Tư Mã Khôi đoán, khe đất sâu hút không nhìn thấy đáy là đường nứt do biến động địa chất từ nghìn tỷ năm trước để lại, dòng sắt nóng chảy ở biển nóng nơi tâm Trái đất gặp lạnh liên kết tụ thành lớp vỏ. Sau đó có mấy ngọn núi đá và vài loài sinh vật bò sát tiền sử đã tuyệt chủng từ lâu bị rơi vào đây trong một kiếp nạn long trời lở đất nào đó. Mấy ngọn núi đá chính là đại điện thờ phụng dị thần. Đội khảo cổ thâm nhập lối vào bị tấm bia đá Bái Xà chặn trước cửa, men theo từng cỗ di hài các con thú khổng lồ thời tiền sử và tìm thấy ngọn núi đá ở nơi sâu nhất. Thực tế, cả hội vẫn chưa hề rời khỏi hắc động dưới lòng đất, nhưng Nhị Học Sinh đã bị khẩu súng săn hai nòng bắn trúng, mà thời gian không hề quay trở về thời điểm mười một giờ đúng.
Tư Mã Khôi lại gần quan sát thi thể Nhị Học Sinh, anh nghĩ thầm: “Chẳng lẽ bọn ta đã vô tình thoát ra khỏi kẽ hở thời gian mà không hề hay biết gì ư? Mọi vật trong động không đáy sẽ không trở về trạng thái ban đầu theo sự quay ngược của thời gian nữa chứ?”
Bốn người cảm thấy mờ mịt như thể họ đang đứng giữa màn sương mù, không thể xác định nổi điều gì vừa xảy ra, càng không thể tưởng tượng được điều gì sắp xảy ra, có điều gian điện đèn đuốc sáng trưng từ trong ra ngoài này đích xác là nơi mà người Bái Xà cổ đại thờ phụng dị thần, không những vậy, nó còn được bảo tồn vô cùng nguyên vẹn, nói không chừng cả hội lại tìm thấy một vài manh mối ở trong này cũng nên.
Hành lang trong núi đá vừa sâu vừa rộng, gian thanh điện to lớn, hoành tráng, dáng vẻ cổ xưa, những tượng đá ở đây đều cao gấp đôi người bình thường. Ngoại trừ những ngọn đèn âm u mờ tối trên tường, thì trong này còn có rất nhiều bích họa với nội dung vô cùng kỳ quái, phần đa miêu tả cảnh tượng đáng sợ ma quỷ ăn thịt người, vì ánh nến chỉ phát ánh sáng mờ ảo nên phải có ánh sáng đèn quặng trợ giúp cả hội mới nhìn thấy rõ, khung cảnh này càng làm mọi người cảm thấy rùng mình bất an.
Hội Tư Mã Khôi không tin trên đời tồn tại thần tiên, hay chí ít thần tiên cũng không thể là loại quái vật mà người Bái Xà cổ đại từng thờ phụng, cúng tế. Con quái vật bị tấm bia đá chặn lại chắc chắn là sinh vật sống có hình dáng, da thịt; không chừng nơi sâu trong đại điện vẫn còn lưu giữ một vài hình vẽ hay tượng đá về nó, có lẽ đó chính là sự mô tả trực quan nhất của người Bái Xà cổ đại về con quái vật này.
Thắng Hương Lân thì thầm với Tư Mã Khôi: “Vách đá ở thần điện màu xanh rêu, mùi tử khí ở sâu bên trong tỏa ra rất nặng nề, trông nó chẳng khác nào một nấm mồ màu xanh!”
Tư Mã Khôi gật đầu: “Có lẽ thứ bị tấm bia đá nhốt trong động có gương mặt giống như gương mặt của Nấm mồ xanh, thậm chí nó chính là Nấm mồ xanh, dù gì thì gương mặt của nó chính là điểm then chốt giải đáp mọi ẩn số”.
Cả hội bàn bạc mấy câu, rồi đi xuyên qua hành lang, vào trong đại điện, họ thấy trên vách đá vẽ một vị thần đang tạo ra vạn vật từ hỗn độn, nhưng cụ thể bức họa vẽ gì thì rất khó phân biệt. Trong điện trống hoác không có bất cứ vật gì, trên mặt đất là một hố dài bị lún sâu xuống, cả hội dùng đèn quặng soi vào trong thì thấy nó khá vuông vức, nhưng nơi này mờ tối nên khi đứng từ trên cao, họ chẳng thể nhìn thấy phía dưới có gì.
