Vương Mệnh

Chương 199: Giang Lão Hồi Ức (1)

Lại nói, Giang Phong cùng những người thân cận lại tập họp ở Phủ Đường. Nhìn vẻ mặt trầm trọng của bọn họ, Giang Phong cảm giác có đại sự vừa xảy ra. Quả nhiên, sau khi mọi người đã yên vị, Vương Đại tướng quân nói :

- Đại nhân. Theo tin tức vừa nhận được, Kinh tộc đại quân đã thảm bại ở chiến trường Phần Dương. Trấn Tây Nguyên soái và Trấn Viễn Hầu đồng tử trận.

Quả là đại sự. Giang Phong thoáng ngạc nhiên, nhưng rồi chợt nghĩ ra, hỏi :

- Man tộc đại quân do Man soái Ba Đồ Lỗ thống lĩnh đã quay trở lại Phần Dương.

Ba Đồ Lỗ là Đệ nhất Nguyên soái của Man tộc, và cũng là vị tướng lĩnh nổi danh nhất ở Man triều hiện nay. Trong Man đô chiến dịch, Ba Đồ Lỗ đã suất lĩnh Man binh bản bộ quân đoàn (10 sư) về cứu viện Man đô. Nhưng chỉ mới hành quân được 2 ngày thì hòa ước giữa Man tộc và Nguyên Thành được ký kết. Tiếp đó, Bạch Mã Quan bị vây công, bọn họ đương nhiên phải quay trở lại cứu viện. Tính thời gian, đáng ra bản bộ quân đoàn của Ba Đồ Lỗ phải về đến Bạch Mã Quan từ hai ngày trước.

Vương Đại tướng quân nói :

- Man soái Ba Đồ Lỗ đã dẫn quân về đến Bạch Mã Quan từ hai ngày trước, nhưng vẫn không hiện thân, làm cho Trấn Tây Nguyên soái và Trấn Viễn Hầu mất cảnh giác. Ngày hôm qua, Kinh tộc đại quân công phá được cửa quan, Trấn Viễn Hầu thân tự dẫn đầu đại quân xông vào định đoạt lấy quan ải, nào ngờ bị trúng phục kích của Ba Đồ Lỗ, bị vây trong quan ải. Trấn Tây Nguyên soái phải xua quân liều mạng đánh gϊếŧ, mới phá được vòng vây, cứu được Trấn Viễn Hầu về. Có điều, sau trận chiến đó, quan quân tổn thất thảm trọng, mười phần không còn được một. Trấn Tây Nguyên soái và Trấn Viễn Hầu hai người họ dẫn tàn quân lui về Phần Dương Thành cố thủ.

Giang Phong cau mày nói :

- Bọn họ đã chạy về được Phần Dương Thành, lại còn tử trận, lẽ nào bị ám sát.

Vương Đại tướng quân nói :

- Thưa vâng. Bọn họ lui về Phần Dương Thành vào buổi chiều thì tối đó đã bị thích khách ám sát, đồng tử trận. Trong lúc quân tâm hoảng loạn thì Ba Đồ Lỗ lại thống lĩnh Man binh kéo đến vây thành. Nếu không nhờ Dương châu mục thân tự lên mặt thành trấn thủ, bình ổn quân tâm, có lẽ Phần Dương Thành lúc này đã lọt vào tay Man tộc rồi.

Lão Lâm An cảm khái nói :

- Mấy vạn thanh niên trai tráng còn ở lại Phần Dương Thành lúc trước đều đã được chuyển thành sĩ binh và lần lượt tử trận hết rồi. Lúc này toàn thành bất quá chỉ còn hơn vạn tân binh, dù có giữ được thì cũng chẳng khác một tòa không thành.

Giang Phong chợt nhớ ra rằng toàn bộ cư dân của đất Phần Dương đều đã được lệnh tản cư để tránh chiến loạn, và được Giang Phong cho đón về Nguyên Thành hết rồi. Đất Phần Dương lúc này hầu như toàn là sĩ binh, không có dân chúng. Thật sự biến thành một đại chiến trường, một vùng đất chết.

Giang Phong cũng cảm khái nói :

- Châu mục Phần Dương quả là một nhân tài.

