Nhân Quả Phụ Giải Lương Hoàng Xám

Chương 22: Con Chồn Trắng

CON CHỒN TRẮNG

Năm Dân Quốc 25, Bính Tý. Sau khi Nam Hoa đã mở Đại giới đàn, truyền ba đàn xong. Lúc sắp giải giới, thì Lâm Quốc Canh – Đoàn trưởng Sư đoàn 16 đang đóng quân tại Tào Khê đến thăm, tay xách cái l*иg, trong nhốt một con vật, toàn thân trắng tuyết, điểm lấm chấm đen, lông mướt rượt, mõm nhô, đuôi dài, đích thị là một con chồn. Đoàn trưởng nói:

- Con vật này có lý lịch ly kỳ lắm, mới đầu nó bị thợ săn ở núi Bạch Vân – Quảng Châu bắt được. Người ta kể rằng khi phá bức tường thành Quảng Châu để mở con đường cái thì thấy nó từ trong thành phóng ra và bị bắt.

Bạn tôi mua nó với giá 40 đồng, tính đem về nấu ăn cho bổ và khoái khẩu. Nhưng nhìn thấy mắt nó linh động, long lanh, có vẻ hiểu được ý người nên ông ta không nỡ làm thịt, bèn nhốt lại và đem bán cho Vườn Sở Thú Quảng Châu. Rồi sau đó, tự nhiên ông ta bị bắt, bị tống vào tù mà không rõ nguyên do tội trạng, án cứ lưu như thế mãi mà không ai giải quyết.

Tình cờ, vợ ông ta tham dự một buổi cầu cơ, chưa mở miệng hỏi gì thì đã thấy quẻ chạy, đề cập đúng chóc điều bà đang thắc mắc trong lòng và giải thích rằng ông nhà hiện đang bị nhốt, là do chiêu cảm quả báo của việc bán con chồn cho sở thú giam giữ, còn chỉ cho bà rằng hiện có bậc cao tăng đang chủ trì hoằng pháp tại chùa Nam Hoa, hãy mau đem con chồn đến đó phóng sinh thì người chồng ắt sẽ được thoát nạn.

Bà vợ giật mình cả kinh, vội đem tiền chuộc con chồn. Do Lâm Đoàn trưởng là bạn thân của chồng bà, sẵn dịp ông đang đóng quân ở Tào Khê nên bà nhờ ông mang con chồn đến chùa phóng sinh giùm.

Ngài Hư Vân nghe kể chuyện, liền thu nhận con chồn. Ngài thuyết Tam Quy Ngũ giới cho nó xong thì thả nó ra khu rừng rậm phía sau chùa. Hằng ngày, nó đều vào chùa để Tăng chúng cho ăn. Từ khi thọ giới xong, nó không chịu ăn thịt nữa, chỉ ăn chay và rất thích ăn trái cây. Những người thợ xây chùa muốn trêu chọc nó, họ nhét thịt vào chuối đưa cho nó ăn. Con chồn khi biết mình ăn nhầm liền nhổ ra. Nó dùng móng chân trước cào vào thức ăn, kiểm soát mấy lượt, nhìn tới nhìn lui, mắt lườm mấy ông thợ, tỏ vẻ giận dữ bất bình, vì họ đã dối gạt nó. Sau đó nó bỏ đi thẳng suốt mấy ngày mà không trở về.

Một hôm, do bị người trong làng đuổi bắt, nó leo lên một ngọn cây cao chót vót ngót mấy chục trượng, ôm cành kêu khóc. Chú Sa-di thấy vậy vào bạch với Phương trượng. Ngài Hư Vân liền đi ra đến dưới gốc cây đứng nhìn lên. Vừa thấy Ngài, con chồn liền tuột xuống, đeo ngay vào tay áo Ngài, vẻ rất mừng rỡ. Hòa thượng đem nó về. Sợ nó bị người rình bắt, Ngài đóng cho nó một cái chuồng. Sau đó khi thả vào rừng, nó chỉ đi quanh quẩn trong chùa, không vào rừng nữa.