Tư Mã Khôi bảo ba người bạn đồng hành đứng yên tại chỗ, còn mình vác súng, chiếu ánh đèn quặng rồi tụt xuống dưới dò đường. Anh bò theo vách tường dựng đứng, khi hai chân chạm đất, anh giơ tay xua màn sương khí vấn vít quanh mình, thì thấy tứ phía đều có các vách đá khắc hình thần quỷ yêu ma, ở giữa là một bệ đá bằng phẳng, trông giống như một chiếc giường đá, nó cao chừng nửa mét, bên trong lõm xuống theo hình cơ thể người, vừa vặn đủ cho một người vào trong ngửa mặt nằm thẳng.
Tư Mã Khôi thấy nơi lạ lùng này trông khá quen thuộc, bản thân anh cũng không thể giải thích nổi vì sao mình có cảm giác như vậy. Anh thấy ở đây không còn điểm gì khác thường bèn bò ngược lên miệng động, định gọi hội Thắng Hương Lân xuống theo, nhưng vừa lên anh đã thấy cả ba người họ đều căng thẳng dính mắt về hướng cửa điện, súng trong tay cũng chĩa thẳng về phía đó, anh lập tức khom người, nhỏ giọng hỏi thăm tình hình. Cao Tư Dương chỉ ra hành lang, lắp bắp: “Anh nghe mà xem… phía đó có tiếng bước chân…”
Tư Mã Khôi lặng người, thầm nghĩ: “Ở hướng đó ngoài cỗ thi thể của Nhị Học Sinh vừa bị súng săn gấu của Hải Ngọng bắn thủng ra, thì làm gì còn thứ gì khác nữa, lẽ nào thứ giống tá thi hoàn hồn đó lại sống dậy?”
Mọi người cố nín thở, chờ đợi một hồi, tuy nhiên ngoài điện lại không còn động tĩnh gì nữa, chỉ có ánh nến âm u, bập bùng như ánh lửa ma trơi đang lập lòe bất định.
Hải ngọng bấm đốt ngón tay tính nhẩm một hồi, anh không nhớ mình từng bắn Nhị Học Sinh mấy lần, có điều đạn ghém số tám chỉ còn lại bốn viên, nơi này tà mị quá sức chịu đựng, nhưng giờ không phải lúc tự mình nhát ma mình.
Cao Tư Dương lo lắng: “Mọi người đều nghe thấy tiếng bước chân, không thể là ảo giác được!”
Thắng Hương Lân nhắc nhở: “Mọi chuyện cứ cẩn trọng thì hơn!”, rồi cô quay sang hỏi Tư Mã Khôi: “Anh có phát hiện thấy thứ gì ở dưới đó không?”
Tư Mã Khôi đáp: “Có thứ rất lạ, hay cô xuống nhìn thử xem thế nào!”
Cao Tư Dương lại tưởng Tư Mã Khôi định chia cả hội thành hai nhóm, liền vội vàng phản đối, bảo rằng nhiều người vững dạ hơn, cứ cùng nhau hành động là thượng sách.
Tư Mã Khôi cũng cảm thấy phân tán lực lượng đúng là dễ xảy ra chuyện, nên anh dẫn cả ba người trèo xuống đáy đại điện. Tới nơi, anh soi đèn quặng vào bệ đá, rồi bảo: “Tôi thấy cái này rất quen mắt, nhưng chưa nhớ ra đã gặp nó ở đâu”.
Hải ngọng bước lại gần, nheo mắt nhìn, nhưng chẳng thấy quen mắt chút nào, anh hỏi: “Người sống hai chân thì dễ tìm chứ tìm đâu ra ếch ba chân, tớ cũng thấy nó quen quen, phần máng lõm xuống trên bệ đá chẳng phải dùng đặt người nằm vào trong hay sao?”
Tư Mã Khôi bĩu môi: “Nói thừa! Vấn đề là nó dành cho người như thế nào nằm? Kẻ đó chúng ta từng nhìn thấy trước đây hay chưa?”
Thắng Hương Lân quan sát, ngẫm nghĩ hồi lâu, xung quanh bệ đá khắc rất nhiều hình vẽ mô tả cảnh tế lễ, trông nó hao hao giống một cái khám thờ thần, trên bốn bức tường của đại điện lần lượt vẽ các bức bích họa về thần, quỷ, người, ma, tượng trưng cho sự phân chia đẳng cấp mà người Bái Xà cổ đại tôn thờ. Hoa văn khắc xung quanh khám thần nhuốm cảm giác kính sợ đối với cái chết, nhưng đồng thời cũng mang theo chí hướng sinh tồn vô cùng mạnh mẽ, điều đó ám chỉ con người chết đi sẽ luân hồi sống lại, duy chỉ phần ở giữa là bị khuyết, không biết đó là một cỗ cổ thi hay một pho tượng thần? Giờ nó đã biến đi đâu? Và tại sao Tư Mã Khôi mới nhìn cảnh tượng này thôi đã thấy quen mắt?
