Vương Mệnh

Chương 431: HÁN – HOÀI CHIẾN SỰ (1)

Hán - Hoài lĩnh địa là khu vực “tam bất quản” nằm ở giữa khoảng các sông Hán thủy và Hoài thủy. Sau cuộc đại chiến, các đại quốc đã quyết định dùng nơi này làm vùng đệm giữa các đại quốc, cũng như làm nơi để người chơi phát tiết tinh lực quá vượng thịnh của mình. Hán – Hoài lĩnh địa xung quanh tiếp giáp Hoàng tộc, Man tộc, Kinh tộc, Viêm tộc và Đông Hải Liên minh. Trong số lục đại tôn chủ quốc, chỉ có Thần Thánh quốc không tiếp giáp với Hán – Hoài lĩnh địa, cũng như theo chủ trương của Giang Phong, không áp đặt ảnh hưởng của mình lên nơi đó. Các nước còn lại đều có ít nhiều ảnh hưởng và lợi ích tại Hán – Hoài lĩnh địa.

Trước đây, ở vùng Hán – Hoài có rất nhiều tiểu quốc. Do ảnh hưởng của ngũ đại quốc, vùng này thường xuyên xảy ra chiến tranh, các tiểu quốc liên miên chinh phạt, thôn tính, liên minh, mở mang địa bàn. Sau nhiều cuộc tranh chiến khốc liệt, cuối cùng nơi đây đã xuất hiện ba thế lực lớn là Hán quốc, Đại Sở quốc và Dĩnh Thủy Liên minh. Ba thế lực trên chiếm giữ hơn 80% địa bàn của vùng Hán – Hoài. Ngoài ra còn có gần trăm tiểu thế lực khác khống chế phần còn lại, chủ yếu ở những nơi cao sơn dã lĩnh, đất đai cằn cỗi, đi lại khó khăn, khó phát triển, nên ba thế lực kia tạm thời chưa quan tâm đến.

Hán quốc là thế lực hùng mạnh nhất ở vùng Hán – Hoài, chiếm giữ lưu vực Hán thủy trù phú, 3.000 thiết huyết kỵ binh tinh nhuệ là một lực lượng hùng hậu mà các thế lực khác đều phải kiêng dè. Quốc đô của Hán quốc gọi là Hán trấn, đóng ở khu vực ngã ba Hán thủy và Dục thủy, thuộc địa phận đất Tương Dương nổi tiếng. Hán quốc chủ có phong hiệu là Hán Bình Công, trên danh nghĩa là chư hầu của Kinh triều, nhưng gần đây có khuynh hướng nghiêng về Bắc triều Hoàng tộc và nhận viện trợ từ Bắc triều.

Đại Sở quốc nằm ở thượng nguồn sông Hoài, do bị Hán quốc uy hϊếp thường xuyên nên quốc lực không mạnh, trong chiến tranh với Hán quốc thường xuyên bại trận. Chỉ nhờ vào địa hình đồi núi và sự viện trợ của hữu bang mà miễn cường kháng cự được sự thôn tính của Hán quốc. Đại Sở quốc cũng có 1.000 kỵ binh, nhưng so với thiết huyết kỵ binh của Hán quốc thì cả số lượng và chất lượng đều thua xa. Quốc đô của Đại Sở quốc đóng ở Dự Nam trấn, ngay bên bờ bắc sông Hoài. Đại Sở quốc chủ có phong hiệu là Sở Định Công, trên danh nghĩa là chư hầu của Viêm triều, nhưng công khai nhận viện trợ từ Đông Hải Liên minh. Sau Bình Nguyên chiến dịch, Viêm triều ngày càng suy yếu, chỉ còn có thể làm tôn chủ quốc trên danh nghĩa, chứ thực lực còn thua cả Khương tộc ở vùng Khương thủy, vốn là một chư hầu của mình.

Dĩnh Thủy Liên minh gồm 4 tiểu quốc là Dĩnh, Tống, Lương và Nam Bình; 4 vị quốc chủ lần lượt là Dĩnh Trang Bá, Tống Tương Bá, Lương Giản Bá và Bình Uy Bá. Cả 4 tiểu quốc này đều là bá quốc, quốc thổ không rộng nhưng dân cư đông đúc, kinh tế phát đạt. Do nằm sát biên giới với Đông Hải Liên minh nên cả 4 tiểu quốc này đều là chư hầu của Đông Hải Liên minh. Cả 4 tiểu quốc hợp thành Dĩnh Thủy Liên minh, tổ chức gần giống Đông Hải Liên minh, có quân đội chung, trong đó có 2.000 thiết kỵ tinh nhuệ chẳng kém gì thiết huyết kỵ binh của Hán quốc.

