Đại Tạng Kinh

Chương 141: Kinh Vô Lượng Nghĩa

☸ PHẨM 1: ĐỨC HẠNH☸ PHẨM 2: THUYẾT PHÁP☸ PHẨM 3: MƯỜI CÔNG ĐỨC

Kinh Vô Lượng Nghĩa

☸ PHẨM 1: ĐỨC HẠNH

TÔI NGHE NHƯ VẦY:

Một thuở nọ, Đức Phật ở trên núi Thứu Phong gần Đại thành Vương Xá, cùng với 12.000 vị đại Bhikṣu [bíc su] và 80.000 vị đại Bồ-tát.

Lại có trời, rồng, quỷ tiệp tật, tầm hương thần, phi thiên, kim sí điểu, nghi thần, và đại mãng xà; các vị Bhikṣu, Bhikṣuṇī [bíc su ni], Thanh Tín Nam, và Thanh Tín Nữ; đại Chuyển Luân Vương và tiểu Chuyển Luân Vương, như là kim Chuyển Luân Vương và ngân Chuyển Luân Vương; cũng như quốc vương, vương tử, đại thần, dân chúng, nam nữ, trưởng giả, và cùng với một tỷ quyến thuộc vây quanh.

Tất cả họ đều đến chỗ của Phật, cúi đầu đỉnh lễ với trán chạm sát chân của Ngài, và đi nhiễu trăm nghìn vòng. Khi đã thắp hương rải hoa và làm muôn sự cúng dường cho Đức Phật xong, họ lui xuống và ngồi qua một bên.

Tên của các vị Bồ-tát, gồm có:

- Diệu Cát Tường Pháp Vương Tử,

- Đại Uy Đức Tạng Pháp Vương Tử,

- Vô Ưu Tạng Pháp Vương Tử,

- Đại Biện Tạng Pháp Vương Tử,

- Từ Thị Bồ-tát,

- Đạo Thủ Bồ-tát,

- Dược Vương Bồ-tát,

- Dược Thượng Bồ-tát,

- Hoa Tràng Bồ-tát,

- Hoa Quang Tràng Bồ-tát,

- Tổng Trì Tự Tại Vương Bồ-tát,

- Quán Thế Âm Bồ-tát,

- Đại Thế Chí Bồ-tát,

- Thường Tinh Tấn Bồ-tát,

- Bảo Ấn Thủ Bồ-tát,

- Bảo Tích Bồ-tát,

- Bảo Trượng Bồ-tát,

- Việt Tam Giới Bồ-tát,

- Vô Cấu Hiền Bồ-tát,

- Hương Tượng Bồ-tát,

- Đại Hương Tượng Bồ-tát,

- Sư Tử Hống Vương Bồ-tát,

- Sư Tử Du Hí Thế Bồ-tát,

- Sư Tử Phấn Tấn Bồ-tát,

- Sư Tử Tinh Tấn Bồ-tát,

- Dũng Duệ Lực Bồ-tát,

- Sư Tử Uy Mãnh Phục Bồ-tát,

- Trang Nghiêm Bồ-tát,

- Đại Trang Nghiêm Bồ-tát,

- và chư đại Bồ-tát khác như thế; tổng cộng là 80.000 vị.

Tất cả các vị Bồ-tát này đều là Pháp thân Đại Sĩ với giới, định, tuệ, giải thoát, và giải thoát tri kiến thành tựu. Tâm của các ngài tịch tĩnh, luôn ở trong chính định, điềm tĩnh vắng lặng, vô vi vô dục. Điên đảo và loạn tưởng chẳng còn khởi sinh. Tâm họ tịch tĩnh, thanh tịnh, thâm sâu, quảng đại, có thể giữ bất động đến trăm nghìn ức kiếp và được vô lượng Pháp môn đều hiện ra ở trước. Khi đã được đại trí tuệ và thông đạt các pháp, họ hiểu rõ chân thật, phân biệt tính và tướng của chúng: có, không, dài, ngắn--thảy đều hiển hiện rõ rệt.

Lại có thể khéo biết các căn tính và điều mong muốn của chúng sinh. Với tổng trì và biện tài vô ngại, họ luôn thỉnh Phật chuyển Pháp luân và cũng có thể tùy thuận chuyển Pháp luân. Trước tiên, họ thấm ướt hạt bụi của ái dục với những giọt nước nhỏ của giáo Pháp. Khi mở cánh cửa tịch diệt, họ quạt ngọn gió giải thoát, rồi chuyển nhiệt não của thế gian thành Pháp mát mẻ. Tiếp theo, họ mưa xuống Pháp 12 Duyên Khởi thâm sâu để rưới lên vô minh, sinh già bệnh chết, và năm uẩn thống khổ đang bốc cháy hừng hực dữ dội như ánh nắng mặt trời. Rồi mới trút ào ạt Đạo lý của vô thượng Đại Thừa để thấm nhuần căn lành của chúng sinh ở ba cõi. Họ rải khắp những hạt giống lành xuống ruộng công đức, để khiến cho tất cả sẽ nảy mầm tuệ giác. Với trí tuệ như mặt trời và mặt trăng, cùng với phương tiện và thời gian, họ hỗ trợ và phát huy sự nghiệp Đại Thừa, khiến chúng sinh nhanh thành Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác, và thường trụ trong an lạc của chân thật vi diệu.

Với lòng đại bi vô lượng, chư Bồ-tát luôn cứu chúng sinh ra khỏi ách khổ.

- Họ là Thiện Tri Thức chân thật của những chúng sinh này.

- Họ là đại phúc điền tốt lành của những chúng sinh này.

- Họ là vị thầy không thỉnh mời của những chúng sinh này.

- Họ là nơi an ổn, nơi cứu độ, nơi bảo hộ, và là nơi nương tựa rộng lớn của những chúng sinh này.

- Họ làm bậc đại đạo sư ở mọi nơi cho các chúng sinh.

- Họ có thể làm con mắt cho những ai mù lòa, làm tai mũi lưỡi cho những ai bị điếc, mất khứu giác, và ngọng.

- Họ có thể khiến những ai với các căn khiếm khuyết được hoàn chỉnh, hoặc bị điên cuồng rối loạn được đại chính niệm.

- Như một đại thuyền trưởng trong những thuyền trưởng, họ chở chúng sinh ra khỏi sông sinh tử và đến bờ tịch diệt.

- Như một đại y vương trong những y vương, họ phân biệt chứng bệnh, biết rõ tính thuốc, tùy bệnh cho thuốc, và làm bệnh nhân hoan hỷ uống thuốc.

- Như một huấn luyện viên giỏi trong những huấn luyện viên, họ không để phóng túng nảy sinh.

- Như người huấn luyện voi ngựa, họ khéo điều phục những việc không dễ điều phục.

- Như sư tử dũng mãnh uy phục các loài thú, họ du hí với các Pháp Đến Bờ Kia của Bồ-tát và không gì có thể trở ngại hay phá hoại được.

Với tâm kiên cố bất động để đạt đến Đạo của Như Lai, họ an trụ trong nguyện lực để rộng thanh tịnh Phật độ. Không bao lâu, họ sẽ được thành tựu Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác. Chư đại Bồ-tát này đều có công đức không thể nghĩ bàn như thế.

Tên của các vị Bhikṣu, gồm có:

- Đại trí Thu Lộ Tử,

- Thần thông Đại Thải Thục Thị,

- Tuệ mạng Thiện Hiện,

- Tôn giả Đại Tiễn Thế Chủng Nam,

- Tôn giả Mãn Từ Tử,

- Tôn giả Giải Bổn Tế,

- Thiên nhãn Vô Diệt,

- Trì luật Cận Thủ,

- Thị giả Khánh Hỷ,

- Phật tử Phú Chướng,

- Tôn giả Hiền Hỷ,

- Tôn giả Thất Tú,

- Tôn giả Phòng Tú,

- Tôn giả Thiện Dung,

- Tôn giả Tiểu Lộ,

- Tôn giả Thiện Lai,

- Khổ hạnh Đại Ẩm Quang,

- Tôn giả Mộc Qua Lâm Ẩm Quang,

- Tôn giả Tượng Ẩm Quang,

- Tôn giả Hà Ẩm Quang,

- và các vị Bhikṣu khác như thế; tổng cộng là 12.000 vị.