Một hôm, ông Tưởng Giới Thạch đi cùng mười lính hầu đến thăm chùa nhưng không thấy báo trước. Họ vừa đến cổng Tào Khê thì thấy con chồn, thị vệ định bắn nhưng ông Tưởng ngăn lại. Chồn lúc lắc đầu, ve vẫy đuôi, dắt ông Tưởng đi vào. Đến đại điện, nó chạy như bay vào Phương trượng, cắn áo Hòa thượng kéo xuống lầu gặp ông Tưởng. Nghe kể chuyện đó, ai cũng cười.

Mỗi khi Hòa thượng ngồi thiền, chồn thường nằm dưới thiền sàng. Thấy

Hòa thượng nhắm mắt ngồi lâu quá thì nó bắt đầu táy máy, kéo râu Ngài đùa nghịch. Hòa thượng mở mắt nhìn nó, bảo:

- Con có linh tánh, chớ vào rừng, đừng ra ngoài sơn môn hay tới gần nhà dân mà bị bọn trẻ quấy phá!

Một hôm, chẳng biết nó đi đâu mà bị xe cán trọng thương, nằm nhẹp, không đứng dậy nổi. Thấy Hòa thượng đến thăm, nó ráng chìa vết thương ra cho Ngài xem. Hòa thượng biết không cứu được, thương nó đau đớn, bèn khai thị:

“Cái túi da này, không đáng để lưu luyến nữa! Con đừng bám víu vào, hãy buông xả và sám hối tất cả nghiệp duyên quá khứ. Khởi một niệm sai thì phải đọa, phải nhận lấy ác báo, chịu nhiều thống khổ. Giờ đây, quả báo của nghiệp xưa đã mãn, ta mong con nhất tâm niệm Phật, để sớm được giải thoát”.

Chồn hiểu ý, gật gật đầu, kêu lên mấy tiếng, rồi tắt hơi. Thi thể nó để hai ngày vẫn không biến đổi. Hòa thượng nhớ đến câu chuyện Tổ Bách Trượng độ chồn hoang, nên cho tổ chức tang lễ nó như một vị Tăng, chôn nó ở phía Nam núi.

Việc này xem ra ly kỳ, nhưng sở dĩ những điều đó phát sinh trong cuộc sống, nguyên nhân cũng giống như trong sám văn đã tả thôi.

Chúng ta là phàm phu, thường hay lý luận việc nuôi chim, cá là trò tiêu khiển cực kỳ thú vị. Đa số còn có quan niệm ngu muội rằng hễ đã phát tài chút ít thì có quyền ra ngoài giải trí chơi bời hưởng lạc tha hồ bằng cách mua hoa, bao gái và họ lập luận rằng nhà thổ lầu xanh vốn là chốn mua vui, để mình tiêu khiển giải trí. Họ nào biết hưởng phúc kiểu này chính là tạo họa, đâu hay rằng chính hành vi mê tối này đã vô tình tạo nhân xấu khiến họ phải sa vào địa ngục vô biên vô tận, đợi đến khi ác báo trổ trên thân, vô thường ập tới, lúc đó có hối cũng đã muộn!

Sám văn:

Nghe thuyết pháp mà cứ trò chuyện ồn ào làm loạn tâm người thính pháp, sau sẽ đọa vào loài chó tai dài.

Giải thích:

Có nhiều người đến dự pháp hội, không phải vì muốn nghe pháp mà vì muốn trò chuyện bình luận, ưa làm pháp quan, phân tích mổ xẻ. Chỉ cần vừa nghe lời không thuận lỗ tai mình, thì vội vàng luận tam thuyết tứ. Hoặc đến đạo tràng mà không chú tâm nghe, toàn nói chuyện phiếm, gây ồn náo vày quấy nhiễu người nghe pháp. Những người này tương lai sẽ đọa làm chó trong cõi súc sinh, bởi vì loài chó vừa nghe tiếng động, không kịp phân biệt xanh hồng trắng đen chi đã há miệng sủa to, khuấy động sự yên tĩnh bốn bề.

