“ Ríu…..rít…..ríu….rít….”
Bên ngoài trời hãy còn mờ hơi sương, những con chim đang rả rích chuyền từ tán cây lộc vừng sà xuống khoảng sân nhỏ trước ngôi nhà mái lá vẫn còn thơm mùi tre nứa báo hiệu một ngày mới bắt đầu.
“ Cạch “
Cửa nhà được làm từ những cây tre ngà ngả màu vàng óng vừa khẽ mở. Một ông lão chừng 60 tuổi có đôi mắt sáng, cùng chòm râu bạc bước ra tới khoảng hiên trước nhà. Ông lão vươn vai, cảm nhận bầu không khí thoáng đãng của sương mai khi mà chỉ lát nữa thôi, lúc mặt trời ló dạng, ánh nắng sẽ xua tan đi cái hương vị đặc trưng mà chỉ nơi này mới có : Hương thơm của trúc.
Dùng cái gáo bằng trái dừa khô, khẽ múc một gáo nước từ trong chiếc lu có màu nâu của đất, làn nước mát hơi se lạnh khiến cho ông lão cảm thấy khoan khoái, tươi tỉnh để chuẩn bị cho những công việc sắp làm hàng ngày.
Và việc đầu tiên chính là vào rừng hái thuốc, gói một củ khoai lang luộc vào miếng lá chuối khô cùng với cơm nắm, không quên giắt cái hồ lô đựng nước bên hông, ông lão đeo chiếc gùi nhỏ lên vai, tay cầm gậy trúc, đầu quấn khăn vấn che bớt đi mái tóc đã bạc gần hết, sẵng giọng như lấy tinh thần :
-- E hèm…..Đầy đủ rồi nhỉ…? Lên đường thôi.
Rời khỏi nhà, ông lão rảo bước trên con đường đất dẫn thẳng vào rừng. Hai bên đường hoa lá um tùm, cỏ cây xanh mướt. Quang cảnh thiên nhiên hoang sơ khiến cho con người ta cảm thấy yên bình đến lạ.
Trời hãy còn sớm, thêm nữa đây là con đường dẫn vào rừng nên giờ này ngoài ông lão không có ai qua lại cả. Nhưng hình như không phải vậy, thấp thoáng phía trước có bóng người đang đi tới.
Chẳng phải chờ xem đó là ai, người đàn ông với thân hình cường tráng, cởi trần, đóng khố, đi chân trần tay giơ cao cái nỏ nói lớn :
-- Lão Lang, đúng là lão Lang rồi…..Khà khà khà, lão vào rừng hái thuốc sớm thế sao ?
Ông lão cũng nhận ra đó chính là Y Điêng Ayun, người được mệnh danh là thợ săn giỏi nhất của làng.
Lão Lang mỉm cười cúi đầu chào lại :
-- Y Điêng đó à, chẳng phải cậu còn làm việc sớm hơn cả tôi hay sao, chỉ cần nghe từ xa cũng nhận ra ngay đó là giọng của người đi rừng giỏi nhất trong làng rồi.
Y Điêng cười lớn :
-- Ha ha ha, tôi cũng đang tính lúc về qua sẽ ghé nhà lão đây. Không ngờ lại gặp giữa đường thế này.
Vừa nói, Y Điêng vừa gỡ sợi dây buộc hai con gà rừng với bộ lông sặc sỡ màu sắc ra. Chọn lấy con to nhất, Y Điêng đưa về phía lão Lang rồi nói :
-- Tôi biếu lão con gà rừng, lão đem về hầm ăn cho có sức.
Lão Lang đáp :
-- Ấy chết, sao tôi dám nhận được chứ…..Công sức của anh vất vả mới bẫy được, hơn nữa tôi đang đi hái thuốc. Anh nên đem về tẩm bổ cho bà cụ thì tốt hơn, tấm lòng của anh, Lang tôi xin nhận.
