Cô gái mặc quân phục biết rõ lai lịch hội Tư Mã Khôi, thì đồng ý dẫn hội anh đến tháp canh. Cô bảo: “Chúng tôi phải đến trạm nghỉ trước khi trời tối, nên không thể nấn ná lâu giữa đường, có gì muốn nói thì vừa đi vừa nói”. Thế là, mọi người khởi hành đến trạm quan sát tháp canh ở Đại Thần Nông Giá, hai con chó săn đi trước dẫn đường.
Cô gái mặc quân phục nói với Tư Mã Khôi, Thần Nông núi cao rừng thẳm, từ cổ chí kim tuy người ít thú nhiều, nhưng thành phần người sống ở đây lại vô cùng phức tạp, vì bản thân Thần Nông Giá là vùng đất tiếp giáp giữa ba tỉnh năm huyện, ở đây người Thiểm Tây, người Hồ Bắc, người Tứ Xuyên đều có cả, chủ yếu mưu sinh bằng nghề săn bắn, hái thuốc và buôn lậu sản vật núi rừng.
Sau giải phóng, các lâm trường đua nhau mọc lên như nấm, hàng loạt bộ đội chuyển ngành đều chọn nơi đây để an cư lạc nghiệp, ngoài ra còn tuyển dụng rất nhiều công nhân đốn gỗ từ các tỉnh khác đến và cả thanh niên trí thức từ thành thị xuống lâm khu cải tạo tư tưởng nữa.
Thành phần tạp nham nên cũng dễ xảy ra chuyện, cách đây không lâu, có bốn thanh niên trí thức gác đêm ở lâm trường, vừa mới đặt lưng, bỗng nghe một tiếng sấm từ giữa không trung giáng xuống, khiến thoắt chốc bốn người đều giật mình tỉnh giấc, chỉ thấy có quả cầu lửa từ kẽ hở trên mái nhà luồn vào trong, thoáng cái đã biến mất.
Dường như lằn sét khi nãy vừa đánh trúng mái nhà vậy, rồi liền sau đó tiếng sấm nổ như tiếng bom, tiếng nọ nối tiếp tiếng kia, âm thanh dội xuống gần mái, sét nhằng nhịt bủa vây ngôi nhà. Bốn người sợ xanh mặt, tất cả đều chui xuống gầm giường, không ai dám chạy ra ngoài. Gặp phải tình huống này, trong lòng khó mà không nghĩ đến những chuyện xấu, nhất là những chuyện ma quỷ, nên có người nói: “Trong bốn người chúng ta, chắc chắn có kẻ đã làm chuyện bại hoại, chỉ sợ ông trời không cho chúng ta qua nổi đêm nay đâu, hảo hán dám làm dám chịu, hãy khẳng khái mà tự mình đi ra ngoài chịu sét đánh, đừng khiến những anh em khác phải chịu liên lụy theo”.
Lúc đó, một cậu bỗng òa lên khóc, cậu ta nói: “Nhà tôi chỉ có mình tôi là con độc đinh, mẹ già lại đang bệnh nặng, quanh năm lúc nào cũng cần người ở bên chăm sóc, bởi vậy tôi mới giấu mọi người mang tặng cho bí thư chi đoàn hai tút thuốc lá Mẫu Đơn và mấy gói hạt sô cô la do xưởng thực phẩm Nghĩa Lợi sản xuất, để đồng chí ấy viết cho tôi tờ chỉ thị được trở về thành phố, tranh suất của người lẽ ra phải được xét duyệt về thành phố chuyến này”.
Có người mở đầu, ba người còn lại cũng lần lượt kể ra chuyện xấu của mình, rốt cuộc con người nào có ai hoàn hảo, nào có ai thực sự không làm chuyện áy náy lương tâm? Nhưng cuối cùng, bọn họ vẫn không thể phán đoán ra được người nào mới là kẻ đáng bị trời đánh, thế là cả hội quyết định từng người chạy ra ngoài, khi người cuối cùng vừa bước chân chạy khỏi, thì ngôi nhà bị sét đánh trúng, góc nhà sụp một vạt lớn, gạch ngói cháy đen thui, trên xà nhà có một con mãng xà to như cái chày cán bột đang nằm treo mình vắt vẻo, toàn thân nó trông ánh lên những vằn đỏ.
