Bóng Ma Trong Mây

Chương 25: Chùa Khai Phúc

Chiêm Đài thấy từng cử chỉ của cô đều không giống với đám giang hồ tạp nham các cậu. Cách nói năng của Phương Lam mang phong thái của người có học, hơn nữa, cô cũng thường vô ý để lộ lối sống của ngày trước.

Bây giờ, sự hoài nghi của cậu đã được kiểm chứng.

Chiêm Đài thật sự không hiểu nổi vì sao một cô gái xinh đẹp, được trải qua môi trường giáo dục tốt như cô lại không làm như tuần tự: tìm việc làm, học nghiên cứu sinh, thi công chức, rồi kết hôn? Vì sao cô lại lăn lộn trong đám người chết, còn tiếp xúc với đám du côn lưu manh cùng yêu ma quỷ quái? Vì sao cô từng học hành nhiều năm là thế, mà lại muốn lội vào vũng nước đυ.c này?

Tuy đã hỏi ra miệng nhưng Chiêm Đài cũng không mấy hi vọng là cô sẽ trả lời. Cậu đoán rằng cô không im lặng lờ đi thì sẽ lên tiếng trách cậu.

Song, Phương Lam chỉ ngước mắt nhìn cậu, mở miệng mà không nói gì.

Trông cậu lúc này thật nhếch nhác, đang giữa trưa nên căn gác xép rất nóng nực, mái tóc đen của cậu dính bết trên trán, từng giọt mồ hôi to như hạt đậu rịn ra trên sống mũi thẳng. Cậu đang e dè nhìn cô với ánh mắt sáng ngời đầy chờ mong, giống như một chú chó Nhật vậy.

Phương Lam cúi đầu, thản nhiên đáp: "Ừ."

Một từ này cũng đủ khiến Chiêm Đài mừng rơn. Cậu như được cô khích lệ, trút ra hết những ngờ vực trong lòng.

"Cô học trường nào? Ngành gì?"

"Rốt cuộc năm nay cô bao nhiêu tuổi? Trước đây làm gì? Sao lại phải làm cái nghề này?"

"Dạo trước, cô nói môn phái của cô rất nghiêm, chỉ dạy cô nhận biết pháp khí, không dạy cô phân biệt yêu quái. Tôi hỏi thăm một lượt, lần đầu tiên nghe nói có quy định như thế. Đến cùng thì cô học từ ai vậy? Có liên quan đến m Sơn Thập Phương không?"

"À, đúng rồi, với lại tại sao tối qua cô sợ ở khách sạn?"

Cậu hỏi liên tục như súng liên thanh, sắc mặt Phương Lam càng lúc càng sa sầm. Cô bực mình cầm thìa gõ lên thành hộp cơm: "Ăn cơm đi!"

Chiêm Đài liền im bặt, cầm thìa múc cháo đưa vào miệng.

Người đâu mà nhạt nhẽo, chẳng thú vị gì cả.

Chiêm Đài tặc lưỡi, sực nhớ đến một chi tiết, bèn "a" một tiếng rồi hỏi Phương Lam.

"Cô thích ăn Bún Qua Cầu, cô là người Vân Nam hả?"

Người Vân Nam cũng ăn được cay.

Bọn họ từng ăn lẩu Trùng Khánh, một thằng lớn lên ở vùng Tây Bắc như cậu mà còn thấy cay đến toát mồ hôi, nhưng cô dường như lại không cảm thấy gì, ngay cả mặt cũng chẳng hề đổi sắc.

Phương Lam dừng động tác ăn cháo, cúi gằm đầu xuống trước ngực, cắn chặt môi đến mức trắng bợt. Cô rít qua kẽ răng: "Không phải."

Chiêm Đài không tin. Tuy nhiên, khi thấy cô nắm chặt cán thìa trong tay, thậm chí các đốt ngón tay cũng bắt đầu trắng bệch, cậu lại mềm lòng, không nỡ ép cô nói ra nữa.

Cậu im lặng chốc lát rồi thay đổi chủ đề.

"Cô đã điều tra được gì về đóa hoa đỗ quyên trên xe buýt chưa?"

Phương Lam thở phào một hơi, giọng nói cũng nhẹ nhõm hẳn: "Lần đầu nhìn thấy đóa hoa đó, tôi đã cảm thấy là lạ, nó không giống ảnh chụp mà cũng không giống tranh vẽ."

