Ngoại truyện: Nhà thôi miên
Hồ Tập là một nhà tư vấn tâm lý có nhiều năm kinh nghiệm.
Dạo này ông có một ca bệnh vô cùng khó giải quyết, bệnh nhân mắc chứng rối loạn mất trí nhớ phân ly nhiều năm, cộng kèm trầm cảm nghiêm trọng. Bệnh nhân này có thân phận hiển hách. Như phần lớn những kẻ thượng lưu có tiền có quyền trong xã hội, người này cảm thấy rất ngần ngại với việc điều trị tâm lý.
Kéo dài tới mức không thể không chạy chữa, tình trạng thể chất và tinh thần của bệnh nhân đều suy giảm đến mức có thể gây nguy hiểm đến tính mạng bất cứ lúc nào. Đội ngũ bác sĩ đã thử điều trị bằng thuốc cho người này, nhưng hiệu quả không tốt; bác sĩ đã tư vấn tâm lý cho bệnh nhân nhiều lần, nhưng vẫn khó có thể chẩn đoán được nguyên nhân chính xác của bệnh.
Bệnh nhân được chuyển tới chỗ của Hồ Tập, được khuyên tiến hành liệu pháp thôi miên.
Mới đầu, bệnh nhân không tán thành phương án chạy chữa này. Thôi miên yêu cầu người thôi miên và người bị thôi miên phải tin tưởng lẫn nhau, người bị thôi miên phải phối hợp suốt quá trình điều trị. Bệnh nhân biểu hiện nhiều cơ chế phòng vệ tâm lý có tính cực đoan, cũng cho thấy có lẽ người này không phù hợp với liệu pháp thôi miên.
Nhưng thôi miên không phải liệu pháp chữa trị dự phòng mà bệnh viện đưa ra để bệnh nhân lựa chọn. Bệnh của người này đã quá nặng, những phương pháp điều trị khác đều không có tác dụng, thôi miên là cách duy nhất hiện tại để vượt qua khoảng chững này.
Bác sĩ chưa xác định được nguyên nhân bệnh, mà nguyên nhân gây bệnh lại là mấu chốt để chữa bệnh.
Hồ Tập giải thích với bệnh nhân: “Có thể áp dụng liệu pháp nhận thức hành vi, trị liệu sang chấn, phân tích tâm lý vân vân, đây đều là những liệu pháp mang tính tiền căn hậu quả. Nói cách khác, chúng ta phải biết nguyên nhân, mới có thể giải quyết hậu quả cho nguyên nhân tạo thành.”
Bệnh nhân suy nghĩ cẩn thận rồi cũng dao động: “Nguyên nhân gây bệnh…… Vậy là, tôi có thể tìm lại những ký ức mà tôi không nhớ được thông qua thôi miên ư?”
Hồ Tập gật đầu: “Thôi miên là tiến vào không gian tiềm thức của anh. Những điều ngoài hiện thực anh không nhớ được là do bệnh tật của anh đã phủ lên nó một lớp sa. Tuy rằng bây giờ anh không nhớ được, nhưng những thứ đó vẫn ở lại trong thế giới tiềm thức của anh.”
“Sau khi thôi miên, tôi và anh có thể đi vào thế giới tiềm thức, lấy lại tất cả những gì tôi đã quên?”
“Cũng không đơn giản như vậy,” Hồ Tập không dám nói chắc chắn quá: “Thứ nhất, tiềm thức là một sự hiện hữu chưa đạt tới trạng thái có thể nhận thức được. Dù có thôi miên thành công, tiềm thức của anh hoạt động trong chiều không gian kia, nhưng anh ở trong đó cũng không biết mình đang bị thôi miên; tôi và anh ngoài hiện thực không thể đối thoại trực tiếp với “người” ở trong đó. Hiện giờ chúng ta vẫn chưa dự đoán trước được có thể thu thập được thông tin hữu hiệu nào không, hay hiệu quả trị liệu sẽ thế nào. Thứ hai, trong trường hợp thôi miên không thành công, thế giới tiềm thức của anh đột nhiên có vấn đề gì thì……”
Bệnh nhân ngắt lời ông: “Khả năng không thành công nhiều hơn thành công ư?”
