Chàng Trai Của Tôi Là Thế Đó!

Chương 9

Đi mấy phút mới tới trạm y tế. Cơ thể như rã ra, tôi còn chưa kịp thở đã bị bác sĩ mắng sa sả vào mặt. Hóa ra cả cái làng này đều biết chuyện bà cháu tôi ngược đãi thằng nhỏ.

Tôi: . . .

Câm nín, từ chối cho ý kiến!

Thật uất ức mà không có chỗ than!

Tôi ngồi ở dãy phòng chờ. Sau một hồi bị mấy chục con mắt khinh bỉ đổ dồn vào như ngồi trên bàn chông, cuối cùng bác sĩ mới cho tôi vào phòng khám. Không biết tạo nghiệt gì cứ mỗi lần gặp thằng nhóc này, không phải tôi thì là nó cả người đều ốm đau bệnh tật.

Tôi nhe răng ra cười với bác sĩ. Bác sĩ kinh dị nhìn tôi. Chắc cái mặt tôi xấu quá bác sĩ không nỡ nhìn thẳng, lau mồ hôi hột, "Mời, mời chị vào."

Hừ, tôi mới vừa nhìn bảng tên vị này. Người này đã ngoài bốn mươi còn dám gọi tôi là chị, tôi chưa gọi anh là ông bác còn đỡ. Tôi xấu nhưng vẫn có tôn nghiêm đấy chứ, hai chín tuổi tính ra . . . còn trẻ!

Tôi ngập ngừng bước vào phòng khám, Mai Thừa Vũ tỉnh rồi, thấy tôi bước vào liền đóng chặt mắt, không thèm để ý.

Thằng nhóc này chẳng khác xưa tẹo nào. Vẫn chưa bao giờ cho tôi sắc mặt tốt.

Thôi, ai biểu tôi là Thị Sắc, có tiền sự ngược đãi trẻ nhỏ.

Năm 2003, Mai Thừa Vũ mười ba tuổi. Có nghĩa năm sau kiếp nạn mới xảy ra. Lần này nó bị gia tộc phát hiện còn sống, sai người đuổi gϊếŧ, đánh đập gãy gần hết xương sườn.

Tôi nhìn chằm vào chân Mai Thừa Vũ. May mắn hai chân không tàn phế, may mắn trên cơ thể vẫn không thiếu miếng thịt nào, may mắn vào đêm đó nó đã nghe lời không chui ra khỏi miệng hố, chỉ cần vậy thôi là đủ rồi. Tôi không phải thần thánh, không thể đảm bảo suốt cả cuộc đời này nó không chịu thương tổn, nhưng ít nhất tôi sẽ dùng hết khả năng để bảo vệ cơ thể nó được lành lặn.

Không biết từ bao giờ, ý thức về việc bảo vệ Mai Thừa Vũ lúc đầu chỉ là nhiệm vụ thì giờ đây đã trở thành trách nhiệm, là việc "đáng" để tôi để tâm. Đó không phải là cảm xúc đồng tình hay đáng thương một ai đó, chỉ là rất đau lòng, đau lòng thằng bé nhỏ như vậy mà phải chịu nhiều thương tổn.

Ngọc xanh nhiều lần nhắc nhở, kiếp nạn lần này không được phép thoát vai. Thị Sắc độc ác, ngu ngốc, tham lam, vậy thì cứ theo tính cách ấy mà diễn, trở thành con người xấu xa vạn người phỉ nhổ, miễn sao vào phút chót Mai Thừa Vũ lành lặn, thằng bé ăn đau hai năm cũng không vấn đề gì.

Được rồi. Diễn vai mụ dì ghẻ thôi mà, quá lắm chửi mắng nó là được, đánh đập thì dẹp đi!

Băng bó xong xuôi, nằm nửa ngày bác sĩ cho phép về nhà. Mai Thừa Vũ có vẻ không tình nguyện gì, nhưng nó vẫn ngồi dậy nhận mệnh trở về. Tôi đưa tay đỡ, ai ngờ thằng bé hất tay tôi ra. Bác sĩ lại nghiến răng nhìn tôi chòng chọc.

Tôi: . . .

Quên, tôi là dì ghẻ, tôi là dì ghẻ, tôi là dì ghẻ. Tôi tâm tâm niệm niệm lặp lại ba lần!

Bác sĩ đáng thương cho hoàn cảnh Mai Thừa Vũ, tình nguyện chở nó về nhà. . . tất nhiên cả tôi nữa, tôi được đi ké!

