holmes và với ông...
-... Bác sĩ Watson. Ngay trước mặt ông.
- Rất sung sướиɠ được làm quen, thưa ông. Tên của ông thường được nhắc đến cùng với tên của bạn ông. Ông Holmes, tôi cảm thấy bất ngờ vì sọ của ông kéo dài đến thế và cánh cung lông mày của ông lại được phát trển mạnh đến thế. Cho phép tôi sờ vào cái đường thóp của ông. Thưa ông, người nào mà có cái sọ như vậy thì có thể làm nổi bật bất kỳ viện bảo tàng nhân chủng học nào. Xin đừng cho tôi là nịnh bợ, quả thật tôi ganh tị về cái sọ của ông đấy.
Holmes mời khách ngồi, nói:
- Tôi với ông, cả hai đều là những người nhiệt tâm với công việc của mình thưa ông. Nếu suy luận theo ngón tay trỏ của ông thì ông ưa loại thuốc cuốn hơn. Xin đừng khách sáo, hãy cứ hút đi!
Bác sĩ Mortimer rút thuốc từ túi ra và ông vấn giấy với một sự khéo léo đến kinh ngạc. Những ngón tay dài và hơi run run chuyển động khá mau lẹ
Holmes ngồi yên lặng song những cái nhìn nhanh và thoáng qua lướt trên người vị khách đã chứng tỏ rằng anh rất quan tâm tới ông ta.
- Thưa ông, tôi cho rằng - Cuối cùng anh nói - Cuộc viếng thăm hôm qua và hôm nay của ông chắc không chỉ vì để khám nghiệm cái sọ của tôi?
- Tất nhiên là không. Sự thật là trước mắt tôi đột nhiên xuất hiện một nhiệm vụ cực kỳ nghiêm trọng và cực kỳ khủng khϊếp. Tôi coi ông là một chuyên gia lỗi lạc thứ hai ở châu Âu...
- Vậy kia đấy, thưa ông! Cho phép tôi tò mò hỏi ai ở vị trí thứ nhất vậy? - Holmes hỏi, giọng bực bội.
- Ngài Bertillon[5], người được mọi người kính trọng.
- Vậy tại sao ông không đến chỗ ông ta?
- Đó là một nhà tư duy khoa học. Còn về thực hành, thì ông không nhường bất cứ một ai. Thưa ông, hy vọng là tôi không nói quá mức...
- Chỉ là chuyện vặt vãnh. Tuy nhiên, bác sĩ Mortimer ạ, ông sẽ xử sự hoàn toàn đúng nếu ngay bây giờ, ông kể cho tôi nghe vấn đề của ông ra sao và ông cần tôi giúp đỡ những gì.
---
[1] Hunter
[2] Hospital
[3] Bệnh viện Charing Cross
[4] thành viên Hội phẫu thuật Hoàng gia. (?)
[5] Nguyên văn: Monsieur Bertillon. Bertillon (1853-1914): Nhà nhân chủng học người Pháp.