Cuộc Chiến Chinh Đoạt

Chương 12

Diêu Yên Cẩn cũng chẳng ngốc, cô nhíu mày không thích: “Con không muốn!”.

“Tại sao không muốn?” Thấy cô xị mặt, bà cất giọng không vui: “Mẹ đang thảo luận với con. Con đến gặp nó, cũng đâu có mất miếng thịt nào”.

Diêu Yên Cẩn thằng tay vứt đũa xuống, đứng bật dậy, cô tức tối nói: “Con chắc chắn sẽ mất vài miếng thịt đấy, con không muốn!”.

Giọng bà Diêu ráo hoảnh: “Tại sao không muốn? Mấy ngày nữa đi gặp nó, mẹ quyết định rồi!”.

Liếc thấy Diêu Yên Cẩn muốn tranh luận, Diêu Ngạn vội chen ngang: “Ăn cơm trước, có gì đế lát nữa nói”.

Diêu Yên Cẩn “Hừ” một tiếng, đá ghế chạy về phòng.

Bà Diêu thở hồng hộc chỉ vào cánh cửa đóng chặt, bà giận đến mức nói không nên lời. Diêu Ngạn vội vàng dỗ ngọt bà, cô gõ cửa gọi Diêu Yên Cẩn: “Chị, em vào được không?”.

Thấy Diêu Yên Cẩn không nói không rằng, cô mở cửa đi vào phòng.

Diêu Yên Cẩn nằm sấp trên giường, hậm hực kéo chăn che kín người. Diêu Ngạn nở nụ cười, thử khéo léo nói với chị: “Chị nói gì với em đi. Tại sao chị không muốn? Có lý do chính đáng, em sẽ khuyên mẹ giúp chị”.

Diêu Yên Cẩn lúc này mới xoay người, chăm chú nhìn Diêu Ngạn: “Chị muốn tìm một người bình thường!”.

Diêu Ngạn sững người, không biết phải nói thế nào.

Diêu Yên Cẩn thuộc dạng chậm phát triển trí tuệ ở mức độ nhẹ, cô sinh hoạt hệt như người bình thường. Cô cũng biết chữ nhưng không nhớ được nhiều. Năm cô học hết tiểu học, cô giáo chủ nhiệm đến nhà chân thành khuyên ông Diêu bà Diêu: “Dựa theo tình trạng của Diêu Yên Cẩn thì không nên học tiếp cấp hai. Nhà anh chị cũng không khá giả gì, dồn sức lo cho Diêu Ngạn thì tốt hơn”.

Diêu Yên Cẩn trốn trong phòng khắc sâu từng chữ vào trong trí nhớ. Sau khi cô chủ nhiệm ra về, cô khóc đến xé ruột xé gan. Nhưng cuối cùng, cô vẫn phải kết thúc quãng đường học hành ngắn ngủi. Diêu Yên Cẩn liệt kê những việc bản thân không có khả năng như học tập, phân biệt tiền bạc, xem giờ, còn những phương diện khác, cô chẳng thua kém người bình thường là bao.

Nghe chị gái nói vậy, Diêu Ngạn cảm thấy rất kinh ngạc. Một lát sau, cô ra khỏi phòng tìm bà Diêu, lựa chọn từ ngữ để nói với bà: “Chị không sai”.

Bà Diêu cười chua chát: “Nó nghĩ vậy ư?”. Bà đưa mắt nhìn xa xăm, cất giọng đau xót: “Chị con chỉ biết dùng di động gọi điện, không có tiền nhưng thích mua trang sức, coi công việc ờ nhà máy là thứ rẻ rúng, dọn hàng cũng chẳng ra hồn. Ngày trước nó đi xe buýt, chưa đến trạm dừng thì sao? Chạy ngang qua cửa hàng nó thích, nó la toáng lên đòi xuống, tài xế hết cách, đành vi phạm luật giao thông ngừng xe giữa đường. Mẹ ngồi trên xe xấu hổ không dám nhìn mặt người ta”.

