Lắng Nghe Trong Gió

Chương 46

Anh bạn, có khi tình yêu giày vò con người ta hơn cả hận thù. Suốt đêm hôm qua tôi không ngủ, mất ngủ vì mỗi câu chuyện tiếp sau đây đều giày vò tôi ghê gớm.

Giày vò tôi.

Tôi phải tiếp nhận sự giày vò đó, vì đó là số phận... Tôi về Thượng Hải đúng một tháng, tôi ở lâu như vậy thực ra là muốn tránh mặt Y Y. Đúng là tôi sợ cô, sợ đôi mắt mở to chứa chan yêu thương, nhìn thấu xương cốt tôi. Cô càng như thế tôi càng buồn, cho nên tôi nán lại ở nhà lâu lâu để chờ cô về Bắc Kinh. Hai chúng tôi như hai ngôi sao ngẫu nhiên gặp nhau, đi sát nhau trên bầu trời, tình cảm và nỗi buồn trong lòng cũng theo gió bay đi. Nhưng điều tôi bất ngờ là, ngày tôi về lại đơn vị, Y Y vẫn chưa đi, vì trước đấy cô ốm nặng, bây giờ đã khỏi, tổ chức để cô thay vị trí của Nhị Hồ, làm Trưởng phòng Giải mã. Nhị Hồ còn xin thôi cả chức Phó thủ trưởng đơn vị, chỉ yêu cầu được làm một nhân viên giải mã bình thường, không thèm quan tâm chuyện gì khác. Điêu ấy hình như rất hợp ý Nhị Hồ, mà cũng rất đúng. Về sau Nhị Hồ cũng lập nhiều công trạng trong việc phá khóa mật mã, tôi cảm thấy cũng do Y Y đã kí©ɧ ŧɧí©ɧ cậu ta. Đấy là chuyện về sau.

Trở lại câu chuyện của tôi. Nghe nói Y Y không đi, tôi vừa mừng vừa ngạc nhiên, ngay tối hôm ấy tôi đến nhà thăm cô. Thấy tôi, cô không tỏ ra nồng nhiệt cũng không lạnh lùng. Tôi biếu cô chút đặc sản Thượng Hải, cô không nhận, nói: “Thôi, để anh biếu người khác”.

Tôi rất lạ, hỏi: “Y Y, sao thế?”.

Y Y nói: “Anh Thiên, đừng gọi em như thế, cứ gọi em là cô Y hoặc Trường phòng, đừng gọi tên Y Y”.

Tôi ngạc nhiên nhìn cô.

Y Y rất bình tĩnh, nói: “Sau này giữa em với anh sẽ chỉ là quan hệ cấp trên cấp dưới, ngoài quan hệ ấy ra, sẽ không nói chuyện gì khác”.

Tôi ngồi im không nói gì, hồi lâu sau nhìn cô, nói: “Cô vẫn giận tôi đấy à?”.

Y Y lắc đầu: “Không, em cảm thấy như thế tốt hơn”.

Tôi nhìn vào đôi mắt cô, nói: “Nghe nói cô vừa ốm nặng?”.

Y Y tránh ánh mắt tôi, nhạt nhẽo trả lời: “Vâng, nằm viện hơn nửa tháng”.

Tôi hỏi ốm thế nào, cô nói thật ra cũng không có bệnh gì, chỉ thấy trong người mệt mỏi, đầu đau nhức, không làm việc nổi. Tôi bảo, có thể vì trước đấy làm việc quá sức. Cô cười đau khổ: “Đúng vậy, mệt, quá mệt. Anh không còn việc gì nữa nhỉ, không bận gì thì ngồi chơi”. Cô như đuổi khách.

Tôi vẫn ngồi, nói: “Đây không phải là quan hệ cấp trên cấp dưới bình thường, cô đang đuổi tôi đấy chứ!”.

Cô cười, nụ cười xót xa, tê tái: “Anh không về, còn ngồi đây làm gì? Về đi! Từ nay về sau có chuyện gì chúng ta nói ở văn phòng”.

