Thanh Tịnh Đạo

Chương 33: Các Lợi Ích Trong Sự Tu Tuệ

Chương XXIII : Các Lợi Ích Trong Sự Tu Tuệ

(Pannàbhàvanànisamsa-niddesa)

-ooOoo-

1. Gì Là Những Lợi Ích Trong Sự Tu Tuệ?

(xem Ch. XIV, đoạn 1)

Có hàng trăm lợi ích không thể nào nói cho xiết, nhưng vắn tắt là những điểm này:(A) Tẩy trừ các cấu uế đủ loại; (B) Nếm vị ngọt của thánh quả; (C) Có khả năng đạt đến tận diệt; và (D) Xứng đáng được cúng dường, v.v...

---o0o---

A. Tẩy Trừ Phiền Não

2. Một trong những lợi ích của tu tập tuệ thuộc thế gian là sự tẩy trừ các ô nhiễm đủ loại, khởi đầu là thân kiến. Việc này bắt đầu bằng sự phân biệt danh sắc. Và một trong những lợi ích của tu tập tuệ xuất thế là tẩy trừ, vào sát-na đạo lộ, những ô nhiễm đủ loại kể từ những kiết sử.

Như sét đánh tan tảng đá Như gió tạt lửa cháy rừng như mặt trời xua tan bóng tối cũng vậy tuệ được tu tập đoạn tận rừng phiền não thâm căn nguồn gốc mọi khổ sầu đấy hạnh phúc ngay đời này mà con người có thể biết đến.

---o0o---

B. Nếm Vị Ngọt Của Thánh Quả

3. Không những tẩy trừ phiền não, tuệ tu tập còn có lợi ích là được vị ngọt của thánh quả. Quả Dự lưu v.v..., kết quả cuả sa môn hạnh được gọi là thánh quả. Vị ngọt của nó được nếm khi tuệ sanh khởi trong lộ trình đạo tâm và quả tâm. Tuệ sanh trong lộ trình tâm thuộc đạo đã được trình bày (Ch. XXII).

4. Có người nói rằng quả chỉ là sự đoạn trừ các kiết sử, không gì khác, nhưng đoạn kinh sau đây có thể trích dẫn để cho người ấy thấy họ đã sai:"Thế nào tuệ tịnh chỉ các nổ lực là trí về quả? Vào sát-na thuộc Dự lưu đạo, chánh kiến theo nghĩa thấy ngoi lên khỏi tà kiến, khỏi những ô nhiễm và các uẩn do tà kiến sanh. Bên ngoài, nó ngoi lên khỏi tất cả tướng. Chánh kiến sanh vì sự tịnh chỉ của nổ lực ấy. Ðây là quả của đạo lộ" (Ps. i, 71), và điều này cần trích dẫn chi tiết. Lại nữa những đoạn như: "Bốn đạo và bốn quả, các pháp này có một đối tượng vô lượng." (Ptn.1, ii, 227, bản Miến điện) những câu này thiết lập nên ý nghĩa ở đây.

5. Tuy nhiên, muốn chứng minh thế nào tuệ sanh khi chứng quả, có loạt vấn đề sau đây:

(i) Gì là đắc quả?

(ii) Ai đắc quả?

(iii) Ai không đắc quả?

(iv) Tại sao họ đắc quả?

(v) Sự đắc quả xảy ra như thế nào?

(vi) Ðịnh chứng kéo dài như thế nào?

(vii) Sự xuất định xảy ra thế nào?

(viii) Sau quả là gì? (ix) Trước quả là gì?

6. (i) Gì là sự đắc quả? Ðó là diệt định, tức thánh quả.

(ii) Ai đắc quả? (iii) Ai không đắc? Không phàm phu nào đắc quả được, việc ấy vượt ngoài tầm cuả phàm phu. Chỉ có các bậc thánh đắc quả, vì ở trong tầm của thánh. Những vị đã đạt đến một đạo lộ cao không đắc một quả thấp hơn đạo lộ, vì trạng thái của mỗi Vị tuần tự thanh tịnh hơn bậc ở dưới. Và những người chỉ đạt đến một đạo lộ thấp cũng không đắc quả cao hơn đạo lộ, vì nó vượt ngoài tầm. Mỗi người chỉ đắc quả thuộc đạo lộ cuả mình. Ðây là những điểm đã được đồng ý.

7. Nhưng có một vài người bảo rằng, bậc Dự lưu và Nhất lai không chứng, mà chỉ có hai bậc trên chứng quả, chỉ vì hai bực này mới viên mãn về định. Nhưng đó không phải là lý do, bởi vì ngay cả những phàm phu cũng đạt đến những loại định thế gian thuộc tầm của họ. Nhưng tại sao còn cãi lý? Trong kinh đã nói rõ:

"Mười trí chuyển tánh nào sanh khởi do tuệ?

"Với mục đích đạt dự lưu đạo, tâm vị ấy vượt khỏi sanh, v.v... não, (xem Ch. XXII, 5) và bên ngoài, vượt khỏi tướng của các hành, như vậy là trí chuyển tánh."

"Với mục đích đắc dự lưu quả... "

"Với mục đích đắc Nhất lai đạo... "

"Với mục đích đắc Nhất lai quả... "

"Với mục đích đắc Bất hoàn đạo... "

"Với mục đích đắc Bất hoàn quả... "

"Với mục đích đắc A-la-hán đạo... "

"Với mục đích đắc A la hàn quả... "

"Với mục đích đắc không trả... "

"Với mục đích đắc vô tướng trú, vị ấy vượt khỏi sanh... não, và bên ngoài thì vượt khỏi tướng các hành, nên gọi là chuyển tánh" (Ps. i, 68). Từ đó, phải kết luận rằng tất cả các bậc thánh mỗi vị đều đắc quả riêng.

