Quan Quan Tương Hộ

Chương 27

Hai mươi bảy

Mặc dù coi như là tỏ tình lẫn nhau (?), lại thêm đã trình bày hai bên cha mẹ đính ước không thành vấn đề, thế nhưng nếu bạn mong chờ hai kẻ này sẽ có cái gì đó khác biệt này kia trong cuộc sống thường nhật, vậy thì không có đâu ahihi.

Dẫu sao hai bên đều từng được nuôi dạy dưới góc độ quý tộc thế gia, cho dù ra ngoài làm quan trải qua bao khó khăn nhọc nhằn, họ cũng không cách nào gột bỏ những thói quen những lễ nghi đã ăn sâu vào xương tủy. Nhan Cẩn Dung tuy từng hộc máu vì mối tình đầu thơ dại, nhưng trên thực tế từ năm tròn bảy tuổi trở đi gã thậm chí chưa bao giờ sờ đến tay Thôi Hiền luôn, vì tính ra từ tâm hồn tới bề ngoài của gã vẫn đều rất kín đáo rất thuần khiết đó.

Thế đạo này đối với phái nữ vẫn luôn cực kỳ nghiêm khắc cực kỳ khó khăn. Nếu đã thích cô ấy, tại sao không tôn trọng và bảo vệ danh tiết cho cô ấy kia chứ?

Thật ra biểu muội đã rất thoáng trong cư xử với gã hàng ngày. Nào là may áo cho gã mặc, nấu cơm cho gã ăn, lại cho phép gã ngồi ăn cùng mâm với cô. Trước khi có tình có ý, đó chỉ là niệm tình họ hàng xa nên mới chiếu cố lẫn nhau. Sau khi tình ý đã rõ ràng, đây đó bên nhau, thì lại càng không nên có hành vi gì vượt qua lễ giáo để gây tổn thương đến khuê dự của cô ấy.

Gã vẫn cảm thấy, mấy kẻ tài tử giai nhân trong tiểu thuyết tuy gọi là phong lưu, nhưng thật ra chỉ toàn những đồ hạ lưu tham lam chỉ muốn hưởng thụ xáƈ ŧɦịŧ lẫn nhau. Nhất là gã rất khó chịu những kẻ được mệnh danh là tài tử đó. Nếu thật sự có lòng yêu thương một cô gái, chẳng lẽ không phải nên hỏi ý kiến cô ấy, rồi xin cha mẹ hai bên bằng lòng, rồi đi tìm bà mối chuẩn bị sính lễ để cưới hỏi cô ấy đàng hoàng hay sao?

Tại sao lại cứ tìm mọi cách ăn cơm trước kẻng, chưa cưới xin gì đã muốn tằng tịu với nhau, khác nào coi cô gái mình thương như kỹ nữ mà vầy vò làm nhục, thật sự không thể nào hiểu nổi.

Chỉ có thể nói, theo một góc độ nào đó Nhan Cẩn Dung quả thực không hổ là con trai ruột thịt của ông cha "thích chân ái". Cơ mà nhờ có một bà mẹ cực kỳ thông minh với cách giáo dục sáng suốt của mình, nên mới loại bỏ những thứ rườm rà giữ lại những thứ tinh hoa, tạo phúc cho con dâu tương lai của mình.

Lúc đầu, Đường Cần Thư cũng khá là bối rối và hỗn loạn trong lòng. Nhưng Nhan Cẩn Dung vẫn đối xử với cô như cũ, chỉ là càng thêm chăm chỉ học hỏi các kỹ năng sống khác mà thôi.

Vẫn như cũ... vẫn là Nhan biểu tỷ vụng về hậu đậu như cũ.

Khiến cô cảm động, và cũng thấy buồn cười.

Thật ra bây giờ gã đã biết chẻ củi, nấu nước, thậm chí học cách tưới rau làm vườn... mặc dù lần nào tưới cô cũng chỉ sợ mớ rau của cô sẽ bị úng nước mà chết queo thôi.

À, gã còn học nhóm lửa nữa này, rồi đã học được cách chọn lựa rau củ rồi sơ chế này. Có điều mỗi lần nhìn gã cắt gọt củ cải cô đều toát mồ hôi hột, tuy gã chưa từng gọt thẳng vào ngón tay, nhưng mỗi lần gọt xong, củ cải béo mập bỗng trở nên gầy tong gày teo đáng thương.