Trước đây, các thanh niên trí thức đến lâm trường đều nghe kể truyền thuyết về yêu vật tránh sét, lúc này họ mới hiểu thì ra mình đang gặp chuyện gì. Cả hội liền vội vàng vác xà beng đến gần chặt tới tấp vào mình con mãng xà. Nào ngờ, sau khi nó bị chặt ra thành nhiều khúc, thì lại giống như con giun, khúc nào cũng có tri giác, còn có thể tự mình bò đi, rồi lại tụ hợp thành một thể.
Bọn họ đành dùng lửa để thiêu, không ngờ gây cháy rừng, lửa gặp gió, càng cháy càng đượm, gần như cả lâm trường số ba đều bị thiêu hủy. Trong bốn thanh niên thì có hai người bị lửa thiêu chết tại chỗ, hai người còn lại bị nhốt vào đồn thẩm vấn, nhưng không ai tin chuyện họ kể.
Mọi người đều cho ràng họ bịa chuyện để chối đẩy trách nhiệm, bởi vậy hai người kia nhanh chóng bị chuyển lên cấp có thẩm quyền cao hơn, còn cụ thể họ bị ngồi tù hay xử bắn thì cô cũng không rõ. Tư Mã Khôi biết, ở chốn rừng sâu núi thẳm, có một loài gọi là ngàn cước xà, hay còn có tên khác là toái xà, hợp lại là rắn mà tách ra thì biến thành giun, người chưa bao giờ nhìn thấy sẽ không thể tự tưởng tượng ra để bịa đặt được.
Xem ra, câu chuyện mấy thanh niên trí thức kia nói, có lẽ phần lớn là sự thật, nhưng gây cháy rừng là tội rất nặng, dẫu là lý do gì thì cũng không thể chối bỏ trách nhiệm được. Nghĩ lại mới thấy bộ dạng tức giận của tay thợ săn thiếu niên khi nãy đúng là không phải vô duyên vô cớ.
Trong rừng rậm, đâu đâu cũng toàn cành khô lá mục, mầm lửa chỉ cần bén lên là không thể nào dập tắp. Người ta đời đời kiếp kiếp kiếm ăn nhờ núi rừng, nên đương nhiên họ rất coi trọng việc phòng cháy chữa cháy. Cô gái mặc quân phục lại kể tiếp tình hình trong núi, sau khi lâm trường số ba xảy ra hỏa hoạn, ngọn lửa lan đến thị trấn Thương Bách, người già, trẻ con và phụ nữ trong thị trấn đều được di dời tạm thời sang nơi khác, còn lại toàn bộ dân binh và công nhân lâm trường thì bị huy động vào núi dập lửa.
Cô gái mặc quân phục tên là Cao Tư Dương, người Nam Kinh, hiện giờ là học viên trường quân y quân khu Vũ Hán. Học viện này liên tục triển khai các hoạt động bộ đội chi viện địa phương, ở vùng núi Thần Nông Giá trong suốt nhiều năm, mục đích của hoạt động này là ngoài việc đẩy mạnh công tác huấn luyện quân quản, thì còn thâm nhập vào những khu vực mà giao thông bị tắc nghẽn nghiêm trọng để chữa bệnh, tặng thuốc cho người dân miền sơn cước.
Tháp canh trên Đại Thần Nông Giá được lắp đặt máy điện đàm, có thể tiến hành liên lạc điện đàm không dây đơn giản, chuyên dùng để thông báo tình hình cháy rừng ở khu này; quanh năm ở đây đều có người gác trực, nhưng từ sau khi lâm trường số ba xảy ra hỏa hoạn, thì tháp canh đó hoàn toàn bị mất liên lạc với thế giới bên ngoài.
Thượng cấp phát lệnh, địa phương phải sử dụng toàn bộ lực lượng đào rãnh phòng lửa, lúc này thực sự không kiếm đâu ra được người rỗi việc, vả lại chiếc bộ đàm không dây trên tháp canh là kiểu đời cũ, thường xuyên hỏng hóc, dăm bữa nửa tháng lại dở chứng, nên cũng không được mọi người coi trọng lắm.
Khi ấy, đúng lúc ở lâm trường có một thanh niên trí thức, biệt danh là “kính cận”, trước khi bị đẩy lên vùng núi anh ta từng được học chuyên ngành trắc lượng thông tin. Anh ta học hành rất chăm chỉ, nên cũng biết được chút kỹ thuật sửa chữa máy bộ đàm, nhưng khi chưa kịp tốt nghiệp thì vì vấn đề thành phần gia đình, nên bị điều đến vùng núi này đốn gỗ, người trong lâm trường quen gọi “kính cận” là “nhị học sinh”.