“Theo như đánh giá hiện tại của bệnh viện về anh, thì đúng vậy. Bởi vậy có lựa chọn liệu pháp thôi miên hay không, cuối cùng vẫn là quyết định của anh.”
Thấy vẻ mặt bệnh nhân ra chiều do dự, Hồ Tập không kìm được mà khuyên thêm câu nữa.
“Mục đích của việc thôi miên không chỉ là tìm được nút thắt của căn bệnh, mà thông qua việc hồi tưởng lại ký ức, tôi cũng có cơ hội giúp anh làm phai nhạt những ký ức đau buồn, củng cố phần vui vẻ, giảm bớt triệu chứng trầm cảm.”
Lần nói chuyện này kết thúc.
Hồ Tập chào tạm biệt bệnh nhân, còn nhấn mạnh thêm: “Hẹn gặp lại anh vào lần tới”.
Ông thật tình mong rằng bệnh nhân sẽ chấp nhận liệu pháp chữa trị.
Hai người đều biết rõ trong lòng, nếu bệnh nhân từ bỏ việc chạy chữa, với tình trạng bệnh này, thì chẳng khác nào từ bỏ mạng sống của chính mình.
Một tuần sau.
Bệnh nhân lại vào bệnh viện lần nữa, thông báo với Hồ Tập là mình đồng ý thôi miên.
Bởi vậy, quá trình trị liệu chính thức bắt đầu.
Tiềm thức vô cùng thần bí.
Có người nói, những giấc mơ nối liền với tiềm thức. Có kẻ lại bảo, linh hồn con người mới nối liền với tiềm thức.
Thông qua hoạt động thôi miên, nhà thôi miên sẽ mở ra một con đường nối tới thế giới tiềm thức của người bệnh. Linh hồn của bệnh nhân, hoặc phải nói là “Ý thức”, có hình dáng thế nào trong thế giới tiềm thức của anh ta là tùy người đó lựa chọn.
Ý thức đó có thể được dẫn đường bởi nhà thôi miên, như thể nhà thôi miên cầm một sợ thừng chỉ hướng từ thế giới bên ngoài.
Có điều, dây thừng không chắc chắn 100%, ý thức có thể thoát khỏi sự khống chế của nhà thôi miên.
Để tránh ý thức của bệnh nhân lạc đường do mất khống chế, trước khi tiến hành việc thôi miên, Hồ Tập đã thiết lập với bệnh nhân hai phương pháp đánh thức đại diện cho việc kết thúc quá trình thôi miên.
Phương thức một, đánh thức bằng ánh sáng mạnh. Khi bệnh nhân cảm nhận được ánh sáng mạnh trong thế giới tiềm thức, điều ấy có nghĩa là quá trình thôi miên đã chấm dứt. Đây là cách đánh thức bệnh nhân họ thường dùng.
Phương thức thứ hai, đánh thức bằng cách đặc biệt. Khi cách đánh thức bình thường không có hiệu quả, Hồ Tập sẽ bỏ ngỏ cửa sau ở ý thức của bệnh nhân. Ông sẽ chỉ dẫn bệnh nhân tới ngôi nhà an toàn trong thế giới tiềm thức. Đó là căn nhà do chính bệnh nhân xây dựng, được mệnh danh là bến cảng tránh gió cuối cùng của chính bệnh nhân. Nhà thôi miên sẽ đặt những tư liệu về quá trình chữa trị của họ ở đó.
Khi “ý thức” nhìn thấy tư liệu, nó sẽ hiểu được thế giới thật nằm ở đâu, nhờ đó tỉnh lại. Giống như một người lạc lối trong cơn ác mộng kì quái, bỗng chợt nhận ra đây chỉ là một giấc mơ, tất cả những nỗi hoang mang quẩn quanh không có lời giải đáp lập tức trở nên rõ ràng.