8. (iv) Tại sao đắc quả? Là để được hiện tại lạc trú, cũng như vua thưởng thức vương lạc và chư thiên thưởng thức thiên lạc, các bậc thánh cũng nghĩ rằng: "Ta sẽ thưởng thức thánh lạc siêu thể, và sau khi định thời gian bao lâu, những bậc thánh đạt đến các quả chứng bất cứ lúc nào họ muốn."

[Chú thích:Mặc dù đó là các quả dị thục, song trạng thái chứng quả chỉ xảy ra nơi các bậc thánh khi nào họ muốn, bởi vì các trạng thái ấy không phải khởi lên mà không có chuẩn bị (Pm. 895) ]

9. (v) Sự chứng quả phát sinh như thế nào? (vi) Kéo dài như thế nào? (vii) Sự xuất định x?y ra làm sao?

(v) Trước hết sự chứng quả xảy ra vì hai lý do: Không tác ý một đối tượng nào ngoài Niết bàn, và tác ý đến Niết bàn, như được nói. "Hiền giả, có hai duyên cho sự đắc vô tướng giải thoát:đó là không tác ý tất cả tướng, và tác ý vô tướng giới." (M. i, 296)

10. Tiến trình đắc quả như sau. Một bậc thánh đệ tử khi muốn tìm trạng thái đắc quả, hãy đi vào độc cư. Vị ấy phải thấy các hành bằng tuệ quán sinh diệt v.v... Khi quán tuệ đã đến giai đoạn thuận thứ thì trí chuyển tánh sanh khởi với các hành làm đối tượng.

[Chú thích: "Tại sao chuyển tánh không lấy Niết bàn làm đối tượng ở đây như khi nó đi trước đạo lộ? Bởi vì các quả tâm không tương ứng với một ngõ ra (như ở trường hợp đạo lộ) . Vì có nói: Các pháp nào là ngõ ra? Chính là bến đạo không gồm (quả)" (Pm. 895).]

Và ngay sau đó, tâm trở nên an chỉ trong diệt, cùng với sự đắc quả. Và ở đây chỉ có quả, không phải đạo, khởi lên ngay cả nơi một bậc hữu học, bởi vì khuynh hướng vị ấy là chứng quả.

11. Nhưng có vị (trong tu viện Anuradhapura) bảo rằng: Khi một bậc Dự lưu khởi sự trên đường tuệ quán, nghĩ:"Ta sẽ đạt đến trạng thái đắc quả", thì vị ấy trở thành một bậc Nhất Lai, và một vị Nhất lai thành Bất hoàn. Nên nói với những vị ấy:"Nếu thế thì một vị Bất hoàn thành A-la-hán, và một A-lahán thành một Bích chi Phật, và Bích chi Phật cũng thành Phật. Vì lẽ ấy, và vì nó trái với kinh văn trích dẫn ở trên, cho nên không thể chấp nhận. Chỉ có điều này được chấp nhận là: Chính quả chứ không phải đạo khởi lên ngay cả nơi một bậc hữu học. Và nếu đạo lọä vị ấy đã đạt mà có sơ thiền, thì quả vị ấy cũng có sơ thiền khi nó sanh khởi. Ðạo có nhị thiền thì quả cũng có nhị thiền. Với các thiền khác cũng vậy.

Trên đây trước hết, là nói sự đắc quả xảy ra thế nào.

12. (vi) Nó được làm kéo dài theo ba lối, do câu: "Này hiền giả, có ba duyên cho sự kéo dài của vô tướng giải thoát: Không tác ý tất cả tướng, tác ý vô tướng giới, và quyết định trước" (M. i, 296-7) . Ở đây, quyết định trước có nghĩa là định thời hạn, trước khi (nhập định) đắc quả.

[Chú thích: ví dụ, "Khi mặt trăng, hay mặt trời đã lên đến chỗ ấy, ta sẽ xuất"]

Vì do quyết định như, ta sẽ xuất vào một giờ nào đó, mà sự đắc quả kéo dài đến đó.

13. (vii) Sự xuất định( đắc quả) xảy ra theo hai lối, do câu:"Hiền giả, có hai duyên cho sự ra khỏi vô tướng giải thoát: tác ý tất cả tướng, và không tác ý đến vô tướng giới, (M. i, 297) . Ở đây, tất cả tướng là tướng sắc thọ tưởng hành thức. Dĩ nhiên, không phải tác ý tất cả đó một lượt, nhưng nói như vậy để bao gồm tất cả. Vậy, sự xuất định đắc quả phát sinh nơi hành giả khi vị ấy tác ý bất cứ gì đối tượng của hữu phần.

[Chú thích: Hành giả được xem là "Xuất khởi định đắc quả" vừa khi tâm hữu phần khởi lên, nên nói:"Vị ấy tác ý bất cứ gì làm đối tượng của hữu phần:nghiệp, v.v... gọi là đối tượng của hữu phần." (Ch. XVII, 133)]

14. (viii) Cái gì kế tiếp quả? Quả kế tiếp quả hoặc hữu phần kế tiếp quả. (ix) Quả kế tiếp cái gì? Có 4: (a) quả kế tiếp đạo (b) quả kế tiếp quả (c) quả kế tiếp chuyển tánh, và (d) quả kế tiếp phi tưởng phi phi tưởng xứ.

(a) Quả kế tiếp đạo trong lộ trình tâm thuộc đạo, (b) Mỗi quả kế tiếp theo một quả đi trước là quả kế tiếp quả, (c) Mỗi quả đầu trong sự chứng đắc quả, là quả kế tiếp chuyển tánh, vì Patthàna nói: "Nơi vị A-la-hán, thuận thứ là một duyên kể như đẳng vô gián cho sự chứng quả. Nơi các bậc hữu học, thuận thứ là đẳng vô gián duyên cho sự chứng quả." (Ptn. 159), (d) Quả nhờ đó có sự xuất định diệt thọ tưởng, là quả kế tiếp phi tưởng phi phi tưởng xứ.

