Hữu Duyên Gặp Người

Chương 27: Thiên hạ

Đầu tiên là mấy vị tiên sinh văn nhã tranh luận, nói một hồi, không hiểu sao kéo theo võ tướng cùng cãi cọ chuyện thế sự.

Sở Trí Tu ngoan ngoãn làm một học trò, yên tĩnh thu nạp nhiều tin tức về đại thế thiên hạ, kết hợp với những điều được học ở Minh Viên thư viện và lần đi phát lương thập tử nhất sinh, từ từ cũng vẽ được một bức tranh mơ hồ về tình hình thiên hạ.

Khái quát tình hình thiên hạ hiện nay chỉ một chữ: Thảm.

"Thiên địa đại nộ, đế vương vô năng, giang sơn chia cắt, mười lộ anh hùng, dựng cờ phản trắc."

Một câu này đề cập đến cả bàn cờ thiên hạ.

Phía bắc hạn hán đói rét triền miên, phía nam lại thường lũ to vỡ đê, chính là thiên địa đại nộ.

Thiếu niên đế vương, vốn là ấu tử được yêu thương nhất của Tiên đế, bên trên còn vài hoàng tử đã trưởng thành, Tiên đế lại không chọn họ lập Trữ, nhất định phải chọn Tiểu hoàng đế này. Đế vương quá trẻ, đại thần nắm quyền to, "đế vương vô năng" bắt đầu từ đây.

Mấy ca ca sao phục để một đệ đệ đè đầu mình, mượn cớ đại thần nắm quyền to, giam cầm Tiểu hoàng đế trong cung, gán một tội mưu đồ đoạt vị. Mấy hoàng tử lớn liền dựng cờ "Thanh quân trắc".

Mấy vương gia khác họ có tiền, có quân, có địa bàn giống Yến vương phủ cũng nhân lúc này muốn chia khối thịt béo bở Ngưỡng Thiều quốc.

Liền ứng với "mười lộ anh hùng, dựng cờ phản trắc".

Mười lộ anh hùng lại thành chia bè kết cánh thành Ngũ phương cát cứ, liền đúng bốn chữ "giang sơn chia cắt".

Tình thế thiên hạ rối ren, bên ngoài vẫn còn chịu sự quản lý của triều đình, mang danh nghĩa cứu giá, trong âm thầm sóng ngầm cuộn từng cơn mãnh liệt.

...............

Suy tư tình thế thiên hạ, Sở Trí Tu chau mày, Thanh Châu nằm ở biên cương phía Bắc, địa thế núi cao sỏi đá, một bên giáp với ngoại bang cũng quanh năm giá rét hanh khô lại ưa cướp bóc, phía đông nam giáp biển, phía nam giáp với Trịnh Châu do Tam Vương gia quản lý và phía tây giáp với Xương Châu do Ngũ vương gia trông coi.

Thanh Châu trong Ngũ phương cát cứ không đặt biệt giàu có, còn cằn cõi nhưng dân chúng dũng mãnh thiện chiến, nhiều năm chính chiến xa trường nên năng lực quân đội không thể khinh thường, một khối xương cứng ít thịt nên Tứ phương còn lại không thể nuốt trôi càng chưa muốn động vào.

Quan trọng là giữ lại Thanh Châu vì còn phải đối địch với ngoại bang vào mùa đông rét mướt sẽ thường tràn đến cướp bóc.

Năm nay đã là năm thứ ba liên tiếp hạn hán ít mưa ở phía Bắc, đất đai nứt nẻ không thể trồng trọt ngũ cốc, dân chúng đói khổ liên miên.

Dự tính phía bắc ngoại bang cũng không khá khẩm hơn, e rằng mùa đông năm nay sẽ đến một trận chiến lớn.

Hiện tại đã cuối xuân nhưng thời tiết không mấy tốt đẹp hơn thời kỳ này năm ngoái.

Nếu tiếp tục không phát lương cứu trợ dân chúng, thực lực của toàn Thanh Châu sẽ suy giảm đáng kể.

Nhưng lương thực ở đâu?

Thanh Châu vốn cằn cõi sỏi đá, thêm hạn hán kéo dài, ốc không mang nổi mình ốc, lương thực có thể phát ra ít ỏi đáng thương.

Vì còn phải trữ lương nuôi quân kháng địch, vốn đã không thể trông chờ gì ở triều đình đang bị gian thần nắm quyền.

Mọi người sầu bạc cả tóc, tranh luận đến uống hết mấy bình trà vẫn không thể tìm được phương án khả thi để có đủ lương thực.

Sở Trí Tu càng không có cách nào, thứ y học ở Minh Viên thư viện có rất nhiều, duy chỉ chưa động vào đồng án nhà nông một thời nửa khắc, hoàn toàn trở thành thiếu niên vô tri.

Lúc này y mới thấy bản thân thật thất sách, học tập quyền mưu thiên hạ, tham vấn tri thức thánh hiền, cầm kỳ thi họa đều biết một ít, lại không quan tâm cái căn bản nhất của đạo sinh tồn, lương thực.

"Có thực mới vực được đạo", cổ nhân để lại đạo lý tất không sai.

Âm thầm kiểm điểm bản thân, Sở Trí Tu tự nhủ phải tìm sách về vấn đề này để học tập, phân ưu với Phụ vương.

Yến vương nghe tranh cãi đến đau đầu, ông cũng vào thế tiến thói lưỡng nan.

Không có lương thực, dân chúng lầm than, quân đội suy kiệt, vậy chỉ còn cách thần phục một trong những phương cát cứ còn lại, chỉ có hai lựa chọn là Tam vương gia hay Ngũ vương gia.

Yến Vương lại cảm thấy cả hai người đều không đủ đảm lượng để làm chủ được thiên hạ.

Ông nhận định cả hai không thể dựng được đại nghiệp đế vương đều có nguyên nhân.

Thanh Châu làm lá chắn đầu tiên ngăn ngoại bang phương Bắc, hai vị này lại liên tục gây khó khăn, chiếm đoạt quân lương được vận chuyển đi qua hai châu quản lý từ những năm Tiên đế tại vị. Khi Tân đế đăng cơ càng quá quắc hơn, trực tiếp phái quân giả làm thổ phỉ quấy nhiễu bên trong, âm mưu làm suy yếu Thanh Châu để thôn tính vào thực lực cá nhân, lại không nghĩ tới, mất Thanh Châu, với hai kẻ chỉ biết chơi đùa âm mưu hãm hại gà nhà như bọn họ có thể chống lại mấy lần ngoại bang xâm lấn.

Yến Vương cười lạnh, ông chẳng thà trực tiếp dựng cờ làm phản còn hơn giao Thanh Châu vào tay hai kẻ ấy để chúng dày xéo bách tính vốn đã rất khốn cùng.

Cả Sở gia chinh chiến bao năm vì Ngưỡng Thiều quốc, đất phong Vương từ thời Thánh Tổ hoàng đế đã đóng tại mảnh đất Thanh Châu cằn cõi này, nói đây là nhà cũng không ngoa, là quốc cũng không sai.

Bảo vệ tổ quốc, che chở gia nghiệp, mỗi người Sở gia đều không chùn chân.