Nếu như đối với người thuyết pháp bị nhiều đàm tiếu thị phi thì nên y pháp chẳng y người. Phải nghiên cứu giáo lý giảng cho đúng lễ, thái độ nên đoan trang cung kính, phương pháp và thời cơ đề phải thích nghi. Đệ tử Phật tuyệt không nên có thái độ bới lông tìm vết hay lộ vẻ vui thích hả hê khi thấy lỗi người. Càng không thể nhân vì một số vấn đề vụn vặt mà đi quấy rối đại chúng đang chăm chú nghe chánh pháp.

Trong xã hội hiện nay, có nhiều người tham dự thảo luận Phật pháp trên mạng và mối liên lạc theo cảnh nói một câu ngàn người nghe, tạo thành ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy điều cần chú ý là phải hết sức cẩn trọng ngôn hạnh, chớ tạo lỗi đàm thoại làm nhiễu loạn người đang cần tập trung nghe pháp.

Sám văn:

Xan tham bỏn sẻn ăn một mình, bị đọa trong ngạ quỷ, sinh làm người thì bần cùng đói khổ. Giải thích:

Do xan tham bủn xỉn giành ăn lén một mình, bị đọa vào cõi ngạ quỷ, ác báo hết thì chuyển sinh vào nhân gian, sống rất bần cùng, đói khổ.

Năm 1990 ngày nọ, một người bạn đến nhà tôi kể là chị dâu ông vừa chết, tang sự làm xong mới một tuần.

Ông mới nói đến đây thì tôi lập tức thấy ngày một nữ nhân gầy như que củi, đầu rối bù, dập đầu cúi lạy như tế sao, van cầu tôi cứu bà.

Tôi định tĩnh, dòm kỹ hóa ra đây là bà chị dâu đã chết, đi theo ông bạn đến tận nhà tôi. Bởi bà biết rõ về tôi, nên mới đi theo chú em chồng mà đến, mục đích cầu xin tôi cứu bà (những người an chay niệm Phật đều có một vầng kim quang bao phủ, hễ tu càng giỏi, thì kim quang càng dày, càng tỏa ánh sáng ngũ sắc khiến bất kỳ yêu tà quỷ thần gì cũng đều phải kính sợ, không dám xâm phạm).

Tôi hỏi bà:

- Có biết vì sao mình bị đọa vào cõi quỷ chăng?

Bà kể sau khi mình được gả cho nhà đó, bình thường hay nhín ăn nhịn thèm để có được danh tiếng tốt, khiến mọi người chấp nhận cảnh ăn uống đạm bạc. Nhưng tối đến bà và chồng thường lén cùng nhau dùng đồ ngon, ngay cả tết đến cũng chỉ cho mẹ chồng ít đầu cá, cẳng gà.

Do mẹ chồng thoái hưu lương ít, nên hễ cho có một xu thì bà liền nổi nóng gây gỗ cùng chồng, lại do bà sát sinh thái quá, nên mới 40 tuổi thì đã bạo tử tại nhà.

Sau 49 ngày, bà đọa vào cõi quỷ, bây giờ chịu đói tới hai con mắt nổ lửa, khổ hết chỗ nói, chỉ biết cầu xin chúng tôi cứu bà.

Lúc này Quả Lâm vừa nhìn thấy bà, thì đã nhận ra do phạm tội gì rồi, thế là nó liền dạy bà niệm “Nam mô A Di Đà Phật!”. Chỉ niệm ba câu thì bà được đi đầu thai.

Do lúc sống làm người tham lam bỏn sẻn, nên dù được đầu thai vào nhân gian, bà phải sinh làm một người dân nghèo, cả đời sống túng thiếu. Nhưng có điều an ủi là bà sẽ gặp được Phật pháp tu hành và nhờ đây mà chuyển biến vận mệnh. Nếu như không nhờ đi theo chú em chồng, được Quả Lâm dạy niệm Phật và ngay đó thoát thân ngạ quỷ, thì bà phải chờ đến lúc thọ báo kiếp quỷ tận, mới được sinh vào nhân gian, làm kẻ bần cùng khốn khổ, phải đi xin ăn.