Tất cả đều là những vị Ứng Chân, các lậu trừ sạch, không còn trói buộc, và được giải thoát chân chính.



Lúc bấy giờ, khi Đại Trang Nghiêm Đại Bồ-tát quán sát toàn thể đại chúng đã an tọa và định ý xong, ngài cùng với 80.000 vị đại Bồ-tát ở trong Pháp hội, từ chỗ ngồi đứng dậy và đi đến chỗ của Phật. Họ cúi đầu đỉnh lễ với trán chạm sát chân của Phật, và đi nhiễu trăm nghìn vòng. Sau đó, họ rải hoa cõi trời, hương cõi trời, y phục cõi trời, xâu chuỗi anh lạc cõi trời, và châu báu vô giá cõi trời. Chúng từ hư không xoay lượn rơi xuống và tụ lại xung quanh như mây để phụng hiến Đức Phật.

Lại có chén bát đựng đầy thức ăn trăm vị ở cõi trời; phàm ai thấy sắc và ngửi hương thì tự nhiên no đủ. Tràng phan, lọng che, và nhạc khí vi diệu ở cõi trời được an trí ở khắp mọi nơi. Khi ấy âm nhạc cõi trời trỗi lên để cúng dường Đức Phật.

Tiếp đến, họ liền chắp tay và quỳ gối phải ở trước Phật, rồi nhất tâm đồng thanh nói kệ tán thán rằng:

"Đại trí đại ngộ đại Thánh Chủ

Vô cấu vô nhiễm vô sở trước

Thiên nhân tượng mã điều ngự sư

Đạo phong đức hương xông tất cả

Trí yên tình lặng lo nghĩ dừng

Ý diệt thức vong tâm cũng tịch

Vĩnh đoạn mơ vọng tư tưởng niệm

Chẳng còn bốn đại uẩn xứ giới

Thân Ngài chẳng có cũng chẳng không

Chẳng nhân chẳng duyên chẳng ta người

Chẳng vuông chẳng tròn chẳng dài ngắn

Chẳng hiện chẳng mất chẳng diệt sinh

Chẳng tạo chẳng khởi chẳng làm nên

Chẳng ngồi chẳng nằm chẳng đứng đi

Chẳng động chẳng chuyển chẳng nhàn tĩnh

Chẳng tiến chẳng thoái chẳng an nguy

Chẳng đúng chẳng sai chẳng được mất

Chẳng kia chẳng đây chẳng đến đi

Chẳng xanh chẳng vàng chẳng đỏ trắng

Chẳng hồng chẳng tím chẳng mọi màu

Giới định tuệ giải tri kiến sinh

Ba Minh Sáu Thông Đạo Phẩm thành

Từ bi, Mười Lực, Vô Úy khởi

Chúng sinh nghiệp lành nhân duyên xuất

Thị hiện trượng sáu vàng tím sáng

Đoan chính chiếu sáng rực rỡ khắp

Mày trắng uốn quăn rực hào quang

Tóc quăn xanh biếc đỉnh nhục kế

Mắt sáng thanh tịnh nhìn trên dưới

Lông mi mày xanh miệng má vuông

Môi lưỡi đỏ tươi như quả gấc

Bốn mươi răng trắng như kha tuyết

Trán rộng mũi thẳng khuôn mặt mở

Ngực như sư tử hiện chữ vạn

Chân tay mềm mại đủ nghìn căm

Lòng tay màng lưới nách không rỗng

Ngón tay thon thẳng khuỷu tay dài

Làn da mịn màng lông xoáy phải

Mắt cá gối ẩn mã âm tàng

Bắp thịt quấn xương như bắp nai

Trong ngoài ánh triệt tịnh vô cấu

Thân chẳng dính bụi nước không thấm

Các tướng như thế ba mươi hai

Tám mươi vẻ đẹp có thể thấy

Nhưng thật vô tướng chẳng sắc tướng

Bởi tướng trước mắt là rỗng không

Tướng của vô tướng hiện tướng thân

Thân tướng chúng sinh hiện cũng thế

Khéo làm chúng sinh vui mừng lễ

Kiền thành cung kính lòng ân cần

Do trừ ngã mạn với tự cao

Thành tựu như thế diệu sắc thân

Chúng con cả thảy tám mươi nghìn

Đều cùng cúi đầu và quy mạng

Khéo diệt tư tưởng tâm ý thức

Điều phục tượng mã vô trước Thánh

Cúi đầu quy y Pháp sắc thân

Giới định tuệ giải tri kiến tụ

Cúi đầu quy y diệu tướng Tôn

Cúi đầu quy y chẳng nghĩ bàn

Tám loại Phạm âm như sấm rền

Vi diệu thanh tịnh vang xa thẳm

Bốn Đế Sáu Độ Mười Hai Duyên

Tùy thuận chúng sinh tâm nghiệp chuyển

Ai nghe thảy đều tâm ý khai

Vô lượng sinh tử trói buộc đoạn

Có vị hoặc đắc Quả Nhập Lưu

Nhất Lai Bất Hoàn Đạo Ứng Chân

Vô lậu vô vi Duyên Giác xứ

Vô sinh vô diệt Bồ-tát Địa

Hoặc đắc vô lượng môn tổng trì

Vô ngại nhạo thuyết đại biện tài

Diễn nói thâm sâu kệ vi diệu

Du hí tắm gội hồ Pháp tịnh

Hoặc nhảy bay lên hiện thần túc

Tự do ra vào trong nước lửa

Pháp luân như thế tướng như vậy

Thanh tịnh vô biên chẳng nghĩ bàn

Chúng con lại cùng đồng cúi đầu

Quy y Pháp luân chuyển đúng thời

Cúi đầu quy y tiếng Phạm âm

Bốn Đế Sáu Độ Mười Hai Duyên

Thế Tôn thuở xưa vô lượng kiếp

Gian khổ tu tập các đức hạnh

Vì ta trời người vua thần rồng

Và khắp hết thảy các chúng sinh

Khéo xả tất cả điều khó xả

Tiền tài vợ con cùng thành quách

Nội thí ngoại thí không keo tiếc

Đầu mắt xương não thảy cho người

Phụng trì chư Phật giới thanh tịnh

Thậm chí mất mạng chẳng hủy hoại

Dẫu người dao gậy đến gây hại

Ác khẩu nhục mạ chẳng hề sân

Nhiều kiếp thân tâm không mệt mỏi

Ngày đêm nhϊếp tâm luôn trong thiền

Tu học tất cả mọi Pháp môn

Trí tuệ vào sâu căn chúng sinh

Cho nên nay được sức tự tại

Tự tại nơi pháp làm Pháp Vương

Chúng con lại cùng đồng cúi đầu

Gắng sức thực hành việc khó làm"

☸ PHẨM 2: THUYẾT PHÁP

Lúc bấy giờ, khi Đại Trang Nghiêm Đại Bồ-tát và 80.000 vị đại Bồ-tát đã nói bài kệ trên để tán thán Đức Phật xong, họ đồng bạch Phật rằng:

"Bạch Thế Tôn! Tất cả 80.000 Bồ-tát chúng con, nay muốn hỏi về Pháp của Như Lai, nhưng không biết Thế Tôn sẽ rủ lòng thương xót mà cho phép chăng?"

Phật bảo Đại Trang Nghiêm Bồ-tát và 80.000 vị Bồ-tát rằng:

"Lành thay, lành thay, thiện nam tử! Nên biết bây giờ chính là lúc. Ông hãy cứ hỏi. Chẳng bao lâu nữa Như Lai sẽ vào Cứu Cánh Tịch Diệt. Sau khi Ta vào tịch diệt, hãy khiến cho tất cả đều không còn hoài nghi nào khác. Ông hãy thưa hỏi, và Ta sẽ thuyết giảng cho."

Khi ấy, Đại Trang Nghiêm Bồ-tát và 80.000 vị Bồ-tát liền đồng thanh bạch Phật rằng:

"Bạch Thế Tôn! Nếu đại Bồ-tát nào muốn nhanh được thành tựu Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác, thì phải nên tu hành Pháp môn nào? Pháp môn nào sẽ có thể khiến các vị đại Bồ-tát nhanh thành Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác?"

Phật bảo Đại Trang Nghiêm Bồ-tát và 80.000 vị Bồ-tát rằng:

"Thiện nam tử! Có một Pháp môn mà sẽ khiến Bồ-tát nhanh đắc Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác.

Nếu có Bồ-tát nào tu học Pháp môn này, họ sẽ có thể nhanh đắc Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác."

"Bạch Thế Tôn! Pháp môn này tên là gì? Nghĩa của nó như thế nào? Và Bồ-tát phải tu hành ra sao?"

Đức Phật bảo:

"Thiện nam tử! Pháp môn này tên là Vô Lượng Nghĩa. Phàm Bồ-tát nào muốn tu học vô lượng nghĩa, họ nên quán sát tính và tướng của hết thảy các pháp xưa nay vốn không tịch: không lớn, không nhỏ, không sinh, không diệt, không trụ, không động, không tiến, không thoái. Chúng tựa như hư không và chẳng có hai pháp. Tuy nhiên, các chúng sinh suy tính sai lầm cho đây với đó, được với mất. Họ khởi niệm bất thiện và tạo những nghiệp ác. Thế nên họ luân hồi trong sáu đường và chịu các khổ độc đến vô lượng ức kiếp mà không thể tự ra khỏi.

Đại Bồ-tát hãy quán sát tường tận như thế, rồi sinh tâm thương xót và phát lòng đại từ bi để mong muốn cứu vớt họ.

Lại nữa, họ hãy vào sâu hết thảy các pháp:

- với pháp tướng như vậy nên pháp sinh như thế;

- với pháp tướng như vậy nên pháp trụ như thế;

- với pháp tướng như vậy nên pháp dị như thế;

- với pháp tướng như vậy nên pháp diệt như thế;

- với pháp tướng như vậy nên có thể sinh pháp ác;

- với pháp tướng như vậy nên có thể sinh Pháp lành;

- và đối với trụ, dị, diệt cũng lại như thế.

Khi đã quán sát và biết rõ ngọn ngành của bốn tướng như thế xong, Bồ-tát tiếp theo quán sát tường tận hết thảy các pháp đều niệm niệm bất trụ và sinh diệt liên tục. Kế đến, họ lại quán sự diễn biến xảy ra tức khắc của sinh trụ dị diệt.

Khi đã quán như thế xong, Bồ-tát sẽ nhìn thấu các căn tính và điều mong muốn của chúng sinh. Bởi các căn tính và điều mong muốn là vô lượng, nên Bồ-tát thuyết vô lượng Pháp. Do thuyết vô lượng Pháp, nên nghĩa cũng vô lượng. Vô Lượng Nghĩa là từ một pháp mà sinh ra. Một pháp này tức cũng là vô tướng. Tuy là vô tướng như thế, nhưng vô tướng chẳng rời khỏi tướng và tướng chẳng rời khỏi vô tướng, nên gọi là thật tướng.

Khi đại Bồ-tát đã an trụ trong thật tướng, thì lòng từ bi phát khởi của họ là chân thật và không hư dối. Lúc đó Bồ-tát có thể thật sự bạt trừ khổ đau của chúng sinh. Khi đã cứu họ ra khỏi thống khổ xong, Bồ-tát lại thuyết Pháp để khiến các chúng sinh thọ hưởng vui sướиɠ.

Thiện nam tử! Nếu Bồ-tát nào có thể tu một Pháp môn của Vô Lượng Nghĩa như vậy, thì họ tất sẽ nhanh được thành tựu Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác.

Thiện nam tử! Đây là diệu lý chân chính và tôn quý tối thượng trong Kinh Vô Lượng Nghĩa của vô thượng Đại Thừa, mà chư Phật ba đời đều cùng thủ hộ. Không có chúng ma và ngoại đạo nào có thể vào được, và nó cũng chẳng bị phá hoại bởi hết thảy tà kiến của sinh tử.

Bởi vậy, thiện nam tử! Nếu đại Bồ-tát nào muốn nhanh thành Đạo vô thượng, họ phải nên tu học diệu lý sâu xa này trong Kinh Vô Lượng Nghĩa của vô thượng Đại Thừa."



Lúc bấy giờ Đại Trang Nghiêm Bồ-tát lại bạch Phật rằng:

"Bạch Thế Tôn! Pháp của Phật nói thật chẳng thể nghĩ bàn, căn tính của chúng sinh cũng chẳng thể nghĩ bàn, và Pháp môn giải thoát cũng chẳng thể nghĩ bàn. Chúng con không còn hoài nghi nào đối với Pháp của Phật thuyết giảng. Tuy nhiên, vì các chúng sinh với tâm mê muội, con cần thưa hỏi thêm lần nữa.

Bạch Thế Tôn! Đã trên 40 năm kể từ khi Như Lai đắc Đạo cho đến nay, Ngài luôn diễn nói nghĩa lý về bốn tướng của các pháp cho chúng sinh, rằng chúng là khổ, không, vô thường, và vô ngã; chẳng lớn hay nhỏ, chẳng sinh hay diệt. Tất cả đều là vô tướng. Bổn lai của pháp tính và pháp tướng là không tịch: chẳng đến hay đi, chẳng hiện hay mất.

Nếu có ai nghe những lời dạy này, hoặc sẽ đắc Noãn Pháp, Đỉnh Pháp, Nhẫn Pháp, hay Thế Đệ Nhất Pháp; có vị đắc Quả Nhập Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn, hay Đạo Ứng Chân; có vị đắc Đạo Độc Giác; có vị phát khởi Đạo tâm và thăng lên Địa Thứ Nhất, thứ nhì, thứ hai, thứ ba, và cho đến Địa Thứ Mười.

Thế nhưng, có sự khác biệt gì về nghĩa lý của các pháp đã thuyết giảng lúc xưa và đang thuyết giảng hôm nay, mà khiến Phật nói rằng, những Bồ-tát nào tu hành diệu lý sâu xa trong Kinh Vô Lượng Nghĩa của vô thượng Đại Thừa, họ sẽ nhanh thành Đạo vô thượng? Việc này là sao? Kính mong Thế Tôn hãy từ mẫn đối với tất cả chúng sinh, mà rộng phân biệt để khiến hết thảy những ai nghe Pháp này ở hiện tại cùng vị lai sẽ không còn rơi vào lưới nghi."

Khi ấy Phật bảo Đại Trang Nghiêm Bồ-tát rằng:

"Lành thay, lành thay, đại thiện nam tử! Ông có thể hỏi Như Lai về nghĩa lý vi diệu của vô thượng Đại Thừa, thì phải biết rằng, ông có thể làm nhiều sự lợi ích an vui cho hàng trời người và bạt trừ khổ đau cho chúng sinh. Lòng đại từ bi của ông là chân thật, không hư ngụy. Do nhân duyên ấy, ông nhất định sẽ nhanh thành Đạo vô thượng, và cũng làm cho tất cả chúng sinh trong ba cõi ở hiện tại cùng vị lai sẽ thành Đạo vô thượng.



Thiện nam tử! Sau khi ngồi ngay thẳng sáu năm dưới cội Đạo thụ ở Đạo Tràng, ta thành tựu Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác. Sau đó Ta dùng Phật nhãn để quán sát hết thảy các pháp, và quyết định có những Pháp chưa nên tuyên nói.

Vì sao thế? Bởi căn tính và điều mong muốn của các chúng sinh không giống nhau. Do căn tính và điều mong muốn của họ không giống nhau, nên Ta thuyết đủ mọi Pháp. Với sức phương tiện, tuy Ta thuyết đủ mọi Pháp trên 40 năm, nhưng chưa từng hiển lộ thật nghĩa. Thế nên, chúng sinh đắc Đạo cũng có sai khác, và họ không thể nhanh thành Đạo vô thượng.

Thiện nam tử! Pháp ví như nước, có thể tẩy trừ cấu uế. Chẳng kể là nước từ giếng, ao hồ, suối nước, dòng sông, khe nước, kênh nước, hay biển cả--thảy đều có thể tẩy trừ những cấu uế. Và cũng thế, nước Pháp cũng có thể tẩy trừ các phiền não cấu uế của chúng sinh.

Thiện nam tử! Mặc dầu tính của nước thì giống nhau, nhưng suối nước, dòng sông, giếng nước, ao hồ, khe nước, kênh nước, và biển cả mỗi đều khác nhau. Và cũng thế, tính của Pháp cũng có thể tẩy trừ trần lao--không chút sai khác. Tuy nhiên, Ba Pháp [Giáo Pháp, Hành Pháp, và Chứng Pháp], Bốn Quả của bậc Đạo Nhân, và Nhị Đạo [Kiến Đạo, Tu Đạo] thì chẳng giống nhau.

Thiện nam tử! Tuy nước đều có thể tẩy rửa, nhưng giếng nước thì không phải là ao hồ, ao hồ không phải là suối nước hay dòng sông, và khe nước hoặc kênh nước thì không phải là biển cả. Đối với các Pháp thuyết giảng của Như Lai Thế Hùng, bậc tự tại nơi tất cả pháp, cũng lại như thế. Mặc dầu lời dạy ở lúc đầu, lúc giữa, và lúc cuối đều có thể tẩy trừ phiền não của chúng sinh, nhưng lúc đầu chẳng phải là lúc giữa, và lúc giữa chẳng phải là lúc cuối. Mặc dầu lời dạy ở lúc đầu, lúc giữa, và lúc cuối đều dùng văn từ giống nhau, nhưng nghĩa lý của chúng thì khác biệt.



Thiện nam tử! Sau khi đứng dậy từ dưới cội Đạo thụ vương, Ta đi đến vườn Nai ở gần thành Lộc Dã và chuyển Pháp luân Bốn Thánh Đế để độ nhóm năm người của Tôn giả Giải Bổn Tế. Lúc ấy Ta cũng thuyết các pháp xưa nay vốn không tịch, biến đổi không ngừng, niệm niệm sinh diệt. Thời kỳ giảng dạy ở lúc giữa, Ta tuyên nói 12 Duyên Khởi và Sáu Độ ở khắp mọi nơi cho các vị Bhikṣu và chư Bồ-tát. Lúc ấy Ta cũng thuyết các pháp xưa nay vốn không tịch, biến đổi không ngừng, niệm niệm sinh diệt. Và bây giờ Ta diễn nói Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa, Ta cũng thuyết các pháp xưa nay vốn không tịch, biến đổi không ngừng, niệm niệm sinh diệt.

Bởi vậy, thiện nam tử! Mặc dầu lời dạy ở lúc đầu, lúc giữa, và lúc cuối đều dùng văn từ giống nhau, nhưng nghĩa lý của chúng thì khác biệt. Do nghĩa lý khác biệt nên sự hiểu biết của chúng sinh cũng khác. Do sự hiểu biết khác nhau nên họ đắc Pháp, đắc Quả, và đắc Đạo cũng khác.

Thiện nam tử! Thời kỳ giảng dạy ở lúc đầu, khi Ta thuyết Bốn Thánh Đế cho những người cầu Quả Thanh Văn, có tám ức chư thiên bay xuống để nghe Pháp và phát khởi Đạo tâm. Thời kỳ giảng dạy ở lúc giữa, khi Ta thuyết Pháp 12 Duyên Khởi ở khắp mọi nơi cho những người cầu Đạo Độc Giác, có vô lượng chúng sinh phát khởi Đạo tâm, hoặc trụ ở Quả Thanh Văn. Ta tiếp theo thuyết giảng các Kinh điển trong 12 bộ--như là Phương Quảng, Đại Trí Độ, và Hoa Nghiêm Hải Vân--để diễn nói sự tu hành của Bồ-tát trong nhiều kiếp, có trăm nghìn vị Bhikṣu, vạn ức hàng trời người, và vô lượng chúng sinh đắc Quả Nhập Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn, hay Đạo Ứng Chân, hoặc có vị trụ trong Pháp Nhân Duyên và đắc Đạo Độc Giác.

Thiện nam tử! Do đó phải biết rằng, tuy văn từ giống nhau nhưng nghĩa lý của chúng thì khác biệt. Do nghĩa lý khác biệt nên sự hiểu biết của chúng sinh cũng khác. Do sự hiểu biết khác nhau nên họ đắc Pháp, đắc Quả, và đắc Đạo cũng khác.

Vì thế, thiện nam tử! Sau khi đắc Đạo, kể từ lúc bắt đầu thuyết Pháp cho đến hôm nay diễn nói Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa, Ta chưa hề ngừng nghỉ để nói các pháp là khổ, không, vô thường, vô ngã, chẳng thật hay giả, chẳng lớn hay nhỏ, bổn lai chẳng sinh, nay cũng chẳng diệt. Tất cả đều là vô tướng, bởi pháp tính và pháp tướng chẳng đến chẳng đi. Tuy nhiên, chúng sinh thì vẫn cuốn theo bởi bốn tướng mà họ nhận thức nơi các pháp.

Thiện nam tử! Do bởi lẽ này nên chư Phật, bậc không bao giờ nói lời trái nghịch, có thể dùng một âm thanh để ứng khắp tất cả âm thanh, và có thể dùng một thân để hóa hiện tỷ ức nayuta [na du ta] vô lượng vô số Hằng Hà sa số thân. Trong mỗi thân lại có thể hóa hiện đủ mọi hình loại nhiều như số cát của vài tỷ ức nayuta vô số sông Hằng. Trong mỗi hình loại lại có thể hóa hiện vài tỷ ức nayuta vô số Hằng Hà sa số hình.

Thiện nam tử! Đây chính là cảnh giới thâm sâu không thể nghĩ bàn của chư Phật, chẳng phải hàng Nhị Thừa có thể biết, và cũng chẳng phải Bồ-tát ở Trụ Thứ Mười có thể lường. Duy Phật với Phật mới có thể hiểu rõ hoàn toàn.

Cho nên, thiện nam tử! Ta tuyên thuyết diệu lý chân chính và tôn quý tối thượng trong Kinh Vô Lượng Nghĩa của vô thượng Đại Thừa vi diệu thâm sâu, mà chư Phật ba đời đều cùng thủ hộ. Không có chúng ma và ngoại đạo nào có thể vào được, và nó cũng chẳng bị phá hoại bởi hết thảy tà kiến của sinh tử.

Nếu đại Bồ-tát nào muốn nhanh chứng Đạo vô thượng, họ nên tu học Kinh Vô Lượng Nghĩa của vô thượng Đại Thừa thâm sâu như thế."



Khi Phật nói lời ấy xong, Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới liền chấn động sáu cách. Trên không trung tự nhiên mưa xuống muôn loại hoa cõi trời, như là hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen vàng, và hoa sen trắng.

Lại mưa xuống vô số muôn loại hương cõi trời, y phục cõi trời, xâu chuỗi anh lạc cõi trời, và châu báu vô giá cõi trời. Chúng từ trên không trung xoay lượn rơi xuống để cúng dường Đức Phật cùng chư Bồ-tát và hàng Thanh Văn thánh chúng.

Lại có chén bát đựng đầy thức ăn trăm vị ở cõi trời. Tràng phan, lọng che, và nhạc khí vi diệu ở cõi trời được an trí ở khắp mọi nơi. Khi ấy âm nhạc cõi trời trỗi lên để tán thán Đức Phật.

Các thế giới nhiều như cát sông Hằng của chư Phật ở phương đông cũng lại chấn động sáu cách. Trên không trung cũng mưa xuống hương hoa cõi trời, y phục cõi trời, xâu chuỗi anh lạc cõi trời, và châu báu vô giá cõi trời. Lại có chén bát đựng đầy thức ăn trăm vị ở cõi trời. Tràng phan, lọng che, và nhạc khí vi diệu ở cõi trời được an trí ở khắp mọi nơi. Khi ấy âm nhạc cõi trời trỗi lên để tán thán Đức Phật cùng chư Bồ-tát và hàng Thanh Văn thánh chúng. Nam tây bắc phương, bốn hướng phụ, cùng phương trên và phương dưới cũng lại như vậy.

Bấy giờ trong đại chúng này có 32.000 vị đại Bồ-tát đắc Vô Lượng Nghĩa Chính Định. 34.000 vị đại Bồ-tát được vô lượng vô số môn tổng trì và có thể chuyển tất cả Pháp luân không thoái chuyển của chư Phật ba đời.

Bấy giờ các vị Bhikṣu, Bhikṣuṇī, Thanh Tín Nam, và Thanh Tín Nữ; trời, rồng, quỷ tiệp tật, tầm hương thần, phi thiên, kim sí điểu, nghi thần, và đại mãng xà; đại Chuyển Luân Vương và tiểu Chuyển Luân Vương, như là kim Chuyển Luân Vương và ngân Chuyển Luân Vương; cũng như quốc vương, vương tử, đại thần, dân chúng, nam nữ, trưởng giả, và cùng với một tỷ quyến thuộc, khi nghe Đức Phật Như Lai thuyết giảng Kinh này,

- có vị đắc Noãn Pháp, Đỉnh Pháp, Nhẫn Pháp, hay Thế Đệ Nhất Pháp;

- có vị đắc Quả Nhập Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn, hay Đạo Ứng Chân;

- có vị đắc Đạo Độc Giác;

- có vị đắc Vô Sinh Pháp Nhẫn của Bồ-tát;

- có vị đắc một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, hay mười môn tổng trì;

- có vị đắc một tỷ ức môn tổng trì;

- có vị đắc vô số môn tổng trì nhiều như vô lượng số cát trong vô số sông Hằng.

Tất cả đều có thể tùy thuận chuyển Pháp luân không thoái chuyển. Vô lượng chúng sinh phát tâm Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác.

☸ PHẨM 3: MƯỜI CÔNG ĐỨC

Lúc bấy giờ Đại Trang Nghiêm Đại Bồ-tát lại thưa với Phật rằng:

Thưa Thế Tôn! Ngài đã thuyết giảng Kinh Vô Lượng Nghĩa của vô thượng Đại Thừa vi diệu thâm sâu. Đây thật là thâm sâu và vô cùng thâm sâu.

Vì sao thế? Bởi chư đại Bồ-tát ở trong chúng hội đây, cùng bốn chúng đệ tử, trời, rồng, quỷ, thần, quốc vương, đại thần, dân chúng, và các chúng sinh, khi nghe Kinh Vô Lượng Nghĩa của vô thượng Đại Thừa thâm sâu, chẳng ai là không đắc các môn tổng trì, Ba Pháp, Bốn Quả của bậc Đạo Nhân, hoặc phát khởi Đạo tâm. Phải biết diệu lý chân chính và tôn quý tối thượng trong Kinh này được chư Phật ba đời đều cùng thủ hộ. Không có chúng ma và ngoại đạo nào có thể vào được, và nó cũng chẳng bị phá hoại bởi hết thảy tà kiến của sinh tử.

Vì sao thế? Bởi ai nghe qua chỉ một lần, họ có thể trì tất cả Pháp.

Nếu có chúng sinh nào nghe được Kinh này, họ sẽ được lợi ích to lớn.

Vì sao thế? Bởi nếu có thể tu hành như Pháp, họ tất sẽ nhanh được thành tựu Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác.

Nếu có chúng sinh nào chẳng nghe Kinh này, thì phải biết đó là một sự mất mát lớn lao cho họ. Dẫu có trải qua vô lượng vô biên vô số kiếp chẳng thể nghĩ bàn, họ vẫn không thành Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác.

Vì sao thế? Bởi chẳng biết con đường lớn thẳng tiến đến tuệ giác, họ đi trên hiểm lộ nên gặp nhiều ách nạn.

Thưa Thế Tôn! Kinh này thật chẳng thể nghĩ bàn! Kính mong Thế Tôn từ bi vì đại chúng mà rộng diễn nói những việc chẳng thể nghĩ bàn của Kinh điển thâm sâu này.

Thưa Thế Tôn! Kinh này từ đâu đến, sẽ đi tới nơi nào, và trụ ở nơi đâu, mà có vô lượng công đức với sức chẳng thể nghĩ bàn để khiến chúng sinh nhanh thành Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác như thế?"



Lúc bấy giờ Thế Tôn bảo Đại Trang Nghiêm Đại Bồ-tát rằng:

"Lành thay, lành thay, thiện nam tử! Như thị, như thị! Đúng như lời ông nói.

Thiện nam tử! Ta nói Kinh này thật là thâm sâu và vô cùng thâm sâu.

Vì sao thế?

- Bởi nó có thể khiến chúng sinh nhanh thành Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác.

- Bởi ai nghe qua chỉ một lần, họ có thể trì tất cả Pháp.

- Bởi nó mang đến lợi ích to lớn cho các chúng sinh.

- Bởi ai đi trên con đường thẳng lớn này, họ sẽ không gặp ách nạn.

Thiện nam tử! Ông đã hỏi Kinh này là từ đâu đến, sẽ đi tới nơi nào, và trụ ở nơi đâu? Ông hãy lắng nghe.

Thiện nam tử! Kinh này vốn từ trong cung điện của chư Phật mà đến, sẽ đi tới hết thảy chúng sinh nào phát khởi Đạo tâm, và trụ ở nơi tu hành của chư Bồ-tát.

Thiện nam tử! Kinh này đến như vậy, đi như vậy, và trụ như vậy. Cho nên Kinh này mới có vô lượng công đức với sức chẳng thể nghĩ bàn để khiến chúng sinh nhanh thành Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác như thế.

Thiện nam tử! Kinh này lại có mười sức công đức chẳng thể nghĩ bàn, ông có muốn nghe chăng?"

Ngài Đại Trang Nghiêm thưa rằng:

"Dạ, con vui thích muốn nghe!"



Đức Phật bảo:

"Thiện nam tử! Sức công đức không thể nghĩ bàn thứ nhất của Kinh này là:

- có thể khiến Bồ-tát nào chưa phát khởi Đạo tâm sẽ phát khởi Đạo tâm;

- có thể khiến những ai chẳng có lòng nhân từ sẽ khởi lòng nhân từ;

- có thể khiến những ai thích gϊếŧ chóc sẽ khởi tâm đại bi;

- có thể khiến những ai hay đố kỵ sẽ khởi tâm tùy hỷ;

- có thể khiến những ai tham ái và chấp trước sẽ có thể khởi tâm buông xả;

- có thể khiến những ai keo kiệt sẽ khởi tâm bố thí;

- có thể khiến những ai lắm kiêu mạn sẽ khởi tâm trì giới;

- có thể khiến những ai đầy sân hận sẽ khởi tâm nhẫn nhục ;

- có thể khiến những ai ưa lười biếng sẽ khởi tâm tinh tấn;

- có thể khiến những ai tán loạn sẽ khởi tâm thiền định;

- có thể khiến những ai si mê sẽ khởi tâm diệu tuệ;

- có thể khiến những ai chưa có thể độ người khác sẽ khởi tâm độ người khác;

- có thể khiến những ai làm mười nghiệp ác sẽ khởi tâm làm Mười Nghiệp Lành;

- có thể khiến những ai thích pháp hữu vi sẽ khởi tâm vô vi;

- có thể khiến những ai thoái chuyển sẽ khởi tâm không thoái chuyển;

- có thể khiến những ai có hữu lậu sẽ khởi tâm vô lậu;

- và có thể khiến những ai nhiều phiền não sẽ khởi tâm diệt trừ.

Thiện nam tử! Đây gọi là sức công đức không thể nghĩ bàn thứ nhất của Kinh này.



Thiện nam tử! Sức công đức không thể nghĩ bàn thứ nhì của Kinh này là:

Nếu có chúng sinh nào nghe được Kinh này một lần, hoặc chỉ một bài kệ, hay cho đến chỉ một câu, họ sẽ có thể thông đạt trăm nghìn ức nghĩa, mà suốt vô lượng số kiếp họ chẳng thể diễn nói Pháp đã thọ trì.

Vì sao thế? Bởi Pháp trong Kinh này có vô lượng nghĩa.

Thiện nam tử! Kinh này ví như từ một hạt giống sinh ra một tỷ hạt giống. Rồi từ trong một tỷ hạt giống, mỗi hạt giống lại sinh ra một tỷ hạt giống khác. Triển chuyển như thế cho đến vô lượng. Kinh điển này thì cũng lại như vậy. Từ một Pháp sinh ra trăm nghìn nghĩa. Rồi từ trong trăm nghìn nghĩa, mỗi nghĩa lại sinh ra một tỷ nghĩa khác. Triển chuyển như thế cho đến vô lượng vô biên nghĩa. Cho nên Kinh này gọi là Vô Lượng Nghĩa.

Thiện nam tử! Đây gọi là sức công đức không thể nghĩ bàn thứ nhì của Kinh này.



Thiện nam tử! Sức công đức không thể nghĩ bàn thứ ba của Kinh này là:

Nếu có chúng sinh nào đã nghe được Kinh này một lần, hoặc một bài kệ hay cho đến chỉ một câu, họ sẽ có thể thông đạt trăm nghìn ức nghĩa. Mặc dầu họ vẫn có phiền não, nhưng sẽ như chẳng có phiền não. Họ sẽ trải qua sinh tử với tâm tưởng không có sợ hãi. Họ sẽ khởi lòng thương xót đối với các chúng sinh. Đối với tất cả pháp, họ sẽ được ý chí dũng mãnh.

Đây ví như vị tráng sĩ khỏe mạnh có thể gánh vác những đồ vật nặng. Người trì Kinh này thì cũng lại như vậy. Họ có thể gánh vác châu báu nặng của Đạo vô thượng và cõng mang chúng sinh ra khỏi đường sinh tử. Mặc dầu họ chưa có thể tự độ, nhưng đã có thể độ người khác.

Đây ví như vị thuyền trưởng ở bờ bên này do thân mắc trọng bệnh và tứ chi không còn linh hoạt, nhưng ngài có một chiếc thuyền vững chắc rất tốt được chuyên dùng chở người qua bờ, và ngài đã đưa nó cho người khác để lái đi. Người trì Kinh này thì cũng lại như vậy. Mặc dầu họ lưu chuyển trong năm đường, với các thân hữu lậu thường luôn bị 108 trọng bệnh siết trói và phải trú ở vô minh của bờ sinh tử bên này, nhưng người ấy có Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa kiên cố này và có thể độ chúng sinh. Hễ ai như thuyết tu hành, thì họ sẽ ra khỏi sinh tử.

Thiện nam tử! Đây gọi là sức công đức không thể nghĩ bàn thứ ba của Kinh này.



Thiện nam tử! Sức công đức không thể nghĩ bàn thứ tư của Kinh này là:

Nếu có chúng sinh nào nghe được Kinh này một lần, hoặc một bài kệ hay cho đến chỉ một câu, thì họ sẽ được ý chí dũng mãnh. Tuy chưa có thể tự độ, nhưng họ sẽ có thể độ người khác và với chư Bồ-tát làm quyến thuộc. Chư Phật Như Lai sẽ thường diễn nói Pháp cho người ấy. Khi nghe rồi, người ấy đều có thể thọ trì và tùy thuận chẳng nghịch. Họ lại triển chuyển và tùy lúc mà rộng nói cho người khác.

Thiện nam tử! Người ấy ví như vị vương tử mới chào đời của quốc vương và vương hậu. Hoặc đã lớn lên được một ngày, hai ngày, hay cho đến bảy ngày; hoặc được một tháng, hai tháng, hay cho đến bảy tháng; hoặc được một tuổi, hai tuổi, hay cho đến bảy tuổi. Mặc dầu vẫn chưa có thể xử lý quốc sự, nhưng tiểu vương tử đã được quần thần và dân chúng cung kính. Tiểu vương tử sẽ được làm bạn lữ với các vương tử lớn, được vua cha và mẫu hậu với lòng thương yêu tha thiết thường hay cùng chuyện trò.

Vì sao thế? Bởi tiểu vương tử còn rất nhỏ.

Thiện nam tử! Người trì Kinh này thì cũng lại như vậy. Chư Phật ví như đức vua và Kinh này ví như vương hậu. Với sự hòa hợp nên cùng sinh ra người con là Bồ-tát.

Nếu có Bồ-tát nào nghe được Kinh này--hoặc một câu hay một bài kệ, hoặc một lần hay hai lần, hoặc 10, 100, 1.000, 10.000, ức vạn ức, hay cho đến vô lượng vô số lần nhiều như cát sông Hằng--tuy vẫn chưa có thể liễu giải chân lý tối diệu, và tuy vẫn chưa có thể chuyển đại Pháp luân với Phạm âm như sấm rền để chấn động Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, nhưng họ đã được tất cả bốn chúng đệ tử cùng thiên long bát bộ kính ngưỡng, và với chư đại Bồ-tát làm quyến thuộc. Họ vào sâu Pháp bí mật của chư Phật và lời thuyết giảng đều chẳng trái nghịch hay sai lầm. Bởi họ là những đệ tử mới học Pháp, nên luôn được chư Phật hộ niệm và từ bi che chở.

Thiện nam tử! Đây gọi là sức công đức không thể nghĩ bàn thứ tư của Kinh này.



Thiện nam tử! Sức công đức không thể nghĩ bàn thứ năm của Kinh này là:

Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào, mà lúc Phật còn tại thế hay sau khi đã diệt độ, mà thọ trì đọc tụng và biên chép Kinh Vô Lượng Nghĩa của vô thượng Đại Thừa thâm sâu này, mặc dầu người ấy vẫn còn đầy phiền não bủa vây và vẫn chưa có thể xa rời các việc của phàm phu, nhưng họ sẽ có thể thị hiện Phật Đạo quảng đại. Họ có thể kéo dài 1 ngày thành 100 kiếp và thu giảm 100 kiếp thành 1 ngày để khiến các chúng sinh kia hoan hỷ tín thọ.

Thiện nam tử! Các thiện nam tử và thiện nữ nhân đó ví như con của rồng, chỉ mới sinh bảy ngày thì liền có thể nổi mây và cũng có thể làm mưa.

Thiện nam tử! Đây gọi là sức công đức không thể nghĩ bàn thứ năm của Kinh này.



Thiện nam tử! Sức công đức không thể nghĩ bàn thứ sáu của Kinh này là:

Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào, mà lúc Phật còn tại thế hay sau khi đã diệt độ, mà thọ trì đọc tụng Kinh điển này, mặc dầu vẫn còn đầy phiền não, nhưng người ấy sẽ có thể thuyết Pháp để khiến chúng sinh xa rời sinh tử phiền não và đoạn trừ mọi thống khổ. Khi chúng sinh nghe rồi và tu hành, họ đắc Pháp, đắc Quả, và đắc Đạo cũng như được dạy chính từ chư Phật Như Lai--không chút sai khác.

Đây ví như tiểu vương tử, tuy vẫn còn rất nhỏ, nhưng nếu trong lúc vua cha đi tuần du hay đang mắc bệnh, ngài sẽ ủy thác quốc sự cho vị vương tử đó xử lý. Bấy giờ vương tử y theo chiếu chỉ của phụ vương mà quản lý triều chính đúng phép để mang đến thịnh vượng. Vương quốc và nhân dân sẽ sống an bình như vua cha trị vì--không chút sai khác. Các thiện nam tử và thiện nữ nhân thọ trì Kinh này cũng lại như vậy. Nếu đương lúc Phật còn tại thế hay sau khi đã diệt độ, tuy vẫn chưa được trụ ở Hoan Hỷ Địa, nhưng họ sẽ có thể nương theo lời dạy của Phật mà diễn giải giáo Pháp. Khi chúng sinh nghe rồi và nhất tâm tu hành, họ sẽ đoạn trừ phiền não, đắc Pháp, đắc Quả, và cho đến đắc Đạo.

Thiện nam tử! Đây gọi là sức công đức không thể nghĩ bàn thứ sáu của Kinh này.



Thiện nam tử! Sức công đức không thể nghĩ bàn thứ bảy của Kinh này là:

Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào, mà lúc Phật còn tại thế hay sau khi đã diệt độ, khi nghe được Kinh này mà lòng hoan hỷ tín mến, sinh tâm hy hữu, rồi thọ trì đọc tụng, biên chép giảng giải. Họ lại như Pháp tu hành, phát khởi Đạo tâm, phát triển các căn lành, và khởi lòng đại bi để muốn độ tất cả chúng sinh khổ não. Tuy họ vẫn chưa tu hành Sáu Độ, nhưng Sáu Độ sẽ tự nhiên hiện ra ở trước và liền đắc Vô Sinh Nhẫn. Ngay khi ấy, phiền não của sinh tử lập tức đoạn trừ. Họ liền thăng lên Địa Thứ Bảy và ngồi vào vị trí của đại Bồ-tát.

Đây ví như có một người dũng mãnh dẹp trừ oán địch cho vua. Sau khi dẹp xong oán địch, nhà vua rất vui mừng, phong thưởng một nửa lĩnh thổ và ban cho mọi thứ. Thiện nam tín nữ thọ trì Kinh này cũng lại như vậy. Trong số người tu hành, họ là bậc dũng mãnh nhất. Khi ấy, Pháp bảo Sáu Độ không cầu tự đến và sinh tử oán địch tự nhiên diệt trừ. Họ sẽ chứng Vô Sinh Nhẫn và được phong thưởng một nửa cõi Phật báu để sống an vui.

Thiện nam tử! Đây gọi là sức công đức không thể nghĩ bàn thứ bảy của Kinh này.



Thiện nam tử! Sức công đức không thể nghĩ bàn thứ tám của Kinh này là:

Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào, mà lúc Phật còn tại thế hay sau khi đã diệt độ, khi có được Kinh điển này, người ấy tín thọ và tôn kính như thân của Phật--không chút sai khác. Họ yêu mến Kinh này, thọ trì đọc tụng, biên chép, đội mang trên đỉnh đầu, và như Pháp phụng hành. Với trì giới và nhẫn nhục kiên cố, họ còn thực hành Bố Thí Độ. Họ phát lòng từ bi thâm sâu và rộng giảng Kinh Vô Lượng Nghĩa của vô thượng Đại Thừa này cho người khác.

Nếu thính giả trước khi đến là những người đều chẳng tin có nghiệp tội hay phúc báo, vị ấy sẽ dùng Kinh này và thiết lập mọi phương tiện mà chỉ dẫn để khiến họ tin tưởng. Do bởi uy lực của Kinh, nên sẽ khiến cho tâm của những người bất tín này hốt nhiên quay về. Một khi phát khởi tín tâm, họ sẽ tinh tấn dũng mãnh. Do uy lực và uy đức của Kinh này, họ sẽ đắc Đạo và đắc Quả.

Và như thế, các thiện nam tử và thiện nữ nhân đó liền ở trong đời hiện tại đắc Vô Sinh Pháp Nhẫn và thăng lên Địa cao hơn. Chư Bồ-tát là quyến thuộc của họ. Họ sẽ nhanh có thể giáo hóa thành tựu chúng sinh, thanh tịnh Phật độ, và không lâu sẽ chứng đắc Đạo vô thượng.

Thiện nam tử! Đây gọi là sức công đức không thể nghĩ bàn thứ tám của Kinh này.



Thiện nam tử! Sức công đức không thể nghĩ bàn thứ chín của Kinh này là:

Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào, mà lúc Phật còn tại thế hay sau khi đã diệt độ, khi có được Kinh điển này, họ vui mừng hớn hở và được điều chưa từng có, rồi thọ trì đọc tụng, biên chép cúng dường, và rộng phân biệt giảng giải nghĩa lý của Kinh này cho người khác, thì những nghiệp ác và trọng chướng còn sót lại ở đời trước sẽ đồng thời diệt sạch. Họ liền được thanh tịnh và có đại biện tài, tuần tự chứng các Pháp Đến Bờ Kia, và đắc các môn chính định. Với Cứu Cánh Kiên Cố Chính Định, họ sẽ vào môn đại tổng trì. Khi đã được sức tinh tấn chuyên cần, họ sẽ nhanh thăng lên Địa cao hơn. Họ sẽ khéo có thể phân thân đến khắp các cõi nước trong mười phương để cứu vớt tất cả chúng sinh trong 25 cõi, và đều khiến họ giải thoát. Cho nên, Kinh này có uy lực như thế.

Thiện nam tử! Đây gọi là sức công đức không thể nghĩ bàn thứ chín của Kinh này.



Thiện nam tử! Sức công đức không thể nghĩ bàn thứ mười của Kinh này là:

Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào, mà lúc Phật còn tại thế hay sau khi đã diệt độ, khi có được Kinh điển này, họ rất vui mừng và sinh tâm hy hữu, rồi liền tự mình thọ trì đọc tụng, biên chép cúng dường, và như thuyết tu hành. Họ lại có thể rộng khuyên người tại gia lẫn hàng xuất gia thọ trì, đọc tụng, biên chép, cúng dường, giảng giải và như Pháp tu hành. Khi những người ấy tu hành và do bởi uy lực của Kinh này, họ sẽ đắc Đạo hoặc đắc Quả. Sự thành tựu của họ đều là do lòng từ bi và nỗ lực khuyên nhủ của các thiện nam tử và thiện nữ nhân đó.

Các thiện nam tử và thiện nữ nhân đó sẽ chứng vô lượng môn tổng trì ngay trong đời hiện tại. Mặc dầu còn ở địa vị phàm phu, nhưng họ sẽ tự nhiên có thể phát vô lượng vô số đại hoằng thệ nguyện để rộng cứu độ hết thảy chúng sinh. Họ thành tựu đại bi, rộng có thể cứu khổ, và vun bồi căn lành để làm lợi ích cho tất cả. Họ diễn nói Pháp vị để thấm nhuần chúng sinh khô héo và dùng Pháp dược ban cho các chúng sinh để tất cả được an vui. Họ sẽ dần dần thăng lên Pháp Vân Địa. Kể từ đó, ân huệ với từ bi sẽ rưới khắp không chướng ngại, và nhϊếp độ chúng sinh khổ đau để khiến họ tiến vào Chính Đạo. Cho nên, người ấy không lâu sẽ được thành Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác.

Thiện nam tử! Đây gọi là sức công đức không thể nghĩ bàn thứ mười của Kinh này.



Thiện nam tử! Kinh Vô Lượng Nghĩa của vô thượng Đại Thừa này có sức uy thần cực đại và tôn quý tối thượng. Nó có thể khiến các phàm phu đều thành tựu thánh Quả và lìa xa sinh tử vĩnh viễn để được tự tại. Do đó Kinh này mới tên là Vô Lượng Nghĩa. Nó có thể khiến tất cả chúng sinh ở địa vị phàm phu sinh khởi vô lượng mầm Đạo của chư Bồ-tát. Nó có thể khiến cây công đức tươi tốt và trợ giúp tăng trưởng. Bởi vậy, Kinh này gọi là Mười Sức Công Đức Không Thể Nghĩ Bàn."

Khi ấy, Đại Trang Nghiêm Đại Bồ-tát và 80.000 vị đại Bồ-tát liền đồng thanh thưa với Phật rằng:

"Thưa Thế Tôn! Đức Phật tuyên thuyết diệu lý chân chính và tôn quý tối thượng trong Kinh Vô Lượng Nghĩa của vô thượng Đại Thừa vi diệu thâm sâu, mà chư Phật ba đời đều cùng thủ hộ. Không có chúng ma và ngoại đạo nào có thể vào được, và nó cũng chẳng bị phá hoại bởi hết thảy tà kiến của sinh tử. Cho nên Kinh này mới có mười loại sức công đức không thể nghĩ bàn như thế để làm lợi ích rộng lớn đến vô lượng hết thảy chúng sinh. Nó có thể khiến tất cả chư đại Bồ-tát đắc Vô Lượng Nghĩa Chính Định. Có vị đắc vô lượng trăm nghìn môn tổng trì. Có vị đắc các Địa và các Nhẫn của Bồ-tát. Có vị đắc Đạo Duyên Giác, hoặc chứng Bốn Quả của bậc Đạo Nhân.

Với lòng từ mẫn, Thế Tôn đã khéo thuyết Pháp này để khiến chúng con có được lợi ích to lớn của Pháp. Đây thật là kỳ đặc và chưa từng có bao giờ. Ân huệ từ bi của Thế Tôn thật khó có thể báo đáp."



Bấy giờ Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới chấn động sáu cách. Ở trên không trung lại mưa xuống muôn loại hoa cõi trời, như là hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen vàng, và hoa sen trắng.

Lại mưa xuống vô số muôn loại hương cõi trời, y phục cõi trời, xâu chuỗi anh lạc cõi trời, và châu báu vô giá cõi trời. Chúng từ trên không trung xoay lượn rơi xuống để cúng dường Đức Phật cùng chư Bồ-tát và hàng Thanh Văn thánh chúng.

Lại có chén bát đựng đầy thức ăn trăm vị ở cõi trời; phàm ai thấy sắc và ngửi hương thì tự nhiên no đủ. Tràng phan, lọng che, và nhạc khí vi diệu ở cõi trời được an trí ở khắp mọi nơi. Khi ấy âm nhạc cõi trời trỗi lên để tán thán Đức Phật.

Các thế giới nhiều như cát sông Hằng của chư Phật ở phương đông cũng lại chấn động sáu cách. Trên không trung cũng mưa xuống hương hoa cõi trời, y phục cõi trời, xâu chuỗi anh lạc cõi trời, và châu báu vô giá cõi trời. Lại có chén bát đựng đầy thức ăn trăm vị ở cõi trời; phàm ai thấy sắc và ngửi hương thì tự nhiên no đủ. Tràng phan, lọng che, và nhạc khí vi diệu ở cõi trời được an trí ở khắp mọi nơi. Khi ấy âm nhạc cõi trời trỗi lên để tán thán Đức Phật cùng chư Bồ-tát và hàng Thanh Văn thánh chúng. Nam tây bắc phương, bốn hướng phụ, cùng phương trên và phương dưới cũng lại như vậy.



Lúc bấy giờ Phật bảo Đại Trang Nghiêm Đại Bồ-tát và 80.000 vị đại Bồ-tát rằng:

"Các ông nên khởi lòng cung kính thâm sâu đối với Kinh này và như Pháp tu hành. Hãy rộng giáo hóa tất cả, hết lòng lưu truyền Kinh này, và ngày đêm phải luôn ân cần thủ hộ để khiến khắp chúng sinh có được lợi ích của Pháp.

Các ông thật là đại từ đại bi! Hãy dùng thần thông nguyện lực mà thủ hộ Kinh này. Đừng cho phép nó rơi vào sự hoài nghi mà khiến phải đình trệ. Ở vào đời vị lai, các ông hãy rộng lưu hành đến khắp châu Thắng Kim để khiến tất cả chúng sinh được thấy nghe, đọc tụng, biên chép, và cúng dường. Và do thực hành như thế, nó cũng sẽ giúp các ông nhanh đắc Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác."

Khi ấy Đại Trang Nghiêm Đại Bồ-tát và 80.000 vị đại Bồ-tát, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến chỗ của Phật, cúi đầu đỉnh lễ với trán chạm sát chân của Phật, nhiễu quanh trăm nghìn vòng, rồi liền quỳ gối phải ở trước.

Họ đồng thanh thưa với Phật rằng:

"Thưa Thế Tôn! Chúng con thật may mắn được Thế Tôn từ mẫn thuyết giảng Kinh Vô Lượng Nghĩa của vô thượng Đại Thừa vi diệu thâm sâu cho chúng con. Chúng con xin kính thọ giáo sắc của Phật.

Sau khi Như Lai diệt độ, chúng con sẽ rộng lưu truyền Kinh điển này để khiến tất cả thọ trì đọc tụng và biên chép cúng dường. Kính mong Thế Tôn chớ lo lắng. Chúng con sẽ dùng nguyện lực để làm cho hết thảy chúng sinh thấy nghe, đọc tụng, biên chép, cúng dường, và được sức uy thần của Kinh Pháp này."

Bấy giờ Đức Phật ngợi khen rằng:

"Lành thay, lành thay, các thiện nam tử! Các ông nay đích thật là con của Phật. Với lòng đại từ đại bi, các ông rộng có thể cứu vớt chúng sinh ra khỏi khổ ách. Các ông là phúc điền tốt lành của hết thảy chúng sinh, rộng làm vị đạo sư giỏi cho tất cả, là nơi nương tựa rộng lớn của hết thảy chúng sinh, là vị đại thí chủ của hết thảy chúng sinh, và luôn dùng lợi ích của Pháp để rộng bố thí cho tất cả."

Lúc đó, đại chúng trong Pháp hội đều rất vui mừng. Họ thọ trì lời Phật dạy, đỉnh lễ và cáo lui.

Kinh Vô Lượng Nghĩa

Dịch sang cổ văn: Pháp sư Pháp Sinh Xưng ở Thế Kỷ 5-6

Dịch sang tiếng Việt: Tại gia Bồ-tát giới Thanh tín nam Nguyên Thuận

Dịch nghĩa: 20/5/2014 ◊ Cập nhật: 9/6/2021

☸ Cách đọc âm tiếng Phạn

Bhikṣu: bíc su

Bhikṣuṇī: bíc su ni

nayuta: na du ta