15. Ở đây, tất cả quả trừ quả khởi lên trong lộ trình tâm thuộc đạo, sanh khởi kể như sự chứng quả. Như vậy, dù nó sanh trong lộ trình tâm thuộc đạo hay trong sự chứng quả, thì:

Quả thù thắng của sa môn hạnh,

Ðều làm tịnh chỉ tất cả ưu phiền,

Vẻ đẹp của nó xuất từ Bất tử

Sự thanh tịnh của nó do vắng bóng thế gian

Ðây là nguồn suối

Của phúc lạc thuần tịnh

Nguồn cam lộ đem lại bất tử

Nếu người trí tu tập Tuệ,

Vị ấy sẽ biết được niềm phúc lại vô song này,

Vị ngọt của thánh quả đem lại,

Cho nên người ta gọi

Cái kinh nghiệm hiện tại Về hương vị thánh quả

Là ân sủng của Tuệ quán.

---o0o---

C. Khả Năng Chứng Ðắc Diệt Tận Ðịnh

16. Và lợi ích của sự tu tập tuệ không những chỉ là cái kinh nghiệm về hương vị của thánh quả, mà còn là khả năng đạt đến sự chứng định diệt thọ tướng.

17. Bây giờ, để giải thích sự chứng diệt, có loạt vấn đề:

(i) Chứng diệt là gì?

(ii) Ai chứng?

(iii) Ai không chứng?

(iv) Ở đâu có thể chứng diệt?

(v) Tại sao chứng?

(vi) Sự chứng đắc phát sinh như thế nào?

(vii) Làm thế nào để kéo dài nó?

(viii) Sự xuất định xảy ra như thế nào?

(ix) Tâm của người xuất Diệt định hướng như thế nào?

(x) Gì là sự khác nhau giữa người chứng diệt định và người chết? (xi) Diệt định là hữu vi hay vô vi, thế gian hay siêu thế, được tạo tác hay phi sở tạo?

18. (i) Gì là sự đạt đến Diệt định? Ðó là sự không sanh khởi của tâm và tâm sở, do sự chấm dứt của chúng.

(ii) Ai đắc diệt định? (iii) Ai không đắc? Không đắc là phàm phu, Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn và A-la-hán tu tập càn tuệ(bare inside workers) . Ðắc là những bậc bất hoàn và những vị lậu hoặc đã đoạn tận, có đư?c tám giải thoát. Vì được nói: "Tuệ nắm vững, làm chủ được là nhờ có hai năng lực - sự tịnh chỉ ba loại hành, mười sáu loại trí, chín loại dịnh, - chính là trí thuộc diệt định" (Ps. i, 97) và những điều kiện này không được tìm thấy dồng loạt trong bất cứ người nào, ngoại trừ những bậc Bất hoàn và những vị lậu hoặc đã đoạn tận, có dược tám giải thoát. Cho nên những vị này mới đắc Diệt định.

19. Nhưng hai năng lực là gì? Ba hành và làm chủ là gì? Trong phần mô tả đoạn tóm tắt trên, có nói:

20. "Hai lực" là định hay tịnh chỉ lực, và tuệ hay quán lực.

"Tịnh chỉ lực là gì? Là sự nhất tâm bất loạn do từ bỏ, do không có ác dục, do tưởng ánh sáng, do không tán loạn, do phân biệt các pháp, do trí, do hỷ, do tám giải thoát, do mười biến xứ, do mười niệm, do chín pháp quán nghĩa địa, và do ba mươi hai kiểu niệm hơi thở, do sự thở vô ra nơi một người quán từ bỏ (relinqquishment). Ðó là tịnh chỉ lực.

[Chú thích: Tịnh chỉ dược trình bày ở đây là Định cận hành -- Pm. 899]

21. "Trong ý nghĩa nào, tịnh chỉ được xem là một năng lực? Ở sơ thiền, tịnh chỉ không bị nao núng vì những triền cái, nên gọi là một lực. Ở nhị thiền, nó không bị nao núng vì tầm và tứ, nên gọi là một lực v.v... Ở phi tưởng phi phi tưởng xứ, nó không bị dao động vì tưởng vô sở hữu xứ, nên gọi là một lực. Nó không lay động, nao núng, dao động vì trạo cử, và cấu uế và các uẩn đi theo trạo cử, nên tịnh chỉ ấy là một lực. Ðây là tịnh chỉ lực.

22. "Gì là quán lực? Quán vô thường là quán lực. Quán khổ, quán vô ngã, quán ly dục, quán diệt, quán từ bỏ là quán lực. Quán sắc vô thường v.v...

Quán từ bỏ đối với sắc là quán lực. Quán vô thường trong thọ, tưởng, hành, thức là quán lực... Quán từ bỏ đối với thức là quán lực. Quán vô thường trong con mắt v.v... (xem Ch. XX, 9)... quán vô thường trong già chết... Quán từ bỏ trong già chết là quán lực.

23. "Trong ý nghĩa nào, quán (tuệ) được gọi là một lực? Do quán vô thường, mà tuệ không bị dao động vì thường tưởng, nên nó là năng lực. Do quán khổ, nó không lay động vì lạc tưởng, nên nó là lực... Do quán vô ngã, nó không dao động vì ngã tưởng, nên nó là lực... Do quán ly dục, nó không dao động vì thích thú... Do quán hoại, nó không dao động vì tham... Do quán diệt, nó không dao động vì sanh... Do quán từ bỏ, nó không dao động vì chấp thủ, nên (tuệ) quán là một năng lực. Nó không dao động, không nao núng, không lay chuyển vì vô minh, cấu uế và các uẩn đi theo vô minh, do vậy nó là một lực.