Đến nhà, bác sĩ bế Mai Thừa Vũ vào phòng. Bà ngoại ghẻ không biết đã đi đâu, căn nhà vắng tanh không một bóng người. Lúc ra về, bác sĩ cắn răng lặp đi lặp lại với tôi nhiều lần, "Thằng bé rất yếu, suy dinh dưỡng trầm trọng, chân còn bị thương. Lần này cô liệu mà chăm sóc nó chu đáo, ăn đủ chất, uống thuốc đúng liều! Nếu còn ngược đãi đừng trách tôi gọi cảnh sát đến giải quyết!!!"

Tôi gật đầu như giã tỏi, "Vậy còn tiền. . ."

Bác sĩ cắt ngang, "Thôi, bà cháu cô nghèo rớt mồng tơi, chúng tôi không thu tiền. Chỉ cần cô hứa chăm sóc thằng bé chu đáo là được."

Nói xong bác sĩ đi luôn.

Tôi ngơ ngác nhìn theo chiếc xe dần mất hút sau bờ ruộng. Bà cháu Thị Sắc ác, nhưng may mắn trên đời này vẫn còn rất nhiều người thật lòng đối xử tốt với Mai Thừa Vũ.

Tôi chưa vào nhìn thằng bé ngay mà đi khám phá một lượt. Ngôi nhà tranh cũ kỹ đã lâu không ai dọn, một vài chỗ bốc mùi kinh khủng. Có hai phòng ngủ, một phòng khách, một phòng bếp, một phòng vệ sinh, một phòng chứa củi, sau nhà còn có vườn nuôi gà.

Vòng ra giữa sân, bà ngoại Thị Sắc về. Bà già chống gậy lom khom từ ngoài cổng bước vào, hếch gương mặt đỏ ngầu vì giận dữ, nói, "Tốt lắm, chúng mày còn dám tha mạng về! Đủ để bà già này trút giận đánh chết!"

Từ nhỏ đến lớn bà già này đều đối xử không tốt với bất kỳ ai ngoài bản thân, ngay cả cháu gái ruột cũng không nương tay. Thị Sắc lớn lên cùng mẹ, hai mươi bảy tuổi mẹ mất, vô công rỗi nghề mới chuyển về sống với bà ngoại. Bà ngoại hồi trẻ có bệnh thần kinh, lớn tuổi bệnh trở nên càng nghiêm trọng, hở một chút thì cau có, hứng một chút liền mắng chửi đánh đập. Mắng Thị Sắc chán chê dạo gần đây mới chuyển hướng nhắm vào Mai Thừa Vũ, thằng nhóc ít nói tính tình u uất, thấy thế mụ càng bất mãn, ra tay càng tàn nhẫn.

Tôi khịt mùi hừ lên một tiếng rõ to.

Bà già nghiến răng, "Mày vừa làm hành động gì?"

Tôi nhoẻn miệng cười cười, "Gì đâu. Ngứa mũi ấy mà."

Mụ ta biết tôi thay đổi thái độ, không còn câm nín để chịu ngược đãi nữa, tức mà không biết làm gì. Qúa rõ ràng, mụ ta đánh không lại tôi.

Bà già chống gậy bước vào phòng, mở cửa ra thấy Mai Thừa Vũ nằm trên giường, lại la hét, "Ai cho thằng nhãi này nằm đây! Thị Sắc, bước vào lôi thứ bẩn thỉu này ra cho tao!"

Mụ cứ tưởng tuy tôi thay đổi, nhưng trước sau như một vẫn ghét Mai Thừa Vũ. Thằng bé từ khi được nhận về chỉ được bà cháu tôi cho ở. . .phòng chứa củi.

Tôi bước vào chắn ngang tầm mắt bà lão, bắt đầu nhập vai, giọng điệu khinh bỉ, "Mới vừa lên đồn cảnh sát, người ta cảnh cáo tôi về chuyện ngược đãi thằng nhãi. Cảnh sát vẫn đang lượn lờ quanh đây đấy, cho nó nằm một đêm cũng chẳng mất mát gì."

Bà ta nghe hiểu, lườm tôi một cái, im lặng không nói gì. Một lát sau mới chịu bước về phòng, đóng sập cửa lại.

Mai Thừa Vũ bị tiếng hét bà lão làm tỉnh, thằng nhóc liếc tôi, rồi lại ngẩng đầu đờ đẫn nhìn lên trần nhà.

Tôi trông vào có chút vô lực, thở dài, thật mệt mỏi a.