Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa

Chương 477: Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Tập 20 (Từ Quyển 476 Đến Quyển 500) - Quyển 476 Lxxx. Phẩm Đạo Sĩ

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện suy nghĩ: Đạo của Đại Bồ-tát như thế nào mà các Đại Bồ-tát an trụ vào đạo này có thể mặc những loại áo giáp công đức thù thắng và như thật làm lợi ích cho tất cả hữu tình? Biết tâm niệm của cụ thọ Thiện Hiện, đức Thế Tôn liền bảo:

– Này Thiện Hiện! Nên biết, bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa là đạo của các Đại Bồ-tát. Bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo là đạo của các Đại Bồ-tát. Pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không là đạo của các Đại Bồ-tát. Chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì là đạo của các Đại Bồ-tát. Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo là đạo của các Đại Bồ-tát. Bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc là đạo của các Đại Bồ-tát. Tám giải thoát cho đến mười biến xứ là đạo của các Đại Bồ-tát. Pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện là đạo của các Đại Bồ-tát. Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa là đạo của các Đại Bồ-tát. Tất cả môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa là đạo của các Đại Bồ-tát. Năm loại mắt, sáu phép thần thông là đạo của các Đại Bồ-tát. Mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng là đạo của các Đại Bồ-tát. Pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả là đạo của các Đại Bồ-tát. Trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng là đạo của các Đại Bồ-tát. Vô lượng, vô biên Phật pháp khác là đạo của các Đại Bồ-tát.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Nói chung tất cả pháp đều là đạo của các Đại Bồ-tát. Này Thiện Hiện! Ý ông thế nào? Vậy thì có pháp nào mà các Đại Bồ-tát không nên học không? Nếu các Đại Bồ-tát không học pháp đó thì có thể chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề không?

Thiện Hiện thưa:

– Bạch Thế Tôn! Không!

Phật bảo Thiện Hiện:

– Đúng vậy! Đúng vậy! Nhất định không có một pháp nào mà Đại Bồ-tát không nên học. Nếu các Đại Bồ-tát không học pháp ấy thì chắc chắn không thể cầu được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì sao? Vì nếu Đại Bồ-tát không học tất cả pháp, thì nhất định không thể đạt được trí thất thiết trí.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

– Nếu tự tánh của tất cả các pháp đều là không. Vì sao? Đại Bồ-tát cần phải học vậy thì học ở chỗ nào? Nếu có sự học thì Bạch Thế Tôn không lẽ đối với pháp không hý luận mà làm ra hý luận, cho là có các pháp là đây, là kia, do thế này, là thế kia. Ðây là thế gian, đây là xuất thế gian, đây là hữu lậu, đây là vô lậu, đây là hữu vi, đây là vô vi. Ðây là pháp phàm phu, đây là pháp Dự lưu, đây là pháp Nhất lai, đây là pháp Bất hoàn, đây là pháp A-la-hán, đây là pháp Ðộc giác, đây là pháp Bồ-tát, đây là pháp Như Lai?

Phật bảo Thiện Hiện: –

– Đúng vậy! Đúng vậy! Này Thiện Hiện! Như lời ông đã nói, tự tánh của các pháp sở hữu đều không, hoặc tất cả các pháp chẳng phải tự tánh không, thì Đại Bồ-tát sẽ không chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Do tự tánh của tất cả pháp đều không, cho nên Đại Bồ-tát có thể chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Này Thiện Hiện! Như lời ông đã nói, nếu tự tánh của tất cả pháp đều không. Vì sao Đại Bồ-tát cần phải học, vậy thì học ở đâu. Nếu có chỗ học thì bạch Thế Tôn không lẽ đối với pháp không hý luận mà tạo ra hý luận, cho là có các pháp là đây, là kia, do thế này, là thế kia; nói đủ cho đến đây là pháp của Như Lai.

Này Thiện Hiện! Nếu các hữu tình biết tự tánh tất cả pháp đều không, thì các Đại Bồ-tát không cần học tất cả pháp để chứng đắc trí thất thiết trí, hãy vì các hữu tình mà tìm phương cách để giáo hóa, bởi vì các hữu tình không biết tự tánh các pháp đều không. Các Đại Bồ-tát nhất định phải học tất cả pháp, để chứng đắc trí thất thiết trí, vì các hữu tình mà lập những phương cách để giáo hóa.

