Lắng Nghe Trong Gió

Chương 21: Chương 4.17

Bỉnh chết!

Qua băng ghi âm cậu ta nói với tôi, Phương là con người hư hỏng, đứa trẻ là con hoang, cho nên cậu tự tử.

Cái chết của Bỉnh khiến mọi người trong đơn vị 701 cảm thấy bàng hoàng và đau buồn, không ai phẫn nộ, vì tôi đã lừa dối mọi người.

Đúng vậy, tôi đã lừa dối tổ chức. Tôi đã làm gì? Tôi không trao ngay cuộn băng ghi âm cho tổ chức. Không có cuộn băng ấy, liệu ai biết tại sao Bỉnh tự tử? Về cái chết của Bỉnh, trong điếu văn viết thế này: Trong lúc làm việc không may bị điện giật. Đối với một người mù, xảy ra việc bất cẩn chừng như không có gì là không thể, cho nên mọi người không lạ cảm thấy. Như vậy, Bỉnh sống vĩ đại, chết cũng vinh quang.

Hãy tin tôi, tôi làm như vậy tuyệt nhiên không vì mục đích cá nhân, hoàn toàn vì Bỉnh, thậm chí cũng vì đơn vị 701. Nói thật, từ sau ngày Bỉnh đến với 701, chúng tôi đi họp ở đâu, không ai nói đến 701 chúng tôi mà họ đều nói “đơn vị Bỉnh”. Tức là Bỉnh đã nổi tiếng trong toàn hệ thống, tin một con người như vậy tự tử sẽ nhanh hơn bất cứ tin tức nào. Một thông tin như vậy lan truyền ra ngoài, đối với 701 và Bỉnh quả là bất lợi và xấu hổ. Tôi bảo toàn vinh quang cho Bỉnh và 701 mới cả gan ém nhẹm “di chúc” của Bỉnh.

Nhưng sau đấy tôi nghĩ lại, việc này nên cho tổ chức biết, bởi nếu không, tôi không có cách nào để “rửa hận” cho Bỉnh. Muốn biết cũng thật dễ dàng, chỉ cần cho Thủ trưởng nghe lại băng ghi âm là được. Theo trình tự tổ chức, tôi trao cuộn băng cho Cục trưởng Ngô. Tất nhiên, để tránh truy cứu sai lầm của tôi, tôi nói dối vừa mới phát hiện cuộn băng ghi âm ấy. Như vậy, Cục trưởng Ngô là người thứ hai biết sự thật về cái chết của Bỉnh.

Cục trưởng Ngô lại trao cuộn băng cho Thủ trưởng đơn vị, vậy là Thủ trưởng Thiết là người thứ ba biết chuyện.

Đã qua nhiều năm, tôi vẫn còn nghe thấy - hình như văng vẳng bên tai - tiếng Thủ trưởng đơn vị kêu lên sau khi nghe xong những lời của Bỉnh trong băng ghi âm:

“Bảo chúng nó cút đi! Cả hai đứa cùng cút đi! Cút ngay! Ngay ngày mai cút khỏi đây! Cút về quê chúng! Nếu để tôi thấy, tôi sẽ bắn chết!”. Tôi dám nói, nếu sự việc này xảy ra trong những năm chiến tranh, bên hông mọi người đều có súng, biết đâu trên thân xác hai người kia đã thủng hai vết đạn! Nhưng lúc này không thể, và cũng không được làm như vậy. Tại sao? Tại vì đã làm lễ truy điệu, vinh quang của Bỉnh mọi người đều biết, bây giờ lật lại vụ án, rõ ràng đã sai cứ để cho sai. Nhưng như vậy cũng có vấn đề, tức là, Bỉnh bị điện giật, tại sao chúng tôi lại đuổi vợ cậu ta đi? Không thể. Tôi không dám nghĩ, vì tình cảm của tôi đối với 701 và Bỉnh, thậm chí tôi không có cách nào nghiêm trị kẻ gây nên tội lỗi. Đấy là điều không thể có sự trả thù cá nhân. Nhưng mà, điều ấy không bao gồm anh chàng người Sơn Đông ở phòng dược, cái đồ khốn kiếp ấy ngay ngày hôm sau bị chúng tôi lôi lên ô tô, tống ra ga xe lửa. Để giữ bí mật cái chết của Bỉnh, lúc ấy chúng tôi không nói rõ tội trạng của anh ta, mà cũng không thể nói rõ. Chính vì vậy, khi bị chúng tôi tống ra ga, đã thẳng thắn vặn hỏi: “Tại sao lại đuổi tôi?”. Tôi đâu còn tâm trạng nào để nói với cái đồ chó má ấy?