24. "Do sự tịnh chỉ ba hành: tịnh chỉ ba hành nào? Nơi một người đắc nhị thiền, Ngữ hành là tầm và tứ được hoàn toàn làm cho tịnh chỉ. Nơi một người đắc tứ thiền, thân hành là hơi thở vô hơi thở ra được làm cho hoàn toàn tịnh chỉ. Nơi một vị đắc diệt thọ tưởng, ý hành là thọ (cảm giác) và tưởng (ý nghĩ) được làm cho hoàn toàn tịnh chỉ.

25. "Do mười sáu loại tu tập về trí: mười sáu loại nào? Quán vô thường là một loại tu tập về trí. Quán khổ ... quán vô ngã, quán ly dục, quán hoại, quán diệt, ... quán từ bỏ, quán "quay đi" là một loại tu tập về trí. Dự lưu đạo là một loại tu tập về trí. Dự lưu quả... Nhất lai đạo... Nhất lai quả... Bất hoàn đạo... Bất hoàn quả... A-la-hán đạo... A-la-hán quả... là một loại tu tập về trí này.

26. "Do chín loại tu tập về định: Ðó là sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ và phi tưởng phi phi tưởng xứ. Ðó là những loại định tu tập. Và các tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm với mục đích đạt đến phi tưởng phi phi tưởng xứ. ấy là do chín loại tu tập này.

[Chú thích: Chín loại là bốn thiền sắc giới và bốn thiền vô sắc, và cận hành định đi trước mỗi một trong tám thứ định này, được mô tả trong câu cuối và được kể như một thứ định tu tập].

27. "Làm chủ có năm: làm chủ sự tác ý, chứng đắc, quyết định, xuất và quán sát. Hành giả tác ý đến sơ thiền ở chỗ nào, lúc nào và trong bao lâu vị ấy muốn, không có khó khăn trong sự tác ý, như vậy gọi là làm chủ sự tác ý.

Hành giả đạt đến sơ thiền ở chỗ nào, lúc nào, trong bao lâu vị ấy muốn, vị ấy không có khó khăn trong việc chứng đắc, như vậy là làm chủ sự chứng đắc. Hành giả quyết định thời gian nhập sơ thiền ở chỗ nào, lúc nào... như vậy là làm chủ về quyết định. Vị ấy xuất khỏi sơ thiền... như vậy là làm chủ xuất định. Vị ấy quán sát sơ thiền ở chỗ nào, lúc nào và trong bao lâu theo ý muốn, không có khó khăn trong sự quán sát, như vậy là làm chủ về quán sát. Ðây là năm thứ làm chủ. (Ps. i, 97-100)."

28. Và ở đây, câu "Do 16 loại tập luyện về trí" nói lên số tối đa. Nhưng ở một vị Bất hoàn, sự làm chủ là do 14 loại tu tập về trí. Nếu như vậy thì có phải là sự làm chủ xảy ra cho vị Nhất lai do 12 loại, và cho vị Dự lưu do 10 loại? -Không. Bởi vì 5 dục tham chướng ngại định, không được từ bỏ nơi những vị ấy. Chính vì tham không được từ bỏ mà tịnh chỉ lực không được viên mãn.

Vì chưa viên mãn tịnh chỉ lực nên vị ấy không thể chứng diệt cần phải được chứng nhờ hai lực. Nhưng tham đã được từ bỏ nơi vị Bất hoàn, do 2 lực, vị ấy có thể chứng diệt tận định. Bởi thế, Ðức Phật dạy:"Thiện tâm thuộc phi tưởng phi phi tưởng xứ nơi một vị xuất Diệt định là một duyên, kể như Ðẳng vô gián duyên, cho sự đắc quả" (Ptn. 1, 159). Vì điều này được nói trong tác phẩm lớn Patthàna chỉ liên hệ xuất diệt định nơi các vị Bất hoàn".

[Chú thích: chữ "thiện" được dùng trong đoạn văn Patthàna chứng tỏ rằng nó chỉ áp dụng cho các vị Bất hoàn, nếu không, thì đã nói "duy tác"]

Ở đâu có thể chứng diệt? Ở hữu năm uẩn, vì cần có sự chứng đắc liên tục tất cả thiền chứng (S. iv, 217) mà ở hữu 4 uẩn, thì không có sơ thiền v.v... nên không thể chứng diệt định ở trong loài 4 hữu uẩn. Có người bảo, vì thiếu căn cứ vật lý cho tâm (ở 4 hữu uẩn), nói trắng ra là vì thiếu một thân xác.

30. (v) Tại sao họ đắc diệt định? Tại vì thấm mệt với sự sinh và diệt của các hành, nên những vị ấy đạt đến diệt định, nghĩ rằng:"Ta hãy an trú trong lạc trú hiện tại bằng cách không tâm và dạt đến tịch Niết bàn".

[Chú thích: "Ðạt đến tịch diệt Niết bàn là như nhập vô dư Niết bàn"]

31. (vi) Sự chứng đạt xảy ra như thế nào? Diệt dịnh phát sinh nơi một vị thực hiện các công việc chuẩn bị bằng cách nỗ lực tịnh tiến với tịnh chỉ và (tuệ) quán, và làm cho tâm phi tưởng phi phi tưởng xứ chấm dứt. Người chỉ nỗ lực tinh cần với tịnh chỉ (định) mà thôi, thì dạt phi tưởng phi phi tưởng xứ rồi ở đấy, còn người chỉ nỗ lực tinh cần với tuệ mà thôi thì đắc quả rồi dừng mãi ở đấy, nhưng người nỗ lực tinh cần với cả hai (định và tuệ) và sau khi làm các công việc chuẩn bị, sẽ làm cho chấm dứt tâm phi tưởng phi phi tưởng xứ và đắc diệt định. Ðây là nói vắn tắt.