Lần trị liệu này khó khăn hơn bất cứ lần nào mà Hồ Tập từng trải qua.
Quá trình bệnh nhân mắc bệnh quá lâu, thế giới tiềm thức của người này rất quỷ quyệt, dù ông có thôi miên thành công thì vẫn không tìm thấy thông tin hữu ích.
Nếu ký ức về sang chấn không nằm ở bề mặt của tiềm thức, vậy để tìm nó về, người ta phải đi vào thế giới vô thức sâu thẳm hơn.
Điều này không nghi ngờ gì nữa, sẽ làm quá trình chữa trị bằng thôi miên trở nên phức tạp hơn.
Bệnh nhân thật sự và nhà trị liệu ở ngoài thế giới thực tại. Tại tầng tiềm thức, bệnh nhân bị thôi miên được cột bằng một sợi dây vô hình, nối liền với nhà trị liệu ở bên ngoài. Khi bệnh nhân lạc hướng, người trị liệu có thể kéo anh ta về thông qua mối nối.
Tầng vô thức ở khoảng cách xa hơi, sợi dây không thể chạm tới được nữa, khả năng can thiệp của người trị liệu gần như bằng không, phải phụ thuộc vào chính bản thân bệnh nhân.
Nguy hiểm càng lớn, khó khăn càng nhiều.
Bệnh nhân đã lựa chọn tin tưởng ông, tiếp nhận điều trị, nên Hồ Tập không bỏ cuộc.
Thông qua những buổi tư vấn tâm lý, ông tốn rất nhiều thời gian phân tích những khoảng trống trong ký ức và những sang chấn tâm lý khả nghi của bệnh nhân.
Nhờ sự giúp đỡ của Hồ Tập, chúng được sắp xếp và phân loại lại, hình thành dưới hình thái những “ngôi nhà” khác nhau trong thế giới tiềm thức của bệnh nhân.
Đáng tiếc, làm như vậy lại có vấn đề mới.
Hình thái của bệnh nhân trong thế giới tiềm thức lại là một chú thỏ. Chú thỏ nọ từ chối tới gần những căn nhà có chứa trải nghiệm đau thương, cho rằng tất cả những ngôi nhà đó đều bị “khóa lại”.
Hồ Tập thử xây dựng một kẻ dẫn đường để dẫn dắt cho chú thỏ. Nhưng chú thỏ không thể tin người chỉ dẫn giả do ông tạo ra. Phản ứng bài xích không tin tưởng này đã gián đoạn quá trình thôi miên mấy lần, chứ chưa nói đến việc đưa bệnh nhân tiến sâu vào căn nhà.
Quá trình trị liệu tiến hành tới đây thì không còn hi vọng tiến triển thêm nữa.
Ông thấy triệu chứng bệnh của bệnh nhân ngày một nặng thêm.
Kỳ tích xuất hiện ở lần trị liệu bằng thôi miên thứ 23, Hồ Tập ngạc nhiên phát hiện, bệnh nhân tự tạo ra cho mình một người dẫn đường mới.
Người dẫn đường mới không chịu khống chế, không làm theo mệnh lệnh của ông. Ý thức của bệnh nhân được kẻ dẫn đường mới chỉ lối. Hồ Tập lập tức ý thức được chuyện này có tính nguy hiểm rất cao, vì thế ông đã bỏ dở buổi thôi miên, đánh thức bệnh nhân dậy bằng ánh sáng mạnh.
Bệnh nhân tỉnh lại, hồi tưởng về trải nghiệm thôi miên vừa rồi, cảm tưởng của người bệnh là “Thoải mái sung sướиɠ”.
Quá trình thôi miên dừng lại ở bề mặt tiềm thức. Dù không thể miêu tả lại những gì mình chứng kiến trong thế giới kia, nhưng lần thôi miên này được đánh giá là mang lại hiệu quả tốt xưa nay chưa từng có.
Có phản hồi tích cực, vậy nên cần phải tiếp tục điều trị.
