Vương Mệnh

Chương 419: Ụ LONG SƠN QUYẾT CHIẾN

Lại nói, khi bị ai đó trong đám đông lên tiếng trêu cợt, khiến quần hào ha hả cười vang, quần cao thủ Hoan Hỷ giáo đều giận dữ tái mặt, nộ khí xung thiên. Nhưng pháp bất trách chúng. Người lên tiếng là ai không biết, trong khi có đến cả nghìn người cười, chẳng lẽ xử trí tất cả. Hoan Hỷ giáo dù cho có ngông cuồng thế nào, giữa lúc đại địch đang tiền thế này cũng không dám làm thế.

Trong lúc cả bọn đang giận tái mặt, thầm rủa mười tám đời tổ tông của kẻ vừa lên tiếng, thì từ dưới chân núi chợt có tiếng cười lớn, vang vọng theo gió truyền lên. Tiếng cười đầy dẫy trung khí, truyền đi rất xa, chứng tỏ đạo hạnh của người kia không phải tầm thường. Quần hào xôn xao bàn tán, không biết là có phải chính chủ đến không ?

Hơn một khắc sau, mọi người liền thấy một lão nhân vận bào gấm hoa lệ dẫn đầu một đoàn hơn mười người từ dưới chân núi đi lên. Tuy bọn họ chỉ có hơn mười người, nhưng ai nấy đều tỏa ra khí thế phi phàm, chứng tỏ không phải hạng phàm phu tục tử. Nhất là lão nhân dẫn đầu, mình hạc xương mai, râu tóc bạc phơ nhưng da dẻ hồng hào, diện mạo uy nghiêm, thần thái tiên phong đạo cốt.

Lên đến quảng trường trước chính điện, lão nhân trợn mắt nhìn đám cao thủ Hoan Hỷ giáo, ánh mắt sáng rực tràn đầy sát khí như muốn khủng bố tinh thần bọn họ. Có ai đó trong bọn buột miệng thốt :

- Lão là Vân Dương Tử của Cửu Nghi Sơn !

Những kẻ khác cũng thoáng biến sắc. Cửu Nghi Sơn là một ngọn danh sơn trong khu vực Động Đình Hồ. Vân Dương Tử dựng đạo tràng tại đấy, đạo hạnh cao thâm, uy danh lừng lẫy, và cũng có quan hệ rất thân thiết với Động Đình Quân. ‘Hồ Đại thần’ vội bước ra dõng dạc nói :

- Chúng ta ở đây tu luyện, không có đắc tội gì với các vị đạo hữu. Chẳng hay đạo hữu dẫn người lên núi tìm chúng ta có việc chi thế ?

Vân Dương Tử khẽ hừ một tiếng, lạnh lùng nói :

- Ngươi đã thừa biết rồi, còn hỏi làm chi nữa !

‘Hồ Đại thần’ chỉ có chút ảo tưởng nên mới hỏi thế, nay ảo tưởng đã tan vỡ, gã đành nói :

- Chúng ta nước sông không phạm nước giếng. Đạo hữu vì cớ gì mà lại bức bách chúng ta phải giải tán giáo phái, bỏ xứ ra đi ? Như thế có quá đáng lắm không ?

Vân Dương Tử nghiêm giọng nói :

- Các ngươi không chỉ tụ chúng tác loạn, mà còn lập ra tà đạo mê hoặc lương dân, bất vụ chính nghiệp, dâʍ ɭσạи nhân gian, đáng ra không thể tha thứ được ! Chúng ta nghĩ tình các ngươi tu hành không dễ, nơi mới cho một cơ hội hồi đầu ! Nếu không biết nắm bắt thì có chết cũng là đáng tội !

‘Hồ Đại thần’ hãy còn cố gắng nói thêm :

- Chẳng lẽ đạo hữu chẳng thể hóa đao thương thành ngọc thạch được sao ?

Vân Dương Tử nói :

- Đối với kẻ tà ma ngoại đạo, nếu không trừng trị thì còn gì kỷ cương phép nước.