Này Thiện Hiện! Ông nên biết các Đại Bồ-tát khi mới tu học Bồ-tát đạo, nên quán sát thật kỹ các pháp tự tánh nó đều không thể đắc, chỉ do chấp trước, hoà hợp mà tạo ra, nên quán sát thật kỹ tự tánh của các pháp hoàn toàn không, ở trong đó không nên chấp trước. Nghĩa là không nên chấp trước sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Không nên chấp trước nhãn xứ cho đến ý xứ. Không nên chấp trước sắc xứ cho đến pháp xứ. Không nên chấp trước nhãn giới cho đến ý giới. Không nên chấp trước sắc giới cho đến pháp giới. Không nên chấp trước nhãn thức giới cho đến ý thức giới. Không nên chấp trước nhãn xúc cho đến ý xúc. Không nên chấp trước các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra, cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra. Không nên chấp trước địa giới cho đến thức giới. Không nên chấp trước nhân duyên cho đến tăng thượng duyên. Không nên chấp trước các pháp do duyên sanh. Không nên chấp trước vô minh cho đến lão tử. Không nên chấp trước bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Không nên chấp trước pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không. Không nên chấp trước chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì. Không nên chấp trước Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Không nên chấp trước bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo. Không nên chấp trước bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Không nên chấp trước tám giải thoát cho đến mười biến xứ. Không nên chấp trước pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. Không nên chấp trước Tịnh quán địa cho đến Như Lai địa. Không nên chấp trước Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa. Không nên chấp trước tất cả môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa. Không nên chấp trước năm loại mắt, sáu phép thần thông. Không nên chấp trước mười lực của Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Không nên chấp trước ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của bậc Đại sĩ. Không nên chấp trước pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Không nên chấp trước trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Không nên chấp trước quả Dự lưu cho đến Ðộc giác Bồ-đề. Không nên chấp trước tất cả hạnh Đại Bồ-tát. Không nên chấp trước quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật. Vì sao? Vì tự tánh của tất cả pháp đều không. Vì tánh không nên không chấp trước. Tánh không trong cái không của tánh không còn không thể đắc, huống chi có tánh không mà chấp trước cái không.

Này Thiện Hiện! Khi các Đại Bồ-tát quán sát tất cả pháp như vậy, đối với tánh của các pháp tuy không chấp trước, nhưng với các pháp phải học hỏi không nhàm chán. Đại Bồ-tát ấy trụ trong sự học này mà quán tâm hành sai khác của các hữu tình. Nghĩa là quán sát tâm hành của các hữu tình ở đâu. Sau khi quán sát rồi biết rõ như thật tâm của họ chỉ do hư vọng mà chấp. Bấy giờ, Bồ-tát suy nghĩ: Tâm kia chỉ do hư vọng mà chấp lấy. Nay ta hãy làm cho họ giải thoát chắc chắn không khó. Suy nghĩ như vậy rồi, Đại Bồ-tát an trụ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa, dùng phương tiện thiện xảo khuyên răn, dạy bảo nói với các hữu tình: Bây giờ các ngươi hãy tránh xa những kiến chấp do hư vọng để đi vào chánh pháp, tu tập các hạnh lành. Lại nói: Bây giờ các ngươi nên thực hành bố thí để được đầy đủ tư lương không còn thiếu kém, chớ nên ỷ vào đó mà sanh lòng kiêu mạn, buông lung. Vì sao? Vì trong ấy hoàn toàn không có gì lâu bền chắc thật. Bây giờ các ngươi nên tu hành tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã sẽ được đầy đủ những loại công đức, nhưng đừng ỷ vào đó mà sanh lòng kiêu mạn, buông lung. Vì sao? Vì trong ấy hoàn toàn không có lâu bền, chắc thật. Bây giờ các ngươi nên hành pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không. Nên hành chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì. Nên hành Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Nên hành bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo. Nên hành bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Nên hành tám giải thoát cho đến mười biến xứ. Nên hành pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. Nên hành Tịnh quán địa cho đến Như Lai địa. Nên hành Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa. Nên hành tất cả pháp môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa. Nên hành năm loại mắt, sáu phép thần thông. Nên hành mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Nên hành pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Nên hành trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Nên hành quả Dự lưu cho đến Ðộc giác Bồ-đề. Nên hành tất cả hạnh Đại Bồ-tát. Nên hành quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật. Nên hành vô lượng các Phật pháp khác, nhưng đừng ỷ vào đó mà sanh tâm ngã mạn, buông lung. Vì sao? Vì trong ấy đều không có gì lâu bền, chắc thật.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy an trụ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa khi dùng phương tiện thiện xảo khuyên răn, dạy bảo cho các hữu tình hành đạo Bồ-tát nhưng không chấp trước. Vì sao? Không nên chấp trước vào tánh của tất cả pháp, hoặc năng chấp trước, hoặc sở chấp trước, chấp trước thời gian, chấp trước nơi chốn, hoàn toàn không có tự tánh, vì tự tánh của tất cả pháp là không.