Y Điêng vừa cười vừa lắc đầu nói tiếp :
-- Ơ kìa, cái lão này, lão không thấy tôi bẫy được đến 2 con hay sao. Nhất định lão phải nhận lấy 1 con. Mẹ tôi chẳng phải nhờ lão mà bệnh tình mới thuyên giảm hay sao, hai hôm nay bà đã ăn được cơm rồi đấy. Lão mà không nhận, tôi đem 2 con gà này về, kiểu gì mẹ tôi cũng bảo đem sang nhà biếu lão 1 con. Lão yên tâm, trên đường về, kiểu gì tôi cũng đi qua nhà lão. Tôi để gà vào trong nhà là được thôi mà, lão nhận đi cho tôi ưng cái bụng. Người “ Làng Trúc “ không nói hai lời đâu mà.
Y Điêng nói đến như vậy, nếu cứ từ chối cũng không phải phép.
Lão Lang khẽ cười rồi gật đầu đồng ý, nhưng lão nói :
-- Chà, vậy thì tôi xin nhận…...Nhưng tôi sẽ lấy con nhỏ hơn, dù sao có một mình tôi, lấy con to ăn cũng không hết. Anh đồng ý thì tôi mới nhận.
Y Điêng cười phá lên :
-- Được rồi, được rồi…..Ha ha ha….Quyết định vậy đi, lão con nhỏ, tôi con to….Khà khà khà…..Vậy mới đúng chứ, thôi không làm mất thời gian của lão nữa. Tôi qua nhà lão sẽ buộc chặt con gà trước cửa nhà. Chúc lão hôm nay hái được nhiều thuốc…..Tôi đi trước đây.
Bóng Y Điêng khuất dần, lão Lang cũng tiếp tục đi vào rừng. Vừa rồi, trong cuộc nói chuyện, Y Điêng có nói đến hai từ “ Làng Trúc “.
Đúng vậy, nơi lão Lang đang sống chính là Làng Trúc, cái tên dường như đã nói lên tất cả. Ngôi làng này được bao bọc bởi rừng trúc bạt ngàn. Trúc xuất hiện hầu như ở khắp mọi nơi, là vật liệu cho hầu hết các đồ dùng của người dân. Ở đây người ta làm nhà bằng trúc, rổ rá, đồ đựng cũng được đan bằng trúc…..Nói tóm lại, ở đây, trúc là loài cây gắn liền với cuộc sống của người dân. Cái tên Làng Trúc cũng từ quang cảnh thanh bình mà thiên nhiên ưu ái ban tặng, chỉ cần nghe thôi cũng đủ thấy nội tâm khẽ lắng lại yên ả vô cùng.
Làng Trúc là một ngôi làng nằm gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Ngôi làng nằm sâu trong rừng thuộc địa phận tỉnh Hà Giang, cách biên giới Trung Quốc không xa khi mà nếu băng rừng, phía bên kia sẽ chính là Vân Nam ( Trung Quốc ). Chính vì nằm riêng biệt trong rừng sâu nên trải qua chiến tranh khốc liệt, ngôi làng không gặp bất cứ tổn hại nào. Thiên nhiên vừa thơ mộng nhưng cũng không kém phần hùng vĩ của nơi rừng núi đại ngàn đã tạo nên một nét rất riêng mà chỉ ngôi làng mới có.
Người dân Làng Trúc đa phần sống cuộc sống tự cung, tự cấp…...Họ trồng trọt, săn bắn, hái lượm phục vụ cho những nhu cầu thường ngày. Nhưng không phải vậy mà dân làng bó mình trong phạm vi của làng. Lâu lâu người dân Làng Trúc cũng có giao dịch với những lái buôn phía bên kia biên giới. Họ trao đổi, mua bán các mặt hàng nông sản, thịt thú rừng. Có thể giao dịch bằng tiền, hoặc đôi khi chỉ là những vật dụng dùng cho cuộc sống thường ngày như mắm, muối, hạt tiêu, thuốc men…..Chỉ có điều, những giao dịch mua bán, trao đổi như vậy chỉ được phép diễn ra ở khu vực giáp ranh hai nước. Còn lại, tuyệt nhiên họ không cho người Trung Quốc được đặt chân vào làng. Không ai hiểu lý do tại sao, chỉ biết rằng, từ thời xa xưa tục lệ của ngôi làng đã nghiêm cấm như vậy.
