Mê Tông Chi Quốc

Chương 102: Hồi chín: chết đi sống lại

Kẻ mới đến nghe mà vãi linh hồn, vội vàng định tháo lui ra ngoài cửa động, ngặt nỗi lại bị Tư Mã Khôi bóp cứng mạch, muốn giãy giụa thế nào cũng không thoát ra nổi.

Lúc đó sương đen giăng mù mịt, Tư Mã Khôi căn bản không nhìn rõ hình hài tướng mạo của hắn, chỉ phát hiện ra bàn tay trái đối phương có tới sáu ngón, cộng với giọng nói mang khẩu âm Quan Đông, mà ngay cả ngữ điệu cũng vô cùng quen tai; anh bèn lôi mạnh hắn đến trước mặt, rồi tóm cổ áo quẳng xuống sàn động.

Kẻ đó bị ngã đánh rầm trên nền sắt, gân cốt khắp người như muốn đứt lìa, hắn ta đau quá rên hừ hừ: “Ối trời ơi…các vị định lấy cái mạng già này của mỗ đấy à?”

Hải ngọng lên trước giẫm chân lên người hắn, xách đèn quặng soi kỹ dung mạo. Anh cũng không kiềm chế được cảm giác kinh hãi dâng trào, người này trên đầu đội một cái mũ rách tám vạt, thân mình khoác chiếc áo lông liền da cũ kỹ, thắt lưng cài cái tẩu thuốc, trên cổ đeo chuỗi bánh đả cẩu, rõ ràng chính là Triệu Lão Biệt đã chết từ nhiều năm trước.

Tính cả bận này, Tư Mã Khôi và Hải ngọng gặp Triệu Lão Biệt tất thảy ba lần. Lần đầu là cùng lão đi biệt bảo ở vùng ngoại ô huyện Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, vào một đêm mùa hạ trong nghĩa địa La Sư, Triệu Lão Biệt muốn đào viên Lôi Công Mặc dưới hố huyệt nên bị âm hỏa thiêu cháy nửa gương mặt, rồi ngã xuống hố vỡ nội tạng. Trước lúc lâm chung, lão còn chỉ viên Lôi Công Mặc và di chúc lại hai câu: “Núi đá vàng sinh ra bò vàng, đại kiếp đến ta cưỡi mây ngàn”, sau đó thì nhắm mắt xuôi tay rảo bước xuống hoàng tuyền, thi thể được Tư Mã Khôi tận tay chôn cất trong khu nghĩa địa hoang vụ dưới chân cầu.

Lần thứ hai gặp lão trên đường đi tìm kính viễn vọng Lopnor cách đây không lâu, đội khảo cổ phát hiện thấy một thi thể bị phong hóa ngay trước cửa Hắc Môn, nhìn các đặc điểm thì khá giống Triệu Lão Biệt. Tư Mã Khôi còn phát hiện trong lòng thi thể ôm một cuốn cổ tịch biệt bảo kỳ quái, bên trong không ngờ lại xuất hiện hai câu ám ngữ mà anh từng nghe trước lúc lão qua đời. Anh nhận định cái xác khô chính là Triệu Lâo Biệt, còn kẻ mà các anh gặp ở nghĩa địa La Sư năm đó khả năng là ma nhập tràng, thế là anh bèn phỏng hỏa thiêu rụi thi thể lão.

Nhưng đến bây giờ, Tư Mã Khôi vẫn chưa nghĩ ra Triệu Lão Biệt rốt cục muốn ám thị điều gì với mình thông qua cuốn cổ tịch biệt bảo? Các bức hình minh họa với nội dung ly kỳ quái dị, dường như ngầm mách bảo những mối nguy hiểm đang rình rập ngay bên mình, có điều nó quá mập mờ, nên trước khi sự việc xảy ra không ai lãnh hội được ý nghĩa của nó. Nếu như cuốn sách đó không dùng để giải mã trước khi sự việc phát sinh, thì nó còn bao hàm ý nghĩa gì khác nữa?