Ngoài ra mỗi thế lực đều có hơn vạn NPC bộ binh và hàng vạn người chơi đều có thể tham gia chiến đấu. Với quân lực sung túc như thế, chiến tranh gần như diễn ra hàng ngày, đến nỗi người chơi ở đây đã tập được thói quen sống chung với chiến tranh.

Từ khi hay tin Giang Phong chuẩn bị tuần thú phương bắc, tình hình chiến sự ở vùng Hán – Hoài càng thêm khốc liệt. Không biết ai đó đã tra ra được việc Giang Phong bắc tuần có nguồn gốc từ lá thư của 4 vị quốc quân các nước thuộc Dĩnh thủy Liên minh. Mọi người tự nhiên cho rằng bọn Giang Phong đến vùng Hán – Hoài để hòa giải xung đột ở đó. Vì vậy, Hán quốc tranh thủ lúc này xâm chiếm thêm địa bàn. Bởi sau này ai có nhiều địa bàn thì sẽ có ưu thế hơn trên bàn đàm phán. Bọn họ cố gắng mở mang bờ cõi để quốc thổ có thể đạt mức yêu cầu thành lập vương quốc. Mục tiêu của bọn họ là thành lập vương quốc. Đại Sở quốc cũng biết vậy, nên cũng khẩn trương chuẩn bị phòng ngự, cố gắng giữ gìn địa bàn hiện tại của mình. Ngay từ khi hay tin, song phương đã lập tức khai triển các hành động quân sự.

Hán quốc huy động toàn bộ quốc lực, tập hợp được một đội quân lớn gồm 3.000 thiết huyết kỵ binh, 1 vạn NPC bộ binh và hơn 2 vạn người chơi, chuẩn bị đối Đại Sở quốc phát động tiến công. Trong đội quân này còn có thêm hơn 1 nghìn NPC kỵ binh không rõ lai lịch, nghi là từ một thế lực khác đến tham chiến, hỗ trợ Hán quốc.

Đại Sở quốc cũng không chịu kém, vì bảo vệ quốc thổ, đã tập hợp một lực lượng gồm 1.000 kỵ binh, 1 vạn NPC bộ binh và 1 vạn rưỡi người chơi. Nhờ có thể dựa vào địa hình tổ chức phòng thủ, nên sự chênh lệch về quân lực không ảnh hưởng nhiều đến tình hình chiến sự. Cả Dĩnh Thủy Liên minh cũng khẩn cấp động viên quân đội, sẵn sàng chi viện hữu bang.

Ngoài ra, còn có hàng vạn người chơi từ các nơi đổ xô về đó để xem nhiệt náo. Ai nấy đều ở xa xa quán chiến, cười nói vui vẻ, bàn tán xôn xao, chẳng khác gì đang đi xem lễ hội.

- Ha ha ha. Tuyệt quá. Cuối cùng cũng đánh lớn rồi.

- Đánh đi. Đánh kịch liệt vào. Để chúng ta còn có thể quay lại cảnh chiến đấu.

- Hán quốc cố lên. Ta ủng hộ Hán quốc anh hùng.

- Sở quốc cố lên. Đánh bại đám ngụy quân tử.

...

Chỉ trong ba ngày đầu tiên, song phương đυ.ng độ hơn 10 trận nhỏ, chủ yếu là thám thính chiến lực của đối phương. Tuy chỉ là đánh nhỏ, nhưng cũng đã có hơn trăm NPC bộ binh và hàng nghìn người chơi chiến sĩ tử vong. Lực lượng chủ lực của song phương tạm thời vẫn án binh bất động, tìm cơ hội đánh bại đối phương, xâm chiếm địa bàn hay bảo vệ quốc thổ.