Hồ Tập ôm tâm lý ăn may tiến hành lần thôi miên tiếp theo, thật sự không ngờ lại xảy ra chuyện lớn.
Ý thức của bệnh nhân được người dẫn đường mới đưa vào nhà, bệnh nhân không hề phản hồi lại mệnh lệnh của người trị liệu, Hồ Tập đã dự đoán được điều này. Nhưng ông chưa bao giờ ngờ rằng, trạng thái không phản hồi của bệnh nhân kéo dài suốt một tuần.
Ý thức lang thang trong tầng vô thức, cơ thể phải lấy dinh dưỡng thông qua truyền dịch…… Nói dân dã là, bệnh nhân trở thành người thực vật, não bộ vẫn hoạt động, nhưng mất khả năng khống chế cơ thể.
Trong một tuần đó, Hồ Tập phải chịu áp lực tâm lý rất lớn.
Trong quá trình hành nghề, ông đã gặp phải vài ca bệnh tương tự. Ông cũng không dám nghĩ tới những hậu quả tồi tệ có thể xảy ra.
Bệnh nhân đang hôn mê có thể chết bất cứ lúc nào do chết não hoặc suy giảm chức năng cơ thể.
Bệnh nhân có bệnh tâm lý rất nghiêm trọng, lại mất đi sự chỉ dẫn của nhà thôi miên, không thể lẩn tránh những phần tổn thương trong tiềm thức và vô thức. Dù có tỉnh lại, nhiều khả năng bệnh nhân sẽ hoàn toàn lâm vào chứng loạn thần.
Điều Hồ Tập có thể làm, là tiến hành đánh thức bằng ánh sáng mạnh mỗi ngày, chờ bệnh nhân phản ứng.
Ông và bệnh nhân đều rất may mắn.
Ngày thứ tám, bệnh nhân được đánh thức bởi ánh sáng mạnh.
Lần tỉnh giấc này không liên quan tới kỹ năng y khoa của Hồ Tập, mà chỉ là trùng hợp. Ý thức của bệnh nhân đã trở về tầng tiềm thức, nên phương pháp đánh thức mới có hiệu quả.
Di chứng mà Hồ Tập lo lắng cũng không xảy ra.
Buổi tư vấn tâm lý sau khi bệnh nhân thức dậy cho thấy liệu pháp thôi miên đã đem lại hiệu quả điều trị. Bệnh nhân có thể nhớ lại những ký ức đau khổ trong giai đoạn thơ ấu, tiểu học và thanh niên. Hơn nữa, những ký ức vui vẻ được củng cố, sang chấn tâm lý đã mờ nhạt hơn.
Bệnh nhân chủ động yêu cầu tiếp tục điều trị.
Hồ Tập đánh giá mức độ nguy hiểm quá lớn, cực lực không khuyến khích, nhưng bệnh nhân vẫn quả quyết đòi trị liệu.
Để đảm bảo sự an toàn cho bệnh nhân, trong lần thôi miên này, Hồ Tập để mắt tới người dẫn đường mới đầu tiên.
Điều kì quái là, ban đầu khi mới vào tiềm thức, theo phản hồi của “chú thỏ”, người dẫn đường mới không ở trong thế giới của chú thỏ. Chú thỏ chỉ có một mình, vẫn như trước đó, không muốn tiếp xúc với hai căn nhà còn lại.
Ngay trước khi Hồ Tập định kết thúc buổi thôi miên, người dẫn đường bỗng dưng xuất hiện.
Không chờ ông đưa ra mệnh lệnh, người dẫn đường đã đột nhiên khuấy động nỗi đau khổ của bệnh nhân.
Bệnh nhân ngồi trên ghế trong phòng khám, chi trên run bần bật.
Lúc này ý thức của bệnh nhân còn chưa đi tới tầng vô thức, Hồ Tập lập tức giao tiếp và trấn an bệnh nhân.
“Điều chỉnh hơi thở, hít sâu. Bất kể anh nhìn thấy gì, hãy dừng lại.”