32. Nhưng chi tiết thì như sau: Khi một tỳ kheo muốn đắc diệt định đã ăn xong, rửa sạch chân tay, ngồi xuống nơi đã soạn sẵn trong một nơi vắng vẻ. Sau khi xếp hai chân ngồi kiết già để thân ngay thẳng, đặt niệm trước mặt, vị ấy đắc sơ thiền, và khi xuất thiền, vị ấy thấy các hành trong đó với tuệ là vô thường, khổ, vô ngã.

33. Tuệ này gồm ba, là tuệ phân biệt các hành, tuệ để đắc quả, và tuệ để đắc diệt định. Ở đây, tuệ phân biệt các hành, dù chậm lụt hay linh lợi, đều là nhân gần cho một đạo lộ mà thôi. Tuệ để chứng quả chỉ có giá trị khi nó linh lợi, thì giống như tuệ để tu tập một đạo lộ . Tuệ để đắc diệt định chỉ có giá trị khi nó không quá chậm lụt cũng không quá linh lợi. Bởi vậy, vị ấy thấy các hành ấy với tuệ không quá chậm lụt cũng không quá linh lợi.

34. Sau đó vị ấy đắc nhị thiền, và khi xuất, vị ấy thấy các hành như trên. Sau đó hành giả đắc tam thiền... (v.v... )... Sau đó vị ấy nhập không vô biên xứ, và khi xuất, vị ấy quán các hành như trên. Cũng vậy hành giả nhập vô sỡ hữu xứ. Khi xuất, vị ấy làm bốn sự chuẩn bị, đó là: (a) không hại tài sản kẻ khác, (b) tăng chúng chờ đợi, (c) vị đạo sư triệu tập và (d) định thời gian.

35. (a) Không hại tài sản kẻ khác ám chỉ những gì vị tỳ kheo có xung quanh mình mà không phải là tài sản cá nhân vị ấy: y bát, giường ghế, hay một gian phòng, hay bất cứ vật dụng nào khác mà vị ấy giữ nhưng thuộc sở hữu của nhiều người khác. Vị ấy phải khởi tâm nghĩ rằng, những vật như vậy sẽ không bị hại, không bị lửa đốt, nước cuốn, gió thổi, trộm lấy, chuột gặm v.v... Ðây là hình thức sự khởi tâm: "Trong bảy ngày này hãy để cho những vật như vậy không bị lửa cháy, nước trôi, gió làm hỏng, kẻ cắp lấy, chuột gặm v.v... " Khi vị ấy khởi ý như vậy, những vật kia sẽ không bị nguy hiểm trong vòng bảy ngày.

36. Nếu vị ấy không khởi tâm quyết định như trên, những vật kia có thể bị thiêu cháy v.v... như trường hợp đại đức Màhà-Nàga. Vị đại đức này đi khất thực nơi mẹ ngài, một tín nữ cư trú. Bà cho ngài ăn cháo và để ngài nằm trong phòng khách. Ngài ngồi xuống nhập định. Trong khi ngài nhập định, gian phòng bốc lửa. Những tỳ kheo khác cắp tọa cụ chạy. Dân làng bu lại, và trông thấy vị tỳ kheo họ la lên "Ôi ông thầy tu làm biếng, ông thầy tu làm biếng!" Ngọn lửa bốc cháy gian nhà tranh tre và gỗ, và bao vây vị đại đức. Người ta mang nước dập tắt lửa. Họ dời tro tàn ra, sửa chữa căn nhà, rải hoa và đứng cung kính đợi chờ. Vị đại đức xuất định như đã tính trước, khi trông thấy người đông, ngài tự nhủ: "Chúng thấy ta mất rồi". Và liền thăng hư không đi đến đảo Piyangu.

Ðấy là không làm hại đến tài sản người khác.

37. Không có quyết định nào đặc biệt phải làm đối với dụng cụ cá nhân vị ấy, như y ngoài, y trong và chỗ ngồi của ông ta. Ông che chở tất cả thứ ấy nhờ định lực, như trường hợp đồ đạc của đại đức Sanjiva. Và điều này được nói: "Có thành công do can thiệp của định trong đại đức Sanjiva, trong đại đức Sàriputta." (Xem Ch XII, 30) .

38. (b) Tăng chúng chờ đợi:là chúng tăng trông mong vị ấy, bởi vậy cần phải khởi tâm như sau: "Trong thời gian bảy ngày tôi nhập định, nếu tăng chúng cần, tôi sẽ xuất định trước khi một tỳ kheo nào tìm." Người nào nhập định sau khi đã làm quyết định này, thì sẽ xuất định đúng lúc.

39. Nhưng nếu vị ấy không làm như vậy, thì khi tăng chúng nhóm họp, không thấy ông, người ta hỏi: "Tỳ kheo X... đâu rồi? "Ðược trả lời:"Vị ấy nhập diệt định" người ta sẽ phái một tỳ kheo đi mời vị ấy nhân danh tăng chúng. Vừa khi vị tỳ kheo đến trong tầm nghe của tỳ kheo nhập định và bảo: "Hiền giả, tăng đoàn đang đợi," vị ấy liền xuất định. Mệnh lệnh của tăng chúng quan trọng là thế. Bởi vậy, hành giả nên nhập định cách nào để có thể tự mình xuất định nhờ đã làm quyết định trước.

40. Ðạo sư cho gọi: Ở đây cũng thế lưu tâm đến hiệu triệu của đấng đạo sư là công việc chuẩn bị, bởi thế cần phải khởi tâm trước như: "Trong thời gian bảy ngày tôi nhập định, nếu vị đạo sư, sau khi phân xử một vụ nào đó rồi công bố một học giới hay giảng Pháp, mà nguồn gốc bài Pháp là một nhu cầu đã khởi lên, thì tôi sẽ xuất định trước khi có người đến gọi."