Này Thiện Hiện! Khi các Đại Bồ-tát tu hành đạo của Bồ-tát như vậy, thì đối với tất cả pháp đều không có chỗ trụ. Lấy không có chỗ trụ mà làm phương tiện. Tuy hành bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa nhưng trong đó không có chỗ trụ. Tuy hành pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không, nhưng trong đó không có chỗ trụ. Tuy hành chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì nhưng trong đó đều không có chỗ trụ. Tuy hành Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo nhưng trong đó đều không có chỗ trụ. Tuy hành bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo nhưng trong đó đều không có chỗ trụ. Tuy hành bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc nhưng trong đó đều không có chỗ trụ. Tuy hành tám giải thoát cho đến mười biến xứ nhưng trong đó đều không có chỗ trụ. Tuy hành pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện nhưng trong đó đều không có chỗ trụ. Tuy hành Tịnh quán địa cho đến Như Lai địa nhưng trong đó đều không có chỗ trụ. Tuy hành Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa nhưng trong đó đều không có chỗ trụ. Tuy hành tất cả pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa nhưng trong đó đều không có chỗ trụ. Tuy hành năm loại mắt, sáu phép thần thông nhưng trong đó đều không có chỗ trụ. Tuy hành mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng nhưng trong đó đều không có chỗ trụ. Tuy hành pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả nhưng trong đó đều không có chỗ trụ. Tuy hành trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng nhưng trong đó đều không có chỗ trụ. Tuy hành quả Dự lưu cho đến Ðộc giác Bồ-đề nhưng trong đó đều không có chỗ trụ. Tuy hành tất cả hạnh Đại Bồ-tát nhưng trong đó đều không có chỗ trụ. Tuy hành quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật nhưng trong đó đều không có chỗ trụ. Tuy hành vô lượng các Phật pháp khác nhưng trong đó đều không có chỗ trụ. Vì sao? Vì tự tánh của hành giả và hành tướng tất cả đều không, ở trong đó hoàn toàn không có chỗ trụ.

Này Thiện Hiện! Nên biết các Đại Bồ-tát mặc dù có thể chứng đắc quả Dự lưu cho đến Ðộc giác Bồ-đề, nhưng trong đó không muốn trụ vào chỗ chứng. Vì sao? Vì có hai lý do. Hai lý do đó là: Một là quả vị ấy hoàn toàn không có tự tánh. Người có thể trụ và pháp được trụ đều không thể đắc. Hai là đối với quả vị ấy không thỏa mãn. Cho nên đối với quả vị ấy không muốn trụ vào chỗ chứng. Nghĩa là các Bồ-tát thường nghĩ như vầy: Ta phải chứng đắc quả Dự lưu cho đến Ðộc giác Bồ-đề, không thể không chứng đắc. Nhưng ở trong đó không nên trụ vào quả vị đã chứng. Vì sao? Vì từ lúc ta mới phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề cho đến nay, không bao giờ có tư tưởng khác chỉ cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Nhưng ta nhất định phải chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, không lẽ ở trong thời gian đó trụ quả khác?

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy từ mới phát tâm cho đến khi nhập Chánh tánh ly sanh của Bồ-tát chưa từng có tư tưởng khác, chỉ cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy từ lúc chứng đắc sơ địa lần lượt chứng đắc địa thứ mười chưa từng có tư tưởng khác, chỉ mong cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy một lòng cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, đối với tất cả thời tâm không tán loạn. Hoạt động của thân, khẩu, ý nghiệp hoàn toàn tương ưng với tâm Bồ-đề.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy trụ vào tâm Bồ-đề để hành đạo Bồ-đề, không bị những việc khác làm quấy nhiễu tâm mình.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa:

– Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả các pháp hoàn toàn không sanh thì vì sao nói Đại Bồ-tát hành đạo Bồ-đề?

Phật bảo:

– Đúng vậy! Đúng vậy! Theo lời ông nói, tất cả các pháp đều không sanh, nhưng ở đây sao lại nói các pháp không tạo tác, không có kết quả của sự tạo tác, nên biết tất cả pháp đều không sanh?

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Có phải chăng chư Phật dù xuất hiện ở thế gian hay không xuất hiện ở thế gian thì pháp giới của các pháp là pháp thường trú như vậy?

Phật bảo:

– Đúng vậy! Đúng vậy! Nhưng các hữu tình không thể hiểu rõ pháp giới của các pháp là pháp thường trụ như vậy, nên luân hồi trong sanh tử, chịu các khổ não. Các Đại Bồ-tát vì làm lợi ích cho họ, mà hành đạo Bồ-đề. Nhờ đạo Bồ-đề mà làm cho các hữu tình hoàn toàn giải thoát các khổ sanh tử và chứng đắc Niết-bàn thường lạc thanh lương.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

– Các Đại Bồ-tát nhờ dụng đạo sanh mà chứng Bồ-đề phải không?

Phật bảo:

– Không!

Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:

– Bạch Thế Tôn! Nhờ dụng đạo không phát sanh nên đắc Bồ-đề phải không?

Phật bảo:

– Không!

Cụ thọ Thiện Hiện thưa:

– Bạch Thế Tôn! Nhờ dụng đạo phát sanh hay bất sanh mà đắc Bồ-đề chăng?

Phật bảo:

– Không!

Cụ thọ Thiện Hiện thưa:

– Bạch Thế Tôn! Nhờ dụng đạo chẳng sanh, chẳng phải không sanh mà đắc Bồ-đề chăng?

