Giáo sư Thắng Thiên Viễn phát hiện hai bên đường giăng đầy biểu ngữ, khẩu hiệu của quân giải phóng. lúc ấy mới biết đây là con đường quân sự chuyên biệt.
Điều khiến người ta bất ngờ hơn là, điểm tận cùng của con đường không dừng lại ở chân núi, mà dừng lại trong lòng một ngọn núi cách mực nước biển chừng hai ngàn mét bên trong có vài hầm phòng không cỡ lớn. Sau khi xuống xe. hai người được sắp xếp nghỉ ngơi tại một hầm phòng không, đồng thời ngồi đợi những thành viên khác của đội khai quật khảo cổ đến đông đủ. xung quanh chỗ nào cùng là khu vực giới nghiêm quân sự, canh phòng hết sức cẩn mật, không đuợc phép tùy tiện đi lại.
Giáo sư Thắng Thiên Viễn đành ờ lại trong hầm, không thể quan sát tình hình bên ngoài, ông chỉ biết thầm đoán mò: “Hay bộ đội công trình đào được ngôi cổ mộ nào đó khi thông đường hầm? Nhưng sao trước đây không hề nghe thấy tin tức gì về vụ này nhỉ?”
Chừng một ngày trôi qua, những thành viên còn lại lần lượt tề tựu đông đủ, phần lớn các thành viên đều bị điều động bất thường từ các cơ quan đơn vị khác nhau, giữa họ không hề có mối quan hệ ràng buộc nào, cũng không ai hay nội tình chi tiết của nhiệm vụ lần này, người nào người nấy đều lộ sắc mặt hồ nghi, khó hiểu.
Trước tiên, mọi người phải để lại toàn bộ đồ đạc tùy thân ở hầm phòng không, đồng thời đăng ký lĩnh các trang thiết bị và công cụ cần thiết, sau đó tất cả được dẫn ra khỏi hầm. Vừa ra khỏi hầm, họ đã thấy trong núi sâu không hề có ngôi mộ cổ nào, mà chỉ có một sân bay quân sự chuyên dụng được xây dựng trên đỉnh núi, đường bay và kho máy bay đều ngụy trang kín đáo, quy trình cất cánh và hạ cánh được thực hiện ngay trên núi. Vừa lúc này, mọi người nhìn thấy một chiếc máy bay vận tải chiến thuật không quân – do Liên Xô chế tạo của hãng Ilyushin, đang đỗ trên đường bay đợi lệnh, xem ra mục tiêu mà đội khai quật khảo cổ cần đến rõ ràng cách đây rất xa.
Lão Lưu Hoại Thủy trong lòng luôn cảm thấy bất an. Trước đây có lần lão được nghe giáo sư Thắng Thiên Viễn kể lại, mỗi lần động binh trên không, chí ít phải có hai chỉ huy quân khu cùng ký cam kết thực hiện mệnh lệnh, thì máy bay mới được xuất phát. Không biết lần này đội khảo cổ rốt cục bị điều đến nơi nào? Sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ đặc biệt gì? Có điều, cơ sự đã đến nước này, lão cũng không thể nghĩ nhiều hơn, đành theo đoàn lên máy bay. Gương mặt tất cả hành khách ngồi trong khoang đều toát lên vẻ căng thẳng, lo âu, không ai to nhỏ với ai câu nào, cả máy bay lặng phắc như tờ.
Trước đây, lão Lưu Hoại Thủy chưa bao giờ ngồi máy bay, nên khó tránh khỏi cảm giác thắc thỏm, lão bèn hỏi giáo sư: “Ông chủ Viễn này, nghĩ khi Bắc Kinh vẫn còn gọi là Bắc Bình ấy mà, có một chiến đấu cơ của bọn Nhật rơi xuống ngay gần cầu Lô Câu. Anh em bọn tôi cứ thấy chỗ nào náo nhiệt là sà đến, nên nghe tin một cái liền vội vàng đua nhau chạy ra xem sự lạ, và cũng vì chuyện này mà bị bọn hiến binh Nhật quát cho một trận nên thân, suýt chút nữa còn bị bọn chúng tóm cổ mang đi xử bắn. Khi ấy, tôi còn tận mắt chứng kiến, mấy tên tiểu quỷ trong bụng máy bay bị ngã nát bét chẳng còn hình dạng gì cả. Con chim sắt đang chở chúng ta bây giờ đúng là to hơn chiên đâu cơ của bọn Nhật nhiều, nhưng liệu nó có mang nổi ngần này người không vậy? Ngộ nhỡ đang bay trên cao mà đột nhiên động cơ chết máy, thì chẳng phải cả lũ đều bị rơi xuống hết à?”