Nếu bảo gã "Quân tử phải xa bếp", gã sẽ nghiêm mặt mà trách cô không nên cắt câu lấy nghĩa như thế. Sách Lễ Ký, chương Ngọc Tảo có câu: "Vua không được vô cớ gϊếŧ trâu, đại phu không được vô cớ gϊếŧ dê, kẻ sĩ không được vô cớ gϊếŧ chó, lợn. Quân tử phải xa nhà bếp, chỉ cần có mùi máu tanh là phải tránh mình thật xa."

Bếp của biểu muội cả năm may ra mới có một lần sát sinh, nên gã không cần xa nhà bếp.

(Lễ Ký nằm trong Ngũ kinh của Khổng Tử và các học trò soạn, nói về các nghi thức lễ nghĩa cần phải tuân thủ, từ vua chúa quan lại tới bình dân bách tính, từ cha tới con từ chồng tới vợ... Chương Ngọc Tảo nói về các lễ nghĩa của các bậc vua chúa chư hầu quan lại quân tử. Ở Việt Nam chưa tìm được bản dịch chương này nên mình xếp chữ đại.)

(Quân tử xa nhà bếp, anh Nhan tránh xa nhà bếp người khác, còn bếp của chị Thư thì anh cứ tự nhiên mà thôi.)

Nói tới nói lui, tóm lại là anh ta vẫn có lý.

Về sau, không những gã học tự nấu một vài món, lại còn vụng về tập khâu vá sửa lại áo quần, thậm chí còn tự học thêu vài mũi đơn giản để che đi những chỗ quần áo phải khâu lại. Mặc dù thêu xong không nhận ra được là hoa mai hay hoa hạnh, nhưng thế là giỏi lắm rồi.

Thật ra thì thiên tài dường như cũng không đáng ghét đến thế, tự nguyện mó tay vào làm việc nhà là đáng yêu lắm đấy.

Đường Cần Thư thận trọng viết thư trả lời bác Nhan gái. Thật ra cô cũng chẳng viết gì nhiều, chỉ là vài câu hỏi thăm sức khỏe bình thường, rồi thì miêu tả cuộc sống ở huyện Đào Nguyên ra sao, phong tục quê quán thế nào, những tin đồn hay ho thú vị nơi đây, rồi thì khéo léo miêu tả cuộc sống sinh hoạt cùng các đồng nghiệp rất hòa hợp này kia, kèm theo một câu đơn giản, biểu ca cũng chiếu cố cho cháu rất nhiều.

Bà Nhan thế là yên tâm.

Thời trẻ bà cũng từng là một thiếu nữ tuổi xuân phơi phới thông minh xinh đẹp tuyệt vời, nhưng cuộc hôn nhân của bà lại là thảm họa, từng khiến cho bà tự nghi ngờ bản thân tự buộc tội bản thân tự chê bai bản thân suốt một thời gian dài. Sau này bà mới hiểu ra, hôn nhân của bà thất bại, không phải lỗi cho bà.

Dầu sao hôn nhân là chuyện của hai con người, cho dù bà có cố gắng gắn kết đến đâu, thông minh khôn ngoan thế nào, nhưng đối phương nhất quyết không phối hợp thì mọi cố gắng chỉ là phí công toi.

Nhưng cha mẹ chồng lại cực kỳ tốt với bà, đám trẻ con cũng không chịu thua kém mà phấn đấu thành tài tương lai sáng rọi.

Bà dù sao vẫn là một người phụ nữ nhanh nhạy, nên đã bỏ thời gian quan sát các cuộc hôn nhân khác của mọi người thân bạn bè xung quanh. Cuối cùng đưa ra kết luận rằng phần lớn các cặp vợ chồng đều không hòa thuận, số cặp vợ chồng thuận hòa ân ái thật sự, may ra chỉ chiếm một, hai phần mười.

Tại sao mọi người thích ghép đôi biểu huynh muội với nhau? Tại vì thanh mai trúc mã, chơi với nhau quen với nhau từ nhỏ, chỉ cần có tình, tính nết cũng không quá đáng, quan hệ mẹ chồng con dâu cũng sẽ không quá căng thẳng. Khởi đầu tốt đẹp coi như đã thành công một nửa, nếu thành hôn rồi không phải sẽ thành công hơn hẳn một nửa đó sao?

Ông Nhan và bà Nhan chính là cái kiểu do cha mẹ tự quyết định làm mối với nhau, trước khi cưới còn chưa gặp nhau lần nào. Sau khi kết hôn, bà có lòng mong muốn làm quen dần dần bồi dưỡng tình cảm vợ chồng. Tiếc là đối phương không phải người bình thường, nhất quyết không phối hợp.

