Đại Tạng Kinh

Chương 147: Chứng Đạo Ca

Chứng Đạo Ca

Anh thấy chăng!

Tuyệt học vô vi nhàn Đạo Nhân

Chẳng trừ vọng tưởng chẳng cầu chân

Vô minh thật tính tức Phật tính

Huyễn hóa không thân tức Pháp thân

Pháp thân giác liễu chẳng một vật

Bổn nguyên tự tính thiên chân Phật

Mây trôi năm uẩn không đến đi

Bọt nước ba độc chìm hư nổi

Chứng thật tướng vô nhân pháp

Diệt nghiệp Vô Gián chỉ một niệm

Nếu ta nói dối lừa chúng sinh

Tự chuốc rút lưỡi trần sa kiếp

Đốn giác liễu Như Lai thiền

Sáu Độ vạn hạnh thể trung viên

Khi mộng thấy rõ có sáu đường

Giác rồi rỗng không vô Đại Thiên

Không tội phúc không tổn ích

Trong tính tịch diệt chớ hỏi tìm

Xưa nay gương bụi chưa hề lau

Hôm nay ta cần giải phân tích

Ai vô niệm? Ai vô sinh?

Nếu thật vô sinh chẳng gì sinh

Gọi người gỗ đến hỏi lý trên

Siêng tu Phật Đạo sớm muộn thành

Buông bốn đại chớ nắm giữ

Ăn uống tùy duyên tính tịch diệt

Các hành vô thường hết thảy không

Chính là Như Lai đại viên giác

Những lời ấy hiển Chân Thừa

Ai không đồng ý hãy cứ hỏi

Chỉ thẳng căn nguyên Phật sở ấn

Vạch lá tìm cành ta chẳng thể

Như ý châu người không biết

Rằng có thể được Như Lai tạng

Sáu loại thần thông không chẳng không

Minh châu sáng ngời sắc phi sắc

Tịnh Năm Nhãn đắc Năm Lực

Tu chứng bằng không khó suy lường

Hình dáng trong gương thấy đâu khó

Nhưng trăng dưới nước sao múc đây?

Thường độc hành thường độc bộ

Ai chứng cùng dạo cảnh tịch diệt

Giai điệu cổ xưa tiếng thanh cao

Dáng gầy trực tâm ai thèm ngắm

Đệ tử Phật miệng xưng bần

Đích thật thân nghèo Đạo chẳng bần

Bởi nghèo thân luôn mặc áo vá

Còn Đạo tâm ẩn vô giá trân

Vô giá trân dùng vô tận

Lợi vật ứng cơ chẳng keo tiếc

Ba Thân Bốn Trí thể viên dung

Tám Giải Sáu Thông tâm địa ấn

Thượng nghe một hiểu tất cả

Trung hạ học nhiều nghi cũng lắm

Chỉ cần rũ bỏ quần áo dơ

Sao phải rêu rao khoe tinh tấn?

Kệ ai mắng mặc ai chê

Cầm lửa đốt trời tự chuốc khổ

Ta nghe giống như uống cam lộ

Tiêu tan vào thẳng chẳng nghĩ bàn

Quán lời ác là công đức

Tức sẽ trở thành Thiện Tri Thức

Chớ vì chê trách khởi oán hờn

Sao hiện vô sinh từ nhẫn lực?

Tông cũng thông thuyết cũng thông

Định tuệ viên minh chẳng trệ không

Chẳng riêng ta nay một mình hiểu

Hằng sa chư Phật thể tính đồng

Sư tử hống thuyết vô úy

Trăm thú nghe xong xé óc não

Voi chạy bôn ba mất dáng uy

Trời rồng lặng ngóng sinh hoan hỷ

Qua sông biển trèo non suối

Tầm sư vấn Đạo vì tham thiền

Từ lúc biết được Tào Khê lộ

Mới rõ sinh tử chẳng liên quan

Đi cũng thiền ngồi cũng thiền

Nói im động tĩnh thân an nhiên

Dẫu gặp gươm đao vẫn thản thản

Dẫu bị thuốc độc cũng nhàn nhàn

Thầy tôi xưa thấy Nhiên Đăng Phật

Nhiều kiếp từng làm Nhẫn Nhục Tiên

Bao lần sinh? Bao lần tử?

Sinh tử dằng dặc vô định chỉ

Từ khi đốn ngộ liễu vô sinh

Vinh nhục hà tất phải buồn vui?

