Đại Tạng Kinh

Chương 51: Kinh Cứu Đảo Huyền

Kinh Cứu Đảo Huyền

TÔI NGHE NHƯ VẦY:

Một thuở nọ, Đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, trong Rừng cây Chiến Thắng gần thành Phong Đức. Khi ấy, Tôn giả Đại Thải Thục Thị vừa mới đắc sáu loại thần thông. Vì muốn cứu độ cha mẹ để báo đáp ơn sinh thành dưỡng dục, nên ngài liền dùng Đạo nhãn xem xét thế gian, thì thấy mẹ mình sinh trong loài ngạ quỷ, không có thức ăn nước uống và chỉ còn da bọc xương. Thấy vậy, Tôn Giả đau xót thảm thiết. Ngài lập tức cầm bát đựng đầy cơm và đi đến dâng lên cho mẹ. Khi được bát cơm, bà liền lấy tay trái che, còn tay phải bốc ăn. Nhưng trước khi vào miệng, thức ăn đã hóa thành than lửa nên nào có ăn được. Tôn Giả kêu gào và khóc than buồn bã. Ngài vội quay về và trần thuật tường tận việc này với Phật.



Đức Phật bảo:

"Mẹ ông tội căn thâm trọng. Tuy tiếng hiếu thảo của ông vang động đất trời nhưng sức lực của một mình ông vẫn không đủ. Dẫu cho là sức lực của thiên thần, địa thần, tà ma, ngoại đạo, Đạo sĩ, và Bốn Vị Thiên Vương thì cũng chẳng thể cứu giúp. Phải cần đến sức uy thần của mười phương Tăng thì mới được giải thoát.

Ta nay sẽ dạy ông Pháp cứu tế, để khiến tất cả những ai đang gặp hoạn nạn đều xa rời ưu phiền khổ não, tội chướng tiêu trừ."

Phật bảo Tôn giả Đại Thải Thục Thị:

"Rằm tháng Bảy là ngày Tự Tứ của mười phương Tăng. Những ai vì cha mẹ trong bảy đời cùng cha mẹ hiện tại đang gặp ách nạn, họ nên chuẩn bị những cái khay đựng đầy thức ăn trăm vị và trái cây năm thứ, cũng như hương dầu, đèn thắp, giường nệm, hoặc các đồ tốt nhất trên đời mà cúng dường đại đức chư Tăng trong mười phương.

Hết thảy thánh chúng vào ngày đó, hoặc ở trên núi tu thiền định, hoặc đắc bốn Đạo Quả, hoặc kinh hành dưới gốc cây, hoặc những vị với sáu loại thần thông mà tự tại giáo hóa Thanh Văn và Duyên Giác, hoặc chư Bồ-tát đã chứng Địa Thứ Mười với quyền xảo mà thị hiện làm Bhikṣu [bíc su] giữa đại chúng--tất cả đều phải đồng nhất tâm thọ bát cơm của ngày Tự Tứ, thì sẽ đầy đủ tịnh giới của thánh Đạo, đức hạnh sâu thẳm.

Nếu có ai cúng dường cho chư Tăng vào ngày Tự Tứ, thì cha mẹ hiện tại cùng cha mẹ trong bảy đời và lục thân quyến thuộc sẽ thoát khỏi khổ ách của ba đường ác. Ngay lúc đó, họ sẽ được giải thoát--y phục và thức ăn sẽ tự nhiên hiện ra. Giả như cha mẹ của người ấy vẫn còn sống thì sẽ thọ hưởng phúc lạc và sống lâu trăm tuổi. Còn cha mẹ trong bảy đời sẽ sinh thiên. Họ sẽ tự tại hóa sinh vào thiên hoa quang và thọ hưởng vô lượng vui sướиɠ."