Trước khi lên máy bay vài ngày, giáo sư Thắng Thiên Viễn được triệu tập tham gia một cuộc họp bí mật, như ông đã biết mục tiêu hành động của đội khai quật khảo cổ lần này, nên quay sang an ủi lão Lưu Hoại Thủy, ông bảo: “Ở Trung Quốc có rất nhiều điều cấm kỵ ví dụ điều húy kỵ của dân đi biển là không được nói từ chìm khi đang trên tàu, kỳ thực ở nước ngoài người ta cũng thế, đi máy bay cũng kiêng không nói đến hai từ rơi xuống, còn mãi tận bây giờ ngành hàng hải nước Anh vẫn không dám nhắc đến con tàu Titanic, vì e sợ nói nhiều sẽ gặp phải thảm họa tương tự như con tàu đó. Tất cả những điều này đều xuất phát từ ám thị cá nhân sản sinh do tác động tâm lý. Tuy rằng trên thế giới không tồn tại nơi nào tuyệt đối an toàn, nhưng chỉ cần suy nghĩ của anh hướng đến mặt tốt đẹp của vấn đề, thì sẽ không thấy lo lắng nữa.
Loại máy bay này do Liên Xô chế tạo, nó là máy bay vận tải hai động cơ với một cấu trúc kim loại, một tầng cánh, một bộ phận đuôi thông thường, cơ cấu ba bánh đáp. Nó cho phép đạt tầm nhìn tốt hơn khi chạy trên đất và hạ cánh, trang bị hai động cơ diesel ACh-31, vì thế xác xuất xảy ra sự cố là rất thấp. Máy bay có hai động cơ, nên nếu bị hỏng một chiếc thì chiếc còn lại vẫn có thể tiếp tục hoạt động bình thường, vả lại khi nãy tôi có gặp anh phi công lái máy bay. Vị cơ trưởng của chiếc Ilyushin này là một phi hành gia lão luyện, từng tham gia cuộc chiến tranh viện trợ Triều Tiên chống Mỹ, kinh nghiệm bay rất dày dạn, hơn nữa điều kiện thời tiết hôm nay cũng rất tốt, trời trong nắng ấm, chiếc Ilyushin-12 này lại được kiểm duyệt rất nghiêm ngặt trước khi cất cánh, tuyệt đối không thể xảy ra sai sót gì đâu.”
Thế là, không lâu sau, chiếc Ilyushin-12 nhận lệnh cất cánh, động cơ diesel hai kỳ lao vùn vụt khỏi đường bay rồi hòa mình vào không trung. Lúc này, lão Lưu Hoại Thủy mới nghe được một tin, cũng không rõ có chính xác hay không, đại khái là có phân đội trắc họa nào đó nhận lệnh tìm kiếm một dòng sông cổ đã mất tích nhiều năm về trước, nằm trong địa phận viền tây nam của sa mạc Lopnor, đồng thời phải trắc họa bản đồ quân sự một cách tuyệt đối chuẩn xác, vì khu vực đó vô cùng phức tạp, đến giờ vẫn chưa được đo vẽ trên bản đồ, có thể nói nó là vùng mù trên bản đồ địa lý. Giáo sư Thắng Thiên Viễn rất am hiêu lịch sử Tây Vực cũng như địa lý cổ đại, bởi vậy ông cũng bị điều đi tham gia lần hành động này.
Ngoài ra ông còn có nhiệm vụ theo đoàn đánh giá các di tích lịch sử dọc đường đi, nếu cần thiết còn phải áp dụng những biện pháp khai quật mang tính giải cứu kịp thời. Thời gian gần đây, các thế lực phản động trong và ngoài nước hoành hành dữ dội, ngay gần khu vực cấm địa quân sự mặt phía bắc sa mạc, phát hiện một số phần tử khả nghi hoạt động khá thường xuyên. Để giữ bí mật với thế giới bên ngoài, đồng thời cũng nghĩ đến sự an toàn của các thành viên trong đội, nên cấp trên mới quyết định sử dụng máy bay đưa đội khảo cổ đến nơi quy định.