Vào rừng sâu trú tĩnh mịch

Ẩn dật non cao dưới cội tùng

Nhàn nhã tĩnh tọa dã Tăng gia

Tĩnh mịch an cư thật tiêu dao

Giác liền hiểu chẳng thi công

Tất cả hữu vi pháp bất đồng

Trụ tướng bố thí sinh thiên phúc

Ví như giương tên bắn hư không

Khi lực hết tên rơi xuống

Chuốc lấy đời sau không như ý

Chẳng bằng vô vi Thật Tướng Môn

Một bước vào thẳng Như Lai Địa

Chỉ lấy gốc lo chi ngọn

Như tịnh lưu ly chứa bảo nguyệt

Khi nào hiểu thấu như ý châu

Tự lợi lợi tha mãi chẳng kiệt

Sông trăng chiếu tùng gió thổi

Đêm dài thanh vắng phải làm gì?

Phật tính giới báu tâm địa ấn

Mây hơi sương khói khoác làm y

Bát phục rồng trượng hàng hổ

Hai khoen móc vàng kêu leng keng

Đâu phải Pháp khí không tung tích

Như Lai tích trượng đích thân truyền

Chẳng cầu chân chẳng đoạn vọng

Biết rõ hai pháp: không, vô tướng

Vô tướng vô không vô bất không

Tức là Như Lai chân thật tướng

Gương tâm sáng soi vô ngại

Oánh triệt thăm thẳm trùm Pháp Giới

Muôn hình vạn vẻ hiện ở trong

Minh châu sáng ngời chẳng trong ngoài

Rơi vào không bát nhân quả

Lỗ mãng phóng đãng chiêu ương họa

Bỏ có chấp không bệnh cũng thế

Vì để thoát chìm chui vào lửa

Buông vọng tâm giữ chân lý

Buông giữ cái tâm thành xảo ngụy

Học nhân chẳng hiểu dụng tu hành

Chân thành nhận giặc làm con quý

Hao Pháp tài diệt công đức

Tất cả đều do tâm ý thức

Bởi vậy thiền môn đoạn trừ tâm

Vào thẳng vô sinh tri kiến lực

Đại trượng phu cầm kiếm tuệ

Diệu tuệ nhọn bén kim cang lóe

Không chỉ tồi phá ngoại đạo tâm

Sớm làm thiên ma sợ khϊếp đảm

Nổi sấm Pháp đánh trống Pháp

Kéo mây từ bi rưới cam lộ

Long tượng dẫm bước thấm vô biên

Ba thừa năm tính đều tỉnh ngộ

Ở vùng núi Tuyết mọc cỏ mượt

Bơ nguyên tinh chế ta thường nếm

Một tính viên thông tất cả tính

Một pháp bao gồm tất cả pháp

Một trăng hiện khắp tất cả nước

Trăng trong bao nước một trăng soi

Chư Phật Pháp thân vào tính ta

Tính ta cùng hợp Như Lai tính

Một Địa đầy đủ hết thảy Địa

Phi sắc phi tâm phi hành nghiệp

Khảy tay viên thành tám vạn môn

Ba vô số kiếp, một niệm diệt

Không số hay lời có thể tả

Liên quan gì đến linh giác ta?

Chẳng thể chê chẳng thể khen

Thể như hư không vô biên tế

Không rời tại xứ thường trạm nhiên

Dẫu muốn tìm nó chẳng thấy đâu

Giữ không được buông chẳng được

Trong chẳng thể được, được cái gì?

Im khi nói nói khi im

Mở cửa đại thí không khóa kín

Có người hỏi tôi giải tông gì?

Xin nói là sức đại diệu tuệ

Hoặc đúng hoặc sai người chẳng rõ

Nghịch hành thuận hành trời còn khó

Ta sớm đã từng nhiều kiếp tu

Chẳng phải nhàn rỗi dối gạt nhau

Dựng Pháp tràng lập tông chỉ

Phật sắc rành rành ở Tào Khê

Ngài Đại Ẩm Quang thủ truyền đăng

Hai mươi tám đời ở Thiên Trúc

Pháp đông lưu vào đất này

Tôn giả Giác Pháp là sơ tổ

Sáu đời truyền y thiên hạ hay

Hậu nhân đắc Đạo sao đếm kể?

Chân bất lập vọng bổn không

Dẹp hữu lẫn vô chẳng không không

Hai mươi không môn vốn đừng chấp

Nhất tính Như Lai thể tự đồng

Tâm là gốc pháp là trần

Cả hai tựa như vết trên gương

Vết dơ trừ sạch sáng hiện dần

Quên tâm lẫn pháp tính là chân

Ôi Mạt Pháp! Ác thời thế!