Bà đã lỡ dở cả một cuộc đời, mấy đứa trẻ mới là nguyên do động lực giúp bà sống tiếp tới giờ, nên bà phải dùng mọi cách tính toán lo lắng mưu đồ cho chúng nó. Từ nhỏ tìm được thanh mai trúc mã cho chúng nó đâu có dễ? Nhìn qua nhìn lại chọn tới chọn lui, chọn xong còn phải tính toán tạo cơ hội cho chúng nó gặp nhau quen nhau.

Bà tự nhận, làm mẹ được như bà đã là khó lắm rồi.

Ai dè, Thôi Hiền khiến tính toán của bà thất bại, khiến bà giận điên cả người. Đang chưa biết nên nói với con trai thứ ra sao, ông Nhan lại rần rần muốn gả nó cho Vinh Hoa quận chúa.

Ban đầu bà đâu có đồng ý. Cơ mà gặp Vinh Hoa quận chúa vài lần, bà lại đổi cách nghĩ, vì cảm thấy cô gái xuất thân tôn thất tính tình sáng sủa lại biết tiến tới này, xem chừng có thể hợp tính hợp nết với con trai nhà bà cũng nên, hơn nữa còn có thể bảo đảm cả đời không lo ăn lo mặc.

Nhưng quan trọng nhất là, quả thực bà đã hết chịu nổi rồi, không muốn tiếp tục nhẫn nhịn.

Ai ngờ chứ, đứa con trai bé nhỏ mà bà vẫn nghĩ là tính tình mềm mại không quyết đoán kia lại dám cả gan lén lút xin làm quan ở tít đằng xa, bỏ thi Tiến sĩ, rồi không mang gì hết chạy trốn khỏi kinh thành.

Hừ, đã cút khỏi kinh thành thì đừng mong trở lại. Cần gì phải gửi tiền nong gì cho nó, dũng cảm quyết tâm to gan thế cơ mà, tự túc tay làm hàm nhai đi thằng nhóc hư đốn kia!

Nhưng thân làm mẹ sao có thể giận con ruột mình quá lâu. Nhất là sau khi Đại Lang lẫn gái út thành thân cả, mỗi lần gặp nhau ăn cơm cùng nhau, thấy chúng nó nhìn nhau âu yếm, đỏ mặt ngượng ngùng, vợ chồng son hòa thuận mỹ mãn, bà lại không nhịn được nhớ tới thằng con trai ngu ngốc hộc máu vì một kẻ vô tình của bà.

Ai ngờ được, quanh co lòng vòng một hồi, Kiều Kiều nhà họ Đường lại tới làm quan cùng nha môn với con trai bà. Úi chà, lại còn nấu cơm cho nó ăn nữa kìa.

Kiều Kiều ấy ư, ban đầu cũng nằm trong số những người dự tuyển làm con dâu trong mắt bà. Xuất thân nhà võ tướng nhưng lại dịu dàng lịch sự tao nhã. Tiếc thay, con trai bà lại chọn Thôi Hiền, cái đứa mà trong mắt bà chỉ được cái mẽ bề ngoài đẹp một chút chứ chưa thấy ưu điểm gì khác cả.

Cơ mà làm mẹ, bà vẫn luôn mong con trai mình muốn gì đạt được nấy.

Kết quả là vòng đi vòng lại, hóa ra bà làm mẹ cũng nhìn xa trông rộng đấy chứ.

Thế nên bà mới phải ôm đồm làm thay đứa con trai hơi bị ngu lâu của mình một chút, và may thay đạt được thành tích to lớn. Điểm này khiến bà không nhịn được đắc ý.

Đọc đi đọc lại thư của Kiều Kiều, bà mỉm cười vui vẻ, an tâm vô cùng, rồi quyết định.

Bà sẽ đi thăm mẹ Kiều Kiều, lặng lẽ tỏ ý này kia, rồi âm thầm trao đổi canh thϊếp. Nhưng không nên công bố hôn ước ngay lập tức.

Hai đứa nhỏ cùng làm quan một chỗ, nếu có hôn ước với nhau, ra ra vào vào gặp nhau lại ngượng ngùng ảnh hưởng tới sinh hoạt. Chi bằng cứ giữ như hiện tại, ở gần thêm một thời gian, ma sát giúp cho tình cảm thêm dày thêm nặng, tương lai cưới nhau rồi cuộc sống mới có thể thoải mái hòa thuận được.

Nên mới nói, thật ra thì bà Nhan vốn là một người lãng mạn vô cùng.