Phật bảo:

– Không!

Cụ thọ Thiện Hiện thưa:

– Bạch Thế Tôn! Nếu vậy thì do đâu mà đắc Bồ-đề?

Phật bảo Thiện Hiện:

– Bồ-đề không do đạo, chẳng phải đạo mà đạt được. Vì sao? Vì Bồ-đề tức là đạo, đạo tức là Bồ-đề. Cho nên không do đạo, phi đạo mà được.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ-đề tức là đạo, đạo tức là Bồ-đề phải chăng Đại Bồ-tát đã đắc đạo Bồ-đề thì cũng phải chứng Bồ-đề? Nếu vậy thì Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác do duyên gì mà vì chư Bồ-tát nói mười lực của Như Lai, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của Phật và vô lượng, vô biên các Phật pháp khác để khiến cho họ tu chứng?

Phật bảo:

– Này Thiện Hiện: Ý ông thế nào? Chẳng lẽ ông cho là Phật thật có đắc Bồ-đề sao?

Thiện Hiện thưa:

– Bạch Thế Tôn! Không! Vì sao? Vì Phật tức là Bồ-đề, Bồ-đề tức là Phật. Không nên nói Phật thật có đắc Bồ-đề.

Phật bảo:

– Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Nhưng theo điều ông hỏi phải chăng Đại Bồ-tát đã đắc đạo Bồ-đề thì cũng đắc đạo Bồ-đề. Này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát tu đạo Bồ-đề chưa được viên mãn thì vì sao nói đã đắc Bồ-đề.

Này Thiện Hiện! Nên biết, các Đại Bồ-tát nếu đã viên mãn bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nếu đã viên mãn pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không. Nếu đã viên mãn chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì. Nếu đã viên mãn Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Nếu đã viên mãn bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo. Nếu đã viên mãn bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Nếu đã viên mãn tám giải thoát cho đến mười biến xứ. Nếu đã viên mãn pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. Nếu đã viên mãn Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa. Nếu đã viên mãn tất cả pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa. Nếu đã viên mãn năm loại mắt, sáu phép thần thông. Nếu đã viên mãn mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Nếu đã viên mãn ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của bậc Đại sĩ. Nếu đã viên mãn pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Nếu đã viên mãn trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Nếu đã viên mãn vô lượng, vô biên các Phật pháp khác. Từ đây không gián đoạn thì trong một sát-na định Kim cương dụ tương ưng với diệu tuệ. Vĩnh viễn đoạn trừ tất cả hai chướng ngại tập khí tương tục thô trọng mà chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Đó mới gọi là Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác. Với tất cả pháp đều được đại tự tại cho đến tận đời vị lai luôn làm lợi ích cho hữu tình.

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật như thế nào?

Phật dạy:

– Này Thiện Hiện! Chư Đại Bồ-tát từ mới phát tâm cho đến đời vị lai, luôn làm thanh tịnh ba nhgiệp thô trọng thuộc về thân, khẩu, ý của mình và làm thanh tịnh ba nghiệp thô trọng ấy cho người thì có thể trang nghiêm ở cõi Phật.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa:

– Bạch Thế Tôn! Thế nào là ba nghiệp thô trọng thuộc thân, khẩu, ý của Đại Bồ-tát?

Phật dạy:

– Này Thiện Hiện! Nếu sát hại sanh mạng, không cho mà lấy và dục tà hạnh đó là thô trọng thuộc về thân. Nếu nói lời hư dối, lời ly gián, lời hung ác, lời tạp uế đó là sự thô trọng thuộc về khẩu. Nếu tham muốn, sân hận, tà kiến đó là sự thô trọng thuộc về ý.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát trí kiến uẩn của Đại Bồ-tát mà không thanh tịnh thì cũng gọi là thô trọng.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát có tâm xan tham, tâm phạm giới, tâm tức giận, tâm biếng nhác, tâm tán loạn, tâm ác tuệ, cũng gọi là thô trọng.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát có tâm xa lìa bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo cũng gọi là thô trọng.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát có tâm xa lìa pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không cũng gọi là thô trọng.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát có tâm xa lìa chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì, cũng gọi là thô trọng.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát có tâm xa lìa Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo, cũng gọi là thô trọng.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát có tâm xa lìa bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, cũng gọi là thô trọng.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát có tâm xa lìa tám giải thoát cho đến mười biến xứ cũng gọi là thô trọng.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát có tâm xa lìa pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện cũng gọi là thô trọng.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát có tâm xa lìa Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa cũng gọi là thô trọng.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát có tâm xa lìa tất cả môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa cũng gọi là thô trọng.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát có tâm xa lìa năm loại mắt, sáu phép thần thông cũng gọi là thô trọng.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát có tâm xa lìa mười lực của Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng cũng gọi là thô trọng.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát có tâm xa lìa pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả cũng gọi là thô trọng.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát có tâm xa lìa trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng cũng gọi là thô trọng.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát có tâm xa lìa tất cả hạnh Đại Bồ-tát cũng gọi là thô trọng.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát có tâm xa lìa quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật cũng gọi là thô trọng.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát tham trước quả Dự lưu cho đến Ðộc giác Bồ-đề cũng gọi là thô trọng.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát có tưởng về sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về nhãn xứ cho đến ý xứ cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về sắc xứ cho đến pháp xứ cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về nhãn giới cho đến ý giới cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về sắc giới cho đến pháp giới cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về nhãn thức giới cho đến ý thức giới cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về nhãn xúc cho đến ý xúc cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về địa giới cho đến thức giới cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về nhân duyên cho đến tăng thượng duyên cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về các pháp do duyên sanh ra cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về vô minh cho đến lão tử cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về tám giải thoát cho đến mười biến xứ cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về Tịnh quán địa cho đến Như Lai địa cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về tất cả pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về năm loại mắt, sáu phép thần thông cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của bậc Ðại sĩ cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về quả Dự lưu cho đến Ðộc giác Bồ-đề cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về tất cả hạnh Đại Bồ-tát cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về Dị sanh, tưởng về Thanh văn, tưởng về Ðộc giác, tưởng về Bồ-tát, tưởng về Như Lai cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về địa ngục, tưởng về bàng sanh, tưởng về ngạ quỷ, tưởng về người, tưởng về trời, tưởng về nam, tưởng về nữ cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về cõi Dục, tưởng về cõi Sắc, tưởng về cõi Vô sắc cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về pháp thiện, tưởng về pháp không thiện cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về pháp hữu ký, tưởng về pháp vô ký cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về pháp hữu lậu, tưởng về pháp vô lậu cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về pháp thế gian, tưởng về pháp xuất thế gian cũng gọi là thô trọng. Có tưởng về pháp hữu vi, tưởng về pháp vô vi cũng gọi là thô trọng.