Chúng sinh phúc bạc khó điều chế

Rời Thánh xa xăm tà kiến thâm

Ma cường Pháp nhược lắm oán hại

Nghe giảng Như Lai đốn giáo môn

Hận không diệt trừ như ngói vụn

Tạo ở tâm thân chịu khổ

Đừng có kêu oan đổ lỗi người

Muốn không chuốc lấy nghiệp vô gián

Chớ báng Như Lai Chính Pháp luân

Rừng hương đàn không tạp thụ

Rậm rạp um tùm sư tử trú

Giữa rừng yên tĩnh một mình dạo

Chim bay thú chạy đều lánh xa

Sư tử con bước theo sau

Ba tuổi đã gầm hống dữ dội

Dẫu cho dã can theo Pháp Vương

Trăm năm yêu quái há mồm to

Viên đốn giáo chẳng tình người

Có nghi do dự cần giải quyết

Không phải sơn Tăng thích nhân ngã

Tu hành sợ rơi hố đoạn thường

Sai chẳng sai đúng chẳng đúng

Sai lệch đường tơ mất nghìn dặm

Đúng tức long nữ vụt thành Phật

Sai tức Thiện Tinh đọa địa ngục

Ta thời niên thiếu tầm học vấn

Cũng từng xem sớ dò Kinh luận

Phân biệt danh tướng chẳng biết dừng

Vào biển đếm cát tự nhọc mình

Đáng bị Như Lai quở trách nặng

Đếm trân bảo người có ích gì?

Từ xưa ngơ ngác hành hư ngụy

Bao năm uổng làm phong trần khách

Chủng tính tà hiểu biết sai

Chẳng đạt Như Lai viên đốn giáo

Nhị Thừa tinh tấn thiếu Đạo tâm

Ngoại đạo thông minh không trí tuệ

Cũng ngu si cũng thơ dại

Lầm nắm tay không, sinh thật giải

Ngón tay chấp trăng thật uổng công

Sáu căn cảnh hiện hư vọng không

Không thấy một pháp tức Như Lai

Nên được gọi là Quán Tự Tại

Khi hiểu nghiệp chướng vốn là không

Chưa hiểu thì nợ tất phải trả

Đói gặp tiệc vua nào dám ăn

Bệnh gặp y vương tránh sao lành?

Tại dục hành thiền sức tri kiến

Trong lửa sen mọc mãi chẳng hoại

Dũng Thí phạm trọng ngộ vô sinh

Đã sớm thành Phật hiện ở đây

Sư tử hống thuyết vô úy

Than ôi mọi rợ kẻ u mê

Chỉ biết phạm giới chướng Phật Đạo

Chẳng thấy Như Lai khai bí quyết

Có hai Bhikṣu [bíc su] phạm da^ʍ sát

Tôn giả Cận Thủ tăng tội siết

Đại sĩ Tịnh Danh đốn trừ nghi

Ví như nắng gắt tan sương tuyết

Sức giải thoát chẳng nghĩ bàn

Diệu dụng Hằng sa không cùng tận

Bốn sự cúng dường chẳng từ nan

Muôn lượng hoàng kim cũng tiêu hết

Tan xương nát thịt chưa đủ trả

Liễu đạt một câu siêu trăm ức

Pháp trung vương tối thắng cao

Hằng sa Như Lai đều cùng chứng

Tôi nay liễu giải như ý châu

Những ai tín thọ đều tương ứng

Thấy rất rõ không một vật

Cũng không người cũng không Phật

Đại Thiên sa giới như bọt biển

Hết thảy thánh hiền như điện chớp

Dẫu cho vòng sắt quay trên đầu

Định tuệ viên minh mãi chẳng mất

Dẫu trời lạnh trăng chuyển nóng

Chúng ma chẳng thể hoại chân thuyết

Xe voi cao ngất chầm chậm tiến

Ai thấy bọ ngựa cản đường chưa?

Voi lớn không đi lối thỏ con

Đại ngộ chẳng chấp việc nhỏ nhen

Chớ mang ống sáo nhìn bầu trời

Ai nay chưa hiểu ta nói rõ

Chứng Đạo Ca

Trước tác: Đại sư Huyền Giác (665-713)

Dịch sang tiếng Việt: Tại gia Bồ-tát giới Thanh tín nam Nguyên Thuận

Dịch nghĩa: 19/4/2013 ◊ Cập nhật: 11/7/2021

☸ Cách đọc âm tiếng Phạn

Bhikṣu: bíc su