Lần thứ ba thì càng tà mị hơn, Triệu Lão Biệt đột ngột bò vào động từ trong đám sương đen. Vậy “người” trước mắt rốt cục có phải ác ma trốn khỏi thành Hàm Oan không? Hay là một loài quái vật nào khác? Tư Mã Khôi biết trên đời có đạo thuật ngũ hành, nhưng những pháp thuật đó chẳng qua chỉ là loại dời non chuyển bề mà thôi, còn dưới vòm trời này làm gì có cơ thể nào trường sinh bất diệt?

Thắng Hương Lân và đội trưởng Lưu Giang Hà nghe nói người này chính là Triệu Lão Biệt cũng vô cùng kinh ngạc. Trên đường đi, họ đã gặp cỗ thi thể đáng lẽ không thể tồn tại ở đó, cũng đủ làm họ cảm thấy kinh dị lắm rồi, giờ đây người chết – mà ngay cả xương cốt cũng hóa thành tro bụi, thì làm sao lại lần nữa xuất hiện trong màn sương đen dưới lòng đất?

Hội Tư Mã Khôi vây quanh Triệu Lão Biệt, nhìn lão chằm chằm một hồi lâu dưới ánh sáng trắng cửa đèn quặng, trong không gian mù mờ cũng không rõ đối phương rốt cục là người hay ma.

Triệu Lão Biệt bị mọi người nhìn phát sởn gai ốc, lão nhăn nhúm mặt cố vắt ra một nụ cười cầu hòa: “Chư vị hảo hán, chúng ta trước đây không oán, bây giờ không thù, nên mong các vị giơ cao đánh khẽ cho…”

Hải ngọng giận dữ quát: “Đừng giả bộ với ông mày! Đợi chút nữa sẽ cho mi hiện nguyên hình ngay thôi. Anh chắc mẩm Triệu Lão Biệt chính là con chồn vàng trong huyệt mộ biến thành, bèn bàn với Tư Mã Khôi xem có cần dùng hình với nó không. Đội du kích Miến Điện có một phương pháp cổ truyền đề giày vò tù binh, thường gọi là “xoa lòng bàn chân”. Phương pháp đó đầu tiên phải để lưng tù binh dựa vào một cọc gỗ nằm trên mặt đất, hai cẳng chân duỗi thẳng xếp đều, trói chặt khít từ đầu đến chân, sau dó dùng một viên than đá bề mặt thô ráp dùng hết sức chà đi chà lại phần gót chân, da thịt trong phút chốc bị mài sạch trơn, tiếp tục chà sẽ chạm đến tận xương, mài đi mài lại sẽ phát ra âm thanh nghe ken két rất chói tai, khắp mặt đất vương vãi toàn máu thịt rất thê thảm.

Loại cực hình này ngay cả đến Kim Cương La Hán cũng không thể chịu đựng nổi, nhưng cũng không đến nỗi khiến người ta đau đớn phải ngất đi, mà chỉ đủ để họ gào thét thảm thiết như lợn bị chọc tiết. Đến tận bây giờ, anh vẫn chưa thấy ai có thể vượt qua được loại cực hình ấy

Chi bằng cứ áp dụng biện pháp đó để xử lý Triệu Lão Biệt, cái này gọi là không thấy quan tài không nhỏ lệ — cứ để lão nếm tí mùi xem thế nào.

Triệu Lão Biệt nghe xong, hồn vía phút chốc lên mây, lão cuống quýt van nài: “Thế này sao gọi là giả bộ giả dạng được chứ? Con người mỗ đây, tốt cũng chỉ vì thành thật, mà rủi cũng chỉ vì hai chữ thành thật mà thôi, cho dù lão gia có muốn mỗ giấu giếm, mỗ cũng không dám giấu.”

Tư Mã Khôi lại cảm thấy: giờ đây chưa thể định rõ lão là phe ta hay phe địch, nên vẫn phải duy trì công tâm, bèn ngăn Hải ngọng lại. Anh hỏi Triệu Lão Biệt: “Tôi thấy lão có chút quen mắt đấy!”

Triệu Lão Biệt thấy tình thế có vẻ hòa hoãn, vội vàng cười cầu hòa: “Thế thì tốt quá, chứng tỏ kiếp trước chúng ta từng có duyên phận với nhau…”

Tư Mã Khôi trừng mắt nhìn lão nói: “Mình lão mặc áo khoác anh hùng như ý, chân lão rào bước tiêu dao hoạt bát.”

Triệu Lão Biệt nghe xong thì mặt đột nhiên biến sắc: “Lão gia có biết núi cao bao nhiêu, biển sâu bao nhiêu, đầu đuôi khi nào mở miệng không?”

Tư Mã Khôi đáp: “Núi cao hơn trời, biển sâu hơn đất, đầu hướng về đông, đuôi ngoảnh về tây, giờ sửu mở miệng, bầy chim đồng thanh hót” – đoạn anh hỏi lại đối phương: “Lão vượt qua bao nhiêu vịnh? Băng qua bao nhiêu bãi?”

Triệu Lão Biệt lập cà lập cập trả lời: “Bát Hạ không thấy vịnh, qua vịnh này lại đến vịnh khác, sông rộng không có bãi, chuyển bãi này lại sang bãi khác”.

Hội Hải ngọng căn bản không hiểu thuật ngữ trong đáy biển giang hồ, nên không thể chen ngang được câu nào, nhưng Triệu Lão Biệt trong lòng tự biết lợi hại, nên không dám giấu giếm Tư Mã Khôi điều gì, bèn khai tuốt tuột: “Mỗ đây đúng là làm nghề biệt bảo, cả đời không tham vàng cũng không tham bạc, các lão gia hà tất phải moi cả gan ruột mỗ ra làm gì?”

Tư Mã Khôi càng thấy người này lai lịch khuất tất, bèn nói với Triệu Lão Biệt: “Tôi chỉ muốn thăm dò lão mấy chuyện, chứ cũng không cần quật cả tám đời tổ tông nhà lão lên làm gì, có điều lão phải nói trung thực rõ ràng, sau đó chúng ta đường ai nấy đi. Đương nhiên, nếu lão nói không rõ thì cũng chẳng sao, chỉ cần lão để cái thủ cấp lại là được”. Triệu Lão Biệt cau mày nhăn nhó nói: “Người trong nghề bọn ta thà mất mạng cũng không thể để lộ ngón nghề. Các lão gia đừng bức mỗ phải hủy hoại gia phong mà tổ tông sư phụ để lại.”

Tư Mã Khôi nói: “Tôi thiết gì mấy chiêu gia truyền biệt bảo nhà lão, tôi chỉ muốn hỏi hai câu: “Núi đá vàng sinh ra bò vàng, đại kiếp đến ta cưỡi mây ngàn” rốt cục giải thích thế nào?”

Triệu Lão Biệt nghe xong thì thần sắc kinh hãi dị thường, đây chính là một trong những bí quyết để tìm Lôi Công Mặc, mà dân gian từ cổ chí kim đã có truyền thuyết “cửu long phân hoàng thành”. Hoàng đế Hiên Viên là một trong tam hoàng ngũ đế, ngài từng chế tạo ra xe kim chỉ nam, đại phá Xỉ Vưu trong sương mù, sau khi chết, thi thể được an táng ở đỉnh Kiều Sơn, sau này ngọn núi bị bửa làm đôi, ngài hóa thành rồng bay lên trời, còn mạch núi mai táng lăng mộ hoàng đế được gọi là hoàng thành. Khi ấy, có chín khối thiên thạch từ trên trời bỗng dưng rơi xuống, cắm sâu bốn hướng, một trong những khối đó đánh trúng đỉnh Ẩn Đài đối diện với núi Kiều Sơn, lăng mộ của hoàng đế cũng vì thế mà bị nứt vỡ.