Vương Đại tướng quân nói :

- Vâng ạ. Chỉ tiếc mệnh vận trớ trêu, y khó thoát khỏi kiếp nạn lần này.

Giang Phong hiểu lão muốn nói gì. Thân là châu mục, lại để mất cả đất Phần Dương, thêm vào việc Trấn Tây Nguyên soái và Trấn Viễn Hầu đồng thời bị ám sát ở Phần Dương Thành, tội trạng đó y không sao thoát khỏi, cần phải có người chịu trách nhiệm cho thất bại ở Phần Dương, và người đó chính là y chứ không ai khác.

Giang Phong trầm ngâm một lúc, mới nói :

- Hãy cố cứu mạng y. Nếu y bị cách chức, hãy thu nhận đến chỗ chúng ta làm việc.

Mọi người đều khen phải. Nguyên Thành lãnh địa không chỉ thiếu tướng quân mà trung, cao cấp quan viên cũng rất thiếu thốn. Tử Long Học viện chỉ có thể đào tạo ra sơ cấp quan viên. Muốn tiến giai thành trung cấp quan viên thì phải qua quá trình làm việc lâu dài để tích lũy kinh nghiệm chấp chính. Và để tiến giai thành cao cấp quan viên càng khó khăn hơn. Phẩm giai được hệ thống quy định : từ lục phẩm trở xuống là sơ cấp quan viên, từ ngũ phẩm đến tam phẩm là trung cấp quan viên, từ nhị phẩm đến siêu phẩm là cao cấp quan viên, đỉnh cấp chỉ có vương (đế, hoàng). Các gia thần của Giang Phong chỉ có Vương Đại tướng quân, lão Nguyên Phương và lão Lâm An là cao cấp quan viên. Do thiếu quan viên, chức Châu mục Phong Khê vẫn do lão Lâm An kiêm nhiệm. Thật ra người thiếu kinh nghiệm thăng chức lên thành cao cấp quan viên cũng được, nhưng giai vị sẽ có thêm “(ngụy)” ở phía sau, ví như : Châu mục (ngụy), Tướng quân (ngụy), … Lúc đó hiệu quả công việc sẽ bị giảm đi rất nhiều. Nếu Tướng quân (ngụy) lãnh quân đánh giặc, sĩ khí của quân đội sẽ cực thấp, nếu gặp địch quân mạnh sẽ dễ dàng bỏ chạy.

Suy nghĩ một lúc, Giang Phong lại nói :

- Lát nữa ta về An Phú Trấn lo việc phát triển Thần Miếu, ngày mai còn phải đến Linh Sơn gặp Bách Tuế Tôn sư nghị sự. Đã xảy ra biến cố như vậy, kế hoạch tất phải có biến hóa.

Nhắc đến Bách Tuế Tôn sư, Giang Phong chợt nhớ đến Thần Sơn, liền hỏi Giang lão :

- Ông có biết Thần Sơn ở đâu không ?

Giang lão kinh ngạc hỏi :

- Thần Sơn ?

Cả bọn Vương Đại tướng quân cũng kinh ngạc. Giang Phong liền kể cho mọi người nghe về nhiệm vụ “Trùng chấn tôn miếu” vừa nhận được. Nghe xong, Giang lão đột nhiên vỗ bàn, nói với giọng vui mừng :

- Hóa ra là thế. Thiên niên di nguyện a.

Thấy mọi người ngạc nhiên, Giang lão nói :

- Phục Hy Tôn miếu ở Thần Sơn khuyết Thần tượng đã nghìn năm nay. Tổ tiên các đời đều hy vọng có thể phục dựng lại Thần tượng. Có điều Giang tộc không tiện can thiệp quá sâu vào nội tình của nhân gian giới, cho nên việc đó vẫn lần lữa đến tận ngày nay.

Trầm ngâm giây lát, lão mới kể :

“Mấy vạn năm trước, vào Thái Cổ thời đại, nhân loại đã có mặt ở khắp mọi nơi. Vì nhu cầu cuộc sống, họ di chuyển đến mọi nơi có thể đến được. Và do còn lạc hậu, để chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, nhiều thị tộc ở gần nhau đã liên kết lại hình thành bộ lạc, thậm chí liên minh bộ lạc.

Và cũng trong lúc này, Tổ tiên chúng ta đã xuất hiện, không phải với tư thế của một bộ lạc hùng mạnh mà là một bộ lạc nhỏ yếu nhất, ai cũng muốn bắt nạt, và ai cũng có thể bắt nạt. Thế nhưng, với tinh thần : nhỏ yếu nhưng kiên cường, cần cù chịu khó, yêu tự do, "thà hy sinh tất cả chứ không chịu làm nô ɭệ", nhờ đó mà Tổ tiên chúng ta dù trải qua biết bao nhiêu thử thách khắc nghiệt gian nan nhưng vẫn tồn tại và truyền thừa đến tận ngày nay.

Do nhỏ yếu, nhiều bộ lạc lớn muốn tiếp thu bộ lạc của Tổ tiên chúng ta. Thuyết phục, không thuyết phục được thì chinh phục. Tổ tiên chúng ta quyết không đầu hàng, đành phải cử tộc di chuyển đi nơi khác. Nhưng khắp thế gian, nơi đâu có thể cho Tổ tiên chúng ta dừng chân. Nơi đâu cũng có các bộ lạc lớn hơn bộ lạc của Tổ tiên chúng ta, nên Tổ tiên chúng ta cứ phải tiếp tục đi, đi nữa, đi mãi.

Cho đến một hôm, Tổ tiên chúng ta đi đến một khu vực núi non hùng vĩ, cao ngất tận trời, lại trải dài bất tận, Tổ tiên chúng ta gọi đó là Thiên Sơn. Rừng sâu núi thắm, quanh năm tuyết phủ, không một bóng người. Điều kiện vô cùng khắc nghiệt, không một bộ lạc nào chấp nhận sống ở đấy, và cũng vì thế mà đã trở thành nơi lý tưởng cho Tổ tiên chúng ta cư trú. Tổ tiên chúng ta đã tìm được chỗ trú chân, không còn phải lang thang từ nơi này sang nơi khác nữa. Đây là một sự kiện cực kỳ trọng đại, quan hệ đến sự sinh tử tồn vong của toàn tộc.

Trú lại Thiên Sơn, Tổ tiên chúng ta đã có được một chỗ ở ổn định, không còn bị các bộ lạc khác uy hϊếp. Thế nhưng, khó khăn lại đến. Thời Thái Cổ, nhân loại sống bằng hái lượm và săn bắn. Mà Thiên Sơn điều kiện khắc nghiệt, khắp nơi tuyết phủ, cây cối cao vυ't, toàn là những loại cây không có trái cho con người ăn được. Thú thì cũng có, nhưng cũng chẳng có bao nhiêu. Săn bắn chẳng đủ ăn. Đôi khi quá đói, phải hái cả lá cây để ăn, khổ biết dường nào.

Một ngày kia, một nhóm tộc nhân đi săn, gặp một con thú, vừa phóng lao vừa truy đuổi, cuối cùng cũng bắt được. Con thú này bị thương khá nặng, nhưng vẫn chưa chết. Tộc nhân khiêng nó về. Lúc đó thì một nhóm tộc nhân khác cũng may mắn săn được thú, nhưng đã chết. Trưởng lão của bộ lạc bảo trước tiên hãy xẻ thịt con thú đã chết, còn con thú sống giữ lại dành cho lúc khác. Trưởng lão còn bảo tộc nhân chăm sóc vết thương cho nó, bởi thú chết thì thịt không thể giữ lâu bằng thú sống. Thế là con thú đó sống cùng bộ lạc, dành cho lúc bộ lạc không tìm được thức ăn.

Cho đến một hôm, con thú kia bỗng trở dạ, rồi sinh được một bầy con. Nó đã có thai trước khi bị bắt. Tộc nhân vui như mở hội, cùng nhau chăm sóc nó. Trưởng lão có một quyết định trọng đại : từ nay tộc nhân khi đi săn phải cố gắng bắt sống thú, mang về nuôi. Con thú được nuôi đầu tiên đó gọi là Hy (một loài thú thời cổ), được tộc nhân xem là linh vật, dùng cho các dịp tế lễ. Bộ lạc từ đó còn gọi là Phục Hy.”

(chú : Người Hán gọi Phục Hy tộc là Thái Hạo tộc, lấy Phong thị làm tôn tộc).