[Chú thích: Danh từ "atthuppattit" tức nguồn gốc là một nhu cầu được phát sinh là một thuật ngữ Luận tạng: có 4 loại nguồn gốc (Duyên khói) cho kinh điển: một do phật tự nói, hai do người khác yêu cầu, ba do đáp câu hỏi, bốn do một nhu cầu mới phát sinh.]

Nếu hành giả nhập định sau khi đã làm quyết định như vậy, vị ấy sẽ xuất định đúng lúc.

41. Nhưng nếu vị ấy không làm như vậy, thì khi tăng chúng nhóm họp, vị Ðạo sư không thấy vị ấy sẽ hỏi, và khi biết ra sẽ cho một tỳ kheo nhân danh bậc Ðạo sư đến mời. Vừa khi tỳ kheo ấy đến trong tâm nghe và bảo, bậc đạo sư cho gọi ngài, vị ấy sẽ xuất định. Sự hiệu triệu của bậc đạo sư là quan trọng như thế, cho nên hành giả phải nhập định thế nào để, nhờ có tác ý trước, sẽ xuất định đúng lúc.

42. (d) Hạn định thời gian: là định thọ mạng của mình kéo dài đến lúc nào. Vị ấy chỉ nên nhập định sau khi đã tác ý như sau: "Các hành của ta sẽ tiếp tục trong vòng bảy ngày nữa không? "Vì nếu hành giả nhập định không tác ý trước, mà nửa chừng (chưa tới bảy ngày) chấm dứt thọ mạng, thì vị ấy sẽ phải xuất định, vì không có chuyện chết trong khi nhập diệt định. Do vậy hành giả chỉ nên nhập định diệt thọ tưởng sau khi đã tác ý thọ mạng. Trong khi có thể bỏ qua sự tác ý các việc kia, hành giả vẫn cần tác ý việc này.

43. Khi đã nhập và xuất định "Không vô biên xứ" rồi làm công việc chuẩn bị này xong, hành giả lại nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Sau một hoặc hai tâm trôi qua, vị ấy trở thành vô tâm, và đạt diệt định. Nhưng tại sao các tâm không tiếp tục khởi sau hai tâm ấy? Bởi vì nổ lực được hướng đến diệt. Trong khi vị tỳ kheo này tuần tự nhập tám thiền chứng, vận dụng song hành chỉ và quán lực, vị ấy cốt hướng đến diệt chứ không hướng đến chứng phi tưởng phi phi tưởng xứ. Bởi vậy chính vì nổ lực được hướng đến diệt, mà không quá hai tâm sanh khởi.

44. Nhưng nếu một tỳ kheo xuất định Vô sở hưũ xứ mà không làm công việc chuẩn bị trước như thế, và sau đó đắc "Phi tưởng phi phi tưởng xứ", thì vị ấy không thể trở thành vô tâm, mà lại quay về "Vô sở hữu xứ" và an trú tại đấy.

45. Ở đây có thể lấy ví dụ người đi trên một con đường chưa từng đi. Y gặp một mương nước, và một tảng đá nóng cháy dưới ánh mặt trời chói chang. Không vén khéo y phục, y lội xuống nước nhưng lại trở lên vì sợ làm ướt vật dụng tùy thân. Y đứng trên bờ, hoặc bước đến tảng đá nhưng bị bỏng chân, y lại trở lui đứng đợi bên bờ nước.

46. Cũng như người kia vừa xuống nước lại phải trở lên, hoặc vừa bước lên tảng đá lại phải trở xuống, vì đã không chuẩn bị vén khéo y phục trong ngoài, thiền giả này cũng thế, vừa đắc "Phi tưởng phi phi tưởng xứ" lại phải trở lui Vô sở hữu xứ và ở lại đấy, vì đã không làm công việc chuẩn bị.

47. Cũng như người đã từng đi con đường kia trước đấy, nên khi đến tại chỗ ấy, anh ta vén khéo y phục, cầm thượng y trên tay, vượt qua hố nước, hoặc sẽ dẫm lên tảng đá một cách nhẹ nhàng (cho khỏi bỏng chân) để qua bờ kia. Cũng vậy, khi vị tỳ kheo làm công việc chuẩn bị rồi mới nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ, thì vị ấy đắc diệt định (dụ cho bờ kia) bằng cách tr? nên vô tâm.

48. (vii) Diệt định kéo dài như thế nào? Nó kéo dài tùy thời gian ấn định, trừ khi bị gián đoạn vì thọ mạng chấm dứt, hay vì tăng chúng chờ đợi, hay vì đấng đạo sư triệu tập.

49. (viii) Diệt định xuất như thế nào? Sự xuất định xảy ra theo hai cách: Nhờ chứng quả Bất hoàn trong trường hợp một vị Bất hoàn, hoặc nhờ chứng quả A-la-hán trong trường hợp một vị A-la-hán.

