Cô Gái Bên Tôi Mười Năm Kết Hôn Rồi

Chương 9: Nhớ em từ nơi ngàn dặm xa xôi

Từ Nam Kinh đến Ô Lỗ Mộc Tề tổng cộng ngồi xe hết 41 tiếng đồng hồ, tôi ngủ rồi lại thức, thức rồi lại ngủ, nằm mơ đủ thứ, trong đó, có một giấc mơ vô cùng kì lạ. Đó là khi nhân viên phục vụ trên xe đẩy xe bán đồ ăn vặt tới, tôi đang ngủ mơ mơ màng màng, tôi mơ thấy mình đã quay về năm lớp 12, tôi và Lăng Nhất Nghiêu đi về phía nhau, khóe miệng cô ấy mỉm cười, tôi đi đến gần nói lớn: “Lăng Nhất Nghiêu, sau này chúng ta sẽ bên nhau 10 năm, sau đó chúng ta sẽ kết hôn!” Lăng Nhất Nghiêu mắng tôi đúng là lưu manh, các bạn học xung quanh đều cười ầm lên, đến cả Đại Kiều và Tử Thạch cũng cười. Tôi vô cùng tức giận nói với hai người họ việc này là thật đó. Chẳng mấy chốc, Đào Ngàn Tuổi từ xa chạy lại, tay cầm một cái thước, tôi sợ quá liền chạy bán mạng. Theo lý mà nói, người trong mơ thường không chạy nhanh, nhưng tôi chạy rất nhanh, thậm chí còn cảm thấy tóc bị gió thổi bay phất phơ. Tôi cứ thế chạy mãi, cảm thấy cuộc đời này mình sinh ra để chạy, tôi rất vui, tôi muốn cười lớn lên.Giọng nói của người bên cạnh đột nhiên to dần, tôi nhanh chóng tỉnh dậy, phát hiện người bán hàng đang đẩy xe đi vào bên trong, khoảng cách so với lúc tôi nhìn thấy còn chưa đến 5 mét. Tôi đột nhiên nhớ tới một câu chuyện bi thương: Giấc mộng hoàng lương. Tôi thật sự hy vọng đời này có thể sống trong giấc mơ đó, bị Đào Ngàn Tuổi đuổi phía sau, cả trường đều vang tiếng cười, bóng tối ngập tràn những con đường và những hành lang dãy phòng học, tôi cứ thế bán mạng chạy trên đường chạy dài 3000 mét bao quanh sân vận động. Lúc đó tôi vẫn còn là một cậu thiếu niên dũng cảm, Lăng Nhất Nghiêu vẫn là một cô gái trầm mặc dịu dàng, tất cả tình yêu của chúng tôi đều ẩn sâu trong những nụ cười thầm lặng ngày này qua ngày khác.

Ở sâu trong sa mạc Gobi Tân Cương, lớp tuyết rơi trước mùa xuân vẫn còn ngập đến bắp chân, tôi đội một chiếc mũ che kín mặt như cướp ngân hàng, mặc một chiếc áo khoác vừa dài vừa dày, vác những thiết bị nặng nề, bước thấp bước cao lặn lội. Ở biển thì lạnh ẩm, ở đây thì lạnh khô, nhưng cái lạnh còn vượt ra khỏi tưởng tượng của tôi. Môi tôi không ngừng nứt toác ra, buổi tối khi đắp chăn, những vết nứt nẻ vì đông lạnh trên chân ngứa đến khổ sở, chỉ có thể thò chân ra ngoài một lúc cho lạnh cóng, lạnh quá lại co vào chăn sưởi một lát, ấm lên rồi thì ngứa nên lại thò chân ra cho cóng lại.

Lăng Nhất Nghiêu muốn gửi kem làm lạnh da cho tôi nhưng chuyển phát nhanh căn bản là không chuyển tới được, chỗ này của tôi xa xôi quá, đến rau xanh và thịt cũng đều vận chuyển từ rất xa đến. Mỗi lần chuyển đến là một xe tải, có thể ăn được nửa tháng liền. Cùng tôi vật lộn ở đây cũng có nhưng người tuổi tác giống tôi, những người làm thuê xuất thân nông dân thì có thể nhẫn nại chịu khổ được, nhưng những người trẻ tuổi da mỏng thịt ít đều chịu không nổi, chẳng ở được mấy hôm đều chạy hết. May là tôi làm việc ở Hoàng Hải hơn nửa năm, điều kiện ở đó cũng chẳng tốt hơn ở đây nên đã quen rồi, huống hồ tôi đã không còn đường lui nữa.