Bà Diêu thở dài nắm tay Diêu Ngạn: “Người bình thường cùng lắm chỉ thích vẻ bề ngoài của chị con. Nhưng sau này chị con già đi, liệu có ai chăm sóc nó không? Nói mẹ độc đoán cũng được, tàn nhẫn cũng xong, mẹ nhất định bắt chị con đi gặp thằng nhóc đó”.

Trái tim Diêu Ngạn thắt lại, cô gật gù nghe lời bà.

Khi màn đêm buông xuống, ban ngày ngập tràn ánh nắng lùi xa. Xe cộ đi qua đi lại thắp sáng trung lộ Lý Sơn. Thỉnh thoảng có âm thanh vang lên nhưng không rõ là tiếng gió thổi hay tiếng xe lướt ngang. Mùi xăng luôn hiện hữu trong không khí khiến lỗ mũi không được nghỉ ngơi.

Tưởng Nã đóng kín cửa sổ, xóa tan tạp âm bên ngoài. Anh lật cuốn sổ dài mười lăm trang ghi lại danh sách tất cả tài xế xe tải ở thị trấn Lý Sơn ra xem. Dưới ánh sáng mờ mờ tỏa ra từ màn hình máy vi tính, anh vừa kiểm tra vừa đánh dẫu vào tên từng người. Ngòi bút quẹt tới tên “Diêu Hương Mai”, anh chợt nghĩ đến một bóng dáng mồ hôi đầm đìa trong nắng nhưng ngang bướng đứng lì bên lề đường. Anh thở dài quăng bút xuống, dựa lưng vào ghế.

Hôm sau, Diêu Ngạn xuông căng tin tranh thủ ăn trưa. Buổi chiều cô cần đến công ty hương liệu chỉnh sửa vài chỗ trong hợp đồng, sợ bị muộn nên Diêu Ngạn cứ vừa bỏ thức ăn vào miệng vừa nhìn đồng hồ.

Đúng lúc này, ghế ngồi đột nhiên lún xuống, Diêu Ngạn nghiêng đầu nhìn, thức ăn còn đang nhai dở trong miệng nhả không được mà nuốt cũng không xong. Tưởng Nã nhét thịt mỡ béo ngậy vào miệng nhai ngon lành. Nhìn Diêu Ngạn, anh cất giọng khó hiểu: “Tại sao không ăn?”.

Diêu Ngạn nhíu mày ngó quanh, cô bưng khay thức ăn đứng dậy, cổ tay đột nhiên bị túm chặt. Cô vừa kêu một tiếng, Tưởng Nã đã kéo cô ngồi phịch xuống, cơm nước đổ vung vãi ra ngoài, cô cất cao giọng: “Tưởng Nã!”.

Tưởng Nã cười khì khì: “Biết luôn cả tên tôi, em tên gì thế?”.

Diêu Ngạn nào chịu ngó ngàng đến anh, cô lại bưng khay định đứng lên. Tưởng Nã giữ lấy mép khay của cô, sầm mặt không vui: “Ăn cùng tôi!”.

Diêu Ngạn trố mắt ngỡ ngàng: “Anh không bị bệnh đấy chứ?”.

Tưởng Nã cười nửa miệng kéo cánh tay Diêu Ngạn: “Tôi không quen mọi người ở đây. Không tìm em, lẽ nào đi kiếm mấy bà thím ăn chung? Ăn đi!”.

Cánh tay Diêu Ngạn nhói lên, cô nhíu mày quát: “Buông ra!” Nhiều ánh mắt soi mới tức tốc đổ dồn vào cô, cô hạ thấp giọng nói nhỏ: “Tôi ăn rồi”.

Tưởng Nã nhìn khay cơm của cô chỉ còn một chút, anh thả ra: “Sao không nói sớm”. Nói hết câu, anh cũng không nhìn Diêu Ngạn mà vùi đầu ăn cơm.

Diêu Ngạn nghĩ đầu óc người đàn ông này nhất định có vấn đề, cô đứng dậy vội vã bỏ đi.

Sau khi ăn xong, Tưởng Nã đến bên hông nhà máy xem công nhân dỡ hàng, Hứa Châu Vi châm thuốc cho anh: “Anh Nã, em hỏi rồi, Thẩm Quan chưa tìm được người chở hàng. Anh ta vừa vào nhà máy. Hai ngày trước, anh ta có tìm người vận chuyển nguyên liệu nhưng chưa giao hàng đi”.