50. (ix) Tâm thức một vị xuất Diệt định hướng về cái gì? Hướng về Niết bàn, như kinh dạy: "Khi một tỳ kheo xuất Diệt định, này hiền giả Visakha,

Thì tâm vị ấy nghiêng về viễn ly, tựa vào viễn ly, khuynh hướng viễn ly." (M. i, 302)

51. (x) Gì là sự khác biệt giữa một vị đắc diệt định và một người chết? Ðiều này cũng đã được nói trong kinh: "Khi một tỳ kheo chết, này hiền giả, thì thân hành vị ấy hoàn toàn chấm dứt, tịnh chỉ, ý hành vị ấy hoàn toàn chấm dứt, tịnh chỉ, mạng căn đã dứt, hơi ấm không còn, các căn hư hoại. Khi một tỳ kheo đi vào diệt định, thì thân hành vị ấy chấm dứt, hoàn toàn tịnh chỉ, ngữ hành vị ấy hoàn toàn chấm dứt, tịnh chỉ, ý hành vị ấy hoàn toàn chấm dứt, tịnh chỉ. Nhưng thọ mạng vị ấy chưa tận, hơi nóng chưa hết, và các căn còn nguyên vẹn." (M. i, 296)

52. (xi) Diệt định là hữu vi hay vô vi? v.v... ? Không thể xếp loại nó là hữu vi, vô vi, thế gian hay xuất thế. Vì nó không tự tánh. Nhưng, vì nó được đạt bởi người chúng đắc nó, cho nên có thể nói nó có được tạo, không phải phi sở tạo.

[Chú thích: Tính cách tế nhị của danh từ "sở tạo" (nipphanna) có thể làm sáng tỏ bằng cách trích dẫn một đoạn từ sammohavinodani (Vbh. A. 29): "Năm uẩn là những pháp sở tạo có tính cách quyết định (parinipphanna), không phải sở tạo không quyết định; chúng luôn luôn là hữu vi, không phải vô vi. Vì trong những pháp có tự tánh, chỉ có Niết bàn là "quyết định phi sở tạo". Vậy, "sở tạo quyết định" và"sở tạo" khác nhau chỗ nào? Một pháp có tánh, có đầu có cuối về thời gian, do nguyên sanh, có ba đặc tính vô thường,

v.v... gọi là "sở tạo quyết định". Ngoài ra, cái gì "được tạo" nhưng không tạo một cách tích cực, quyết định, thì gọi là pháp không tự tính, asabhàvadhamma, khi nó sanh khởi nhờ có một cái tên, hoặc nhờ sự chứng diệt. "-- Vbh. AA. 23. Xem Ch. XIV, 72, 77]

Ðây cũng là một sự chứng đắc

Mà một bậc thánh có thể tu tập Niềm an tịnh nó đem lại được xem là Niết bàn bây giờ và ở đây.

Người trí tu tập thánh tuệ

Có thể đắc thiền chứng ấy

Bởi thế khả năng này

Ðược gọi là ơn ích của Tuệ Mà thánh đạo cho ta.

D. Thành Tựu Sự Xứng Ðáng Cúng Dường...

53. Và không những tuệ đem lại khả năng chứng diệt, mà còn thành tựu sự xứng đáng cúng dường, đó là lợi ích của tu tập tuệ xuất thế.

54. Vì nói chung, chính vì tuệ đã được tu tập theo bốn cách này, mà một người tu tập nó trở nên xứng đáng với sự dâng cúng của thế gian và chư thiên, đáng được mời thỉnh, cúng dường, đảnh lễ, và là ruộng phước cho thế gian.

55. Nhưng đặc biệt, trước hết một người đạt đến tuệ thuộc đạo lộ thứ nhất, với tuệ quán chậm lụt, các căn còn khập khiễng, thì gọi là một vị "còn tái sinh tối đa bảy lần nữa", vị ấy đi qua vòng sinh tử bảy lần trong các thiện thú. Người thành tựu với tuệ trung bình, căn trung bình thì gọi là một bậc"gia gia" đi từ gia đình bậc thánh này qua gia đình bậc thánh khác, với hai hay ba lần tái sinh trong các gia đình thánh thiện, vị ấy chấm dứt khổ sanh tử. Người đắc quả với tuệ sắc bén, thì gọi là bậc "chỉ còn một lần tái sanh", với một lần sanh lại trong loài người, vị ấy chấm dứt khổ. (A. i, 133)

Do tu tập tuệ thuộc đạo lộ thứ hai, vị ấy được gọi là một bậc Nhất lai. Vị ấy trở lui thế giới này một lần nữa, và chấm dứt đau khổ.

56. Do tu tập tuệ thuộc đạo thứ ba, vị ấy là một vị Bất hoàn. Tùy các căn của vị ấy khác nhau thế nào, vị ấy hoàn tất quá trình tu của mình theo một trong năm cách sau khi từ giã cõi đời này: Hoặc trở thành một vị đạt Niết bàn sớm trong hiện hữu kế tiếp, hoặc một vị đạt Niết bàn khi sống quá nửa đời sau, hoặc "một vị đạt Niết bàn không cần nhắc bảo", hoặc "có cần nhắc bảo", hoặc là một vị "ngược dòng đến cõi chư thiên cao nhất" (D. iii, 237) .

57. Ở đây, "người đạt Niết bàn sớm trong đời sau" là sau khi tái sanh trong cõi tịnh cư thiên, đạt Niết bàn ngay không đạt đến chặng giữa đời sống tại đấy. "Ðạt Niết bàn khi đã quá nửa đời sau" là đạt Niết bàn khi sống tại đấy quá nửa đời". "Ðạt Niết bàn không cần nhắc bảo" là phát sinh đạo lột tối cao không cần được nhắc nhủ, không có nỗ lực. "Có cần nhắc bảo" là ngược lại. "Ngược dòng đi đến cõi chư thiên cao nhất" là tiếp tục lên các cõi cao tuần tự trong 5 cõi tịnh cư thiên, rồi đạt Niết bàn tại đấy.

58. Nhờ tu tập đạo lộ thứ tư, người ta trở thành một bậc Tín giải thoát, hoặc Tuệ giải thoát, Câu phần giải thoát, bậc Ba minh, Sáu thông, bậc đoạn tận lậu hoặc đã đắc bốn vô ngại giải. Chính ám chỉ một vị đã tu tập đạo lộ thứ tư này mà ở đầu sách nói: "Nhưng chỉ vào sát-na chứng đạo, vị ấy mới được g?i là đã gỡ xong trói buộc (triền) và xứng đáng sự cúng dường tối thượng của nhân loại và chư thiên."(Ch. I, 7)

59.

