Chạy chưa được bao xa, đoàn người Triệu Vân lại thấy đất bụi cuốn tung, tiếng hò reo vang trời, từ trong rừng rậm lại một cánh quân mã do một mãnh tướng chỉ huy xông ra, cờ hiệu phấp phới “Thất Tinh Tướng Quân Trương Cáp”, cánh quân này mặc quân phục rõ ràng của binh Tào, chỉ khác là bên ngực phải đều đeo huy hiệu Thất Tinh Môn.
Nguyên sư phụ Trương Cáp là Môn Chủ Thất Tinh Môn, lúc trước có giao tình với Viên Thiệu, Trương Cáp nghe lời sư phụ, đem binh theo hầu Viên Thiệu. Nhưng sau, quân Tào mở rộng phạm vi ảnh hưởng đến núi Mộc Sơn nơi Thất Tinh Môn đóng bản doanh, Thất Tinh Môn Chủ vì vừa sợ oai vọng của Tào Tháo, đồng thời cũng mờ mắt vì vàng bạc, công danh Tháo mang lại nên đã khuyên dụ Trương Cáp bỏ Thiệu theo Tháo, lại cấp thêm năm trăm môn đồ và Tứ Đại Đường Chủ xuống núi, sát nhập vào quân Tào.
Với tài năng của mình, Trương Cáp rất được Tào Tháo tin dùng, phong làm Thất Tinh Tướng Quân, được xếp ngang hàng các đại hổ tướng như Cao Lãm, Trương Liêu, Hạ Hầu Song Kiệt, Tào Thị Song Hùng.... về võ nghệ trong binh Tào, có lẽ chỉ kém Tả Hữu Võ Vương Hứa Chử, Điển Vi một chút mà thôi.
Tào Tháo nghe Điển Thanh về báo Thập Bát Phi Ma đã bị Triệu Vân sát hại, lại thấy đoàn người Triệu Vân gấp rút chạy về phía Trường Bản, trong lòng con cáo già thời loạn thế đó đã linh cảm được một điều gì đó hệ trọng mà Triệu Vân đang phải chịu trách nhiệm, vì vậy, hàng loạt đại tướng nhận lệnh dàn quân chặn đường, trong đó có đại quân của Trương Cáp.
Lại nói, Trương Cáp cho giàn quân chặn đường, tay vung thương, quát vang như sấm:
- Triệu Vân chạy đâu, có Hà Gian Trương Cáp đây.
Triệu Vân gò cương, Bạch Mã hý một tiếng, đứng khựng lại, hai chân trước vung lên rồi mới hạ xuống đất, đứng vững như bàn thạch. Triệu Vân ôm quyền xá Trương Cáp rồi nhã nhặn hỏi:
- Lâu rồi mới được gặp Trương huynh, chẳng hay Trương huynh chặn đường đệ có chi chỉ bảo?
Nguyên lai trước kia cùng ở dưới trướng Viên Thiệu, Trương Cáp và Triệu Vân cũng đã từng quen biết nhau, sau Cáp theo Tào Tháo, Vân theo Công Tôn Toản rồi cuối cùng về với Lưu Bị, mới có mấy năm mà giờ hai người trở thành ở hai đầu chiến tuyến. Trương Cáp hoành thương ngang lưng ngựa, hướng mắt nhìn Triệu Vân và Tam Thiết Vệ lúc đó vừa trờ tới nói:
- Thừa tướng có lệnh, ta buộc phải mời Triệu huynh đệ đến gặp thừa tướng để nói chuyện.
Triệu Vân thờ ơ nói:
- Vân này hiện đang thờ Lưu Hoàng Thúc, gặp Tào thừa tướng không tiện, vả lại Vân đang gấp về với Hoàng Thúc, chẳng hay Trương huynh có thể nhường đường.
Trương Cáp cười gằn, nói:
- Ta cũng biết ngươi sẽ không ngoan ngoãn đi theo. Ta thì sẵn sàng cho đi, nhưng người bạn của ta thì lại không đồng ý, biết làm sao bây giờ?
Lôi Đao Lê Trung nghe vậy, vọt miệng nói:
- Chẳng hay người bạn của Trương tướng quân là ai vậy?
Trương Cáp bật cười ha hả, vung cây Thất Tinh Thương một vòng rồi chỉ vào cây thương nói:
- Người bạn ta chính là cây Thất Tinh Thương này. Các ngươi muốn qua thì để đầu lại đây.
Triệu Vân nghe Trương Cáp giễu cợt, máu nóng bốc lên tận đầu, không nói năng chi, quát lớn một tiếng, thúc ngựa xốc tới. Trương Cáp cũng không vừa, vung Thất Tinh Thương, chiến hài kẹp bụng ngựa xông thẳng tới đối trận. Hai thương hai tướng, một là đệ tử của Thương Vương, một là Thiếu Môn Chủ Thất Tinh Môn, hai thương như hai con rồng múa lộn, quây quần đánh trời sầu đất thảm.
Tam Thiết Vệ của Triệu Vân cũng không thất nghiệp đứng nhìn, bởi năm trăm quân Tào, hay nói đúng hơn là môn đồ Thất Tinh Môn do hai vị Đường Chủ Huyền Võ Đường Ngao Lập và Chu Tước Đường Hàn Giang chỉ huy đã ào lên vây đánh ba người, đối thủ của Ngao Lập là Lê Trung, còn Tô Uyển Vân thì vung kiếm chặn đánh Hàn Giang. Hứa Hùng có nhiệm vụ bảo bọc sau lưng hai người, ngăn chặn từng đợt sóng công phá của bọn môn đồ Thất Tinh Môn.