Không bao lâu sau, Lăng Nhất Nghiêu gọi điện cho tôi nói, bà dì đến rồi, em bé không đến. Cô ấy tỏ ra hơi thất vọng, nhưng tôi thì chẳng rõ mình cảm thấy thế nào, cũng không biết mình nên cảm thấy thế nào. Người nhà cô ấy vẫn tìm mọi cách gán ghép cô ấy và La XX, chúng tôi thỉnh thoảng cũng vì một số lý do vớ vẩn cãi nhau. Đầu tôi như bị cửa kẹp vậy, rõ ràng biết cô ấy đang cùng tôi đấu tranh nhưng lại không thể nhịn được mà hết lần này đến lần khác phải dùng những cách ngu ngốc để tự chứng minh với bản thân rằng, cô ấy sẽ không rời bỏ tôi.

-----

Do thiết bị GPS có vấn đề, chúng tôi không thể không sử dụng cách thức đo cao độ sơ khai nhất. Tôi cõng balo thiết bị hai mươi kilogam, tay cầm điện thoại vô tuyến, đi rất xa để tìm gốc đo lúc đầu đã bị tuyết vùi lấp mất. Không ngờ tôi đi mãi đi mãi rồi lạc mất phương hướng. Tôi cứ tưởng rằng ít nhất có thể tìm được đường trở về, không ngờ đến dấu chân của chính mình cũng không thấy nữa, mà những người ở bên kia điện thoại không thể tìm được cách nào xác định vị trí của tôi.

Đây là tình huống trước đây ở bên bờ Hoàng Hải tôi chưa từng gặp, trong lòng tôi nảy ra nỗi sợ hãi bị thế giới ruồng bỏ. Tôi không dám đi lung tung, vội vàng báo những người đầu dây bên kia về trại xin giúp đỡ. Nhưng đến tận 9 giờ tối, khi mà đêm buông xuống, xung quanh chỉ còn tuyết trắng và gió lạnh mà tình hình vẫn không có chút gì tiến triển, trong điện thoại vô tuyến vẫn toàn là tiếng cãi nhau inh ỏi của mấy gã đàn ông.

Tôi nghĩ rằng cái mạng quèn này của tôi chắc là phải bỏ lại nơi đây, chỉ đành quay lưng ngược phía những luồng gió lạnh không ngừng thổi tới, quấn chặt áo khoác, cố gắng giữ gìn chút ấm áp cuối cùng. Tôi móc điện thoại gọi cho Lăng Nhất Nghiêu, nhưng hoặc là không có tín hiệu, hoặc là không kết nối được, đến con mẹ nó tin nhắn gửi đi cũng thất bại.

Tôi lần đầu tiên trong cuộc đời phát hiện ra mình là một người sợ chết. Tôi sợ mình chết rồi sau này sẽ không có ai chăm sóc bố mẹ, sợ mình chết rồi không ai tìm ra kịp thời, lúc Lăng Nhất Nghiêu nhìn thấy chỉ còn lại một đống không nhìn rõ hình thù, càng sợ mình sẽ như những con thú hoang chết đi mà không ai thèm thương hại tới, trong tang lễ đến một người vì tôi rơi nước mắt cũng không có.

Lăng Nhất Nghiêu ơi Lăng Nhất Nghiêu, nếu như anh thật sự phải chết ở đây, xin em hãy gọi tên anh, để linh hồn anh nghe được mà trở về với quê hương, về với em...

Tôi tìm được một mô đất tương đối cao để tất cả máy móc xuống, muốn người khác dễ phát hiện hơn, sau đó trốn dưới một cái hốc, có thể sống bao lâu thì sống bấy lâu. Tôi không biết mình có thể qua nổi không nên cứ chuẩn bị sẵn cho tình huống xấu nhất. Tôi dùng bàn tay đã lạnh cóng đến gần như mất đi cảm giác cầm lấy bút bi, mượn ánh sáng phản chiếu từ tuyết trắng, ở trang giữa của nhật kí công trình viết di thư để lại.

Trong di thư tôi dặn dò lại tôi ở công trình này đã đầu tư bao nhiêu tiền, bên ngoài còn ai nợ tiền tôi, tôi còn nợ tiền của ai, hộ khẩu của tôi còn ở trường chưa lấy về đại loại như thế. Tôi muốn nói xin lỗi bố mẹ, tôi đi trước một bước, muốn khuyên Lăng Nhất Nghiêu đừng đau lòng, kiếp sau có duyên sẽ gặp lại, những thứ vớ vẩn tôi đã viết rồi mà những lời này tôi vẫn không viết ra được.

