Nhân Quả Phụ Giải Lương Hoàng Xám

Chương 18: Bệnh Vảy Nến

BỆNH VẢY NẾN

Tháng 7 năm 2000, tôi ghé nhà Vương cư sĩ ở Thượng Hải thì gặp một anh ba mươi mấy tuổi, học Phật đã mười mấy năm, ăn chay được ba năm, nhưng toàn thân bị bệnh vẩy nến.

Tôi bảo:

- Anh sở dĩ mắc bệnh này là do không biết hướng về những con vật mình từng gϊếŧ, ăn qua, thành tâm sám hối, tụng kinh hồi hướng cho chúng. Chẳng khác nào anh kiếm được rất nhiều tiền nhưng lại không quan tâm đến khoản trả nợ mình từng thiếu trước đây. Những chúng sinh kia tự nhiên phải đến đòi nợ anh. Nếu anh có thể thành tâm sám hối tụng Kinh Địa Tạng hồi hướng cho chúng, nhất định sẽ được chúng tha thứ.

Hai tháng sau, lúc tôi gặp lại anh ở Hàng Châu, thấy anh mặt mày hồng hào tươi tỉnh, ác bệnh đã hết.

Cho nên không hiểu biết để lo sám hối cũng là vô minh. Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, đều biết thiện ác, biết thông tình đạt lý. Phát tâm sám hối cũng là Bồ đề.

Phật pháp là diệu pháp, là pháp rất khó tin nổi. Nếu bạn đọc đoạn văn trên mà minh bạch đạo lý và không nghi ngại gì, thì ngay đây hãy bắt đầu thử nghiệm. Nên đặt mình vào vị trí những oan gia có mâu thuẫn đối nghịch mà suy xét, tìm cho ra lỗi lầm của mình. Nếu thật lòng đặt mình vào lập trường của họ để suy xét, nhất định sẽ tìm ra chỗ không đúng của mình, được vậy thì sẽ buông xả được tâm sân hận, buông xả được tâm sân hận rồi ắt sẽ sinh khởi tâm Bồ đề và còn tự trách: “Vì sao muộn như thế này mình mới thông hiểu Phật lý? Để hết lần này đến lần khác làm lỡ mất cơ hội thử nghiệm giúp thăng hoa bản thân. Mình thật quá ngu si!”

Có được tâm sám hối như thế rồi cho dù còn chút miễn cưỡng cũng không hề chi vì sau này mỗi ngày trong tâm bạn đều sẽ theo dõi, âm thầm nhìn và quan sát những sự tình phát sinh, ngay cả lúc bị đối phương lăng mạ, phỉ báng, không những bạn chẳng khởi tâm oán hận họ mà ngược lại còn mỉm cười nhìn đối phương, nói lời cảm ân hoặc xin lỗi, tự nhiên tận đáy lòng buông được tâm sân hận. Không những thế bạn còn có thể vì đối phương ở trước Phật, tụng ba hoặc bảy bộ Kinh Địa Tạng, khẩn cầu chư Phật, Bồ-tát gia trì cho họ được mạnh khỏe, công tác thuận lợi.

Bạn thử làm như tôi bày xem, có lẽ sẽ có người nói: Làm vậy chẳng khác nào tự biến thành Phật tử ngu ngốc, đần độn! Quả thực là vậy đó, nhưng tôi xin chúc mừng bạn. Vì trong Phật môn giảng: “Dưỡng thành đại ngu mới là khéo, tu đến như si mới diệu kỳ”, nghĩa là đem bản thân mình chuyển thành một kẻ thuần phác, không có chút vết tích gian lanh xảo trá thì sự việc hy hữu sẽ lộ diện. Bạn có muốn thử không? Thế thì hãy tu và thực hành từ ba đến sáu tháng xem sao?

Khi đó bạn nhất định sẽ minh bạch đạo lý, thấy tất cả đều là Bồ-tát và tất nhiên sẽ sinh lòng cảm ân bất tận.

Tôi dùng biết bao văn tự để giải thích đạo lý “Báo Phật ân, Sư ân, Chúng sinh ân…” vì muốn khuyên hàng sơ học lấy đây tăng thêm tín tâm tu đạo. Đến khi bạn thực sự có trí tuệ rồi, bạn tuyệt chẳng còn muốn mưu cầu danh lợi gì cho mình nữa. Nhất định sẽ tiến lên cao, phát tâm Bồ đề, tự độ và độ người để báo ân Phật.