Này Thiện Hiện! Tất cả vô lượng, vô biên sự chấp trước các pháp như vậy cho đến các phân biệt do hư vọng của hữu tình tạo ra, cùng với thân, khẩu, ý nghiệp phát khởi và chủng loại đó không có tánh chịu đựng nổi đều gọi là thô trọng. Các Đại Bồ-tát đều nên xa lìa.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa nên xa lìa tất cả thô trọng như đã nói trên. Tự mình hành bố thí Ba-la-mật-đa và dạy bảo người khác hành bố thí Ba-la-mật-đa. Nếu các hữu tình cần thức ăn thì bố thí thức ăn, cần thức uống thì bố thí thức uống, cần xe cộ thì bố thí xe cộ, cần y phục thì bố thí y phục, theo những gì họ cần thì giúp đỡ đầy đủ. Tùy thời, tùy nơi mà bố thí tất cả. Mình tu hành những gì thì dạy bảo người tu hành như vậy. Bố thí như vậy rồi đem những căn lành ấy cho các hữu tình một cách bình đẳng và cùng nhau hồi hướng làm trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật mình đang ở, để mau viên mãn làm lợi lạc cho hữu tình. Đại Bồ-tát ấy tự mình hành tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa và dạy bảo người khác cũng hành tịnh giới cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Làm những việc ấy rồi, đem căn lành cho tất cả hữu tình một cách bình đẳng và cùng nhau hồi hướng làm trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật mình đang ở, để mau viên mãn làm lợi lạc hữu tình.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát dùng nguyện lực thần thông chứa đầy bảy báu thượng diệu trong ba ngàn đại thiên thế giới để cúng dường Phật, Pháp, Tăng. Cúng dường rồi Đại Bồ-tát hoan hỷ phát lời thệ nguyện rộng lớn như vầy: Tôi đem tất cả những căn lành đã trồng được này cho các hữu tình một cách bình đẳng, cùng nhau hồi hướng làm trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật mình đang ở. Tôi sẽ làm cho cõi của tôi trang nghiêm bằng bảy báu và tất cả hữu tình tùy ý hưởng thụ các trân bảo tốt đẹp nhưng không có tham đắm.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Chư Đại Bồ-tát dùng nguyện lực thần thông trổi vô lượng thứ kỹ nhạc vi diệu của cõi trời, cõi người để cúng dường Tam bảo và tháp Phật. Cúng dường xong, Đại Bồ-tát hoan hỷ phát thệ nguyện rộng lớn như vầy: Tôi đem những căn lành đã trồng được này cho các hữu tình một cách bình đẳng và cùng nhau hồi hướng làm trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật mình đang ở, khiến cho cõi của tôi thường được tấu lên những âm nhạc vi diệu như thế. Hữu tình nào được nghe thân tâm vui mừng nhưng không tham đắm.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Chư Đại Bồ-tát dùng nguyện lực thần thông chứa đầy các hương hoa tốt đẹp của cõi trời, cõi người cả ba ngàn đại thiên thế giới cúng dường Tam bảo và tháp Phật. Cúng dường xong, Đại Bồ-tát hoan hỷ phát thệ nguyện rộng lớn như vầy: Tôi đem những căn lành đã trồng được này cho tất cả hữu tình một cách bình đẳng và cùng nhau hồi hướng làm trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật mình đang ở, khiến cho cõi của tôi thường có các hương hoa tốt đẹp như vậy, hữu tình nào được nhận thì thân tâm vui sướиɠ nhưng không tham đắm.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát dùng nguyện lực thần thông làm trăm món thức ăn uống thượng hạng cúng dường chư Phật, Ðộc giác, Thanh văn và các Đại Bồ-tát. Cúng dường xong, Đại Bồ-tát hoan hỷ phát thệ nguyện rộng lớn như vầy: Tôi đem tất cả căn lành đã trồng được này cho tất cả hữu tình một cách bình đẳng và cùng nhau hồi hướng làm trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật mình đang ở. Khi chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, khiến cho các loài hữu tình trong quốc độ của tôi đều được ăn trăm món thức ăn uống như vậy, thân tâm vui sướиɠ no đủ nhưng không tham đắm.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát dùng nguyện lực thần thông làm các hương thơm tốt đẹp, y phục mềm mại như cõi trời, cõi người dâng lên cúng dường chư Phật, Ðộc giác, Thanh văn và các chúng Đại Bồ-tát, hoặc cúng dường pháp và tháp Phật. Cúng dường xong Đại Bồ-tát hoan hỷ phát thệ nguyện rộng lớn như vầy: Tôi đem tất cả căn lành đã trồng được này cho các hữu tình một cách bình đẳng và cùng nhau hồi hướng làm trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật mình đang ở. Khi chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, khiến cho các loại hữu tình trong quốc độ của tôi sẽ được những hương thơm, y phục như vậy, tùy ý thọ hưởng nhưng không tham đắm.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát dùng nguyện thần thông làm năm cảnh diệu dục phát sanh tùy ý trong cõi người, cõi trời, để cúng dường chư Phật và tháp Phật, Ðộc giác, Thanh văn và chúng Đại Bồ-tát, bố thí cho các hữu tình khác. Cúng dường xong Đại Bồ-tát hoan hỷ phát thệ nguyện rộng lớn như vầy: Tôi đem những căn lành này cho các hữu tình một cách bình đẳng và cùng nhau hồi hướng làm trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật mình đang ở. Khi chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, khiến cho các loại hữu tình trong quốc độ của tôi, tùy tâm ưa thích cảnh sắc, thanh, hương, vị, xúc tốt đẹp thì ứng với ý nghĩ đó mà hiện ra, vui sướиɠ hưởng thọ nhưng không tham đắm.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, dõng mãnh siêng năng, phát thệ nguyện rộng lớn như vầy: Tự mình trụ trong pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không, và dạy người khác trụ trong pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không. Làm những việc như vậy rồi, Đại Bồ-tát phát nguyện: Khi chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, nguyện cho tất cả loài hữu tình trong quốc độ của tôi không lìa pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, dõng mãnh siêng năng, phát thệ nguyện như vầy: Tự mình trụ trong chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì, và dạy bảo người trụ trong chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì. Làm như vậy rồi, Bồ-tát phát nguyện: Khi chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, nguyện cho các loài hữu tình trong quốc độ của tôi không xa lìa chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, dõng mãnh tinh tấn và phát thệ nguyện rộng lớn: Tự mình trụ trong Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo và dạy bảo người khác cũng trụ trong Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Làm những việc như vậy xong Đại Bồ-tát lại phát thệ nguyện như vầy: Khi chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tôi nguyện cho các loài hữu tình trong quốc độ của tôi không lìa bỏ Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, dõng mãnh tinh tấn và phát thệ nguyện rộng lớn như vầy: Tự mình tu tập bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo, và cũng dạy bảo người khác tu tập bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo. Làm những việc như vậy rồi, Đại Bồ-tát lại phát nguyện: Khi chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, nguyện cho các loài hữu tình trong quốc độ của tôi không lìa bỏ tu bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, dõng mãnh tinh tấn và phát thệ nguyện rộng lớn như vầy: Tự mình tu tập bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, và dạy bảo người khác cũng tu tập bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Làm như vậy xong, Bồ-tát phát nguyện: Khi chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tôi nguyện cho các loài hữu tình trong quốc độ của tôi không lìa bỏ bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, dõng mãnh tinh tấn và phát thệ nguyện rộng lớn như vầy: Tự mình tu tám giải thoát cho đến mười biến xứ, và dạy bảo người khác tu tám giải thoát cho đến mười biến xứ. Làm như vậy xong, Đại Bồ-tát lại phát nguyện: Khi chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tôi nguyện cho các loài hữu tình trong quốc độ của tôi không lìa bỏ tám giải thoát cho đến mười biến xứ.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, dõng mãnh tinh tấn và phát thệ nguyện rộng lớn như vầy: Tự mình tu pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện, và dạy bảo người khác tu pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. Làm những việc như vậy rồi, Đại Bồ-tát lại phát nguyện: Khi chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tôi nguyện cho các loài hữu tình trong quốc độ của tôi không lìa bỏ pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, dõng mãnh tinh tấn và phát thệ nguyện rộng lớn như vầy: Tự mình tu tập Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa, và dạy bảo người khác tu tập Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa. Làm như vậy rồi, Đại Bồ-tát lại phát nguyện: Khi chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tôi nguyện cho các loài hữu tình trong quốc độ của tôi không xa lìa Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, dõng mãnh tinh tấn và phát thệ nguyện rộng lớn như vầy: Tự mình tu tập tất cả pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa, và dạy bảo người khác tu tất cả tất cả pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa. Làm những việc như vậy rồi, Bồ-tát phát nguyện: Khi chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tôi nguyện cho các loài hữu tình trong quốc độ của tôi không lìa bỏ tất cả pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, dõng mãnh tinh tấn và phát thệ nguyện rộng lớn như vầy: Tự mình tu năm loại mắt, sáu phép thần thông, và dạy bảo người khác tu năm loại mắt, sáu phép thần thông. Làm những việc như vậy rồi, Đại Bồ-tát lại phát nguyện: Khi chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tôi nguyện cho các loài hữu tình trong quốc độ của tôi không lìa bỏ năm loại mắt, sáu phép thần thông.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, dõng mãnh tinh tấn và phát thệ nguyện rộng lớn như vầy: Tự mình tu tập mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, và dạy bảo người khác tu mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Làm như vậy rồi, Đại Bồ-tát phát nguyện: Khi chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tôi nguyện cho các loài hữu tình trong quốc độ của tôi không lìa bỏ mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, dõng mãnh tinh tấn và phát thệ nguyện rộng lớn như vầy: Tự mình tu ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của bậc Ðại sĩ và dạy bảo người khác tu ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của bậc Ðại sĩ. Làm như vậy xong, Đại Bồ-tát lại phát nguyện: Khi chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tôi nguyện cho các loài hữu tình trong quốc độ của tôi không lìa bỏ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của bậc Đại sĩ.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, dõng mãnh tinh tấn và phát thệ nguyện rộng lớn như vầy: Tự mình tu pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả, và dạy bảo người khác tu pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Làm như vậy xong, Đại Bồ-tát lại phát nguyện: Khi chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tôi nguyện cho các loài hữu tình trong quốc độ của tôi không lìa bỏ pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, dõng mãnh tinh tấn và phát thệ nguyện rộng lớn như vầy: Tự mình tu trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, và dạy bảo người khác tu trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Làm như vậy rồi, Đại Bồ-tát lại phát nguyện: Khi chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tôi nguyện cho các loài hữu tình trong quốc độ của tôi không lìa bỏ trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, dõng mãnh tinh tấn và phát thệ nguyện rộng lớn như vầy: Tự mình tu tất cả hạnh Đại Bồ-tát, và dạy bảo người khác tu tất cả hạnh Đại Bồ-tát. Làm như vậy rồi, Đại Bồ-tát lại phát nguyện: Khi chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tôi nguyện cho các loài hữu tình trong quốc độ của tôi không lìa bỏ tất cả hạnh Đại Bồ-tát.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, dõng mãnh tinh tấn và phát thệ nguyện rộng lớn như vầy: Tự mình tu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật, và dạy bảo người khác tu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật. Làm như vậy xong, Đại Bồ-tát lại phát nguyện: Khi chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tôi nguyện cho các loài hữu tình trong quốc độ của tôi không lìa bỏ quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật.