Tôi vẫn không về, gạn hỏi: “Tại sao cô không về Bắc Kinh?”.

Cô cười lạnh lùng: “Về được không?”.

Tôi nói: “Ông Thiết đồng ý, liệu còn ai ngăn nổi”.

Cô nói: “Vậy coi như em không muốn đi”.

Tôi nói: “Cô không đi là đúng”.

Y Y thở dài, cười đau khổ: “Không có gì là đúng với không đúng cả, một con người không biết phải sống thế nào, chẳng khác gì súc vật, ở đâu cũng vậy. Ở đây em còn được xem như con chó có công, con chó được mọi người nể trọng. Có thể đấy là lí do em không đi, quyết không phải vì anh, cũng không phải vì người đàn ông nào, chỉ vì bản thân em, được chưa? Như thế anh hiểu rồi chứ?”.

Tôi nhìn cô, chẳng hiểu gì, cái vẻ lạnh lùng và cao ngạo của cô khiến tôi cảm thấy lạ lẫm và băng giá chưa từng gặp. Trước đây tôi mong cô có thể thay đổi, nhưng bây giờ cô đã thay đổi, tôi lại cảm thấy mất mát, trong lòng chua xót và đau buồn. Nhưng cái đau thật sự, cái đau đến xương tủy vẫn còn chờ tôi ở phía trước.

Hôm sau, tôi đi tìm bà La để báo cáo công việc, từ chỗ bà tôi được biết, không phải Y Y chủ động xin ở lại, mà do ông Thiết ra lệnh không cho phép cô đi khỏi đơn vị. Trước đây ông Thiết đã hứa với cô, tại sao lại không cho cô đi? Tôi thấy kì lạ. Bà La nói: “Không biết ông Thiết nghe tin từ đâu, Y Y vô tình biết được một tin tuyệt mật, nếu để cô đi nơi khác rất có thể gây nên tổn thất lớn cho công tác của chúng ta, cho nên đành có lỗi với cô ấy”. Tôi hỏi là tin tuyệt mật gì, bà La bảo bà cũng không biết. “Ngay cả tôi còn không được biết, chứng tỏ đấy là việc lớn lắm”. Bà La nói rất chắc chắn: “Cho nên, tôi thường nói với cán bộ, những gì không nên biết thì không nên hỏi, đã biết rồi thì phải chịu trách nhiệm với nó, Y Y chính là thế. Tôi biết cô ấy rất muốn đi, nhưng ai bảo cô ấy nắm được chuyện lớn, đã nắm rồi thì phải chịu trách nhiệm với nó thôi”.

Vậy “chuyện lớn” ấy là chuyện gì? Tôi nghĩ, có thể là bí mật của Vũ, về sau ông Thiết nói rõ với tôi, chính là từ chuyện đó. Vì vậy, theo quy định bảo mật, Y Y phải chờ cho bí mật của Vũ hết hiệu lực mới được rời đơn vị chúng tôi.

Trời, thì ra kẻ gây nên tội lỗi lại là tôi!

Nghe nói, Y Y đã tuyệt thực phản đối, kết quả là ốm một trận. Tôi có thể hình dung cô đã ở lại thế nào, và tiếp nhận công việc của Nhị Hồ là biện pháp bất đắc dĩ, là lựa chọn bắt buộc. Việc ấy đã làm cô sụp đổ, không muốn nói chuyện với tôi, oán trách tôi, chỉ muốn mọi thứ qua đi. Tôi nghĩ cô rất căm giận tôi, căm giận cực điểm, xếp tôi vào một hạng người khác, không còn nghĩ ngợi và mong đợi gì ở tôi!

Quả nhiên, từ đấy về sau, chỉ trừ những lúc có công việc cần thiết, Y Y không bao giờ chủ động đến nói chuyện riêng với tôi. Tôi biết, đấy là sự trừng phạt của cô đối với tôi và cũng là một phần số phận của tôi. Đã là số phận, thì tôi chỉ còn biết tiếp nhận... Thời gian qua đi, Y Y và tôi sớm chiều nhưng như người xa lạ, chúng tôi vẫn trông thấy nhau trên đường đi làm, nhưng lại vờ như không trông thấy, cứ vậy lặng lẽ đi qua.

