Mộng Cũ 1913 - Đợi Anh Năm 1913

Chương 27: Mậu Thân, Ninh An 1908, Quang Tự năm thứ ba mươi tư

Dực Chẩn được hạ táng ba ngày sau đó, sau khi lễ tang kết thúc A Bội đột nhiên tới tìm Phó Lan Quân, nói là có món đồ mà lúc Dực Chẩn còn sống đã dặn phải đưa cho cô.

Phó Lan Quân không hiểu, quan hệ giữa cô và Dực Chẩn cùng lắm cũng chỉ là bạn của chồng và chồng của bạn mà thôi, sao tự dưng để lại đồ cho cô làm gì?

Mặt A Bội xanh xao phờ phạc, bộ đồ tang thuần sắc trắng càng khiến người cô ấy trông gầy yếu đến đáng thương, Phó Lan Quân cất giọng an ủi: “Cô phải tự bảo trọng.”

A Bội cười đắng ngắt: “Tôi biết.”

Dực Chẩn đi rồi, dường như ở A Bội bắt đầu xảy ra biến hóa, từ một cô con gái nhà trồng tằm dịu dàng ít nói, chân yếu tay mềm, giờ đây đã hoàn toàn thay da đổi thịt, ở cô ấy dường như nhiều hơn một loại sức mạnh tinh thần vô hình, vẫn trầm tĩnh như cũ, nhưng trong sự trầm tĩnh ấy lại hơn một phần kiên định.

A Bội hạ giọng nhẹ nhàng nói: “Thực ra tôi đã chuẩn bị cho kết quả này từ lâu rồi.”

Phó Lan Quân hoảng sợ, A Bội nói tiếp: “Vài năm trước tiên sinh từng nói với tôi người anh ấy khâm phục nhất là Thẩm Tẫn, vị Thẩm tiên sinh này là đồng nghiệp ngành báo, người đã vạch trần hiệp ước bán nước của triều đình rồi bị triều đình sát hại. Tiên sinh nói, cống hiến toàn bộ gia sản của mình ra giúp đất nước, đấng đại trượng phu nên như thế. Nếu như tương lai phải chết, anh ấy hy vọng mình sẽ chết huy hoàng oanh liệt như Thẩm tiên sinh. Hiện tại coi như anh ấy đã đạt được sở nguyện của mình.”

Như là nghĩ tới điều gì, cô ấy nở nụ cười: “Khi đó anh Cố có bên cạnh, cô đoán xem anh ấy nói gì? Anh ấy bảo, ‘Tại sao lại muốn vì nước hy sinh thân mình? Lớp người trí thức các cậu luôn muốn hy sinh vì nghĩa lớn, rốt cuộc đó là lòng nhân ái của quốc gia đại nghĩa hay là nhân từ của chính bản thân các cậu? Trên hết tôi mong rằng, sẽ có một ngày những người như các cậu không phải quên mình vì đất nước.’”

Đôi mắt Phó Lan Quân chuyển động, lòng như có mây mù giăng khắp.

Sau khi A Bội đi, cô mở hộp gấm kia ra và phát hiện bên trong vậy mà có một tập giấy viết bản thảo.

Trên giấy là bài văn được chép tay, Phó Lan Quân nhận ra đây là nét chữ của Dực Chẩn, nhưng nét chữ trông có vẻ phù phiếm, hoàn toàn mất đi cái cốt xưa kia của Dực Chẩn, màu mực cũng còn mới, chắc anh ấy đã chép trước lúc mất không lâu, trang cuối cùng đã chứng thực cho phán đoán của Phó Lan Quân. Vệt máu nhuộm đỏ thẫm tờ giấy mỏng manh, hệt như đóa hoa nở rộ từ chất mực là giọt máu đầu con tim.

Đây là một thiên “Báo Nhậm An Thư”*.

*Báo Nhậm An Thư là bức thư hồi âm của nhà văn, nhà sử học Tư Mã Thiên viết cho người bạn của mình là Nhậm An (Sử ký Tư Mã Thiên)

Tại sao anh ta lại tặng cô một thiên Báo Nhậm An Thư? Phó Lan Quân khó hiểu, nền học cũ của cô không vững, những thứ văn chi, hồ, giả, dã* với đâu đâu cũng là chơi chữ thế này cô cái hiểu cái không, đọc cứ như lọt vào sương mù.