“Nhị học sinh” là tiếng địa phương ở vùng núi này, chỉ những người học thấp hơn sinh viên đại học một cấp, tuy không thể hiện rõ ý coi thường, nhưng ít nhiều vẫn mang hơi hướng chế giễu và động chạm. Lãnh đạo quản lý ở lâm trường thấy Kính cận thân hình yếu ớt, lẻo khẻo, lúc đào rãnh cứu hỏa trông rũ rượi ra như con chó sắp chết, thì phân công cho anh ta việc vác máy bộ đàm đi theo cậu dân binh Hổ Tử lên núi, đến tháp canh tiến hành sửa chữa hoặc thay thế thiết bị liên lạc.
Lâm trường còn tính đến mức nhân viên gác trực có khả năng bị nhiễm bệnh, hoặc bị thương, mới khiến liên lạc bị ngắt quãng giữa chừng. Thế là, lâm trường liền nhờ Cao Tư Dương ở phân đội Hán Vũ đi cùng, để lúc đó có thể thực hiện những biện pháp cấp cứu kịp thời.
Cao Tư Dương đã từng vào núi Thần Nông Giá nhiều lần, nên rất thông thuộc môi trường bản địa. Cô là người có kinh nghiệm và năng lực hoàn thành nhiệm vụ độc lập, nên được mọi người bầu làm đội trưởng lâm thời của tiểu đội. Hai con chó săn giữa đường đột nhiên đánh hơi thấy người sống, xem phương hướng thì rõ ràng hội người này bị lạc đường trong rừng rậm.
Tiểu đội lao đi đuổi theo dấu vết, cuối cùng phát hiện ra hội Tư Mã Khôi đang sử dụng lửa, liền vội vàng chạy đến ngăn cản. Cao Tư Dương nghe người dân bản địa kể, điểm đáng sợ nhất ở Thần Nông Giá chính là cánh rừng rậm nguyên sinh trong m Hải Cốc, vì cho dù có mang theo súng săn và chó săn, thì cũng rất ít người dám mạo hiểm thâm nhập vào trong, bởi vậy cô mới khuyên Tư Mã Khôi phải suy nghĩ thận trọng, chí ít cũng phải trang bị súng săn và đi cùng người dẫn đường giàu kinh nghiệm mới được.
Tư Mã Khôi biết rõ ý tốt của Cao Tư Dương, nhưng anh không thể thấy khó mà lui, đành nói: “Thực ra, bọn tôi dã chuẩn bị tư tưởng lên hỏa tuyến rồi. Trước khi lâm trận, anh em tôi còn viết sẵn di chúc và đơn xin gia nhập Đảng, nếu lỡ một đi không trở lại thì mong các đồng chí hãy trích lương tháng sau của tôi ra, thay tôi đóng khoản đảng phí đầu tiên và cũng là cuối cùng.
Cô có biết vì sao lại là lương tháng sau không? Bởi vì lương tháng này tôi đã tiêu hết nhẵn rồi”. Cao Tư Dương thầm lắc đầu, cô cảm thấy loại người như Tư Mã Khôi đai khái thuộc kiểu “chủ nghĩa lạc quan mù quáng” điển hình, trừ phi vấp phải đinh, nếu không còn khuya mới biết quay đầu.
Tư Mã Khôi hỏi rõ ngọn nguồn, anh thầm tính xem làm cách nào mượn được khẩu súng săn của Hổ Tử để phòng thân. Mọi nguy hiểm trong rừng sâu núi thẳm chủ yếu bắt nguồn từ dã thú, bất kể là sói đầu lừa hay người rừng, cũng đều có nhược điểm sợ lửa; súng săn tuy hơi lạc hậu, tính năng cũng không đáng tin cậy, nhưng nói gì thì nó cũng là thằng cha biết nhả khói, hiệu quả tâm lý mạnh hơn hiệu quả sát thương nhiều.
Nghĩ vậy, anh liền nhỏ giọng rỉ tai Hải ngọng mấy câu, bảo cậu ta trên đường cố kiếm cơ hội bắt chuyện với Hổ Tử, tránh lúc cần lại không mở nổi miệng. Tuy cái miệng của Hải ngọng không được sạch sẽ lắm, nhưng lại lợi hại hơn cả ngàn quân vạn mã. Anh lên trước vỗ vai Hổ Tử: “Này, người anh em! Anh em mình thương lượng với nhau tí nhá.