Tình trạng ấy kéo dài gần một năm. Vào một buổi chiều, bỗng Y Y đến tìm tôi, yêu cầu tổ chức đứng ra giúp cô một việc riêng. Tôi hỏi việc gì, cô lặng yên như đang suy nghĩ, hồi lâu sau mới ngước lên, nói việc liên quan đến Trần Quốc Khánh ở Phòng Thông tin. Tôi chợt buồn. Quốc Khánh có chuyện gì mà cô đứng ra xin giúp? Cô nói: “Anh không biết vợ con anh ấy bị kỉ luật, phải về quê à?”. Chuyện ấy thì tôi biết. Tôi hỏi cô có chuyện gì. Cô nói: “Có lần anh với em, sau khi phá xong khóa mã Quang phục có thể cứu một người”. Tôi nói: “Đúng vậy, để cậu Vương trở lại công tác. Tôi vẫn băn khoăn về chuyện ấy, tại sao sau đấy cô không nhắc đến nữa?”. Cô “hừm” một tiếng, rồi nói: “Lúc ấy em bị ông Thiết buộc phải ở lại, không muốn sống nữa, liệu còn tâm trạng nào nghĩ đến chuyện gì khác. Anh đuổi anh ấy về quê, anh ấy suốt ngày phải nhìn mặt vợ con như kẻ phạm tội, chuộc tội còn chưa hết thì lòng dạ nào nghĩ đến em”.

Đúng như vậy, tôi đã làm tổn thương cô hết lần này đến lần khác. Tôi muốn xin lỗi, cô vội ngăn lại: “Thôi, không nói những chuyện ấy nữa, bây giờ nói chuyện này, em phải đòi quyền lợi của em, nhưng không phải vì anh Vương, mà vì anh Khánh, anh hãy nể mặt em, giúp anh Khánh giữ vợ con ở lại 701”.

Bất giác tôi cảm thấy khó hiểu, vậy Quốc Khánh với cô ta có quan hệ gì?

Quốc Khánh cũng là một nhân vật mọi người ở 701 đều biết, trước đây anh là nhân viên Phòng Cơ yếu chúng tôi, tất cả các văn bản quan trọng của 701 đều phải qua tay Quốc Khánh, vợ cậu ta là y tá của khoa nội bệnh viện chúng tôi, là người Giao Đông, dáng cao lớn, tính khí nóng nảy. Nghe nói Quốc Khánh rất sợ vợ, hai người mỗi khi cãi nhau chị vợ thường ra tay trước, ném đủ thứ vào chồng. Một lần, chị ta còn ném cả cái kéo y tế, cái kéo loang loáng lao tới, cắm ngay vào bả vai Quốc Khánh. Quốc Khánh sợ chuyện của vợ gây tai tiếng. Nhưng có người lại nói, chị này rất yêu chồng, Quốc Khánh ở nhà không phải làm việc gì, chị ta còn rửa chân, cắt móng tay cho anh. Gặp ai chị ta cũng khen chồng thế này thế nọ, chị yêu chồng, không nỡ rời chồng, thậm chí anh đi vắng, chị ta cũng không ngủ được... Nhưng Quốc Khánh phải xa chị ta, vì công việc anh phải thường xuyên đi xa. Ba năm trước, một hôm, Quốc Khánh lên Tổng cục công tác, lúc về bao giờ anh cũng về đơn vị trước để giao tài liệu, cho vào tủ khóa lại rồi mới về nhà. Nhưng hôm ấy tàu muộn mất mấy tiếng đồng hồ, về đến nơi đã 12 giờ đêm, nếu về đơn vị rồi mới về nhà, ít nhất cũng phải mất hơn một tiếng đồng hồ. Anh không muốn mất thì giờ nên về nhà trước, không ngờ lần ấy đã gây nên hậu họa cho anh.