Cao Tư Dương nhận xét: “Anh Khôi rất ít khi nhìn lầm, lẽ nào thứ mất tích trong khám thần lại chính là Nhị Học Sinh”.
Hải ngọng lắc đầu phủ định: “Khả năng này hoàn toàn không thể xảy ra, thằng oắt con đó người ngắn một mẩu. Kẻ có thể nằm trong bệ đá chí ít phải…”, nói rồi anh thử nằm luôn lên bệ.
Tư Mã Khôi thấy Hải ngọng nằm trong bệ đá, hai đầu vẫn còn thừa chỗ, nhưng cơ thể cậu ta đô con nên chiều ngang của cái hố hơi hẹp. Lúc này anh mới để ý đến đặc trưng vô cùng nổi bật của khám thần, nó vừa dài lại vừa hẹp, nên anh trông mới quen mắt, trước đây đúng là mình từng nhìn thấy một thứ có thể đặt vừa trong khám thần, đó chính là cỗ di hài liệm trong quan tài bằng ngọc của Sở U Vương dưới biển Âm Dụ.
Cỗ di hài này không phải di hài thật, mà chỉ là các loại châu ngọc đá quý ghép lại. Nó được Thần Nông thị gá gỗ làm tổ nhặt được trên đảo cổ Âm Sơn, rồi lưu truyền mãi đến thời Xuân Thu Chiến Quốc, thì rơi vào tay Vu Sở, Sở Vương coi đó là vũ khí bí mật và bảo vật quốc gia. Xem ra, cỗ di hài đó là do người Bái Xà cổ đại tạo nên để thờ phụng trong ngôi miếu thần nơi tận cùng địa mạch. Sau đó, không rõ vì duyên cớ gì, mà nó theo hóa thạch của ốc anh vũ, trôi nổi trên biển cõi âm, rồi bị núi từ dưới lòng đất hút chặt, cuối cùng mới được con người bất ngờ phát hiện. Tất cả những sự kiện này có lẽ đều xảy ra trước khi người Bái Xà dùng tấm bia đá bịt cửa động lại.
Tuy mọi chuyện xem ra đều hoàn toàn hợp tình hợp lý, nhưng vẫn khiến cả hội bất ngờ. Tư Mã Khôi đang định nhìn lại xem trong khám thần còn manh mối gì khác không, thì đột nhiên chút đất cát trên đỉnh đầu bỗng rơi xuống lạo xạo. Mọi người giật mình ngẩng đầu lên nhìn thì thấy một khuôn mặt trắng bệch, cứng đơ đang thò xuống, đó chính là gã Nhị Học Sinh vừa chết ở gần cửa điện, lỗ thủng bị súng săn bắn trên người hắn vẫn đang nhỏ máu ròng ròng, hai con mắt hắn nhìn chằm chằm vào Hải ngọng.
Dẫu bốn người đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để đón nhận mọi điều bất ngờ và khủng khϊếp, nhưng đột nhiên thấy cảnh tượng này, cả hội đều bất giác dựng đứng tóc gáy. Họ thấy Nhị Học Sinh chẳng khác nào con ác ma đòi mạng đang bò vào thạch điện.
Hải ngọng hét to một tiếng: “Đến đúng lúc lắm!”, rồi giương khẩu súng săn hai nòng, ngắm thẳng vào sọ Nhị Học Sinh bóp cò, nào ngờ đối phương há ngoác mồm cắn vào họng súng, chỉ nghe đạn nổ “bụp” một tiếng nhỏ, rồi khói súng bốc ra từ miệng Nhị Học Sinh, nhưng đầu hắn thì vẫn lành lặn như chưa hề có gì xảy ra, không biết viên đạn ghém cỡ tám đã bắn đi phương nào.
Tư Mã Khôi thấy hắn mang tà ý, liền vội vàng kéo Hải ngọng lùi lại sau, rồi cùng hai người còn lại nhanh chóng lùi thêm mấy bước nữa, lưng dựa vào vách đá, họng súng và đèn chiếu nhất tề chĩa thẳng về phía Nhị Học Sinh, chỉ đợi đối phương lại gần là nhất loạt nổ súng.