Lão Lưu Hoại Thủy phấp phỏng không yên, mỗi lần máy bay rùng lên một nhịp, toàn thân lão lại đầm đìa mồ hôi lạnh, lão gắng kiềm chế cảm giác choáng váng đưa mắt nhìn ra tầng không qua ô cửa sổ nhỏ. Chiếc Ilyushin-12 đang bay với tốc độ 340km/h, xuyên qua Ngọc Môn Quan, Cam Túc, hướng sang phía tây bắt đầu đi vào không vực của sa mạc Kumtag, Tân Cương. Qua ô cửa sổ máy bay, chỉ nhìn thấy bầu trời xanh trong như ngọc, mặt đất trải dài những cồn cát vàng miên man đến vô tận, đυ.n cát nhấp nhô như những vạt sóng, tầng tầng lớp lớp nếp gấp ánh lên màu vảng kim chói lóa dưới cái nắng gay gắt phản chiếu của mặt trời.
Có lẽ đúng là ghét của nào trời trao của ấy thật, chuyện phải xảy ra, sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra, chiếc Ilyushin-12 đang bay trên bầu trời đột nhiên rung chuyên dữ đội, thân máy bay bắt đầu nghiêng sang một bên, không ngừng lắc lư chao đảo, đèn cảnh báo màu đỏ trong khoang máy bay liên tục nhấp nháy, như một điềm báo chẳng lành, rồi một loạt âm thanh rền vang như sấm dội ầm ầm truyền đến, nó tiếp xúc với phần trên của máy bay tạo ra tiếng va chạm “két két két”.
Mọi người đều đang thắt chặt dây an toàn, nhờ vậy mới không ngã gãy cổ, giáo sư Thắng Thiên Viễn thấy tình hình không ổn, bèn vội vàng hỏi viên phi công: “Máy bay xảy ra chuyện gì thế hả anh?”
Viên cơ phó Dương Tam Hỉ cho biết: “Ilyushin – 12 đang bay trên không trung thì gặp phải sự cố bất ngờ, hiện tại đã hoàn toàn mất kiểm soát, có khả năng chúng ta sẽ bị rơi xuống bất cứ lúc nào.”
Mọi người đều phát hiện thấy tình hình bất ổn, phía trên máy bay lại phát ra những âm thanh ầm ầm, nghe như tiếng sấm vần vũ, nhưng lúc này bầu trời vẫn trong xanh như mới được gột rửa, không trung thăm thẳm tựa ngọc bích, thì sao có thể xuất hiện sấm lớn? Bên ngoài khoang vẫn không dứt vang lên những âm thanh giống tiếng rạn nứt của kim loại, dường như giữa trời cao có một vật gì rất to lớn rơi trúng nóc máy bay và đang tìm cách xé rách lớp vỏ thép để chui vào trong.
Các thành viên trên máy bay run lẩy bẩy. Tuy thỉnh thoảng cũng có những chiếc máy bay đen đủi vì đâm phải đàn chim trời mà bị rớt xuống đất; nhưng vị trí hiện tại cua Ilyushin-12 đang ở vùng trên không cách rất xa mặt đất, không khí tương đối loãng, nên đừng nói những loại chim thông thường mà ngay cả loài chim ưng tuyết, một mãnh điêu vô cùng to lớn sống ở Himalaya, cũng không dám liều mình đâm sầm vào con chim sắt quân sự ở giữa bầu trời này được; còn nếu quả thật tồn tại một thứ gì đó thì rốt cục nó là quái vật phương nào mà có sức khỏe phi thường như thế?
Ilyushin-12 cũng được trang bị dù để đề phòng tình huống xấu xảy ra, trong khoang máy có lắp đặt ba lô dù bộ binh chuyên dụng, nhưng lúc này không ai dám liều mạng mở dù nhảy ra khỏi cửa thoát hiểm. Mọi người đành phải ở nguyên vị trí và nghe theo số trời định đoạt. Chiếc Ilyushin-12 mất kiểm soát, giống như con thuyền chấp chới trước sóng dữ bị nước đánh lúc dềnh lên lúc chìm xuống, những cú rung lắc dữ dội khiến cơ thể ai nấy đều vật vã nghiêng ngả, đầu óc quay cuồng choáng váng, chân tay mềm nhũn, lục phủ ngũ tạng lộn tùng phèo, có người không chịu được liền nôn mửa từng hồi, người khác khắc chế nổi nỗi sợ hãi bằng cách nhắm nghiền hai mắt, hai hàm răng va vào nhau lập cập như xả súng.
Cuối cùng, trong tiếng ầm ầm sắc nhọn kí©ɧ ŧɧí©ɧ mạnh mẽ đến vỏ não, tất cả hành khách trên máy bay đều ngất xỉu. Nhưng khoảnh khắc sự việc diễn ra rất ngắn ngủi, dường như chỉ một vài giây thậm chí còn ngắn hơn, rất nhanh sau đó, mọi người đều lần lượt tỉnh lại. Lúc này, chiếc Ilyushin bắt đầu rơi tự do; không biết từ lúc nào cánh quạt bên trái máy bay bén cháy, cột khói đen bốc cao ngùn ngụt. Lúc này, trời đã chuyển sang trưa, mặt đất khô rang không một giọt nước, nhiệt độ lên đến bốn mươi năm mươi độ C; từ trên cao nhìn xuống chỉ thấy sa mạc Kumtag bao la bát ngát, dải cát vàng chuyển màu đỏ quạch dưới ánh mặt trời chói chang. Chiếc máy bay mất kiểm soát đang xuyên qua những lớp sóng nóng bỏng, lao vùn vụt xuống sa mạc.
Cơ trưởng họ Đinh, tên đầy đủ là Đinh Đắc Căn, ông nguyên là học viên khóa III của Học viện không quân Đông Bắc, hiện là sư đoàn phó Sư đoàn vận tải độc lập không quân, thời kỳ tiếp viện Triều Tiên kháng chiến chống Mỹ, ông từng lái chiếc chiến đấu cơ MiG-15, nhiều lần trực tiếp giao chiến với bọn lính dù Mỹ trong đại chiến thứ thế giới thứ hai. Ông không chỉ có kinh nghiệm bay dày dạn, mà tố chất tâm lý cũng rất vững vàng.
Cơ trưởng Đinh Đắc Căn phát hiện động cơ diesel của cánh quạt và bộ phận cất cánh bên trái bị hỏng, không thể tiêp tục bay lên cao được nữa, nên độ cao càng lúc càng hạ thấp. Ông lập tức quyết định mạo hiểm hạ cánh xuống sa mạc. Lúc này, máy bay đã vượt qua một dải núi cát lơn, tận cùng tầm nhìn lộ ra lòng sông cổ nhuốm màu đỏ cam, từ trên không nhìn xuống, phàng phất giống một vết rạn nhỏ chạy ngoằn ngoèo bất quy tắc, nổi lên trên biển cát vàng mênh mông. Do thảm thực vật sinh tồn ở đây khá đông đúc, vả lại xung quanh lại có vô số cồn cát trải dài nhấp nhô tương đối kiên cố, nên dòng sông thủy chung chưa bị dòng cát vàng di động che lấp hẳn. Trước khi mạch nước hoàn toàn cạn kiệt, có thể nó đã từng là ốc đảo chuyển tiếp giữa sa mạc và hồ muối, cũng có thể là di chỉ của một dòng chảy cổ đại nào đó; nhưng đến ngày nay, tất cả những gì còn sót lại chỉ là những triền cát vàng hoang lương ngút ngàn tầm mắt, và không còn chút ý nghĩa nào đối với các lữ khách lầm đường lạc bước trên sa mạc, và cũng có thể chỉ trên bản đồ quân sự có kích thước siêu lớn mới nhìn thấy sự tồn tại của nó.
Trong khi cơ trưởng Đinh Đắc Căn và cơ phó Dương Tam Hỷ chưa kịp quan sát kỹ, thì chiếc Ilyushin-12 đã mang theo cột khói đen sì chúi đầu xuống lòng chảo sông khô cạn, với độ cao và tốc độ khiến các phi hành gia không thể làm gì hơn với bàn lái, thậm chí còn không kịp tiến hành điều chỉnh động cơ, chỉ biết cố gắng giảm tốc độ lại một cách tối đa. Chiếc máy bay chao đảo nghiêng ngả, rồi đâm sầm xuống lòng sông cổ.
Cát vàng, cỏ khô um tùm cùng với những vết rạn khô nẻ trên lòng chảo, vô tình trở thành lực ma sát khiến tốc độ trượt của máy bay được cản lại đáng kể, chỉ có điều động cơ cánh quạt và bộ phận cất cánh đều bị cát mắc vào. Theo quán tính, thân máy bay vẫn lao mạnh vê phía trước, tạo thành một rãnh trượt dài sâu hoắm trên lòng sông. Đồng chí đoàn trưởng điều khiển hạ cánh vô cùng chuẩn xác, thao tác hợp lý, nên tuy tiếp đất có hơi nặng nhưng máy bay không hề bị bốc lửa hay cháy nổ, chiếc Ilyushin-12 hoàn toàn bình an vô sự.