Tôi cuộn mình trong cái hốc đó, trong đầu bắt đầu suy nghĩ bậy bạ. Nghĩ đến lúc tôi chuẩn bị mất đi ý thức thì nên nằm tư thế nào cho dễ coi, nằm sao để không lôi thôi lếch thếch. Có lúc tôi cảm thấy thân thể này đã hoàn toàn không thuộc về mình nữa, tứ chi giống như những khúc gỗ mất đi cảm giác, trái tim là thứ còn lại duy nhất vẫn thoi thóp kiên trì đập.

Cũng chính lúc này, tôi mơ hồ nghe thấy trong gió có tiếng máy đang chạy, còn có tiếng người đang gọi, thậm chí là tiếng bước chân chạy trong tuyết. Sau đó có người từ phía sau tôi chạy lại, quỳ xuống bên cạnh, không ngừng vừa gọi tên vừa tát vào mặt tôi. Tôi cảm thấy mình như bị nhấn vào nước, tất cả âm thanh đều trở nên mơ hồ xa xăm, ánh đèn cũng trở nên lóa mắt, không nhìn rõ được bọn họ là ai, cũng không biết mình được cứu rồi hay đang hôn mê. Bọn họ nhấc bổng tôi lên một cái, tôi cảm giác mình như một cái bọc nilon bay phất phơ trong gió, toàn bộ ý thức còn sót lại cũng bay theo.

Bọn họ khiêng tôi lên một cái xe có điều hòa, kêu người nắn bóp tay chân cho tôi, không ngừng gọi tên để tôi tỉnh lại: “Anh Lữ, anh Lữ, Lữ à...”. Trong mơ màng, tôi đột nhiên nghe thấy một giọng nói quen thuộc: “Lữ Khâm Dương, Lữ Khâm Dương...” Tôi đột ngột ngồi nhỏm dậy, dùng hết sức đẩy mấy người công nhân trước mặt ra, cố mở mắt nhìn bốn phía, phát hiện căn bản không hề có bóng dáng Lăng Nhất Nghiêu mới thất vọng nằm xuống.

Sau này mấy người công nhân đó lúc uống rượu với tôi thường lấy chuyện đó ra làm chuyện cười, nói bọn họ lúc đó bị dọa chết đứng, cứ tưởng rằng tôi “hồi quang phản chiếu”, tưởng rằng tôi nghe thấy quỷ sai gọi yên. Tôi vừa uống rượu vừa ha ha cười nhạo bọn họ mê tín.

Bệnh viện cách quá xa, bọn họ đưa tôi về trại hơ lửa một hồi thì cũng ấm dần trở lại, sau đó để tôi lên giường nghỉ ngơi, còn để chú nấu bếp ở lại chăm sóc tôi. Tôi ngủ đến trưa ngày thứ hai mới tỉnh, tôi mở cửa sổ, nhìn ngắm mặt trời đỏ như lòng đỏ trứng muối và những cơn gió lạnh buốt rầm rập thổi vào cửa kính căn phòng di động. Tôi uống canh nóng, nhờ người xạc giúp điện thoại, sau đó gọi điện cho Lăng Nhất Nghiêu.

Điện thoại vừa đến, cô ấy liền hỏi tôi hôm qua làm gì, sao điện thoại chỉ reo một tiếng rồi tắt máy. Tôi nói hôm qua tôi suýt nữa thì chết, đến cả di thư cũng viết sẵn rồi. Lăng Nhất Nghiêu dường hư không tin lắm, hỏi tôi: “Anh rốt cục đi làm việc hay là đi đánh trận? Sao lúc nào cũng gặp nguy hiểm vậy. Nếu mà nguy hiểm thật thì anh về đi.”

Đối mặt với lời trách móc của Lăng Nhất Nghiêu, tôi không biết mình nên làm thế nào. Tôi đã đem tất cả vốn liếng mình tích lũy được dồn vào canh bạc này, sao có thể vì một sự cố ngoài ý muốn mà giơ tay đầu hàng được. Tôi ở nơi này chiến đấu với mưa tuyết gió sương, chỉ mong cô ấy cả đời không phải vất vả, chỉ mong để cho cô ấy cuộc đời này có thể sống nhàn hạ, cho dù cô ấy vĩnh viễn không lý giải được sự điên cuồng của tôi lúc đó.