*Chi, hồ, giả, dã: Theo từ điển Hán Nôm đây là bốn tiếng hư tự dùng trong cổ văn Trung Hoa, người học chữ Hán là phải học cách dùng những tiếng này — Chỉ cái học hủ lậu hẹp hòi. Còn ở địa chỉ web hanamninh.blogspot giải thích nôm na “chi, hồ, giả, dã” dùng để chỉ những người học cao hiểu rộng, bụng mang một bồ sách, mở mồm ra là dùng cách nói chữ khiến người chung quanh không thể hiểu nổi.

Buổi tối Phó Vinh về nhà, lúc ăn cơm Phó Lan Quân hỏi ông: “Cha, Báo Nhậm An Thư của Thái Sử Công nghĩa là gì ạ?”

Lão tú tài Phó Vinh kiên nhẫn giải thích cho cô: “Báo Nhậm An Thư được Thái Sử Công viết cho người bạn già đang chịu cảnh tù đày của mình là Nhậm An. Nhậm An bị tội vào tù bèn xin cứu giúp từ bạn cũ Thái Sử Công, hy vọng Thái Sử Công có thể cứu mình, vì lẽ đó Thái Sử Công đã viết thiên văn này cho ông ta. Ý không gì khác hơn là từ chối lời thỉnh cầu của Nhậm An.”

Mày Phó Lan Quân nhíu thành chữ xuyên (川), chẳng lẽ Dực Chẩn đang trách Cố Linh Dục vì đã không ra tay viện trợ khi anh ta ngồi tù?

Cô hỏi Phó Vinh: “Tại sao ông ấy lại từ chối thỉnh cầu của bạn ạ?”

Phó Vinh tư lự chốc lát: “Bọn tôi tớ tì thϊếp còn biết giữ tiết, tự quyết được, huống hồ kẻ hèn này lại không hiểu cái lẽ có khi bất đắc dĩ phải chết sao? Sở dĩ ẩn nhẫn sống tạm bợ qua ngày, nín nhịn oằn người sống trong vũng lầy bẩn tưởi mà không chối từ, là vì hận lòng riêng có điều chưa đạt, sống trọn kiếp và một cái chết tầm thường khiến con cháu đời sau không thấy được cái tài văn chương của mình, ấy là đáng khinh!* Văn Thái Sử Công viết rất minh xác, ông chỉ lo thân mình, kỳ thực bởi vì trong tim có lập trường riêng, chí lớn chưa được đền đáp.”

*Trích từ thư trả lời Nhậm An của Tư Mã Thiên.

Trong tim có lập trường riêng… Phó Lan Quân thì thào, bên tai cô bỗng vang lên câu nói ngày ấy của Dực Chẩn, hắn bảo với Cố Linh Dục: “Xin cậu nhất định phải bảo vệ lập trường trong tim mình.”

Lẽ nào anh ta để lại thiên văn này là để nhắc cho cô biết rằng, Cố Linh Dục vì tuân theo lập trường mà tự bảo vệ mình, mong cô thông cảm cho Cố Linh Dục?

Phó Lan Quân càng mù tịt, lập trường trong tim đàn ông bọn họ rốt cuộc là gì? Khiến họ vì đạo ấy mà cam tâm hy sinh thân mình, hy sinh bạn bè… Cô ngẩng đầu hỏi Phó Vinh: “Cha, cha nghĩ sao về hành động của Thái Sử Công?”

Phó Vinh đáp không chút nghĩ ngợi: “Vì chí lớn được đền đáp mà bằng lòng gánh danh bất nhân bất nghĩa, chịu nỗi ô nhục cung hình, có thể nói là đấng trượng phu vĩ đại.”

Phó Lan Quân lẩm bẩm: “Nhưng....”