"Tôi dùng máy tính phóng to bức ảnh chụp thì mới nhìn thấy lớp chỉ thêu tinh tế trên mặt cánh hoa, đây là bông hoa được thêu trên quần áo."

"Đóa hoa đỗ quyên này là tác phẩm thêu của Hồ Nam. Tôi dùng hình chụp này tra cứu qua các loại hoa văn thì mới biết trên trang phục kịch cổ hoa cũng có hoa văn y hệt."

Chiêm Đài nghiêng mặt nhìn Phương Lam. Trước đây, cậu chỉ biết cô có nhiều suy nghĩ láu cá, nhưng không ngờ cô còn rất thông minh, biết dùng hình chụp đóa hoa đỗ quyên đó để tra thông tin từ khắp nơi như Internet, Đồ Thư Quán, bảo tàng. Sau cùng, mới tra ra trang phục của vai đào trong kịch hoa cổ.

Nếu là ngày thường, cậu đã mồm miệng ngọt xớt, khen người đó đến tận trời xanh. Nhưng hôm nay cậu như bị líu lưỡi, không tài nào thốt ra câu tán thưởng đối với cô, mà chỉ khẽ gật đầu nói: "Hôm trước tôi đến Trường Sa, thấy cô đứng trên sân khấu ở Hỏa Cung Điện."

Phương Lam thoáng kinh ngạc, rồi giải thích: "Sau khi tra ra trang phục kịch hoa cổ, tôi thêm Wechat của hội yêu thích kịch hoa cổ, khi hội tổ chức hoạt động, tôi liền đi theo tham gia."

"Không vào hang cọp làm sao bắt được cọp con, tôi không hát hí khúc giúp họ thì sao họ cho tôi mượn trang phục chứ?" Cô đáp qua quýt.

Chiêm Đài tò mò hỏi: "Sao cô hát được cả kịch cổ hoa thế? Là học ngay lúc đó à?"

Có điều, Phương Lam lại trả lời ậm ờ: "Tôi hát không hay, chỉ học được vài đường cơ bản. Bọn họ cho tôi lên sân khấu vì tôi hóa trang trông rất đẹp.”

Đúng là hóa trang rất đẹp, Chiêm Đài nhớ lại cảnh cô mặc váy đỏ đứng trên sân khấu, đẹp rạng ngời và chói lóa. Người đứng xem bên dưới chật như nêm, ai cũng luôn miệng khen cô xinh.

Phương Lam đắn đo một lúc mới nói tiếp: "Mới đầu tôi lẩn vào gánh hát nghiệp dư chỉ vì muốn tìm hiểu thêm về hình thêu trên trang phục, tốt nhất là mượn được một món về để điều tra thêm. Nhưng sau khi làm thân với bọn họ, tôi lại nghe được một chuyện rất thú vị."

Đương nhiên là gánh hát nghiệp dư này không thuê nổi rạp hát kịch hoa cổ trên đường Nhân Dân.

May sao, bên cạnh chùa Khai Phúc có một rạp hát cũ bị bỏ hoang nhiều năm. Một cửa hàng bán bánh bao ăn sáng đã thuê lại tầng một, còn tầng hai thì vẫn để nguyên sân khấu kịch ngày xưa.

Hai bên cánh gà của sân khấu kịch có một vài tủ kính tồi tàn nằm rải rác, bên trong bày biện các đạo cụ đã cũ, trước cửa treo bảng hiệu Viện bảo tàng, còn phải mất 2 tệ (7 nghìn đồng) tiền vé vào cửa.

Lần đầu đi theo một gánh hát, Phương Lam suýt nữa đã cãi nhau với ông già thu tiền vé. Nói là bán vé vào cổng, nhưng đến cuống vé cũng không có, chỉ há miệng nói suông, xòe tay đòi tiền.

Bác gái họ Đỗ đi cùng nhanh chóng kéo cô lại, khuyên can: "Cháu đừng chấp lão ta, lão đã gần đất xa trời, ngay cả ma nữ lão còn chẳng sợ, dễ gì sẽ nói lý với một cô gái như cháu?"

Phương Lam nhanh trí, liền hỏi: "Ma nữ gì ạ?”

Bà Đỗ mỉm cười, bắt đầu buôn chuyện: "Cháu có biết vì sao một nơi có vị trí đẹp thế này mà không ai dám tháo dỡ không?"

"Do ma quỷ lộng hành đấy."

"Ác quỷ mặc đồ đỏ, nghe đâu còn là ma nữ không được chết tử tế."