Lúc bấy giờ Phật ban giáo sắc cho mười phương chư Tăng:

"Trước tiên, chư Tăng đều phải vì gia đình của thí chủ mà chú nguyện cho cha mẹ bảy đời của họ. Phải nhϊếp tâm định ý, rồi sau đó mới thọ thực. Lúc vừa tiếp nhận khay cúng dường, trước hết hãy đặt ở trước tháp của Phật. Khi chư Tăng đã chú nguyện xong thì sau đó mới thọ dùng."

Khi ấy Bhikṣu Đại Thải Thục Thị cùng chư đại Bồ-tát ở trong Pháp hội này đều vui mừng khôn xiết, và tiếng than khóc của Tôn Giả cũng chấm dứt. Chính vào ngày hôm đó, mẹ của Tôn Giả được thoát miễn khổ ách mà bà đã trải qua một kiếp làm ngạ quỷ.



Lúc bấy giờ Tôn giả Đại Thải Thục Thị lại bạch Phật rằng:

"[Bạch Thế Tôn!] Cha mẹ của đệ tử nhờ sức công đức của Tam Bảo và sức uy thần của chư Tăng mà được giải thoát. Vào đời vị lai, nếu hết thảy những đệ tử hiếu thuận nào của Phật mà muốn dâng lên những cái khay đựng phẩm vật cúng dường, thì cha mẹ hiện tại và cho đến cha mẹ trong bảy đời của họ có được cứu độ chăng?"

Đức Phật bảo:

"Lành thay! Ta rất vui khi ông hỏi điều đó. Ta sắp muốn nói thì ông lại hỏi ngay.

Thiện nam tử! Nếu có những vị Bhikṣu, Bhikṣuṇī [bíc su ni], quốc vương, thái tử, vương tử, đại thần, tể tướng, văn võ bách quan, hay lê dân bách tính nào muốn thực hành lòng từ hiếu thảo đối với cha mẹ hiện tại và cha mẹ trong bảy đời quá khứ, thì vào rằm tháng Bảy là ngày Phật Hoan Hỷ và ngày Tự Tứ của chư Tăng, họ đều nên đặt ẩm thực trăm vị vào trong những cái khay và dâng cúng cho mười phương Tăng hiện đang tham dự trong ngày Tự Tứ. Họ nên cầu nguyện để khiến cho cha mẹ hiện tại sống lâu trăm tuổi, không bệnh, và không có mọi thứ khổ não loạn. Thậm chí đối với cha mẹ trong bảy đời, thì cũng mong họ xa rời nỗi thống khổ làm ngạ quỷ và được sinh trong cõi trời hay nhân gian để thọ hưởng vô biên phúc lạc."



Phật bảo các thiện nam tử và thiện nữ nhân:

"Các đệ tử nào của Phật tu tập hiếu thuận thì nên trong niệm niệm phải luôn nhớ về cha mẹ và cũng như cúng dường cha mẹ trong bảy đời. Cứ mỗi năm vào ngày rằm tháng Bảy, với tấm lòng từ luôn hiếu thảo cùng nhớ tưởng đến cha mẹ trong đời này và cho đến cha mẹ trong bảy đời, họ hãy chuẩn bị những cái khay đựng phẩm vật cúng dường mà dâng lên Phật cùng chư Tăng. Làm như thế mới là báo đáp ơn nghĩa sinh thành dưỡng dục và lòng thương yêu của cha mẹ.

Tất cả đệ tử của Phật đều nên phụng trì Pháp này."

Lúc bấy giờ, khi Bhikṣu Đại Thải Thục Thị và bốn chúng đệ tử nghe lời dạy của Phật, họ đều hoan hỷ phụng hành.

Kinh Cứu Đảo Huyền

Dịch sang cổ văn: Pháp sư Trúc Pháp Hộ ở Thế Kỷ 3-4

Dịch sang tiếng Việt: Tại gia Bồ-tát giới Thanh tín nam Nguyên Thuận

Dịch nghĩa: 14/3/2012 ◊ Cập nhật: 10/7/2021

☸ Cách đọc âm tiếng Phạn

Bhikṣu: bíc su

Bhikṣuṇī: bíc su ni