Ngọn núi đỏ trải toàn đá vàng, hình thù lại giống như con bò đang nằm, nên còn được gọi là Hoàng Ngưu Lĩnh. Hoàng đế là địa hoàng trong tam hoàng, vì đất nứt vỡ nên ngài hóa rồng quy tiên, bởi thế mới nói “chín rồng chia hoàng thành”. Chín khối thiên thạch từ trên trời rơi xuống chín dải long mạch, loại thiên thạch này khác với những loại thiên thạch sắt thông thường khác, bởi tất cả đều đen tuyền sáng bóng, chất liệu rất giống với ngọc đen, đó là báu vật của mọi báu vật trong thiên hạ. Thời cổ có bí quyết lưu truyền lại cho đời sau ngầm ám chỉ phương hướng của chín khối thiên thạch, hai câu thơ đó chính là lời dẫn của toàn cuốn bí quyết biệt bảo, còn về sự ảo diệu bên trong của nó, thì không thể tiết lộ cho người ngoài biết được.

Nghi hoặc trong lòng Tư Mã Khôi càng lúc càng tăng lên, điều này có thể giải thích được vì sao Triệu Lão Biệt trước khi đoạn khí ở nghĩa địa La Sư vẫn còn tơ tưởng đến Lôi Công Mặc, nhưng người đang đứng trước mặt anh đây lại không hề có chút ấn tượng nào về chuyện đã từng xảy ra năm đó, vả lại cũng không liên quan gì đến những bức vẽ minh họa trong cuốn cổ tịch địa lý. Bức tranh trong cuốn cổ tịch địa lý vẽ hình một người tay dắt bò, đang đứng trên bờ vực, dõi mắt nhìn xuống khe núi vách cheo dựng đứng, dường như muốn ám thị khu vực dưới Hắc Môn vô cùng hung hiểm.

Trong bức tranh thứ hai vẽ hai căn phòng một to một nhỏ, l*иg kép vào nhau, nhìn kiểu gì cũng giống với tên quái thai “Căn phòng số 86”, nếu biết trước chân tướng sự thật, có lẽ đội anh đã không đến nỗi bị rơi vào thế bị động mà chịu sự kìm kẹp của kẻ địch, còn giáo sư Tống Tuyển Nông có khả năng đã không chết. Bức tranh thứ ba vẽ một cánh tay người chết, đó chính là cánh tay gãy mà “Căn phòng số 86” đã giấu dưới ba lô của đội khảo cổ, trong cánh tay chôn viên ba bảo, kết quả đã kéo theo biết bao phiền phức cho cả đội trong biển cát, nếu mọi người không nhanh chân chạy thoát, thì không biết có còn sống đến giờ này hay không? Cả ba bức tranh minh họa đó chẳng phải đều ngầm ám chỉ rằng: dưới Hắc Môn tồn tại vô số hiểm nguy hay sao?

Triệu Lão Biệt nghe xong thấy vừa kỳ quái và vừa mông lung, trên người lão đúng là có cuốn sách đó thật, nhưng phía sau không hề có bức vẽ nào, vả lại lai lịch và công dụng của cuốn cổ tịch biệt bảo đều thuộc phạm trù bí mật, không bao giờ dễ dàng tiết lộ cho bất kỳ ai. Khi nghe Tư Mã Khôi nhắc đến Hắc Môn thì hai con mắt nhỏ ti hí của lão bất chợt lóe lên tia sáng vừa giảo hoạt vừa tham lam, lão thử dò hỏi Tư Mã Khôi: “Chẳng hay các vị đây đã đi qua Hắc Môn chưa? Các vị có ngắm được món kỳ châu dị bảo nào không?” – Rồi lão còn dò la tình hình cụ thể về ba bức họa trong cuốn sách.