Như vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, nhờ hành nguyện này mà có thể trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật đang ở.

Thiện Hiện nên biết: Chúng Đại Bồ-tát ấy tùy theo nơi chốn và thời gian mà hành đạo Bồ-đề nên được viên mãn hạnh nguyện đã phát. Tức là bất cứ nơi nào, lúc nào cũng tinh tấn tu học. Do nhân duyên này mà tự mình có thể thành tựu tất cả pháp lành, cũng có thể khiến cho người khác tuần tự thành tựu tất cả pháp lành. Tự mình có thể tu đắc tướng tốt đẹp, thù thắng để trang nghiêm thân, cũng có thể khiến người khác lần lượt tu được tướng tốt đẹp thù thắng để trang nghiêm, đó là do phước đức rộng lớn bảo hộ.

Thiện Hiện, nên biết: Chúng Đại Bồ-tát ấy hạnh nguyện tu tập đã được viên mãn, và đều được ở chỗ Phật trang nghiêm thanh tịnh. Khi chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, loài hữu tình được giáo hoá cũng sanh vào cõi đó cùng nhau thọ hưởng pháp lạc Ðại thừa của tịnh độ.

Thiện Hiện nên biết: Các Đại Bồ-tát nên tu hành trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật như vậy, bởi vì trong cõi đó không nghe có ba đường ác, cũng không nghe có các cảnh giới thuộc ác kiến; không nghe có ba độc tham, sân, si; không nghe có hình tướng nam nữ; không nghe có Thanh văn, Ðộc giác; không nghe có khổ, vô thường, những việc không vừa ý; không nghe có cất chứa của cải; không nghe có chấp ngã, ngã sở, tùy miên, kiết sử, điên đảo, chấp trước; không nghe có an lập quả vị sai khác của hữu tình. Chỉ nghe nói về những tiếng không, vô tướng, vô nguyện, vô sanh, vô diệt, vô tánh; nghĩa là tùy theo những điều ưa thích riêng biệt của hữu tình. Tất cả những vật trong ngoài ở trong rừng thường có gió nhẹ làm va chạm vào nhau phát ra những loại âm thanh vi diệu. Trong âm thanh đó nói tất cả pháp đều không có tự tánh. Vì không có tự tánh nên nó là không. Vì không nên vô tướng. Vì vô tướng nên vô nguyện. Vì vô nguyện nên vô sanh. Vì vô sanh nên vô diệt. Cho nên các pháp xưa nay tịch tịnh, tự tánh Niết-bàn. Như Lai xuất hiện ở đời hay không xuất hiện ở đời pháp giới của các pháp vẫn là pháp thường trụ như vậy, nghĩa là tất cả pháp vô tánh không v.v… Trong cõi Phật đó các loại hữu tình hoặc đêm, hoặc ngày, hoặc đi đứng, nằm, ngồi thường nghe những âm thanh diệu pháp như vậy.

Thiện Hiện nên biết: Chúng Đại Bồ-tát đó đều trụ ở cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh khi chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác trong mười phương đều khen ngợi danh hiệu của các vị Phật ấy. Nếu hữu tình nào nghe danh hiệu của chư Phật như thế thì nhất định đối quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề được đắc Bất thối chuyển.

Thiện Hiện nên biết: Chúng Đại Bồ-tát đều trụ ở cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh, khi chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tuyên nói Chánh pháp cho các hữu tình. Hữu tình nào nghe rồi nhất định không còn nghi ngờ. Nghĩa là đó là pháp, đó là phi pháp. Vì sao? Vì các hữu tình đó thấu đạt tất cả pháp đều là chơn như, pháp giới, pháp tánh v.v… tất cả là chánh pháp không phải phi pháp.

Như vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát ấy đều có thể trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật như vậy.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Chúng Đại Bồ-tát có vị do hóa sanh mà thiện căn chưa đầy đủ, chưa trồng các căn lành với chư Phật, Bồ-tát, Ðộc giác và Thanh văn, vì bị các bạn ác khống chế. Vì xa lìa bạn lành nên không nghe chánh pháp, thường bị chấp trước vào những loại ngã kiến, hữu tình kiến và các cảnh giới kiến chấp, rơi vào hai kiến chấp đoạn kiến và thường kiến. Các hữu tình đó tự phát sanh tà chấp, và thường dạy bảo người khác phát sanh tà kiến. Chẳng phải Tam bảo mà tưởng Tam bảo, ở trong Tam bảo mà cho là chẳng phải Tam bảo, chê bai chánh pháp, khen ngợi tà pháp. Do nhân duyên ấy, sau khi qua đời đọa vào các đường ác, chịu khổ sở. Các Đại Bồ-tát mỗi vị ở cõi của mình, khi chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề rồi, thấy các hữu tình kia chìm đắm trong sanh tử bị vô lượng khổ, dùng lực thần thông và phương tiện để giáo hoá khiến cho họ xả bỏ ác kiến mà sống trong chánh kiến. Ra khỏi đường ác được sanh vào cõi người. Sanh vào cõi người rồi, lại dùng phương tiện thần thông giáo hóa khiến họ trụ trong chánh định tụ, nhờ vậy mà hoàn toàn không bị đọa vào đường ác. Lại khuyên họ tu tập hạnh nguyện thù thắng để sau khi qua đời được sanh về cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh, thọ hưởng pháp lạc Ðại thừa của tịnh độ.

Như vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát đều có thể ở cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh. Nhờ được ở cõi trang nghiêm thanh tịnh mà các hữu tình ấy đối với các pháp không có nghi ngờ. Nói đây là pháp thế gian, đây là pháp xuất thế gian, đây là pháp hữu lậu, đây là pháp vô lậu, đây là pháp hữu vi, đây là pháp vô vi. Tất cả những phân biệt nghi ngờ hoàn toàn không sanh. Do nhân duyên này mà các loài hữu tình ấy nhất định chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Này Thiện Hiện! Ðó là tướng công đức của cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh.