Đại Tạng Kinh

Chương 54: Kinh Ơn Cha Mẹ Khó Báo Đáp

Kinh Ơn Cha Mẹ Khó Báo Đáp

TÔI NGHE NHƯ VẦY:

Một thuở nọ, Đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, trong Rừng cây Chiến Thắng gần thành Phong Đức.

Lúc bấy giờ Thế Tôn bảo các vị Bhikṣu [bíc su] rằng:

"Cha mẹ có một ân huệ rất lớn đối với con cái, như là cho bú, nuôi nấng, và chăm lo tùy theo thời tiết của mỗi mùa để khiến bốn đại của chúng điều hòa và khôn lớn.

Dẫu có ai dùng vai phải vác cha, vai trái vác mẹ, dẫu cho song thân có đại tiểu tiện trên lưng đi nữa nhưng vẫn không chút oán hờn, và họ làm như thế suốt cả nghìn năm, thì người con đó vẫn chưa báo đáp hết thâm ân của cha mẹ.

Nếu cha mẹ chưa tin Tam Bảo, hãy khuyên họ kính tin Tam Bảo để có được nơi an lành.

Nếu cha mẹ chưa giữ giới, hãy dạy họ thọ giới để có được nơi an lành.

Nếu cha mẹ chưa nghe Pháp, hãy dạy họ nghe Pháp để có được nơi an lành.

Nếu cha mẹ keo kiệt, hãy khuyên bảo và dạy họ vui thích bố thí để có được nơi an lành.

Nếu cha mẹ không trí tuệ, hãy khuyên bảo và dạy họ trí tuệ để có được nơi an lành.

Nếu ai làm được như vậy, thì mới gọi là vâng lời dạy của Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Hãy khuyên cha mẹ tín thọ giáo Pháp để có được nơi an lành. Tuy Phật Pháp rất sâu xa, nhưng hễ ai tu hành thì sẽ có thể đắc Quả ở đời hiện tại. Do nghĩa lý của nó rất thâm sâu, cho nên những ai có trí tuệ thì mới thông hiểu các hạnh môn này.

Hãy khuyên cha mẹ kính tin thánh chúng. Thánh chúng của Như Lai rất thanh tịnh, chính trực, không xảo ngụy, luôn hòa hợp, thành tựu các Pháp, thành tựu giới, thành tựu định, thành tựu tuệ, thành tựu giải thoát, và thành tựu giải thoát tri kiến. Thánh chúng tức là những vị trong Bốn Đôi Tám Bậc. Do thánh chúng của Như Lai là tôn quý bậc nhất, cho nên phải tôn phụng và kính ngưỡng. Họ là phúc điền vô thượng của thế gian.

Vì vậy, tất cả con cái đều nên khuyên cha mẹ của mình tu hành từ tâm.

Các vị Bhikṣu có hai người con. Một người là sinh thành và một người là dưỡng dục. Cho nên mới gọi là các vị Bhikṣu có hai người con.

Bởi vậy, các vị Bhikṣu nên học như hai đấng sinh thành. Trong miệng lúc nào cũng vang ra Pháp vị. Các vị Bhikṣu hãy học và thực hành như vậy."

Lúc bấy giờ, khi các vị Bhikṣu nghe Phật nói, họ hoan hỷ phụng hành.

Kinh Ơn Cha Mẹ Khó Báo Đáp

Dịch sang cổ văn: Pháp sư An Thế Cao ở Thế Kỷ 2

Dịch sang tiếng Việt: Tại gia Bồ-tát giới Thanh tín nam Nguyên Thuận

Dịch nghĩa: 5/9/2013 ◊ Cập nhật: 19/8/2021

☸ Cách đọc âm tiếng Phạn

Bhikṣu: bíc su