Tư Mã Khôi bèn kể lại lần nữa, nhưng nhìn phản ứng trên mặt đối phương, anh bỗng nhiên nhớ đến một học thuyết nào đó có tên là “thuyết cái hộp”, mà giáo sư Nông địa cầu từng nhắc đến trước đây. Tư Mã Khôi đột nhiên rùng mình thất kinh: người đang đứng trước mặt anh chính là xác chết nằm ở cửa Hắc Môn. Có lẽ trước khi Triệu Lão Biệt chết, lão đã từng xâm nhập cực vực dưới lòng đất, thông qua con đường nào đấy mà không ai biết được, đồng thời bị sương đen nuốt chửng. Thời gian trong màn sương đen vĩnh viễn ngưng tụ bất động, hoặc không ngừng luân chuyển theo vòng tuần hoàn, giống như một chiếc hộp hoàn toàn cách biệt với cả thế giới, nó tồn tại độc lập bên ngoài tọa độ thời gian.

Đội khảo cổ cũng vô tình lạc vào trong chiếc hộp, bởi vậy mới gặp được Triệu Lão Biệt khi lão ta còn chưa chết. Lão nghe thấy anh nhắc đến vị trí của Hắc Môn và những bức tranh quái dị vẽ trong cổ thư biệt bảo, bèn cho rằng những bức tranh đó chính là phương pháp để phá giải Hắc Môn ngập tràn nguy hiểm. Sau khi trốn thoát khỏi chỗ này, lòng tham trỗi dậy, lão vẽ tranh vào cuốn sách, rồi câu kết với đội thám hiểm Pháp vào sa mạc tìm kiếm bảo vật, kết quả mắc hội chứng địa áp nên phải bỏ mạng ngay trước cửa Hắc Môn. Nếu Triệu Lão Biệt không gặp đội khảo cổ trong chiếc hộp thoát ly tọa độ thời gian, thì lão đã không để lại những bức vẽ kỳ quái trong cuốn cổ thư, cũng không thiệt mạng cùng bọn người Pháp và mọi người cũng vĩnh viễn không bao giờ nhìn thấy cuốn cổ thư biệt bảo khó hiểu này. Nguyên nhân kết quả của cả chuỗi sự kiện không hề phân biệt thứ tự trước sau, nó giống như một vòng tuần hoàn khép kín vĩnh viễn không thể hóa giải nổi.

Tư Mã Khôi chỉ biết căn cứ vào tình hình thực tế để đưa ra phán đoán, nhưng rốt cục sương đen là chiếc hộp hay người sắt khổng lồ dẫn đường trong biển cát mới là chiếc hộp? Vì sao Triệu Lão Biệt lại bị giam cầm trong sương đen? Và lão đã làm cách nào để cuối cùng thoát được ra ngoài? Cuốn cổ tịch biệt bảo ẩn chứa những bí mật gì không thể tiết lộ với thế nhân? Kẻ chết trong nghĩa địa La Sư năm 1968 là ai? Lẽ nào trên thế giới còn có một chiếc hộp khác? Nếu mang tất cả những “kết quả” hiện tại kể cho Triệu Lão Biệt nghe, liệu có làm thay đổi những “sự thực” vốn đã diễn ra không?

Cùng lúc giải được một ẩn số thì lại xuất hiện thêm càng nhiều ẩn số nữa, thậm chí ngay cả bản thân mình tựa hồ cũng hòa nhập làm một với các ẩn số. Tư Mã Khôi không biết những suy đoán của mình có chính xác hay không, lúc này anh cũng không chứng thực được, nhưng anh tin Triệu Lão Biệt đang sờ sờ trước mắt chắc chắn là một người còn sống, thế là anh bèn hỏi một câu quan trọng nhất: “Lão có biết Nấm mồ xanh không?”

Triệu Lão Biệt nghe đến bốn chữ Nấm mồ xanh, dường như đã biến thành người khác, sắc mặt thâm trầm hẳn xuống đầy quái lạ, lão nói: “Biết… hay không biết nhỉ? Cậu thử đoán xem!”