TÁM TÂM VƯƠNG CỦA TÂM PHÁP.
Trước tiên nghiên cứu danh số tâm pháp. Nói vắn tắt có 8 thứ: 1) Nhãn thức, 2) Nhĩ thức, 3) Tỵ thức, 4) Thiệt thức, 5) Thân thức, 6) Ý thức, 7) Mạt na thức, 8) A lại da thức.
A: Thuyết minh:
Trước khi giải thích tư tưởng của thức, trước tiên phải nói rõ một điểm, tức là tám thức, rồi mới nói đến tướng, dụng của tâm; không phải bản thể của thức. Vì lý do gì? Bách Pháp Trực Giải nói: Tâm tánh lìa xa lỗi lầm, chẳng có sai trái, nên tên của nó không phải là một, mà sao lại có đến tám? Nếu luận về tướng, dụng thì mênh mông không ngằn mé. Giờ nói đến sự phân chia trong loài hữu tình, thì tướng và dụng rất rõ ràng nên lược nói có tám thứ như trên.
1) Tâm tánh lìa xa lỗi lầm, chẳng có sai trái. Tâm tánh có vô số, không có lớn, nhỏ, không thể bằng ngôn ngữ mà nắm bắt được, không thể qua cảnh vật mà hiểu được. Trước đây con người miễn cưỡng hình dung là một, là chân lý tối cao. Nhưng chúng ta phải biết: Khi nói một là rơi ngay vào sự phân biệt của ngôn ngữ. Bởi vì, thật ra, bản thể của tâm, mở miệng liền sai, động niệm liền trái; không dùng tâm suy nghĩ, không thể dùng miệng bàn luận. Vì thế không thể gọi tâm tánh là một.
Mà sao lại có tám?
2) Tướng, dụng mệnh mông không ngằn mé.
Sách tả truyện nói: tâm người không giống nhau, giống như mặt của họ, nghĩa là tâm lý, hiện tướng, tác dụng của chúng sanh có trăm ngàn sai khác, không chút giống nhau. Há có thể nói cho tận cùng, đầy đủ? Vì vậy, chỉ nói tướng, dụng trong tâm của chúng sanh thôi, có thể thấy được rõ ràng, có thể có nguyên tắc khả dĩ tìm kiếm, như căn cứ vào tâm mà nói thì có nghiệp dụng, giới địa, tương ưng tâm sở, đoạn hoặc chuyển trí. Hơn nữa, khi nghiên cứu về thức có chừng tám loại, như: Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỷ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức, Ý Thức, Mạt Na Thức, A Lại Da Thức.
B: Giới Thiệu.
Phần trên đã bàn những điểm quan trọng của tám thức. Giờ xin mời tham khảo Duy Thức Giản Giới của Tuyết Công và Bát Thức Quy Cũ Tụng của Trang Công thì có thể biết tám thức rõ hơn. Những người nghiên cứu thứ tự của tám thức, hoặc có người theo thứ tự: Năm thức trước, thức thứ sáu, thức thứ bảy, thức thứ tám (như trong Bát thức quy cũ tụng); hoặc có người nghiên cứu tám thức theo thứ tự ngược lại (như trong Duy Thức Tạp Dụng).
Đại sư Thái Hư nói: Tại sao có thứ tự khi giảng duy thức? Bởi vì bình thường, con người dùng thức để hiểu biết, quan sát, hơn nữa là hay dùng Thức Thứ Sáu. Như các loại suy tư, các loại tình cảm vân vân là tác dụng của tâm lý. Những tác dụng ấy đều là công dụng của ý thức. Việc này không chỉ Phật giáo nói đến, học thuật của thế gian đều nói đến, nhưng không hoàn toàn rốt ráo.
Chỉ giảng Thức Thứ Sáu thôi cũng không được, vì chỉ có Thức Thứ Sáu thì không thể phân biệt tất cả cảnh giới. Ví như người mù, nhãn căn đã hư, không thể phát sinh Nhãn Thức được, tuy là có Thức Thứ Sáu, cũng không thể phân biệt được màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng v.v… Cũng vậy một người điếc, nhĩ căn đã hư, không có thể phát sinh Nhĩ Thức, tuy có Thức Thứ Sáu, cũng không thể phân biệt âm thanh vừa ý hay không vừa ý. Vì vậy, kế tiếp phải nói rõ về Năm Thức Trước. Trước hết, nói Năm Thức Trước với Thức Thứ Sáu đồng thời sanh khởi, biểu hiện, mới có thể phân biệt năm trần cảnh. Như Thức Thứ Sáu cùng Nhãn Thức hiện hành cùng một lúc, mới phân biệt đươc sắc trần v.v…
Vì chỉ Năm Thức Trước và Thức Thứ Sáu đồng thời phân biệt được năm trần cảnh, hoàn toàn không phải từ không mà có. Duy thức học giảng: Vạn pháp duy thức, ngoài tâm không có pháp. Muôn pháp đều ở trong tâm thức. Nhưng các cảnh này, cuối cùng nương vào thức nào mà có ? Vì vậy, tiến thêm một bước nữa, phải nghiên cứu tới Thức Thứ Tám. Tướng khí thế gian là sở duyên của Sáu Thức Trước, không phải Sáu Thức Trước đơn độc biến khởi, cũng không phải pháp ở ngoài tâm. Nguyên do này các nhà duy thức đều nói đó là sự biến hiện của Thức Thứ Tám, gọi là căn thân là nội biến, khí giới là ngoại biến.
Từ sự biến hiện của Thức Thứ Tám đã nói trên, vốn là biến khắp lẫn nhau, cùng loại tương tự. Như hiện giờ, mọi người chúng ta đều có Thức Thứ Tám, nên chúng ta cũng thấy có một loại sắc, cùng nghe một loại tiếng. Tuy cùng thấy sắc, cùng nghe tiếng, nhưng cảnh anh A lãnh thọ, chưa chắc giống anh B lãnh thọ. Nói cách khác, Thức Thứ Tám đã biến khắp lẫn nhau, cùng loại tương tự mà giữa mình và người khác không rõ ràng, cách biệt giữa sự vật và ta. Chỉ vì tâm và cảnh của loài hữu tình, trái lại, chẳng phải như thế. Rõ ràng có sự cách biệt giữa mình và người, giữa vật và ngã. Để hiểu rõ mình và người, vì thế lấy tự ngã làm trung tâm. Yêu cầu bảo tồn tự ngã, phát triển tự ngã, vượt trội cho tự ngã và yêu cầu người khác tôn trọng tự ngã. Người nào cũng đều như thế, cho nên ta và người đấu tranh không dừng. Thế giới biến động, bất an. Vì điều này, đề cập đến Thức Thứ Bảy. Thức Thứ Bảy còn gọi là Thức Chấp Ngã. Thức này là gốc rễ của chấp ngã. Có Thức Thứ Bảy mới có cách biệt giữa nhân ngã, tự tha. Sự phát triển về tự ngã của chúng sanh hữu tình và sự biểu hiện của nhân cách đều từ tám thức mà ra.