Vũ khí của Huyền Võ Ngao Lập là cây Hỗn Thiết Đao, chủ về tính cương mãnh, đao phong ù ù như gió cuốn, đương đầu với Lê Trung, đúng là một cặp kỳ phùng địch thủ, cả hai đều dùng dương cương, Hỗn Thiết Đao và Lôi Hoả Đao va chạm nhau vang lên những tiếng long cong nghe điếc tai, đao phong vun vυ't, chạm nhau nháng lửa.
Nếu như Lê Trung và Hàn Giang sử hai loại vũ khí giống nhau thì vũ khí của Hàn Giang và Tô Uyển Vân lại khác hẳn, tuy cùng là kiếm nhưng vũ khí của Hàn Giang là một cây Bạt Phong Kiếm to bản, thân lớn như cây đao, đốc kiếm khắc đầu quỷ với hai viên ngọc đỏ như máu chạm vào đôi mắt quỷ, trông vô cùng khủng bố. Trong khi đó, Dao Trì Liên Hoa Nữ Tô Uyển Vân lại sử dụng Phụng Tiên Kiếm với bài Liên Hoa Tâm Kiếm, kiếm pháp nhẹ nhàng như hoa trôi, nhưng không kém phần ảo diệu, trong cái nhu đôi lúc lại loé lên cái cương, so với cây Bạt Phong Kiếm của Hàn Giang lại có phần hơn chứ không một chút kém cạnh.
Đánh nhau chưa đầy ba mươi hiệp, Lê Trung nghiếng răng, đồn hết sức lực vào Lôi Hoả Đao, vung xuất một chiêu Thái Dương Hạ Sơn, Lôi Đao hoá thành một vầng mây lửa, từ trên đỉnh chém thẳng xuống mặt Ngao Lập. Ngao Lập toát mồ hôi, vội hoành ngang cây Hỗn Thiết Đao nghiến răng đỡ đòn, chỉ nghe "choang" một tiếng, thanh đao của Ngao Lập đã bị Lôi Hoả Đao chém cho quằn lưỡi. Lê Trung cười gằn, tay trái rút chuỷ thủ xuất chiêu thứ hai, Ngao Lập thu đao không kịp, bị Lê Trung vươn tay trái đâm một chuỷ thủ xuyên qua cả mũ sắt và đầu, lăn nhào xuống ngựa. Lôi Đao Lê Trung phóng ngựa theo, Lôi Hoả Đao vợt qua, đầu Ngao Lập đã lăn lông lốc trên mặt đất, máu đổ chan hoà.
Quay lại trận đấu giữa Tô Uyển Vân và Đường Chủ Chu Tước Đường Hàn Giang, cùng lúc với việc Ngao Lập lìa đời, Hàn Giang cũng đang lâm vào thế hiểm nguy, đường Bạt Phong Kiếm tuy dũng mãnh, cương dương nhưng không tài nào thoát được lưới ảnh trùng vây mềm mại nhưng quấn quýt của cây Phụng Tiên Kiếm. Năm mươi hiệp có dư đã trôi qua, Hàn Giang dần cảm thấy mọi chiêu thức mình đưa ra đều bị cây Phụng Tiên Kiếm của Tô Uyển Vân cản phá, mới thò ra nửa chừng lại phải rụt lại để phòng thân, luống cuống chân tay, không biết phải làm thế nào nữa.
Thực ra võ nghệ Tô Uyển Vân cũng chỉ nhỉnh hơn Hàn Giang một chút thôi, nhưng vì tính chất nhu mềm của Liên Hoa Tâm Kiếm mà tính dương cương của Bạt Phong Kiếm bị triệt phá hoàn toàn, Hàn Giang lúc này hoàn toàn đã lâm vào thế hạ phong.
Đám thủ hạ Thất Tinh Môn thì còn thảm hại hơn, tuy nhân số lên đến năm trăm người nhưng có quần công cũng chỉ có vài tên vây được Hứa Hùng, còn thì chỉ tổ vướng chân vướng tay nhau. Bọn chúng cũng không thể bén mảng đến khu vực Triệu Vân và Trương Cáp đang đọ thương bởi thương ảnh, kình khí của hai đại cao thủ đó phát ra đủ để làm bất cứ kẻ nào xớ rớ đến gần phải bỏ mạng. Phần hai đường chủ của chúng cũng vậy, do đó chỉ còn cách quây quần bên Hứa Hùng, mà Hứa Hùng thì võ nghệ lại có phần hơn cả Tô Uyển Vân và Lê Trung.
Chỉ thấy trong rừng đao thương của đám môn đồ Thất Tinh Môn, Hứa Hùng cưỡi chiến mã tả xung hữu đột, hết đánh đông lại quay tây, cả người lẫn ngựa như ảo ảnh nhẹ nhàng lướt đi giữa rừng đao quang thương ảnh, Tán Hồn Kỳ phất lên liên tục. Bất ngờ, Hứa Hùng đưa hai tay nắm lấy chuôi kỳ, vù một cái, bạch quang lóe lên, một tên môn đồ Thất Tinh Môn bị kỳ phong quạt vỡ nửa cái đầu.