Vả lại, nếu sáng hôm sau anh đến ngay đơn vị giao tài liệu thì sẽ không có chuyện gì. Nhưng hôm ấy Quốc Khánh vừa dậy, vợ nhắc anh, hôm nay là chủ nhật, ý bảo anh ngủ thêm. Vậy là anh ngủ thêm một giấc dài. Giấc ngủ dẫn đến đại họa. Lúc anh dậy đã hơn 10 giờ, nhà vắng vẻ, vợ con không có nhà. Vợ không có nhà không có gì là lạ, vì là chủ nhật, các gia đình trong khu tập thể phải theo xe lên thị trấn mua thức ăn. Mỗi tuần chỉ có một chuyến xe, gần đấy không có hàng quán gì, không đi tuần sau sẽ không có cái ăn, củi lửa mắm muối sẽ thành vấn đề. Nói chung, mọi lần đi vợ không đem theo con, dù sao thì Quốc Khánh ở nhà, đã có anh trông con. Có thể chị ta muốn chồng ngủ yên, nên đưa con đi theo. Đứa con trai mới 7 tuổi, đang học tiểu học, mỗi lần bố đi công tác về đều mua quà cho con. Lần này tận 12 giờ anh mới về, không biết có quà gì, nó hăm hở lục túi của bố. Mẹ đến nhà ăn tập thể mua bánh bao, bố đang ngủ, trong nhà không có ai, vậy là nó lôi túi đồ của bố ra tìm quà của mình, một túi kẹo và một hộp bánh quy. Nó bóc kẹo ra ăn, vừa ăn vừa tiếp tục lục tìm. Nó tìm được cái túi đựng tài liệu, trong đó toàn tài liệu quan trọng. Thằng nhỏ không thích thú gì với tài liệu, nó chỉ thích những tờ giấy, giấy trắng phẳng lì, nó sờ lên những trang giấy, giấy vừa dày vừa nhẵn, giấy này đem làm máy bay thì tuyệt...Đến lúc này số phận của Quốc Khánh mới bắt đầu gặp rắc rối, thằng nhỏ thấy trong túi đựng tài liệu có hẳn một xấp giấy dày, đóng thành tập, có đến hơn chục tập, lấy một tập liệu có ai biết? Vậy là nó rất “thông minh” lấy ra một tập cho ngay vào cặp sách của nó. Ăn sáng xong, mẹ gọi nó đi cùng, nó nghĩ sẽ lấy giấy này xếp máy bay, liền đeo cặp lên vai, mẹ bảo, không phải đi học, mà là lên thị trấn mua đồ, cặp sách làm gì. Nó nói, nó phải làm bài tập, mẹ đi mua đồ còn nó ngồi trên xe làm bài. Mẹ nghe nói, nghĩ con chăm học nên rất cảm động.

Hai tiếng đồng hồ sau, Quốc Khánh dậy, chú ý ngay cái cặp da bị mở khóa, Anh là một nhân viên cơ yếu, hơn chục năm nay có cái nhạy cảm nghề nghiệp, liền chú ý đến tài liệu trong cặp. Không xem không biết, xem rồi anh mới biết mất một tập. Anh biết ngay chỉ có thằng con 7 tuổi làm chuyện này, vội vã chạy đi tìm con. Anh tìm khắp khu tập thể, tìm đâu cũng không thấy. Có người bảo, có thể nó lên phố với mẹ. Cái sự thật ấy làm anh hoảng hồn, tài liệu trong tay thằng nhỏ, nó có ra khỏi khu tập thể hay không quả là việc quan trọng, tính chất sự việc hoàn toàn thay đổi. Sau đấy, vì chuyện này mà gia đình Quốc Khánh tan tác.