Một gã đứng sau lưng ‘Hồ Đại thần’ sa sầm nét mặt, quát :

- Các ngươi có giỏi thì cứ động thủ ! Chẳng lẽ chúng ta lại sợ các ngươi hay sao ? Bất quá đến chết là cùng !

Nói xong, gã lập tức xắn tay áo bước ra, hướng về phía bọn Vân Dương Tử thách chiến. Gã ta trông dung mạo chỉ khoảng ba mươi (người tu hành thì dung mạo không đại biểu cho tuổi tác), râu rậm bó cằm, thể chất lực lưỡng, nếu theo cách nhìn của phàm nhân thì tướng mạo cũng oai phong hùng tráng. Nhưng Vân Dương Tử chẳng xem gã ta vào đâu, chẳng thèm nhìn gã mà quay sang chúng đạo hữu hỏi :

- Chư vị đạo hữu ai có thể xuất chiến ?

Một người bước ra nói :

- Vân Dương đạo hữu. Cứ giao gã đó cho ta.

Người vừa bước ra là một trung niên vận bộ lam y tề chỉnh, tướng mạo nghiêm nghị, khí phách uy nghi, có phong độ của bậc anh hùng hiệp khách, trên lưng có đeo một thanh cổ kiếm màu đen. Y nhìn gã cao thủ Hoan Hỷ giáo một lượt, rồi lạnh lùng nói :

- Ngươi đã chuẩn bị tinh thần chờ chết chưa ?

Gã kia giận quá quát lên :

- Ngươi … chưa biết ai cần phải chuẩn bị tinh thần chờ chết à ?

Trung niên nhân lạnh lùng nói :

- Đương nhiên là ta sẽ phải chuẩn bị tinh thần để đưa ngươi về miền chín suối.

Gã kia nộ khí xung thiên, mặt mũi đỏ bừng, không thèm làm thủ tục xưng tên trước khi xuất chiến mà lập tức múa tít thanh đại đao trong tay chém nhầu về phía đối phương, liên hoàn đao pháp tấn công tới tấp. Trung niên nhân muốn thị oai, nên không thèm né tránh, chỉ khẽ cười nhạt, rồi quát lên một tiếng, rút kiếm ra vẫy mạnh một lượt, quát :

- Nhất kiếm tam thức trảm tà ma !

Đạo kiếm ảnh lập tức phân làm ba phần, chia nhau công kích vào ba vị trí Thượng đan điền, Trung đan điền và Hạ đan điền (tức là đầu, ngực và bụng) của địch thủ. Đối phương không ngờ mới giao chiến mà đã gặp phải đại chiêu, luống cuống đưa đao ngăn đỡ, nhưng chỉ có thể phòng hộ được vùng mặt và yết hầu, còn khu vực Trung đan điền và Hạ đan điền đều trúng kiếm thọ thương.

Một gã cao thủ khác thuộc phe Hoan Hỷ giáo vội vã xông ra đối trận cùng trung niên nhân để đồng bọn cứu gã kia trở về. Trung niên nhân khẽ hừ lạnh một tiếng, nhưng cũng dừng tay không công kích nữa, quan sát tân đối thủ. Đó là một lão già áo đen, sắc diện lạnh lùng, dáng dong dỏng cao, tay cầm một thanh gậy trúc đã lên nước xanh bóng. Lão ta ngạo nghễ nhìn trung niên nhân, cất tiếng ngâm :

“Lòng định thanh nhàn chẳng được nhàn,

Kiếm linh muốn thử, dám từ nan,

Hào quang trên kiếm cao trăm thước,

Bảo bối trong tay chiếu mấy ngàn,

Vốn đã ăn đào nơi điện ngọc,

Cũng từng giảng đạo tại cung vàng,

Vì muốn chúng sinh quên đói khổ,

Nên phải dời chân đến thế gian.”

Ngâm rồi vung gậy chỉ vào mặt trung niên nhân quát :

- Tiểu tử kia đừng có thắng một trận rồi tưởng mình thiên hạ vô địch. Nay Viên Giác ta sẽ dạy cho ngươi biết núi này cao vẫn còn có núi khác cao hơn.