Đến tối ngày thứ ba, khi Giang Phong đang ở Kinh đô Tương Nguyên thì 1 vạn bộ binh của Hán quốc gồm một nửa là NPC, một nửa là người chơi, khẩn cấp hành quân đến Thiên Bảo trấn, một tòa tiểu trấn của Đại Sở quốc nằm ở gần vùng giáp giới. Thật là trước đây Thiên Bảo trấn nằm ở phúc địa, nhưng sau nhiều lần bị xâm lấn, nó đã trở thành biên trấn, thường xuyên bị quân đội Hán quốc uy hϊếp. Do vậy, ở đây luôn có 1.000 NPC bộ binh và 2.000 người chơi chiến sĩ trú đóng bảo vệ.

Phía Đại Sở quốc hay tin Hán quốc đã xuất binh, lập tức cử 1 vạn bộ binh đến Thiên Bảo trấn ứng chiến. Tin tức truyền về đại bản dinh của Hán quốc, lập tức có thêm 1 vạn quân đội nữa tiến về Thiên Bảo trấn.

Phía Đại Sở quốc thấy đối phương người đông thế mạnh, liền thay đổi chiến thuật, chỉ để lại 5.000 người chơi tử thủ Thiên Bảo trấn, còn lại 8.000 quân gồm cả NPC và người chơi tạm thời rút ra khỏi Thiên Bảo trấn, hội hợp cùng 5.000 viện quân chuyển sang tấn công Tùng Dương trấn, một tòa tiểu trấn cũng ở gần đó, trước đây thuộc về Đại Sở quốc, nhưng nay đã bị Hán quốc chiếm giữ.

Trận chiến tối hôm đó hoàn toàn là một trận loạn chiến, thật sự không ai rõ có bao nhiêu quân đội chính thức tham chiến. Trận loạn chiến này còn hỗn loạn hơn sự tưởng tượng của song phương, bởi không chỉ có lực lượng của song phương tham chiến, mà đến gần tàn cục thì lại có vô số quán chúng nhảy vào tham chiến. Giữa lúc song phương quyết chiến, chiến cục hỗn loạn vô cùng, mọi người không thể nào phân biệt được rốt cuộc là ai đang tập kích ai, chỉ thấy kẻ đối diện không phải thuộc phe mình là sát. Rất nhiều người chơi đang quan chiến, thấy song phương chiến đấu khích liệt, nhiệt huyết dâng tràn, vội kéo bè kéo cánh xông vào những nơi chiến đấu thảm liệt nhất.

Xông vào để làm gì ? Cướp nha ! Tranh đoạt nha !

Ở những nơi chiến đấu thảm liệt nhất, những người tham chiến tử vong nhiều nhất, thì cũng là những nơi bạo trang bị nhiều nhất. Vô số người chơi tranh nhau xông vào những nơi đó, tranh cướp những trang bị rơi đầy trên mặt đất. Ai dám cùng bọn họ tranh cướp, bọn họ lập tức sát kẻ đó, bất kể kẻ đó thuộc phe Hán quốc, Đại Sở quốc hay là quán chúng. Chiến cục hỗn loạn vô cùng, không ai kiểm soát được tình hình. Mãi đến khi trời sáng, mọi người quá mệt mỏi, thì cuộc chiến mới tạm thời dừng lại.

Sau trận loạn chiến đó, các phương đều tổn thất nặng nề. Thiên Bảo trấn thất thủ, 5.000 người chơi phe Đại Sở quốc tử thủ trong trấn, toàn thể trận vong, nhưng phía Hán quốc cũng phải đánh đổi bằng gần 1 vạn sinh mạng. Trong khi đó, Tùng Dương trấn cũng đổi chủ. Phe Đại Sở quốc phải hy sinh hơn 3.000 quân mới chiếm lĩnh được tòa tiểu trấn chỉ có hơn 2.000 người phòng thủ này. Kết quả, về quân lực phía Đại Sở quốc chiếm ưu thế hơn, bởi chỉ hy sinh hơn 8.000 quân (trong đó có hơn 1.000 NPC bộ binh) để tiêu diệt hơn 1 vạn 2.000 địch nhân (với gần 3.000 NPC bộ binh); nhưng Thiên Bảo trấn lại là một cứ điểm chiến lược quan trọng, nằm trên tuyến đường dẫn đến Sở đô Dự Nam, nên phía Hán quốc cũng không thể xem là bại trận. Còn về phía quán chúng, nghe nói người tử vong vô số, nhưng không thể nào thống kê hết được.