Sám văn:

Kẻ đem đồ ăn xấu tệ (ác thực) cho người, sẽ bị sinh làm heo lợn, bọ hung.

Giải thích:

Ác thực là thức ăn ôi thiu biến chất, những ai lấy đồ thúi, cũ… ngụy trang giả làm thức ăn ngon tốt đem cho hoặc bán, tiêu thụ thì tương lai sẽ bị làm heo, bọ hung, chịu quả báo ăn đồ thiu dơ, ôi thúi. Cuối cùng heo còn bị gϊếŧ ăn thịt.

Bọ hung là loài chuyên vùi đầu ăn phân.

Ác thực là từ ngữ chỉ tất cả thực phẩm có hại cho sức khỏe con người.

Hiện nay đa số người tín ngưỡng kém, đạo đức suy đồi, chỉ biết có tiền, không quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, họ dùng đủ thứ phụ gia hay hóa chất có hại bỏ vào trong thực phẩm, thuốc men khiến vấn đề an toàn thực phẩm trở thành nguy hại nghiêm trọng, rất đáng lo.

Chúng ta cần nỗ lực tuyên truyền nhân quả trong xã hội, cảnh tỉnh và đánh thức lương tâm những người tỉnh bơ đem đồ ác cho người dùng, nếu họ cứ làm vậy, tương lai sẽ bị đọa và cõi xấu thọ khổ báo.

Sám văn:

Cướp đoạt của người, sau đọa làm dê, bị thế gian lột da ăn thịt.

Ưa trộm cướp tài vật của người, sau sinh làm trâu, bò, ngựa bị người sai khiến, hành hạ.

Giải thích:

Làm trâu ngựa chở nặng đi xa, hứng chịu đòn roi của người, đến già không còn làm được, thì bị gϊếŧ ăn thịt, để trả nợ kiếp trước trộm cướp tài vật của người.

Sám văn:

Ưa nói dối, rêu rao điều xấu của người, sau đọa địa ngục, bị rót nước đồng sôi nóng đỏ vào miệng, bị kéo lưỡi ra cho trâu cày. Đền tội xong thì sinh làm chim cú, ai nghe tiếng nó kêu cũng ghét sợ, cho là yêu quái đem điềm gở tới, đa số đều nguyền rủa mong nó chết.

Giải thích:

Kẻ ác hạnh ưa nói dối, thêu dệt, bịa đặt, rêu rao điều xấu cho người, là tự tạo quả báo đọa địa ngục nặng nề, mãn kiếp địa ngục rồi thì chuyển sinh làm loài chim cú có âm thanh khó nghe, khiến người hoảng sợ chán ghét, họ xếp loại chim này mang điềm bất tường, nên hay nguyền rủa trù chết. Tội ác ngữgian dối, vu rao lỗi người, nếu là bịa đặt vu khống rao lỗi tứ chúng đệ tử Phật (chư Thiện tri thức, đại đức, cao tăng của Phật môn), thì tội này càng nặng, Phật xếp việc nói lỗi tứ chúng là tội nặng trong Bồ tát giới, tuyệt đối phải tránh không phạm.

Có nhiều đoạn trong “Lương Hoàng Bảo Sám” viết “Cù dục” (鴝鵒) là chim bát ca (八哥) là loài chim sáo, nhưng sáo là loài con người rất ưa nuôi, thông minh lanh lợi, giỏi bắt chước tiếng người, rất được yêu thích, nên văn viết cù dục là sai, không hợp. Tôi đã tra trong sách cổ, thấy ghi có loài chim tên cù các (tiếng kêu the thé chói tai). Vậy từ “các” này mới là đúng! Có thể khẳng định rằng chữ “cù các” bị viết thành “cù dục”. Do người cầm bút trong khi sao chépkinh đã viết sai nét nên mới biến chữ “các” (各鳥) thành chữ “dục” (谷鳥) gây ra nhầm lẫn, xin nhắc nhở mọi người lưu ý chỉnh lại cho đúng.