Đợi đến lúc tụi mình vào rừng rậm nguyên sinh m Hải, chú em cho anh mượn súng săn sử dụng mấy ngày, sau này có cơ hội, anh đây sẽ dẫn chú mày đi đây đó mở rộng tầm mắt. ông già nhà anh làm thiếu tướng, anh ở nhà lầu, đi “giải quyết nỗi buồn” cũng chẳng bao giờ cần ra khỏi phòng…” Hổ Tử là đứa con chính hiệu của núi rừng, tuy lớn từng này nhưng chưa bao giờ ra đến huyện thành, nên đầu óc rất đỗi đơn giản, nói dễ nghe hơn thì cậu ta là người yêu ghét phân minh, còn nói khó nghe hơn một chút thì cậu ta là hạng ruột để ngoài da ngốc nghếch.
Cậu ta vốn dĩ đã vô cùng khó chịu với hành vi đốt lửa trong khu vực rừng của hội Tư Mã Khôi, cho rằng đối phó với loại người này, không cần giải thích dài dòng, chỉ cần tóm cổ đem về là xong. Tư tưởng của cậu ta cũng ấu trĩ như loài vịt mở mắt thấy ai, người đó sẽ là mẹ, cậu ta ban đầu đã nhận định thế nào, thì sau này mãi mãi trung thành với nhận định ấy.
Chính vì thế, Hổ Tử vừa nghe Hải ngọng nói mấy câu, đã cảm thấy anh bốc phét, trong lòng càng thêm tức giận: “Trên đời này làm gì có ai ‘giải quyết nỗi buồn’ ngay trong nhà, nhà của anh đúng là còn không bằng cái ổ chó”. Hải ngọng cho rằng, mình là người từng tham gia cách mạng thế giới, là người từng trải, đi nhiều hiểu rộng, còn Hổ Tử chỉ là cậu dân binh quê mùa ở miền núi, tầm nhìn hạn hẹp, tư tưởng giác ngộ của hai người căn bản không cùng một tầng lớp, lời nói cũng không tâm đầu ý hợp, càng nghe càng không thể chịu được, nên thà không ai thèm để ý đến ai cho xong.
Nhóm người chia ra thành hai tổ, men theo con đường vượt núi, đến lúc xế chiều ngày thứ hai, cả hội mới đến được ngọn núi chính là Đại Thần Nông Giá. Trên núi, tùng trúc che khuất bầu trời, biển cây rừng mênh mông, cản trở gió và ánh sáng nguyên thủy của thế giới bên ngoài xâm nhập vào.
Một tòa tháp canh đứng sừng sững trong rừng rậm ở sườn bắc, phía dưới chân tháp có gian nhà gỗ. Đó chính là trạm thông tin cứu hỏa được lắp đặt máy bộ đàm không dây. Ngoại trừ những ngày đại hàn, tuyết lớn phong tỏa núi, còn bình thường ở đây lúc nào cũng có một nhân viên bảo vệ rừng gác trực.
Trách nhiệm của nhân viên bảo vệ rừng cũng vô cùng quan trọng, ngày xưa đều do một thợ săn cao tuổi đảm nhiệm, đồng thời người này còn phải phụ trách cả công tác tuần núi. Sau này trạm điện đàm không dây được thiết lập, mới sửa đổi quy định, nông trường cắt cử dân binh lần lượt thực hiện nhiệm vụ.
Vì giao thông trong núi sâu bị tắc nghẽn, vả lại dân binh đã qua khóa huấn luyện thông tin đơn giản cũng chẳng có mấy người, nên thông thường phải vài tháng mới thay ca một lần, điều kiện công tác và sinh hoạt ở đây còn gian khổ hơn vùng ven rừng nhiều. Lúc mọi người đến trước cửa trạm thông tin, ở nơi sâu trong rừng rậm vẫn vọng lại tiếng gió ào ào như những đợt sóng.