Tay bệnh nhân như đang nắm gì đó, bệnh nhân lẩm bẩm nói hai chữ “tấm ảnh”.
“Lặp lại lời tôi, bắt đầu chấp hành,” ông nói với bệnh nhân: “Hít sâu, bỏ tấm ảnh ra.”
Bệnh nhân làm theo lời ông nói. Sau khi điều chỉnh nhịp thở ba lần, người bệnh thôi co giật.
Hồ Tập nhanh chóng quyết định bắt đầu đánh thức bệnh nhân bằng ánh sáng mạnh, nhưng lại không có hiệu quả.
Điều này có nghĩa là bệnh nhân lại đi vào thế giới vô thức lần thứ hai.
Lần đầu, Hồ Tập ý thức được người dẫn đường mới chưa chắc đã là “Tốt”.
Nhân vật do tiềm thức của bệnh nhân tạo nên có thể là xấu hoặc tốt, phán đoán trước kia của ông luôn nghiêng về hướng “Tốt”, vì kết quả mà nó mang lại luôn tích cực.
Nhưng lần này bệnh nhân có phản ứng kích ứng, như vậy nó có thể là “Xấu”.
Hồ Tập liên tục tiến hành phương pháp đánh thức bằng ánh sáng mạnh.
Vấn đề càng nghiêm trọng hơn.
Mấy tiếng sau, ông nhận thấy bệnh nhân có phản ứng với mệnh lệnh của mình, nhưng ánh sáng mạnh không thể đánh thức được bệnh nhân.
Điều ấy có nghĩa là bệnh nhân đã quay về thế giới tiềm thức, cảm thấy vô cùng hỗn loạn, trên bờ vực lạc lối. Khả năng kẻ dẫn đường mới là “Xấu” càng lớn hơn.
Vì thế, ông dò hỏi: “Người bên cạnh anh là ai?”
Bệnh nhân lắc đầu, ngậm chặt miệng.
“Thả lỏng, cảm nhận và phán đoán xem cô ta có ý tốt thật không, có ác ý với anh không.”
Bệnh nhân dường như đang cảnh giác với điều gì.
Hồ Tập dịu giọng hơn: “Ân Hiển, đừng nói chuyện với nó, trả lời tôi.”
“Đó là người tốt, không có ác ý.” Bệnh nhân trả lời.
“Anh chắc chứ?”
Bệnh nhân nói: “Tôi chắc chắn.”
Đang trong tình huống cấp bách, Hồ Tập muốn bệnh nhân rời khỏi trạng thái thôi miên.
“Anh phải nhanh chóng rời khỏi đảo Thỏ Con.
“Tôi không giúp anh được, anh phải dựa vào chính mình. Nếu anh còn không đi thì sẽ không rời khỏi đó được nữa, ý thức của anh sẽ vĩnh viễn lạc lối trong tiềm thức.”
Ông dặn dò bệnh nhân từng câu từng chữ, sử dụng phương pháp đánh thức cuối cùng.
“Còn nhớ thỏa thuận của chúng ta không, kẹt trong ác mộng mãi không tỉnh lại được thì tới nhà an toàn, tìm tập giấy mà anh để ở đó.”
Bệnh nhân ú ớ gọi tên một cô gái, có lẽ là đang gọi kẻ dẫn đường khả nghi kia.
Hồ Tập ghi lại ba chữ kia, tranh thủ đánh thức bệnh nhân.
“Anh đã giấu nó rất kỹ, về nhà an toàn đi, nhớ đừng để cô ta thấy tập giấy trong nhà an toàn.”
Không biết tại sao, mệnh lệnh của ông lại làm trầm trọng thêm trạng thái căng thẳng của bệnh nhân.
Cơn co giật của bệnh nhân tái phát, người bệnh không còn phản ứng với phương pháp đánh thức và mệnh lệnh nữa.
Một lần nữa, người bệnh lại rơi vào thế giới vô thức.
[HẾT NGOẠI TRUYỆN 1]