Trung niên nhân thấy đối phương bày trò như thế, khẽ cười nhạt một tiếng, rồi cũng cất giọng ngâm :

“Tu luyện dày công đạo đã minh,

Linh châu hai hạt tựa lưu linh,

Sáng ngời nhật nguyệt soi tâm địa,

Hòa thuận càn khôn dưỡng tính tình,

Thong thả ngũ hồ theo nước biếc,

Dạo chơi tứ hải bạn trăng thanh,

Nay đà được phép trường sinh ấy,

Chẳng muốn cho đời biết tiếng tăm.”

Ngâm xong liền quát :

- Lão quỷ ngươi có bao nhiêu đạo hạnh mà dám chạy chọt giang hồ ? Chẳng lẽ hiềm mình sống lâu quá, muốn đi chu du địa phủ một chuyến chăng ?

Lão Viên Giác nổi giận vung gậy trúc xuất chiêu Phong Khởi Vân Dũng, phát ra tiếng gió rít ghê hồn, nhằm đỉnh đầu trung niên nhân vụt xéo xuống, thế đánh nhanh như gió. Trung niên nhân đương nhiên đạo hạnh phi phàm, khi thấy gậy trúc sắp sửa tấn công đến nơi, y vẫn bình tình như thường, chỉ khẽ nghiêng đầu thót bụng, nghiêng thân người về bên trái một chút, vậy là đã tránh khỏi thế tấn công của lão Viên Giác. Lão ta cũng chẳng phải tay vừa, chiêu thứ nhất không trúng, lập tức xuất chiêu thứ hai, gậy trúc lấp loáng với những thanh âm vi vu bất tận, thế đánh uy hϊếp cùng lúc nhiều yếu huyệt trên ngực trung niên nhân. Công pháp của lão này rất đặc biệt, chiêu thức không chỉ trực tiếp uy hϊếp, mà còn phát ra dị âm làm rối loạn tâm thần đối phương, thật quỷ dị vô cùng.

Trung niên nhân vận chân nguyên bảo vệ thức hải, đề kháng những thanh âm quái dị kia, sau đó vung kiếm chém bổ về phía vai phải đối phương, sau khi đã nghiêng người tránh thoát một chiêu công kích. Lão Viên Giác nhận thấy chiêu thế hung hiểm, vội vàng bước nhanh sang phía trái một bước, tránh khỏi tầm uy hϊếp của lưỡi kiếm đối phương, đoạn cũng vung gậy bổ xuống vai phải đối phương. Chiêu này theo kiểu ăn miếng trả miếng, chỉ cần đối phương trúng đòn tất sẽ mất sức chiến đấu.

Trung niên nhân ứng biến thật nhanh. Chỉ khẽ xoay tay một cái, thanh kiếm đang từ bổ dọc biến thành chém ngang, sau đó quát lớn :

- Kiếm trảm sơn xuyên.

Tiếng quát vừa dứt, một đạo kiếm mang đột ngột xuất hiện, rồi theo thế kiếm quét về phía đối phương. Cũng đồng thời, trung niên nhân khẽ bước sang trái nửa bước, rồi cử cước đá thật mạnh vào giữa bóng gậy của đối phương.

Chỉ thấy song phương đồng thời kêu ‘a’ một tiếng, rồi đồng thời tháo lui về phía sau. Tại trường chỉ còn lại máu tươi vương vãi khắp mặt đất. Khi nhìn lại, chỉ thấy trung niên nhân sắc diện hơi tái, chân đi hơi khập khiễng, ngoài ra không có gì đáng ngại. Chỉ có lão Viên Giác là thọ thương trầm trọng, kiếm mang chém vào ngang hông, để lại một vết thương rất sâu, máu tuôn lai láng, dùng thương dược cũng không sao làm cho máu ngưng chạy được. ‘Hồ Đại thần’ vội niệm chú dùng pháp thuật cầm máu cho lão ta, sau đó cho người đưa vào trong nghỉ ngơi, bởi lão đã mất sức chiến đấu.