Phía bên trong gian nhà gỗ tối thui, không có ánh đèn, con chó săn dường như đánh hơi thấy mùi nguy hiểm, nó đột nhiên chĩa mồm về phía trạm thông tin sủa vang mấy tiếng, dường như muốn cảnh cáo chủ nhân không nên đến gần. Cậu dân binh Hổ Tử nổi tiếng liều mạng từ nhỏ, cậu ta không buồn nghĩ ngợi, xông thẳng lên đẩy cửa, nhưng phát hiện cánh cửa đã bị khóa từ bên trong.
Để phòng dã thú, tránh gió và giữ ấm, toàn bộ vật liệu xây dựng trạm thông tin đều sử dụng gỗ lãnh sam có đường kính thân cây dày nửa mét, tuy là kết cấu bằng chất liệu gỗ nhưng vô cùng kiên cố, hơn nữa phía trước chỉ có một rãnh cửa, cửa sổ đóng ván gỗ, nếu bên trong không có người thì tuyệt đối không thể khóa cửa ở bên trong.
Hổ Tử lớn tiếng cất giọng gọi tên của nhân viên gác trực, cậu ta lại dùng hết sức gõ vào cửa thật mạnh, nhưng cửa trạm thông tin vẫn đóng chặt, im ỉm lặng ngắt. Tư Mã Khôi thầm nghĩ: “Không chừng người gác rừng đột tử trong trạm rồi cùng nên, vì thế điện đàm mới đứt liên lạc như vậy”.
Anh lập tức ghé sát mặt qua khe cửa sổ nhòm vào, lấy đèn pin soi, định nhìn xem tình hình trong phòng. Bên trong căn nhà gỗ tối om, đèn pin cũng chỉ soi được trong vòng bán kính một mét, phạm vi nhìn thấy vô cùng hạn chế. Tư Mã Khôi vừa tiến sát cửa sổ, bỗng nhiên nhìn thấy trong phòng có một gương mặt quái quỷ toàn lông đen, hai con mắt đỏ lòm lòm chứa đầy tà khí, hắn cũng đang đứng trong cửa sổ lén dòm ra ngoài.
Tư Mã Khôi giật thót tim, vội vàng nhảy bật ra sau, nhưng khi anh định thần nhìn lại, thì khuôn mặt đó đã biến mất. Hải ngọng thấy thần sắc Tư Mã Khôi quái lạ, liền xông đến trạm thông tin ngó nghiêng mấy cái, bên trong tối mù mù, không có thứ gì, anh hỏi Tư Mã Khôi: “Cậu vừa trông thấy gì thế? Có người bên trong không?” Từ khi Tư Mã Khôi đến núi Thần Nông Giá tới nay, anh từng nghe không ít truyền thuyết bí ẩn có liên quan đến người rừng.
Thông thường, người ta cho rằng người rừng là những dân phu trốn vào núi sâu tránh nạn vào thời Tần Thủy Hoàng bắt xây Trường Thành; thế nhưng ngay từ thời kì Xuân Thu Chiến Quốc, Khuất Nguyên người nước Sở đã từng làm bài từ, mô tả người rừng trong núi Thần Nông Giá sống động như thật, và có lẽ đó chính là ghi chép sớm nhất về người rừng.
Thời cận đại, những câu chuyện tận mắt nhìn thấy người rừng càng nhiều vô kể, họ đều mô tả đó là loài sinh vật cao lớn, giống vượn cổ, thường lảng vảng trong rừng rậm nguyên sinh m Hải, và chí ít cũng phải vượt qua Yến Tử Ô mới có cơ hội gặp được, còn ở ngọn núi chính Thần Nông Giá này thì chưa thể có dấu tích của chúng.
Tư Mã Khôi hoài nghi thứ mình nhìn thấy khi này có khả năng là người rừng, nên anh nhắc nhở mọi người cần tăng cường cảnh giác, người gác rừng có lẽ đã gặp phải điều bất trắc, chúng ta cần phá cửa vào xem rốt cuộc chuyện gì xảy ra. Cao Tư Dương gật đầu đồng ý. Tuy cô biết trong cánh rừng rậm nguyên sinh cách biệt với thế giới bên ngoài này, bất kể chuyện bất ngờ nào cũng có thể xảy ra, nhưng bây giờ hội cô người nhiều thế mạnh, lại có chó săn và hai khẩu súng săn, nên dẫu có đột nhiên gặp phải dã thú nào cũng không đến nỗi mất mạng.