Những thành viên may mắn sống sót, lũ lượt dìu nhau chui ra ngoài khoang. Lúc này, ánh mặt trời gay gắt ban ngày đã dịu nhạt hơn, khắp nơi chỉ còn những quầng nhiệt lay lắt sót lại. Lòng chảo sông khô cạn và dải cát sa mạc chạy dài hai bên không hề tồn tại bất kỳ dấu tích nào của sự sống. Nền trời trong vắt xanh thẳm, bầu không trung không có một sợi gió, không gian tĩnh lặng tràn ngập sự chết chóc và cái nóng như thiêu như đốt khiến người ta tưởng chừng không thể chịu đựng nổi.
Lão Lưu Hoại Thủy đến tận bây giờ vẫn còn cảm thấy khϊếp sợ khi nghĩ đến tình cảnh lúc đó, cũng may cơ trưởng lúc đó là ông Căn nên cả đoàn mới giữ được tính mạng. Sau này, nghe người ta nói lại, lão mới biết loại bay Ilyushin-12 do Liên Xô chế tạo, có hai nhược điểm chí mạng về mặt thiết kế, một trong số đó là thùng chứa nhiên liệu chính được bố trí ở phần đáy bụng máy bay, đồng thời không thể tiến hành bơm xăng trên không, và trong sa mạc cũng không thể kỳ vọng vào bộ bánh hạ cánh, khi máy bay phải bắt buộc hạ cánh, nên chắc chắn sẽ xảy ra hiện tượng cọ sát dữ dội do tiếp xúc với đất cát. Bất luận có thể tiếp đất bình an hay không, chỉ cần thùng xăng bị hư hỏng một chút, đồng thời ma sát tạo ra tia lửa nhỏ thôi, cũng đủ đế toàn bộ chiếc máy bay bốc cháy rồi phát nổ. Chỉ những người có trình độ kỹ thuật và lòng dũng cảm xuất chúng, mới có thể phản ứng một cách thần tốc và mạo hiểm trước tình hình gấp gáp và phức tạp như thế, chứ người thường thì làm sao có thể bình tĩnh xử lý được biến cố chết người đó.
Chiếc Ilyushin-12 buộc phải hạ cánh gấp, tuy chưa bị bốc cháy, phát nổ, nhưng quá trình va chạm khiến các thành viên trên máy bay không tránh khỏi chết chóc, thương vong. Viên cơ phó không may đã hi sinh khi làm nhiệm vụ, lúc đó nhân viên liên lạc thử dùng máy bộ đàm quang học không dây phát tín hiệu bắt liên lạc với bộ chỉ huy, hy vọng có thể tìm được viện trợ từ bộ đội giải phóng đồn trú ở khu vực gần đây, do máy bay vừa mới bay vào địa phận sa mạc Kumtag, Tân Cương, nên có lẽ vị trí hiện tại cách Ngọc Môn Quan không xa lắm. Nhưng sau khi nhân viên trắc họa đi theo đoàn định vị lại, mới phát hiện tọa độ hạ cánh chẳng ngờ lại là 40 độ 52 phút 29 giây vĩ bắc, 91 độ 55 phút 22 giây kinh đông.
Anh nhân viên trắc họa kinh ngạc ngẩn người, bởi vi tọa độ không thể nào sai sót, mà căn cứ vào số liệu thì điểm Ilyushin-12 hạ cánh đang nằm ở khu vực không có người sinh sống giữa sa mạc Kumtag và sa mạc Lopnor, cách vị trí dự tính ban đầu đến cả trăm cây số. Điều đó cũng có nghĩa là: trong khoảnh khắc ngắn ngủi mà mọi người mất đi ý thức, chiếc Ilyushin-12 đã bay xuyên qua sa mạc Kumtag theo hướng từ đông sang tây. Biến cố xảy ra vào lúc chính ngọ, tức là khoảng 12 giờ 30 phút, tất cả những ai đeo đồng hồ, đều phát hiện thời gian trên đồng hồ của mình vĩnh viễn dừng lại ở giây khắc đó.