Không những đời này phát Bồ đề tâm, tinh tấn tu hành, hóa độ chúng sinh, mà tương lai đời đời kiếp kiếp ắt phát đại thiện nguyện, khiến Bồ đề tâm tương tục bất đoạn.

Bồ đề tâm không nhất định là phải gặp Phật mới phát, mà gặp Thiện tri thức cũng có thể phát. Do vậy người trí huệ không thể vọng sinh phân biệt, khởi ý xem thường, phải nuôi chí cầu Phật pháp, khát ngưỡng học Đại thừa, y theo kinh Phật mà suy xét phân tích việc thế gian. Không thể do người mà từ bỏ pháp, hiểu rõ chuyện gặp tất cả thiện ác tri thức, đều có thể tạo thành nhân duyên phát Bồ đề tâm.

Gặp người oán hay không oán, người thân hay chẳng thân, trong lòng tình ái chẳng khởi, đối với chúng sinh bình đẳng như nhau. Nguyện mọi người nhờ điểm thiện này mà phát Bồ đề tâm, đạt được giải thoát. Nếu mọi người đều có thể như thế tin hiểu phụng hành, nhất định sẽ biết đấy là chân ngữ thật ngữ, không phải tùy tiện mà nói.

Phát Bồ đề tâm, hành đạo Bồ-tát, độ tất cả chúng sinh như cứu người trong biển lớn, mình cũng phải vào biển khổ. Chúng sinh thọ khổ, toàn mê không giác, cho nên mới khổ vô biên. Bồ-tát cứu khổ, giác mà không mê, cho dù không lìa biển khổ, nhưng ở đâu tâm cũng an. Chẳng những đời này độ chúng sinh, mà vị lai sinh nơi tam đồ bát nạn, cũng chẳng xả bỏ Bồ đề tâm vô thượng.

Lại nữa, chỉnh sửa tập khí là rất khó, rất khổ; thậm chí khó thể nhẫn chịu nổi, giống như kẻ nuốt nhầm độc dược phải tống được nó ra. Nhưng bạn vĩnh viễn không thể mong bụng người khác ói độc ra thay cho mình. Tu hành cũng chẳng được nôn nóng mong cầu thành tựu, chư Phật, Bồ-tát tùy thời sẽ gia trì chúng ta. Nhưng trước nhất chúng ta phải nhả hết độc dược chứa trong lòng từ vô thỉ kiếp đến nay, mới có thể nếm được vị ngọt cam lộ. Đây chính là đạo lý nhả cũ nạp mới.

Đời này chúng ta quy y bái Tam bảo làm thầy, nhưng vị sư phụ hướng dẫn người bước đi trên đường học Phật đó, chỉ là đại diện Phật tiếp nhận đệ tử quy y Tam bảo. Sau khi quy y rồi thì chính mình phải tự bước đi trên đường tu, chứ không phải bái sư xong là vạn sự đều tốt lành thuận lợi. Chẳng thấy A-nan ngày ngày ở sát bên Phật nghe kinh thính pháp, nhưng do không tu định, suýt nữa thì bị Ma Đăng Già dụ dỗ phá giới. Cho nên đệ tử Phật không nên chấp trước vào các hành vi xoa đỉnh gia trì – khi sờ đỉnh là Phật chúc lụy đại pháp nên mới sờ đỉnh đệ tử hoặc xoa đỉnh thọ ký – Như trong kinh Pháp Hoa phẩm Chúc Lụy có thuyết: “Phật Thích Ca từ pháp tòa đứng dậy, hiện đại thần lực đưa tay phải xoa đỉnh vô lượng vô biên Bồ-tát và nói rằng…” và ngay trong Kinh Địa Tạng, Phật cũng xoa đỉnh Bồ-tát Địa Tạng, đây đều là chúc lụy Phật pháp tuyệt không có ý nói vừa xoa đỉnh thì lập tức thành tựu.

Chúng ta quy y rồi, phải nghe kinh suy ngẫm, phát trí, biết tự thanh tịnh ý mình, y giáo phụng hành mới có thể đạt lợi ích.