Sám văn:

Người ưa uống rượu say, sau đọa vào địa ngục phẩn trào. Tội hết rồi sinh vào loài đười ươi. Mãn nghiệp, được sinh làm người ngu si, không ai thu dùng.

Giải thích:

Người ưa uống rượu, cả ngày ở nơi bàn nhậu, nếu thích say sưa không bỏ được, thì đời này đa số chết vì rượu, chết rồi lập tức đọa vào ngục phẩn cuộn. Ở nhân gian cũng có những chỗ giống như vậy, là hầm phân của những vùng nông thôn chưa phát triển chứa đầy giòi, giòi cả ngày say sưa bầu bạn với phân giống như người uống rượu, cho rượu là thứ cực ngon, nhưng người không ưa rượu thì nghe hơi xông ra từ kẻ nhậu rất khó ngửi, tanh hôi. Nhất là uống rượu mà còn ói mửa, thì hôi thối không cùng. Do tham đắm vị rượu, bị quả báo chết rồi ăn phân, uống nước giải. Nhân như thế thì quả như thế, tự làm tự chịu. Ác báo này hết, thì đọa làm đười ươi, sau được sinh vào nhân gian, nhưng ngu muội vô trí, bị người khinh khi chán ghét.

Sám văn:

Kẻ tham lam bóc lột sức người, bị sinh làm voi.

Giải thích:

Hay sai khiến, lạm dụng sức người, trả lương ít cho công nhân hoặc mượn tiền mà không trả, chết rồi làm voi. Là loài chỉ ăn cỏ nhưng phải làm việc chuyên chở nặng và còn phải nhẫn nhục chịu đựng.

Sám văn:

Kẻ có địa vị giàu sang, làm người trên mà đánh đập kẻ dưới. Kẻ dưới không biết thưa kiện với ai. Những người giàu ác này, chết rồi vào địa ngục, chịu quả báo đau khổ cả ngàn vạn năm.

Từ địa ngục thoát ra, lại đọa làm trâu, bị xỏ mũi lôi thuyền kéo xe, hứng chịu đòn roi nặng nề khổ sở, để đền lại nợ oán trái xa xưa.

Giải thích:

Người giàu sang hay kẻ có quyền thế, làm chủ xí nghiệp hoặc tư gia, hay đánh mắng ngược đãi tôi tớ hoặc công nhân, thuộc hạ, mà người bị đánh do sợ quyền lực hoặc sợ bị mất việc mà không dám tố cáo. Hoặc do họ không tìm được ai bênh vực mình. Đối với những chủ nhân bắt nạt khinh người này, đến một ngày phúc báu hưởng tận thì họ sẽ đọa vào địa ngục, thọ khổ mấy ngàn vạn năm, mãn kiếp địa ngục thì sinh làm trâu, bị người xỏ mũi bắt lao động nặng, còn phải hứng chịu đòn roi đau đớn để trả nợ xưa.

Sám văn:

Làm người ăn ở dơ bẩn là từ trong loài heo mà ra.

Người xan tham keo kiết, không biết tự tính là từ trong loài chó mà ra.

Những người độc dữ, tự dụng một mình là từ trong loài dê mà ra.

Người có tánh hiếu động, nóng nảy, không giỏi nhẫn là từ trong loài khỉ, vượn mà ra.

Người có thân thể tanh hôi là từ trong loài cá, ba ba mà ra.

Người có tâm hiểm ác là từ trong loài rắn độc mà ra.

Người không có từ tâm, tàn nhẫn, bạo hại là từ trong loài hổ báo, sài lang mà ra.

Giải thích:

Tập khí tính tật mỗi người, đều có quan hệ với đời quá khứ. Xin kể câu chuyện như sau: