Đông A Nông Sự

Chương 41: Kế của Quản Di Ngô

Vừa bước vào đại sảnh, Trần Quang Khải cười lớn:

- Đã lâu không được thoải mái như vậy! đám cựu thần nhà Lý hôm nay phải cúi đầu rồi. Cũng thắng cược của lão hồ ly Quốc Tuấn 2000 lượng, thật làm ta vui sướиɠ. Hôm nay phải bày tiệc …

Lại quay lại nhìn Bách:

- Cách đá xúc cúc kia rất hay, có tính cạnh tranh cao, như vậy mới xứng dùng trong quân chứ. Ngươi hôm nay đã làm nở mày nở mặt đội Chiêu Minh xã. Từ sau ngươi bớt chút thời gian huấn luyện bọn chúng.

- Sau lần này, cách đá mới sẽ phổ biến. Các đội khác cũng sẽ cảnh giác học theo. Ta có một chút tâm đắc về trận hình, sẽ vẽ lại để bọn họ cùng luyện tập.

- Tốt lắm! Ngươi đã được ban tước Minh Tự. Lại được ban trang viên ở Quốc Oai, như vậy cũng gần kinh thành, chỉ xuôi dòng nửa ngày là đến. Từ này khi không có việc thì cứ vào Kinh. Khi Vũ Thành Vương trốn sang nước Tống, Thổ quan phủ Tư Minh nước Tống là Hoàng Bính bắt lại. Nay phủ đệ của Vũ Thành Vương vẫn bỏ không, Quan Gia ban cho ta nhưng ngươi chỉ là Minh Tự, không thể ở Phủ lớn của Vương Hầu được. Ta ban cho ngươi phủ đệ nhỏ bên cạnh Vũ Thành Vương Phủ làm chỗ ở trong Kinh.

- Cảm tạ Vương gia!

Bách nghe ra thì Trần Quang Khải đã có ý chiêu mộ hắn làm thân tín. Nhưng lại nghĩ, thời nhà Trần tuy anh em trong họ bên ngoài đoàn kết, nhưng đấu tranh quyền lực đâu phải chuyện đơn giản. Sai một ly là đi một dặm, hắn không thể dính vào đấu tranh phe phái trong hoàng tộc được. Nhưng hắn thân bất do kỷ, làm sao từ chối nhã ý của một Vương gia được. Nên chỉ đành ậm ừ cho qua chuyện. Để tìm hiểu kỹ tình thế hẵng hay.

Lê Văn Hưu cũng coi như người một nhà, lúc này bàn với Chiêu Minh Vương:

- Hắn được Thượng Hoàng cho phép chọn trăm người vừa mãn hạn phục dịch trong quân mà lên trang viên khai phát. Nếu để cho tự đi chọn thì bọn Thư Lại nhất định qua loa cho qua chuyện, chọn cho hắn toàn bọn già yếu, bệnh tật. Vương gia thương tình hắn côi cút, nhân khẩu đơn bạc mà cho hắn chọn bọn quân Trạo Nhi [1]. Để hắn còn được những tay còn khoẻ mạnh mà giúp sức.

- Việc này ngươi cứ bố trí, nếu hắn đến binh bộ nhận người thì không được việc. Ngươi cứ báo là ta cần 100 quân Trạo Nhi đã mãn hạn phục dịch, khoẻ mạnh để dùng, tất bọn chúng không dám qua loa.

- Vậy xin đa tạ Vương gia.

Mấy người đến đình viện ở hoa viên Vương phủ, trên bàn đã bày sẵn tiệc rượu. Bách lần đầu được chứng kiến xa hoa của tiệc rượu Vương phủ, bên cạnh bàn đặt một cái kỷ. Trên kỷ đặt lư hương, bình hoa, đốt hương bách hợp của vua ban; lại có những chậu cảnh nhỏ dài độ tám tấc, rộng bốn năm tấc, cao hai ba tấc, trong chồng núi giả, đều trồng cỏ hoa tươi tốt; lại có khay chè sơn hay những bộ chén rót nước trà ngon hạng nhất. Một loạt đều làm bằng gỗ đàn tía chạm trổ, viền rèm lụa đỏ, đính ngọc, thêu hoa và đề thơ.

Trần Quang Khải nâng ly lên:

- Chúc cho Thái Thượng Hoàng, Quan Gia hồng phúc tề thiên!