Phó Vinh cười phá lên: “Con gái ngốc ạ, con tưởng rằng cả thế giới này chỉ có hành động xông pha khói lửa không chối từ hết sức trẻ con và xử trí theo cảm tính đó mới được gọi là trung hiếu lễ nghĩa phải không? Thế giới này đâu có đơn giản như vậy. Nếu Thái Sử Công tận lực nghĩ cách cứu trợ Nhậm An thì bây giờ làm gì đã có Sử ký? Khoe khoang khí phách nhất thời, nói hay thì là tính nết con người, nói khó nghe thì chính là kẻ ham hư danh. Chưa nói đến Sử ký, cứ muốn cứu là một hai phải cứu ra được sao? Chẳng qua là hai người cùng chết thôi. Đám nít ranh lúc nào cũng luôn mồm bảo sống chết có nhau, mà người lớn làm việc gì cũng phải cân nhắc kỹ càng, cho dù chỉ sai sót ít ỏi thôi, đừng nói thắng, có khi thua hết cả bàn cờ!”

Ông thở dài thườn thượt xoa đầu cô: “Con gái ngốc của cha ơi, hồi đó cha cứ nghĩ biết mà vô năng không bằng không biết, thế nên mới nuôi dạy con trở thành đứa bé không rành thế sự, lại chẳng ngờ rằng dù con biết hay không biết, kết quả đều phải bước vào cảnh khổ cực lầm than của kiếp người.”

Phó Lan Quân cúi đầu không nói.

Cửa bỗng bị đẩy ra, quản gia lảo đảo chạy vào mặt mũi xám ngoét: “Lão gia, tin tức trong kinh, hoàng thượng băng hà rồi!”

Phó Vinh đứng bật dậy, mặt tái nhợt.

Hôm sau trong kinh lại truyền tin, Từ Hi thái hậu cũng từ trần.

Hoàng đế thái hậu liên tiếp qua đời, rúng động cả nước. Trên phố bắt đầu xuất hiện nhiều lời đồn đại, rằng triều đình đang chuẩn bị đại xá thiên hạ.

Cuối cùng Phó Lan Quân gặp lại được Tiêu Giảo. Ngày đó ở nơi đầu phố Ninh An, rất nhiều người thấy cô ấy. Nhiều năm sau, khi Cố Linh Dục, Phó Lan Quân, Tề Vân Sơn đều đã chìm vào quên lãng, vẫn còn có người nhớ rõ cảnh tượng đầu phố Ninh An năm Quang Tự thứ ba mươi tư, trong màn tuyết rơi dày đặc, một người phụ nữ trẻ tuổi khoác trên mình tấm váy cưới, tóc tai bù xù, chân chạy như bay, vừa chạy vừa ngoác miệng cười điên cuồng, liên tục hô hào: “Đại xá thiên hạ! Đại xá thiên hạ! Đại xá thiên hạ…”

Cô ấy điên rồi.

Phó Lan Quân đứng từ xa xa dõi mắt trông theo, chợt nhớ tới một năm kia bắt gặp cô ấy và Tề Vân Sơn sau vườn hoa Cố gia. Cô ấy chặn đứng Tề Vân Sơn chỗ hành lang, gương mặt nở nụ cười rạng rỡ vui tươi, nụ cười tỏa sáng như vạn vì sao va chạm nhau trong cung điện kính nhỏ, cô ấy thổ lộ với Tề Vân Sơn: “Em đang may váy cưới rồi, đợi đến khi nào may xong là sẽ gả cho anh, anh có nghĩ không cưới em cũng chả được nữa đâu.”

Thừa lúc Tề Vân Sơn không chú ý, cô gái kiễng chân hôn chụt một cái trên má anh ấy rồi xoay người cong chân chạy biến, khoảnh khắc chạy ngang qua Phó Lan Quân có làn gió thổi tung vạt áo cô ấy trông nhẹ nhàng mà vô cùng sinh động, giống như ánh trăng của một đêm nào đó.

Nháy mắt, trời đất đảo lộn.

Một năm này, Nam Gia Mộc chết, Tề Vân Sơn chết, Dực Chẩn chết, Quang Tự chết, Từ Hy chết.

Triều Đại Thanh rất nhiều người đã chết.

Phủ Ninh An rất nhiều người đã chết.

(còn tiếp)