Một vệ binh rút súng, dí vào mũi anh ta, nói:

“Nói cho mày biết, nếu mày còn nói thêm nửa lời, tao sẽ bắn!”.

Cái đồ chó má ấy sợ hãi, không dám nói gì, cứ thế ngoan ngoãn cút khỏi.

Sau đấy xảy ra một sự việc không ai ngờ tới.

Một buổi tối sau hôm anh chàng người Sơn Đông cút khỏi đơn vị, tôi vừa về đến nhà, Phương sang tìm tôi, thấy tôi cô đã quỳ thụp xuống, khóc lóc kêu la, nói ra những điều tôi không dám tin. Cô ta nói: Bỉnh không có khả năng sinh lí, Bỉnh cho rằng mình như đứa trẻ con, chỉ cần ngủ cùng giường với vợ, ôm vợ, hôn vợ, thì sẽ được làm cha, mẹ anh sẽ được bế cháu...

“Anh biết không, anh ấy là người con có hiếu, anh ấy mong có con là để mẹ được bế cháu. Một năm sau, anh ấy thấy em không mang bầu, lại cho rằng em có vấn đề, rất hay cáu với em, không chịu ngủ với em, một đôi lần còn đòi bỏ em để tìm một người khác. Em sợ anh ấy bỏ, bị anh ấy bỏ liệu em làm sao sống nổi ở 701 nữa? Làm thế nào để xứng với 701 và với người anh trai đã chết, vậy là em... em...”.

Cuối cùng, cô thề với tôi, từ sau khi cô biết mình có mang, cô không để anh chàng người Sơn Đông kia chạm vào người.

Không biết tại sao, tuy tôi tin ở dòng nước mắt gồm cả những lời có thể là thật của Phương, nhưng tôi không hề rung động, cho dù một chút lòng trắc ẩn cũng không. Tiếng đứa bé khóc bên kia tường khiến tôi bực bội đứng dậy, lạnh lùng bảo cô ta ra khỏi nhà tôi.

Lúc Phương bỏ đi, tôi nói với cô ta: “Tôi biết tôi phải trả thù cho Bỉnh, hãy tin tôi, tôi không làm thế”. Hôm sau, có người trông thấy Phương ôm con đi khỏi 701, nhưng không ai thấy cô ta về, cũng không ai biết cô đi đâu. Cho đến mùa thu năm nọ, tôi có dịp đi công tác Thượng Hải, tiện thể ghé qua Lục Gia Yến thăm mẹ Bỉnh, mời biết Phương rời khỏi đơn vị 701 về Lục Gia Yến, sống với mẹ Bỉnh. Kì lạ là, tôi không thấy đứa bé, hỏi Phương, cô ta không nói rõ, chỉ nói cháu không ở đây. Qua lời nói và việc làm của Phương, cô coi đây là nhà, mẹ Bỉnh hết lời khen cô là nàng dâu tốt nhất làng Lục Gia Yến này, người trong làng ai cũng khen mẹ Bỉnh có phúc.

Năm 1983, mẹ của Bỉnh bị chứng đái tháo đường dẫn đến suy tim và qua đời. Người trong làng nói, hôm đưa ma bà, Phương đi khỏi làng, bảo về đơn vị cũ của Bỉnh. Nhưng chúng tôi biết, cô không về. Cuối cùng cô đi đâu? Nói thật, cô đi đâu cho đến nay chúng tôi cũng không biết, lúc đầu có người nói cô về quê, lại có người nói cô đi Sơn Đông, nhưng rồi cũng chỉ là lời đồn đại vậy thôi. Lại có người nói, sau khi rời Lục Gia Yến, cô nhảy xuống sông Hoàng Phố, có người nói thấy cô trên phố Thượng Hải, có người nói thấy cô ở đơn vị của Bỉnh... Tóm lại, chuyện Phương đi đâu tôi cảm thấy còn lì kì, bí ẩn hơn cả chuyện lỗ tai Bỉnh.