Lão Lang không phải người của Làng Trúc, bản thân ông cũng không biết tại sao mình lại tới được nơi đây. Lão Lang không nhớ gì cả, ngay cả cái tên mà người dân ở đây gọi ông cũng là do họ đặt cho. Họ gọi ông là lão Lang bởi ông biết bốc thuốc chữa bệnh, họ cũng không biết ông từ đâu đến, đến đây làm gì.
Vừa đi, lão Lang vừa bồi hồi nhớ lại ngày hôm đấy, cái ngày đầu tiên lão đến ngôi làng bằng một cách nào đó mà cho tới tận bây giờ vẫn không ai biết. Sau này nghe mọi người kể lại thì lão Lang được phát hiện trong rừng trong tình trạng bất tỉnh, người nhiều vết thương, nhưng nặng nhất chính là vết thương ở phần đầu. Máu chảy nhiều, hai người dân Làng Trúc khi ấy còn thất kinh bạt vía bởi nghĩ lão đã chết. Thật may có một người đánh bạo lại gần kiểm tra và phát hiện lão vẫn còn thở. Họ cho rằng lão bị ngã từ trên vách núi cao xuống, hai người đó đã đưa lão Lang về làng, nhờ vậy lão mới còn sống.
Khi lão Lang tỉnh dậy đã thấy mình nằm trên một chiếc giường bằng trúc, xung quanh ông có rất nhiều người với những ánh mắt tò mò, có chút sợ hãi đang nhìn ông một cách thăm dò.
Lúc đó, lão Lang nhớ, người đầu tiên tiến lại gần giường, cất tiếng hỏi ông là một người đàn ông trung niên ước chừng 50 tuổi, tay cầm cây gậy với phần đầu gậy được điêu khắc hình con khổng tước rất đẹp, ông ta hỏi :
-- Ông lão, ông đã tỉnh rồi à….? Ông là ai…? Tại sao lại đến đây….?
Lão Lang ngơ ngác nhìn lên trần nhà với những thanh xà lớn, sau đó lão tự mình gượng người dậy, nhìn xung quanh một lượt, đưa hai bàn tay lên trước mặt, lão nhìn người đàn mặc đồ thổ cẩm, đóng khố, tay cầm cây gậy lạ mắt rồi cất tiếng hỏi lại :
-- Tôi….là...ai…..? Mọi người là ai….? Tôi đang…..ở...đâu….thế...này…?
Ánh mắt vô hồn, tinh thần bắt đầu hoảng loạn khi mà lão trả lời câu hỏi của trưởng làng bằng chính những câu hỏi trưởng làng đặt ra đã khiến cho những người có mặt ở đó bắt đầu ì xèo những lời bàn tán.
Những tiếng rì rầm, những cái nhìn đầy nghi hoặc khiến cho lão Lang khi đó tỏ ra sợ hãi. Bởi nhìn cách ăn mặc của họ, lão Lang biết lão và những con người ở đây không giống nhau.
Trưởng làng, người cầm cây gậy có khắc hình khổng tước yêu cầu mọi người giữ im lặng.
Ông ta nói :
-- Ông lão, ông không nhớ gì sao….?
Lão Lang lúc ấy chỉ còn biết lắc đầu, quyết định cuối cùng được đưa ra ngay sau đó. Lão Lang được ở lại nhà của trưởng làng, nhưng không được ra ngoài cho tới khi dân làng biết được lão là ai và từ đâu đến. Căn cứ vào quần áo mà lão Lang mặc khi đó, cũng như lão nói tiếng Việt rất thuần thục, nên dân làng không nghĩ lão là người phía bên kia biên giới. Hàng ngày lão Lang được cung cấp đồ ăn, nước uống…...Nhưng ở nhà trưởng làng đã 10 ngày, câu nói mà lão Lang hỏi hàng ngày mỗi khi trưởng làng đưa cơm vẫn chỉ là :
-- Tôi là ai……?