Khi Quốc Khánh gặp thằng nhỏ dọc đường, thằng nhỏ theo mẹ trên đường về, trên tay nó đang cầm cái máy bay xếp bằng nửa trang tài liệu. Theo lời thằng nhỏ nói lại, vì giấy khổ lớn, nó xé đôi, như vậy mỗi tờ giấy có thể gấp được hai cái máy bay. Lúc mẹ nó đi mua đồ, nó không đi, nó bảo ngồi làm bài tập, ở lại xe với một thằng bạn cùng khu tập thể xếp máy bay. Có bốn tờ tài liệu, mỗi tờ xếp được hai máy bay, nó xếp được tám cái. Sự thật là thế. Nhưng lúc này trên tay hai đứa nhỏ chỉ còn hai chiếc máy bay, còn một chiếc bay lên mái nhà, một chiếc bay vào đám đông, có cái bị trẻ con thị trấn xâu xé cướp mất. Sau đấy đến tìm ở nơi đỗ xe, nhặt được bốn chiếc, coi như tạm ổn. Nhưng hai chiếc mất đã gây nên tai họa, chẳng khác gì mất hai chiếc máy bay thật, cả 701 đều cứng người sợ hãi, ai cũng rỉ tai nhau bàn tán.

Quốc Khánh không tránh khỏi bị kỉ luật, mà còn là kỉ luật nặng.

Vợ anh ta bị đuổi việc, đưa con về quê. Riêng Quốc Khánh có hai lí do để giữ anh lại: Thứ nhất anh ta là Đảng viên, có người bảo khai trừ Đảng tịch có thể thay cho ba năm tù. Tức là, anh ta bị khai trừ Đảng coi như ba năm thụ án; ngoài ra, anh ta là một nhân viên cơ yếu, trong người có nhiều bí mật, không thể để anh ra ngoài, không thể muốn đuổi là đuổi. Cho nên, cuối cùng anh ta vẫn là một công chức, chỉ phải rời khỏi phòng cơ yếu, chuyển sang phòng Thông tin, đang ở bậc hành chính thứ hai mươi mốt bị đẩy xuống bậc hai mươi bốn. Trong chế độ cán bộ nhà nước không có bậc hai mươi bốn, thấp nhất là bậc hai mươi ba, bậc hai mươi tư là đơn vị tự đặt, nói chung là cán bộ năm đầu tiên hoặc năm thứ nhất mới ở trường ra. Bị coi là cán bộ bậc hai mươi tư, cũng giống như Đảng viên dự bị, trong vòng một năm không có khuyết điểm sẽ được chuyển thành chính thức.

Có người nói, kỉ luật vợ Quốc Khánh như vậy là quá nặng. Thật ra, vì không thể kỉ luật Quốc Khánh nặng hơn mới xử lí kỉ luật vợ anh nặng như thế. Chị ta chịu tội thay cho chồng, đấy là điều tất nhiên, không có gì oan, không oan cho nên tổ chức không có lí do gì xét lại bản án cho chị, nhưng không ai ngờ, Y Y lại đưa ra đề nghị ấy. Tôi hỏi cô tại sao lại làm việc ấy, cô nói rất vớ vẩn, chỉ là cái sai của thằng nhỏ 7 tuổi mà để cả ba người trong gia đình cùng trả giá, oan tày trời, mà cũng thật đáng thương.

Tôi nói: “Cậu Vương ở quê cũng đáng thương”.

Tôi mong cô chuộc cậu Vương về, vì thứ nhất, cậu ta bị kỉ luật là có liên quan đến cô; thứ hai, đấy cũng là điều tôi cam kết với cô. Nhưng cô khéo léo cho tôi một đòn.

Cô nói: “Ý anh định cùng giải quyết chuyện anh Vương và anh Khánh, như thế thì hay quá!”.

Tôi nói: “Ý tôi là giải quyết chuyện anh Vương trước”.

Y Y nói: “Không, nếu hai việc chỉ giải quyết một, vậy thì giải quyết chuyện anh Khánh trước”.

Tôi hỏi: “Tại sao?”.

Y Y nói: “Không tại sao cả”.

Nếu cô yêu cầu cứu cậu Vương là điều dễ hiểu, nhưng tại sao cô lại yêu cầu cứu Quốc Khánh, thật khó hiểu. Tôi phải tìm hiểu cho ra nhẽ, kết quả dò được một quả mìn - thì ra hai người có tình ý với nhau. Nghe nói, quá trình có tình ý cũng thật ngẫu nhiên và cũng rất đơn giản: Vào một chủ nhật, Quốc Khánh vay ai đó hai chục đồng, trong người đã có năm đồng, liền lên bưu điện thị trấn, chuẩn bị gửi về cho vợ con ở quê đang lúc đói kém. Không ngờ, anh vừa ghi xong phiếu gửi, định trao tiền cho nhân viên bưu điện, bỗng có một người hù anh từ phía sau, rồi giật số tiền anh đang cầm trên tay, bỏ chạy. Quốc Khánh đuổi theo, nhưng đuổi không kịp, anh ngồi bệt xuống đất, khóc lóc than thở, bảo hắn ta không cướp tiền mà cướp sinh mạng của vợ con anh... Đúng lúc ấy Y Y và Tiểu Tra đi qua bưu điện, thấy người đàn ông khóc lóc thảm thương, cô lấy tiền trong người ra, vay thêm Tiểu Tra mấy đồng, gom đủ hai mươi lăm đồng đưa cho Quốc Khánh để anh gửi về quê. Quốc Khánh ngơ ngác nhìn số tiền trên tay Y Y. Đấy là thời kì ba năm đói kém, cả nước đâu đâu cũng có người chết đói, hai mươi lăm đồng có thể mua được trăm rưỡi, hai trăm kí gạo, đủ cho vợ con anh sống được hơn nửa năm.

Từ đấy về sau, Quốc Khánh thường xuyên đến giúp Y Y làm cỏ, gánh nước, dán giấy che cửa sổ, dọn vệ sinh, cuối cùng, ngay cả áo quần của Y Y thay ra, anh cũng tranh lấy để giặt! Cứ như vậy lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Ấy là nói, tình huống của Quốc Khánh và cậu Vương giống nhau, chỗ khác nhau ấy là người ngoài ít biết chuyện hai người thân nhau. Cũng tiện là hai người ở chung khu tập thể, có điều kiện, hành động lại kín đáo, không giống cậu Vương, hai người hai bộ phận, làm gì cũng ồn ào, chạy đi chạy lại nhiều người trông thấy. Với lại, Quốc Khánh là con người thật thà, thật thà đến độ không ai ngờ lại có chuyện kia, cho dù có thì mọi người cũng nghĩ đây là do Y Y chủ động. Y Y ngày xưa không thể so với ngày nay, cho dù có khuyết điểm cũng có thể bỏ qua, vì cô đã là bậc công thần! Cho nên chuyện đồn đại cũng không lan rộng, tôi, bà La và các vị lãnh đạo đơn vị đều không biết.

Thăm dò được quả mìn lớn như vậy, tôi không báo cáo lên cấp trên như trường hợp cậu Vương, mà nhân một hôm tôi tìm Y Y nói chuyện. Tôi muốn cô hiểu một lí lẽ: Chuyện của cô và Quốc Khánh ít người biết, nhưng tổ chức căn cứ vào yêu cầu của cô, giải quyết chuyện vợ con Quốc Khánh, có thể chuyện riêng của hai người cả đơn vị 701 sẽ biết, như thế sẽ phá đi hình ảnh vinh quang hiện tại của cô.

“Với lại,” tôi nhắc nhở, “cô cũng không thể độc thân mãi được”.

“Có thể thế được không?”. Cô nửa đùa nửa thật.

Tôi nói: “Nếu cô thích Quốc Khánh thì cũng không thể tiếp tục với anh ấy như vậy được”.

Y Y nói: “Ý anh bảo, anh Khánh nên li hôn, sau đấy lấy em?”.

Tôi nói: “Đúng!”.