Thánh tuệ khi được tu tập sẽ có những phúc lạc này do vậy người có trí rất hân hoan tu học.

60. Ở điểm này, sự tu tuệ với những lợi ích của nó, được trình bày trong thanh tịnh đạo dưới các mục Giới Ðịnh Tuệ trong đoạn:

Người trú giới có trí

Tu tập tâm và tuệ

Nhiệt tâm và thận trọng

Tỳ kheo ấy thoát triền. (Ch. I, đoạn1) đã hoàn tất.

Chương thứ Hai mươi ba gọi là"Mô tả lợi ích của tuệ" trong Thanh tịnh đạo, được soạn vì mục đích làm hoan hỉ những người lành.

--ooOoo--

Chương Kết : Sau khi trích dẫn đoạn kệ:

"Người trú giới có trí, tu tập tâm và tuệ, nhiệt tâm và thận trọng, tỳ kheo ấy thoát triền" (Ch. I, 1),

Chúng tôi có nói:

Bây giờ tôi sẽ, đưa ra ý nghĩa chân thực chia làm giới, vân vân...

của câu kệ do bậc Ðại thánh nói.

Trong giáo pháp đấng Chiến thắng

Có những người tâʍ đa͙σ đã từ bỏ

Gia đình, sống không nhà

-những người mặc dù khát khao sự thanh tịnh

nhưng vẫn chưa có được cái chánh kiến về con đường thắng, bảo đảm, gồm Giới, Ðịnh và Tuệ.

Con đường khó tìm, dẫn đến thanh tịnh

Cho những người chưa được an, dù đã cố gắng,

Tôi sẽ giảng Ðạo lộ an ổn

Về Thanh tịnh

Y cứ lời dạy của những vị cư trú

Trong ngôi Ðại tinh xá

Những người ưa thích thanh tịnh

Hãy chú tâm nghe trình bày. (Ch. I, đoạn 4)

Ðến đây, tất cả những điều trên đã nói xong.

Sự trình bày đưa ra trên đây

Hầu như không có lầm lỗi

Sau khi đối chiếu tất cả các Luận

Về ý nghĩa Giới định tuệ

Trong năm bộ Nikàyas

Bởi thế, những thiền giả yêu mến thanh tịnh Hãy kính lễ Ðạo lộ đưa đến Thanh tịnh này. * * *

Bao nhiêu công đức có được

Do muốn an trú trong diệu pháp này

Do nhận lời đề nghị của trưởng lão Sanghapàla

(Người được sanh vào hàng trưởng lão danh tiếng cư trú trong ngôi Ðại tịnh xá,

Ngài là một nhà Phân tích chân chánh, một bậc trí giả, sống đơn giản, giữ giới luật, tâm vị ấy đầy đủ đức nhẫn nhục

hoà nhã, từ bi, vân vân)

Nhờ năng lực kho tàng công đức ấy, mong cho tất cả hữu tình an lạc.

Và cũng như 58 chương Thanh tịnh đạo này đã hoàn tất không trở ngại, mong cho tất cả người lành trên thế giới sẽ thành công nhanh chóng vui vẻ.

---o0o---

Tái Bút

Thanh Tịnh Đạo này được soạn bởi vị trưởng lão đầy đủ tín, tuệ và tấn thuần tịnh, nơi đức các ngài chính trực, từ hòa,... đều tập hợp do sự thực hành giới luật. Ngài là người có khả năng thăm dò sở kiến của chính mình và tin tưởng của những người khác, người có tuệ sắc bén, có hiểu biết không lầm về giáo pháp của đấng đạo sư gồm ba tạng và luận giải, Ngài là bậc thuyết giảng vĩ đại, có ngôn từ cao quý êm dịu lưu loát nhờ nắm vững cú pháp. Ngài đúng là bậc giảng sư tối thượng, một thi sĩ lớn, một người làm đẹp dòng dõi các trưởng lão trong ngôi Ðại tịnh xá, một ánh sáng chói lọi trong dòng các đại đ?c có thực chứng các pháp thượng nhân, như sáu thông, bốn biện... Người có trí tuệ dồi dào thanh tịnh ấy mang tên Buddhaghosa do các trưởng lão đặt, và thường được gọi là "người thuộc tự viện Moranda."

Mong rằng sách này tiếp tục chỉ đường

đưa đến thanh tịnh tri kiến cho những thiện nam tử tìm cách vượt qua các thế gian.

Vì bao lâu thế giới còn tồn tại thì đấng Giác ngộ sẽ còn được những người có tâm thanh tịnh như thế gọi là đấng Ðại thánh, chúa tể thế gian.

[Những câu sau đây chỉ có trong bản Tích lan:]

Do công đức của tác phẩm này, và bất cứ tác phẩm nào khác, nguyện cho tôi đời sau

thấy được thiên lạc ở cõi Tam thập tam thiên, hoan hỉ trong những giới đức, không vướng ngũ dục,

Sau khi đắc Sơ quả, sau khi thấy được Di lặc Thế tôn, trong đời cuối cùng của tôi và được nghe Ngài giảng diệu pháp, mong tôi làm sáng Giáo pháp của đấng Chiến thắng, bằng cách chúng quả tối thượng trong giáo lý này.

[Những câu sau chỉ có trong bản Miến điện:]

"Sự trình bày Thanh tịnh đạo, được thực hiện để làm hoan hỉ những người lành. Theo bản tiếng Pàli, thì sách này có 58 chương tụng đọc."

Dịch từ bản Anh ngữ của Ðại đức Nanamoli, 1981.

Trí Hải - Tuệ uyển. Vu Lan 2536 (1991)

-ooOoo-

HẾT