Mọi người xem xét và đánh giá trạm thông tin, thấy cả kết cấu kiến trúc rất kiên cố, ống khói trên mái nhà lại hẹp, nên không thể chui vào được. Tư Mã Khôi dùng sức đẩy cánh cửa gỗ hé ra một khe hẹp, rồi lấy dao chặt đứt khóa. Cậu dân binh Hổ Tử xách súng định xông vào, nhưng Tư Mã Khôi dầy dạn kinh nghiệm đã kịp nhìn tình hình và cảm thấy có điều gì đó rất bất thường, nên không muốn cậu dân binh quê mùa này hành động hồ đồ thì có thể xảy ra án mạng, thế là anh liền giơ tay túm ngược cậu ta trở lại, sau đó cầm đèn pin thò người vào trong nhìn.
Trạm thông tin dường như để hoang khá lâu, bốn bức tường lạnh lẽo, thảm nệm vẫn trải trên giường, súng săn cán dài, tù và đựng thuốc súng vẫn treo ở mép tường, rõ ràng chưa hề bị ai động đến, nhưng người gác rừng sống không thấy người, chết không thấy xác. Nếu trạm thông tin không có người, thì căn nhà gỗ khép kín này làm sao có thể bị khóa bên trong? Còn thứ mà anh vừa nhìn thấy khi nhòm qua khe cửa sổ khi nãy, thì rốt cuộc là thứ gì? Tư Mã Khôi còn lờ mờ cảm thấy trong không gian chật hẹp của căn phòng phảng phất một mùi quái dị, khiến người ta rủn lạnh hết chân tóc, nhưng anh lại không tìm thấy mùi đó phát ra từ vật gì.
Gió núi ùa vào căn nhà gỗ khiến cái mùi quái lạ kia nhanh chóng tan đi, mũi người không còn ngửi thấy gì nữa. Có điều, các thành viên phía sau Tư Mã Khôi cũng đã kịp phát hiện thấy mùi quái dị đó. Cao Tư Dương đột nhiên nói: “Đây hình như là… mùi xác chết!” Hải ngọng nói: “Người chết tôi thấy nhiều rồi, nhưng đâu có mùi gì đặc biệt.
Cô tìm một giành cá mặn phơi nắng vài giờ đồng hồ, may ra còn giống mùi người chết, vì đó là mùi hôi thối rữa nát. Nó khác hoàn toàn với mùi trong căn phòng này”. Tư Mã khôi cũng cảm thấy không giống với mùi tỏa ra từ tử thi, nhưng không rõ vì sao Cao Tư Dương lại hình dung như vậy? Thắng Hương Lân phán đoán: “Có lẽ là mùi khí hóa học nào đó, rất giống với mùi dung dịch dùng để phòng chống hoại mục”.
Thực ra, bình thường, làm gì có ai phải thường xuyên tiếp xúc với tử thi rữa nát, những tử thi mà Cao Tư Dương trước đây từng nhìn thấy trong học viện quân y, đều được ngâm trong bồn xi măng chứa đầy dung dị phoóc môn, chuyên dùng cho sinh viên tiến thành luyện tập giải phẫu, bởi vậy cô hình thành phản xạ điều kiện chỉ cần ngửi thấy mùi này, tín hiệu đầu tiên xuất hiện trong óc chính là “người chết”.
Nếu hình dung một cách chính xác hơn, thì mùi khí kí©ɧ ŧɧí©ɧ mũi mạnh mẽ xuất hiện trong trạm thông tin khi nãy, gần giống với mùi foman đêhít sản sinh lúc lan tỏa trong không khí, dung dịch foman đêhít chính là dung dịch phoóc môn thường sử dụng để chế tác tiêu bản tử thi. Tư Mã Khôi kể lại tình hình khi nãy anh trông thấy qua khe cửa sổ cho những người còn lại nghe, nếu không phải do anh bị hoa mắt, thì nhất định trong trạm thông tin có thứ gì đó đang lẩn trốn, vả lại nó chắc chắn là vật sống và không rõ vì sao lại xuất hiện mùi khí tiêu bản tử thi.
Hội Hải ngọng nghe xong chuyện cũng chỉ đề cao cảnh giác hơn một chút, chứ không hề cảm thấy sợ, còn mọi người lại định chuẩn bị xông vào bên trong lục soát. Duy chỉ có anh thanh niên trí thức Nhị Học Sinh và cậu dân binh Hổ Tử, ở lâm trường bản địa, là đồng thời lộ nét mặt khϊếp sợ.