Y Y nói: “Như vậy không thực tế, mà cũng không thể. Em biết bảo anh ấy li hôn chẳng khác nào bảo anh ấy chết. Anh ấy không dám đâu”.

Tôi nói: “Đã thế thì cô cũng không thể giúp anh ấy”.

Cô hỏi tại sao, tôi nói, hiện tại cô đang có điều kiện, tổ chức cũng đang cố tìm cho cô một người, đến lúc ấy nếu như cô để lộ chuyện với Quốc Khánh sẽ, không có lợi cho cô. Tóm lại một câu, tôi cho rằng, cô không nên lo chuyện gia đình Quốc Khánh, mà lo cũng không nổi, biết đâu mà lo, như thế chỉ có hại chứ không có lợi cho cô. Tôi nói thật tình, mà cũng là sự thật để cô phải suy nghĩ. Nhưng quyết định cuối cùng của cô khiến tôi thất vọng.

Y Y nói: “Em đã hứa với anh Khánh, không thể nuốt lời, với lại, ai để ý đến chuyện này chứ, anh ấy cũng không thể làm chồng em, có làm chồng rồi em cũng bỏ”.

Tôi nói: “Có người để ý chứ, cánh nam giới để ý”.

Y Y nói: “Số em chỉ sống một mình”.

Tôi nói: “Tổ chức đang cố gắng, cho nên muốn cô hợp tác, đừng làm bung chuyện anh Khánh ra.

Y Y nói: “Giữ kín được một giờ, không thể giữ kín một đời. Thôi, đừng vẽ chuyện nữa, chuyện anh Khánh em sẽ lo, còn những chuyện khác nghe theo số trời, em không suy nghĩ mà cũng không đủ kiên nhẫn, làm một chuyện đen tối phải nghĩ xa đến tám đời. Bây giờ em không nghĩ gì hết, chỉ nghĩ cách giúp anh Khánh, một mặt em hứa với anh ấy, mặt khác không phải anh không hiểu anh Khánh, con người thật thà, chỉ thật thà với thật thà, em không giúp, anh ấy còn biết dựa vào ai? Dựa vào cái thật thà của anh ấy liệu có giải quyết được vấn đề? Việc này không giải quyết, liệu từ nay về sau anh ấy có hạnh phúc không? Cho nên, chuyện của anh Khánh em sẽ giúp, anh không muốn giúp cũng được, em sẽ tìm người khác”.

Nói đến thế tôi đành phải giúp. Nói thật, lúc này Y Y đúng là một vị thánh, có thể hô phong hoán vũ, có thể biến đá thành vàng, có thể nói một là một. Tức là, nếu tôi không làm người tốt bụng sẽ có người khác. Nhưng nếu để người khác đứng ra làm, chẳng hóa ra tôi có lỗi với cô, coi như tôi tự làm phiền mình vậy. Lúc ấy, các vị Thủ trưởng cấp trên về có vị nào không muốn gặp cô? Vị nào cũng muốn! Nhân cơ hội ấy cô sẽ nói với cấp trên về tôi hoặc ai đó, như thế cô sẽ mượn gió bẻ măng, với tôi thì đó là chuyện thay đổi số phận. Thế nào gọi là một lời nói nặng ngàn cân? Lúc ấy một lời của cô nặng ngàn cân. Tôi đâu có ngốc đi làm chuyện mất lòng cô, để người khác cướp công. Cho nên thấy cô nhất quyết giúp Quốc Khánh, đồng thời tốt nhất cũng giúp luôn cậu Vương, vậy là tôi quyết định giúp đỡ, chạy lên Tổng cục, giải quyết cùng lúc chuyện của hai người.

Nói thật, lúc bấy giờ tổ chức đều thận trọng suy nghĩ và cố gắng thỏa mãn những yêu cầu của cô. Mà chuyện của Quốc Khánh và cậu Vương đều là vấn đề nội bộ, đơn vị có thể tự giải quyết. Chỉ cần cô đứng ra đặt vấn đề, không có gì khó khăn.