Nhưng Nhị Học Sinh dường như không hề có ý định tiến lên phía trước, hắn bò rạp trên bờ đá, giương mắt nhìn bốn người, ánh mắt vô hồn, toát ra ma khí âm u, đột nhiên mắt hắn chảy máu, rồi cái miệng cứng đơ há ra, run rẩy rặn từng tiếng: “Sao… sao… các người… lại muốn bắn tôi?”
Hải ngọng rút dao săn ra, quát lên dọa dẫm: “Thằng chó! Mày mà dám lại gần nửa bước, ông sẽ xẻ thịt mày làm nhân bánh!”
Tư Mã Khôi và Thắng Hương Lân đều cảm thấy gã Nhị Học Sinh kia quả là bám dai như đỉa đói, khổ nỗi hội anh lại không có cách nào đối phó lại được, nên đành lặng lẽ quan sát xem sẽ xảy ra biến cố gì, rồi đợi thời cơ hành động. Trong đại điện tĩnh mịch, âm u, cục diện giằng co căng thẳng làm không gian như muốn đông cứng lại.
Thắng Hương Lân thấy giờ đây đạn dược của cả hội gần như cạn kiệt, pin đèn còn lại cũng chỉ đủ duy trì trong một ngày, tình hình này càng kéo dài, thì đội khảo cổ càng gặp nhiều bất lợi, nghĩ vậy cô liền cất tiếng hỏi: “Sao anh cứ đi theo chúng tôi?”
Nhị Học Sinh thể hiện vẻ mặt vô cùng tuyệt vọng, hắn nói khi đội khảo cổ phát hiện ra thạch thất, hắn đã muốn cản trở không cho mọi người vào, bởi vì nếu đi theo manh mối vẽ trên bích họa trong thạch thất thì sẽ thoát ra được động đạo, tuy nhiên hậu quả của việc bước chân vào vùng cấm địa này còn đáng sợ hơn hội Tư Mã Khôi có thể tưởng tượng gấp nhiều lần, có điều mọi chuyện giờ đã quá muộn.
Hải ngọng điên tiết quát: “Mẹ mày, đừng tốn nước bọt nhát ma bọn tao, gian thạch thất đã mấy ngàn năm không có người bước vào. Làm sao mày biết bên trong có gì chứ?”
Nhị Học Sinh tự nhận bản thân mình giấu đội khảo cổ một số chuyện, có điều nhiều chuyện trong số đó mãi đến khi bước vào động không đáy hắn cũng mới được biết, tất cả đều do thứ bị tấm bia đá nhốt trong hắc động kể cho hắn nghe.
Mọi người nghe hắn nói vậy, bất giác nhớ đến truyền thuyết có liên quan đến xà nữ, giờ đây gã Nhị Học Sinh tá thi hoàn hồn này sau khi chết đi lại biến thành một cỗ máy điện đàm, thu nhận tín hiệu truyền đến từ hư vô. Không hiểu thứ bị tấm bia đá giam trong động nói với hắn những bí mật gì? Ngoài ra, vì sao thứ đó không trực tiếp lộ diện? Nó có quan hệ gì với cỗ di hài cổ xưa? Phải chăng lúc đầu Nấm mồ xanh đã đào tẩu khỏi lòng đất cùng cỗ di hài ấy?
Cao Tư Dương không kiềm chế được lòng hiếu kỳ cô lấy can đảm hỏi Nhị Học Sinh: “Anh biết thứ bị tấm bia đá nhốt trong động là gì ư? Vậy Nấm mồ xanh là ai?”
Nhị Học Sinh lắp bắp thanh minh, từ khi mình cùng đội thông tin gia nhập đội khảo cổ ở rừng rậm nguyên thủy Đại Thần Nông Giá, đến khi đi xuyên qua thủy thể mênh mông ở 30° vĩ Bắc và cả suốt chặng đường xuống cửu tuyền vào sinh ra tử, hắn chưa bao giờ sinh lòng hãm hại ai, chỉ có điều hắn có vài chuyện không dám tiết lộ với mọi người, bởi một khi nói ra thì hắn không còn đường quay đầu trở lại. Kỳ thực, lời Triệu Lão Biệt nói với đội khảo cổ không hề sai, đúng là Tư Mã Khôi đã tận mắt nhìn thấy khuôn mặt thật sự của Nấm mồ xanh, nhưng chỉ kẻ nào đã chết mới nhìn thấy khuôn mặt ấy, bởi vậy thay vì cố nhớ xem anh đã từng gặp ai, thì chi bằng hãy nghĩ xem mình đã từng chết một lần vào khi nào? Chẳng lẽ anh không còn nhớ thật ư?