Tưởng Nã gật đầu, rít một hơi thuốc rồi nhả ra: “Cầu chưa xây, đường lại kẹt, vòng qua Sĩ Lâm thì chẳng còn lời lãi gì, chạy hướng Lý Sơn là tiết kiệm nhất. Nếu Thẩm Quan muốn giao hàng, sóm muộn gì cũng phải chạy qua Lý Sơn”.

Hứa Châu Vi cũng châm thuốc hút. Chỗ có bóng mát vẫn nóng hừng hực, anh ta không đủ kiên nhẫn đứng ở đây, chỉ ước được quay về ngồi phòng điều hòa trong công ty vận chuyển hàng hóa, “Em vẫn không hiểu anh cần mối chở hàng của Thẩm Quan làm gì”.

Tưởng Nã cười: “Đầu đất như chú thì biết cái gì?”

Hứa Châu Vi không để bụng Tưởng Nã chế giễu mình. Anh ta vuốt mái tóc húi cua, xởi lởi kể Tưởng Nã nghe về mấy cô nàng xinh xắn trong phân xưởng. Ở cổng lớn xa xa bất chợt có một bóng người lướt qua, Hứa Châu Vi reo lên: “Em Diêu!”.

Nghe có người gọi mình, Diêu Ngạn cũng quay lại. Trông thấy hai người Tưởng Nã và Hứa Châu Vi qua rào sắt ngăn cách, cô nhíu mày đội nắng đi tiếp. Cô định hôm nào có thời gian sẽ đi mua một chiếc xe đạp.

Hứa Châu Vi huýt sáo, lẩm bẩm trong miệng: “Mấy cô nàng đó đẹp đến mấy cũng không bằng em Diêu”. Mắt anh ta sáng lên, nói ngay với Tưởng Nã: “Anh Nã, tối em về nhé! Em chạy ra đây một chút”.

Anh ta phi lên chiếc xe Jeep của Tưởng Nã, vội vội vàng vàng nổ máy. Động cơ xe vừa phát ra tiếng, cửa bên ghế lái phụ mở ra. Tưởng Nã ngồi vào chỗ, đóng cửa nhìn đôi mắt đờ ra của Hứa Châu Vi, anh thúc giục: “Làm gì thế. Chạy đi chứ!”.

Hứa Châu Vi tỏ vẻ lúng túng: “Anh Nã, anh muốn đi đâu?”.

Tưởng Nã biếng nhác trả lời: “Chú đi đâu, anh đi đó. Chạy xe!”.

Hứa Châu Vi nhíu mày khó hiểu, anh ta nhấn ga tiến về trước. Chạy khỏi cổng công ty một quãng đã thấy bóng lưng của Diêu Ngạn, anh ta lớn tiếng gọi: “Em D…”, chữ cuối cùng vẫn chưa thoát khỏi miệng, anh ta chợt bừng tỉnh, nghiêng đầu nhìn Tưởng Nã. Thấy anh nheo mắt nhìn mình, anh ta lo ngay ngáy, nói lầm bầm: “Anh Nã, em đi mua ít đồ uống nhé?”.

Tưởng Nã cười nhạt: “Chạy lên trước. Chú không thấy trời nắng hay sao, hỏi xem em Diêu đi đâu!”.

Hứa Châu Vi cười toe toét: “Ồ, vâng!”.

Xe tiến lên một đoạn, Hứa Châu Vi ló đầu ra ngoài cửa sổ, gọi Diêu Ngạn: “Em Diêu ơi em Diêu, em muốn đi nhờ không?”.

Diêu Ngạn đảo mắt tìm xe taxi, thấy Hứa Châu Vi đuổi theo, cô hằn học đi nhanh hơn. Hứa Châu Vi mặt dày nhìn lướt Tưởng Nã đang ngồi thoải mái bên cạnh, anh ta tiếp tục dụ dỗ: “Em Diêu đừng để bản thân bị cảm nắng. Anh sắp ra ngoài khu khai phá thật mà. Em muốn đi đâu, anh cho đi nhờ một đoạn, ra đến đường lớn thì em xuống”.