Sau đó ngửa cổ uống cạn, lại mời ba người cạn ly. Rượu được vài tuần quay sang Đinh Lão:

- Đinh lão có công tiến cử, nhưng lại không muốn làm quan, ta thấy đích tôn của ngươi đang độ trai tráng, lại có vẻ là người luyện võ. Có muốn ta đưa nó vào quân Thánh Dực hay Thần Sách rèn luyện một thời gian không?

- Đa tạ vương gia. Cháu ta ta biết rõ, thành sự thì ít mà bại sự có thừa. Cho nó ở nhà hoạ hại nhà ta thôi là đủ rồi.

- Vậy được! việc này vài năm nữa sẽ nói. Nhưng còn việc cây lúa ở Đinh gia nhà ngươi, cần nghiêm cẩm chăm sóc, nếu đúng như lời Hoàng Bách nói thì còn hơn cả báo điềm lành lần này. Đinh gia nhà ngươi sẽ được vẻ vang.

- Việc này không cần Vương gia dặn dò, ta cũng gắng sức mà làm. Dân dĩ thực vi tiên, nước ta là nước chú trọng nông nghiệp. Nếu nâng cao sức sản xuất trong nước, làm cho dân đói thành no thì sức nước mạnh lên nhiều lắm.

Nếu không có gì bất ngờ xảy ra, Bách biết giống lúa Khang Dân có thể đạt năng suất cao. Hắn cũng tự tin mười phần giống lúa này sẽ thay đổi được sức sản xuất vài năm tới. Nhưng là nhà nông nghiệp, hắn biết không thể chỉ dựa vào giống lúa mà thay đổi được an ninh lương thực của cả quốc gia.

Theo thống kê cuối đời Trần, dân số nước ta lúc ấy vào khoảng 1 triệu hộ, tương đương 4 triệu người. Tuy nhiên con số thực tế có thể cao hơn khoảng 50% do thời kì này chính quyền thường không thống kê đầy đủ dân số. Như vậy những năm đầu triều Trần dân số có lẽ bù trừ số này là vừa, rơi vào khoảng 4 triệu người. Nếu lấy định mức lương thực của thời kỳ bao cấp ra mà tính thì cần 20kg gạo/người/tháng. Một người trưởng thành cần 240 kg gạo/năm. Để nuôi sống 4 triệu người Đại Việt, mục tiêu chính là đưa năng suất lương thực lên mức 960 nghìn tấn lương thực, tương đương 1 triệu tấn lương thực 1 năm. Mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được nếu như biết rằng nguyên các tỉnh phía Bắc hiện nay một năm có thể sản xuất khoảng 7 triệu tấn lúa. Gấp 7 định mức tính toán kia.

Tất nhiên hắn có tham vọng lớn hơn nhiều, con người không chỉ ăn cơm mà sống, lương thực còn bị tổn thất, mất mát sau thu hoạch, cũng dùng để chăn nuôi nữa. Nhưng hắn thừa hiểu do phương thức sản xuất thời này thô sơ, chiến tranh liên miên mới làm cho người dân bị thiếu lương thực. Đất đai đầu thời Trần có diện tích vào khoảng 90.000 km2. Lúc này dân số có 4 triệu người, mật độ dân số khoảng 45 người một km2. Cả vùng đất giàu có, màu mỡ thế này, không phân công lao động để đủ nuôi 4 triệu người này thì uổng công hắn là tiến sĩ nông nghiệp.

Hắn bàn tính những việc này với Trần Quang Khải và Lê Văn Hưu khá lâu, ba người đi đến thống nhất. Nhất định có hai việc cần làm ngay: điều tra lại dân số toàn quốc và cơ cấu lại sản xuất. Hắn cũng đưa ra một số kiến thức phát triển kinh tế vùng cho Lê Văn Hưu và Trần Quang Khải tham khảo. Đại ý, phân chia đất nước thành 3 khu vực riêng biệt. Trung du, miền núi phía Bắc, Đồng bằng, và phần châu Ái, châu Hoan. Sản xuất lương thực chính sẽ là vùng Đồng Bằng. Vùng ven biển và Châu Ái, châu Hoan sản xuất muối và đánh cá. Còn vùng Trung du miền núi phía Bắc sẽ tập trung vào sản xuất các sản vật địa phương.

Những tầm nhìn xa hơn hắn cũng không trình bày với hai người. Mưa dầm thấm lâu, con người cần thời gian để tiếp thu. Nếu một lúc bày ra quá nhiều dự định thì e sẽ rời xa mục tiêu chính. Hôm nay chỉ bàn chuyện nuôi sống được 4 triệu người Đại Việt thời Trần đã là vấn đề hệ trọng nhất của triều đình rồi. Trần Quang Khải là tể tướng đương triều, chính là tương đương với thủ tướng thời sau. Hắn chính là người vẫn đau đáu nỗi lo về kinh tế đất nước. Nhưng khi trao đổi, Bách phát hiện ra Quang Khải và đa số người thời này, khái niệm kinh tế của họ hơi hẹp. Chỉ dừng lại ở việc làm sao nuôi đủ bá tánh, cung cấp đủ lương thực cho quân đội. Nguyên về góc nhìn này đã thua sút người Trung Quốc xa lắm. Bọn họ từ thời chiến quốc thất hùng đã bắt đầu biết dùng chiến tranh kinh tế. Hắn dò hỏi:

- Quốc sử Viện giám tinh thông cổ kim có biết Quản Di Ngô nước Tề?

- Ngươi muốn theo kế Quản Trọng để nước ta noi theo?

- Đúng vậy!

Hai người nhìn Bách cười mỉa:

- Ngươi tự tin quá đấy, kế của Quản Trọng sao bọn ta không biết. Nhưng ở đời, biết là một chuyện, thực hành là chuyện khác. Quản Trọng làm nhiều chuyện như vậy không phải khi ông ta chết, nước Tề đại loạn đó sao?

- Vậy theo các vị tinh tuý của Quản Trọng là những điều gì?

Lê Văn Hưu vuốt râu, từ tốn nói:

- Quản Di Ngô tập trung vào mấy việc: Thứ nhất, chăm lo giáo dục, tiến cử người tài. Thứ hai, độc quyền hai ngành Diêm Thiết. Thứ ba, mở kỹ viện sòng bạc làm Lâm Truy trở thành nơi tập trung lái buôn thiên hạ. Thứ tư, dùng kinh tế làm suy yếu láng giềng.

- Vậy thì có gì đáng chê trách?

- Ta không dám nhận xét tiền nhân nhưng hậu sinh có lời chua rằng, “Quản Di Ngô dựa vào mưu mẹo hòng giữ quyền giữ lực cho mình, o ép những kẻ yếu thế để buộc họ phải khuất mình, lừa lọc chư hầu làm họ phải oán. Lại biến Kinh đô thành chỗ làng chơi. Tề Hoàn Công gϊếŧ công tử Củ, Thiệu Hốt tự sát, còn Quản Trọng không tự sát. Như vậy Quản Trọng không được xem là người nhân”.

- Vậy cái ngài muốn giữ cái nhân nghĩa để bị o ép hay sao. Khi sứ thần Trung Nguyên đến, đi lại nghênh ngang ngoài đường. Uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ, đòi ngọc lụa, để thoả lòng tham không cùng; thu bạc vàng, vơ vét của kho có hạn thì đem cái lòng nhân đấy khoe với thiên hạ hay sao?

Hai người im lặng, có chút xấu hổ. Bách nói tiếp:

- Tiền nhân không có ai xấu hết, cũng không có ai tốt hết. Chúng ta tham khảo tiền nhân, cái gì hay thì học, cái gì dở thì bỏ đi. Những việc Quản Trọng làm tốt thì cần tham khảo, còn nhân cách ông ta thế nào, ta quản làm gì. Cũng như Khổng Tử nước Lỗ, nhân cách xưng là thánh nhân, hậu thế muôn đời không ai theo kịp. Nhưng nếu học ông ta, thế nước suy yếu là bỏ đi dạy học thì thôi thôi, còn đâu là giang sơn xã tắc. Ta mà là người Sở, diệt Lỗ xong ta sẽ đến từ đường nhà họ Khổng, nhìn lên bài vị Khổng Khâu. Hỏi lão tư vị nước mất là nhà tan là như thế nào. Không lo giữ nước mà còn bêu xấu đi chu du chư hầu.

- Hồ đồ! Ngươi phát ngôn phải có chừng mực.

Lê Văn Hưu vội quát to. Bách biết là mình hơi quá khích rồi, im lặng không nói nữa. Trần Quang Khải thì vẫn đang chìm trong suy nghĩ. Những vấn đề này cần từ từ thấm thía. Một lúc thì ba người cáo từ Quang Khải hồi phủ. Hắn đến lúc này vẫn đang nghĩ ngợi.

[1] Đội chèo thuyền, thuỷ thủ của quân thuyền