Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa

Chương 402: Quyển 399 Lxxvii. Phẩm Bồ-Tát Thường Đề 02

Khi ấy, trời Đế Thích liền hiện nguyên hình ở trước Thường Đề đứng cuối mình, khen:

– Hay thay! Hay thay! Đại sĩ vì pháp mà chí thành kiên cố đến như thế. Chư Phật quá khứ khi làm Bồ-tát cũng như Đại sĩ, dùng nguyện kiên cố cầu Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, phương tiện thiện xảo, thỉnh vấn sở học, sở thừa, sở hành, sở tác của Bồ-tát, tâm không mỏi mệt, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, chứng quả vị giác ngộ cao tột.

Đại sĩ nên biết! Tôi thật chẳng dùng huyết, tim, tủy của người, chỉ đến thử Ngài thôi. Nay Ngài cần gì, tôi sẽ hiến dâng để đền cái tội khinh xuất xúc phạm làm tổn hại Ngài?

Thường Đề đáp:

– Tôi chỉ có nguyện là đạt quả vị giác ngộ cao tột. Thiên chủ có thể thỏa mãn nguyện này chăng?

Khi ấy, trời Đế Thích bỗng nhiên cảm thấy hổ thẹn, thưa với Thường Đề:

– Điều này ngoài sức của tôi, chỉ có chư Phật Đại Thánh Pháp Vương tự tại đối với pháp có khả năng đáp ứng nguyện này.

Thưa Đại sĩ! Ngoài quả vị giác ngộ cao tột ra, nay Ngài còn ước muốn điều nào khác, tôi sẽ đáp ứng?

Thường Đề đáp:

– Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa cũng là ước muốn của tôi, ông có thể ban cho chăng?

Khi ấy, trời Đế Thích lại bội phần xấu hổ, thưa với Thường Đề:

– Đối với ước muốn này tôi cũng chẳng có thể ban cho được. Nhưng tôi có khả năng khiến thân Đại Sĩ bình phục như cũ, Ngài có ước muốn như thế chăng?

Thường Đề đáp:

– Sở nguyện như thế, tôi có thể tự hoàn thành, khỏi nhọc Thiên Chủ. Vì sao? Vì nếu tôi bày tỏ sự việc với mười phương chư Phật, phát lời chân thành: Nay tự bán thân là vì mộ pháp, chứ chẳng dối trá lừa gạt mê hoặc thế gian. Do nhân duyên này, nhất định đối với quả vị giác ngộ cao tột chẳng thối chuyển, thì khiến cho thân tôi bình phục như cũ; lời này chưa dứt, có thể khiến cho tôi bình phục như xưa, đâu dám nhờ oai lực của Ngài!

Thiên Đế Thích nói:

– Đúng vậy! Đúng vậy! Thần lực của Phật chẳng thể nghĩ bàn, Bồ-tát chí thành việc gì mà chẳng xong! Nhưng vì tôi mà làm tổn hại thân Đại Sĩ, cúi xin từ bi cho tôi hoàn thành việc này.

Bồ-tát Thường Đề bảo Đế Thích:

– Ngươi đã ân cần thì tùy theo ý người.

Khi ấy, trời Đế Thích liền dùng oai lực mình khiến thân Thường Đề bình phục như cũ, thậm chí chẳng thấy một vết sẹo nào, hình mạo đoan nghiêm hơn trước. Đế Thích xấu hổ tạ lỗi, nhiễu quanh bên phải bỗng nhiên biến mất.

Lúc bấy giờ, nữ trưởng giả thấy sự việc hi hữu của Bồ-tát Thường Đề, càng thêm ái trọng, cung kính chấp tay thưa với Thường Đề:

– Xin rủ từ bi, quang lâm nhà con giây lát, những phẩm vật cần để cúng dường Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa và pháp sư thuyết pháp là Bồ-tát Pháp Dũng và những phẩm vật thượng diệu, con thưa với cha mẹ sẽ được tất cả. Con và thị tùng cũng từ giã cha mẹ cùng Đại sĩ đi đến thành Diệu Hương là vì muốn cúng dường Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa và pháp sư thuyết pháp là Đại Bồ-tát Pháp Dũng.

Khi ấy, Thường Đề thuận theo sở nguyện của nàng, cùng đến nhà nàng, dừng lại ngoài cửa. Khi ấy, nữ trưởng giả liền vào nhà, thưa với cha mẹ:

– Xin cho con nhiều tràng hoa, hương xoa, hương bột v.v… thượng diệu, y phục, anh lạc, tràng phan, bảo cái, kỹ nhạc, dầu tô, chân châu Mạc-ni, ngọc báu Phệ-lưu-ly, ngọc báu Phả-chi-ca, san hô, hổ phách, loa bối, bích ngọc, xử tàng, thạch tàng, đế thanh, đại thanh và các loại phẩm vật cúng dường khác như vàng, bạc v.v… mà trong nhà chúng ta sẫn có, cũng cho con năm trăm thị nữ đã phụng sự con trước đây, mang các phẩm vật cúng dường cùng theo chân Bồ-tát Thường Đề, đi đến thành Diệu Hương để cúng dường Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa và pháp sư thuyết pháp là Bồ-tát Pháp Dũng. Bồ-tát ấy sẽ vì con mà tuyên thuyết pháp yếu; con được nghe rồi, như thuyết tu hành, quyết định đạt được vô biên Phật pháp vi diệu.

Khi ấy, cha mẹ nàng nghe xong kinh hãi, liền hỏi con gái:

– Bồ-tát Thường Đề nay đang ở đâu? Là hạng người nào?

Nàng liền thưa:

– Nay ở ngoài cửa. Vị Đại sĩ ấy vì muốn độ thoát khổ sanh tử cho tất cả hữu tình nên cần cầu quả vị giác ngộ cao tột. Và vị Đại sĩ ấy vì ái trọng chánh pháp, chẳng tiếc thân mạng, vì muốn cúng dường Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa là sở học của Bồ-tát và pháp sư thuyết pháp là Đại Bồ-tát Pháp Dũng cho nên vào trong thành này, đi vòng khắp nơi, lớn tiếng rao: Nay ta bán thân, ai muốn mua người! Ta nay bán thân, ai muốn mua người? Trải qua thời gian lâu, bán thân chẳng được, sầu lo khổ não, đứng yên một chỗ, khóc lóc mà rằng: Ta có tội gì mà vì muốn cúng dường Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa và pháp sư thuyết pháp là Đại Bồ-tát Pháp Dũng, nên tự bán thân mà chẳng ai mua!

Khi ấy, trời Đế Thích vì muốn thử lòng, liền tự hóa làm Bà-la-môn trẻ tuổi, đi đến trước Ngài hỏi:

Này nam tử! Vì sao ngươi đứng đây lo sầu chẳng vui?

Khi ấy, vị Đại sĩ đó đáp:

– Này bé con! Ta vì cúng dường Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa và pháp sư thuyết pháp là Bồ-tát Pháp Dũng. Nhưng ta nghèo cùng thiếu không có các tài bảo, vì ái trọng pháp nên muốn bán thân, nhưng trong khắp thành này không ai hỏi đến. Tự nghĩ phước mỏng, đứng đây lo buồn.

Khi ấy, Bà-la-môn nói với Đại sĩ:

– Ta nay muốn tế trời, chẳng dùng thân người, chỉ cần máu người, tủy người, tim người, có thể bán cho ta chăng?

Đại sĩ nghe xong hoan hỷ nhảy nhót, dùng lời êm ái trả lời Bà-la-môn:

– Vật mà Ngài cần mua tôi có thể bán đủ.

Bà-la-môn nói:

– Trị giá bao nhiêu?

Đại sĩ đáp:

Tùy ý ngươi trả.

Bấy giờ, Đại sĩ nói như thế rồi, liền đưa tay phải cầm lấy dao bén đâm vào tay trái của mình cho máu chảy ra; lại lóc đùi vế phải, da thịt rơi xuống đất, đập xương lồi tủy đưa cho Bà-la-môn. Lại đến bên tường toan mổ tim ra. Con ở trên gác cao, xa thấy việc ấy, nghĩ như thế này: Thiện nam tử này, do nhân duyên gì mà làm khốn khổ thân mình, ta phải đến hỏi. Nghĩ rồi toan xuống lầu, đến chỗ Đại sĩ hỏi:

– Vì nhân duyên gì trước đây người tự rao bán thân, nay làm ra máu tủy, lại muốn mổ tim? Đại sĩ ấy trả lời con: Chị chẳng biết sao? Tôi vì cúng dường Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa và pháp sư thuyết pháp là Bồ-tát Pháp Dũng, nhưng tôi nghèo thiếu không có các tài bảo, vì ái trọng Pháp, nên trước đây tôi tự bán thân mà không ai mua, nay bán ba thứ này cho Bà-la-môn. Khi ấy, con hỏi: Người nay tự bán thân, huyết, tim, tủy, muốn lấy tài vật cúng dường Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa và pháp sư thuyết pháp là Bồ-tát Pháp Dũng thì sẽ gặt hái được những công đức thắng lợi gì? Vị ấy đáp lời con: Bồ-tát Pháp Dũng đối với pháp sâu xa đã được tự tại, sẽ vì ta nói phương tiện thiện xảo Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa. Sở học của Bồ-tát, sở thừa của Bồ-tát, sở hành của Bồ-tát, sở tác của Bồ-tát ta được nghe rồi, như thuyết tu hành, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, mau chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, được thân sắc vàng, đủ ba mươi hai tướng Đại sĩ, tám mươi vẻ đẹp phụ thuộc viên mãn trang nghiêm. Hào quang thường có một tầm, còn hào quang khác vô lượng, đủ mười lực Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng; pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; năm loại mắt, sáu phép thần thông, giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát tri kiến uẩn thanh tịnh chẳng thể nghĩ bàn, trí kiến không chướng ngại, trí kiến vô thượng, đắc trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; đầy đủ tất cả Pháp bảo Vô thượng, phân chia bố thí cho tất cả hữu tình, làm chỗ nương tựa cho các hữu tình. Ta bỏ thân mạng vì cúng dường Bồ-tát ấy, sẽ đạt được những công đức thắng lợi này. Khi ấy con nghe nói Phật pháp vi diệu thù thắng chẳng thể nghĩ bàn như thế, hoan hỷ nhảy nhót, vô cùng xúc động, cung kính chấp tay thưa với Đại sĩ: Điều mà Đại sĩ đã nói vi diệu tối thắng to lớn đệ nhất, rất là hi hữu. Để đạt được tất cả Phật pháp như thế, xả bỏ hằng hà sa thân mạng quí trọng còn xứng đáng, huống là chỉ bỏ một. Vì sao? Vì nếu đắc công đức vi diệu như thế thì có thể lợi lạc tất cả hữu tình. Nhà Đại sĩ nghèo, còn vì công đức vi diệu như thế mà chẳng tiếc thân mạng, huống gì nhà con giàu, có nhiều của báu, vì công đức như thế mà chẳng xả bỏ! Nay Đại sĩ chớ nên tự hại mình. Những phẩm vật cần cúng dường, con sẽ cung cấp hết, đó là vàng, bạc, ngọc báu Phệ-lưu-ly, ngọc báu Phả-chi-ca, chân châu Mạt-ni, xử tàng, thạch tạng, loa bối, bích ngọc, đế thanh, đại thanh, san hô, hổ phách và vô lượng loại của quí khác, hoa hương, anh lạc, tràng phan, bảo cái, kỹ nhạc, đèn đuốc, xe cộ, y phục và các vật phẩm cúng dường thượng diệu khác, Ngài có thể đem cúng dường Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa và pháp sư thuyết pháp là Đại Bồ-tát Pháp Dũng. Cúi xin Đại sĩ chớ tự hại mình. Thân con cũng nguyện theo Đại sĩ đi đến chỗ Đại Bồ-tát Pháp Dũng, đồng thời chiêm ngưỡng cũng trồng căn lành, để được nghe nói Phật pháp này. Khi ấy, trời Đế Thích liền hiện nguyên hình, đứng trước Đại sĩ ấy, cúi mình, chấp tay khen ngợi Đại sĩ! Hay thay! Hay thay! Vì pháp mà chí thành kiên cố đến như thế! Chư Phật quá khứ khi còn làm Bồ-tát, cũng như Đại sĩ, dùng nguyện kiên cố cầu phương tiện thiện xảo Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, thỉnh vấn sở học, sở thừa, sở hành, sở tác của Bồ-tát tâm không mệt mỏi, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, rồi chứng quả vị giác ngộ cao tột. Đại sĩ nên biết, tôi thật chẳng dùng máu tim tủy người, chỉ đến thử Ngài thôi. Sở nguyện hiện nay của Ngài là gì, tôi sẽ đáp ứng, để bù lại cái tội khinh xuất xúc phạm làm tổn hại Ngài? Vị Đại sĩ đáp: Sở nguyện chính của tôi là chỉ có quả vị giác ngộ cao tột. Thiên chủ có thể đáp ứng chăng? Khi ấy, trời Đế Thích bỗng nhiên cảm thấy xấu hổ, thưa với Đại sĩ kia: Điều này ngoài sức của tôi. Chỉ có chư Phật Đại Thánh Pháp Vương, đối với pháp tự tại, mới có thể thỏa mãn nguyện này. Thưa Đại sĩ! Ngoài quả vị giác ngộ cao tột ra, Ngài còn cầu điều gì khác, tôi sẽ đáp ứng? Vị Đại sĩ kia đáp: Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa cũng là sở nguyện của tôi, Ngài có thể ban cho chăng?

Khi ấy, trời Đế Thích càng thêm xấu hổ, thưa với Đại sĩ: Đối với nguyện này, tôi cũng chẳng có thể đáp ứng được. Nhưng tôi có thần lực khiến thân Đại sĩ bình phục như cũ, Ngài có cần nguyện này chăng? Vị Đại sĩ kia đáp: Sở nguyện như thế tự tôi có thể hoàn thành, khỏi nhọc Thiên chủ. Vì sao? Vì nếu tôi bày tỏ mười phương chư Phật, phát lời chân thật: Nay con tự bán mình thật sự là mộ pháp, chẳng mang lòng dối trá, lường gạt mê hoặc thế gian. Do nhân duyên này, nhất định đối với quả vị giác ngộ cao tột chẳng thối chuyển thì khiến cho thân con bình phục như xưa. Lời này chưa dứt, thì có thể khiến tôi bình phục như xưa, đâu cần oai lực của Ngài! trời Đế Thích nói: Đúng vậy! Đúng vậy! Thần lực của Phật chẳng thể nghĩ bàn. Bồ-tát chí thành thì việc gì chẳng xong. Nhưng do tôi nên làm tổn hại thân Đại sĩ, xin Ngài từ bi cho tôi hoàn thành việc này. Khi ấy, Đại sĩ kia bảo Đế Thích: Ông đã ân cần như vậy, thôi thì tùy ý ông. Khi ấy, trời Đế Thích liền dùng oai lực của mình khiến thân hình Đại sĩ kia bình phục như cũ, thậm chí chẳng thấy vết sẹo nhỏ nào, hình dáng còn đẹp đẽ hơn ngày trước. Đế Thích xấu hổ tạ từ, nhiễu quanh bên phải, bỗng nhiên biến mất.

Con đã chứng kiến việc hi hữu ấy, càng tăng thêm ái kính, chấp tay thưa: Xin Ngài dũ lòng từ bi quang lâm nhà con chốc lát, những nhu cầu về phẩm vật để cúng dường Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa và pháp sư thuyết pháp là Bồ-tát Pháp Dũng, con thưa với cha mẹ sẽ được tất cả. Con và thị tùng cũng từ giả cha mẹ, theo chân Đại sĩ cùng đi đến thành Diệu Hương, vì muốn cúng dường Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa và pháp sư thuyết pháp là Đại Bồ-tát Pháp Dũng. Vì con chí thành, Đại sĩ ấy chẳng quên sở nguyện, nay đến trước cửa, cúi xin cha mẹ cho nhiều của báu và cho con cùng với năm trăm thị nữ mang những phẩm vật cúng dường sẽ cùng theo chân Bồ-tát Thường Đề đi đến thành Diệu Hương, lễ kính cúng dường Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa và pháp sư thuyết là Bồ-tát Pháp Dũng, để được nghe thuyết các Phật pháp.

Bấy giờ, cha mẹ nghe sự việc con gái nói, vui mừng nhảy nhót, khen chưa từng có, liền bảo con gái:

– Theo lời con nói, thì Bồ-tát Thường Đề rất là hi hữu, có thể mang áo giáp đại công đức như thế, dõng mãnh tinh tấn cầu các Phật pháp; Phật pháp sở cầu vi diệu tối thắng, quảng đại thanh tịnh, chẳng thể nghĩ bàn, có công năng dẫn dắt các loại hữu tình ở thế gian, khiến đạt lợi ích an lạc thù thắng. Con đối với pháp ấy đã mến trọng sâu sắc, muốn theo thiện hữu đem các phẩm vật cúng dường đến thành Diệu Hương cúng dường Bát-nhã Ba-la-mật-đa và pháp sư thuyết pháp là Bồ-tát Pháp Dũng, vì muốn chứng đắc các Phật pháp thì tại sao cha mẹ chẳng sanh tùy hỷ! Bây giờ cho con đi, cha mẹ cũng muốn cùng con đi, con hoan hỷ chăng?

Người con liền thưa:

– Vô cùng hoan hỷ, vô cùng hoan hỷ! Con còn tùy thuận thiện pháp của người khác huống là cha mẹ?

Cha Mẹ bảo:

– Con nên mau chuẩn bị phẩm vật cúng dường và thị tùng rồi cùng đi.

Khi ấy, nữ trưởng giả liền chuẩn bị xong năm trăm cỗ xe, trang hoàng bằng bảy báu, cũng khiến năm trăm thị nữ thường theo hầu tự ý lấy các châu báu nghiêm sức. Lại lấy vàng bạc, ngọc báu Phệ-lưu-ly, ngọc báu Phả-chi-ca, Mạt-ni chơn châu, đế thanh, đại thanh, loa bối, bích ngọc, san hô, hổ phách, xử tàng, thạch tàng và vô lượng của báu khác; các loại hoa hương, y phục, anh lạc, tràng phan, bảo cái, kỹ nhạc, dầu tô, của báu thượng diệu, mỗi loại nhiều vô lượng và đủ các thứ phẩm vật cúng dường thượng diệu khác. Nữ trưởng giả đã chuẩn bị xong các việc như vậy rồi, cung kính thưa thỉnh Bồ-tát Thường Đề cỡi một xe đi trước; cô ta, cha mẹ và năm trăm thị nữ mỗi người cỡi một xe, vây quanh theo hầu Bồ-tát Thường Đề, đi dần về hướng Đông đến thành Diệu Hương. Thấy thành cao rộng, bảy báu tạo thành; ở ngoài thành ấy, chung quang đều có bảy lớp bờ tường, bảy lớp lầu quán, bảy lớp lan can, bảy lớp hào báu, bảy lớp hàng cây Đa-la thẳng tắp đều do bảy báu tạo thành, bờ tường ấy v.v… đan xen làm đẹp cho nhau, phát ra đủ các loại ánh sáng thật khả ái. Đại bảo thành này, mỗi bên khoảng mười hai do-tuần, thanh tịnh, rộng rãi, người vật đông đúc, an ổn giàu có an vui; trong thành có năm trăm ngã tư, chợ búa cân xứng với nhau, đẹp như tranh vẽ. Ở các ngã tư đều có dòng nước trong, liên lạc thì dùng thuyền báu qua lại, không ách tắc; ngã tư nào cũng sạch sẽ, đẹp đẽ, rưới bằng nước thơm, rải bằng danh hoa; thành và bờ tường đều có bờ cao, lầu gác ngăn địch, đều do vàng tía tạo thành; thắp sáng bằng các trân bảo, ánh sáng rực rỡ; ở khoảng giữa các bờ tường, xen lẫn các cây báu, tất cả cây ấy, gốc thân, cành, lá và hoa quả đều do thứ báu đặc biệt tạo thành; tường thành, lầu gác và các cây báu phủ bằng lưới vàng, nối kết bằng dây báu, treo bằng linh vàng, nối bằng chuông báu, gió thoảng lay động, phát tiếng êm dịu, giống như kéo tấu năm loại âm nhạc. Ngoài thành, chung quanh có bảy lớp hào báu, trong đó tràn đầy nước tám công đức, nhiệt độ điều hòa, sạch trong như gương. Trong hào đâu đâu cũng có thuyền bằng bảy báu, trang hoàng đẹp đẽ, ai cũng ưa nhìn. Trong các hào nước đủ loại hoa quí, sắc hương tươi thắm rực rỡ, che khắp mặt nước. Có năm trăm cảnh vườn chung quanh thành lớn, trang hoàng đủ loại, rất dễ ưa thích, trong mỗi cảnh vườn có năm trăm ao, ao ấy rộng dài một dặm, trang hoàng bằng bảy báu, làm đẹp lòng mọi người, ở trong các ao có hoa bốn sắc, to như bánh xe, sáng che mặt nước, hoa ấy đều do bảy báu tạo thành. Trong các vườn ao có nhiều loài chim, tiếng kêu hòa nhau, tan hợp ngao du. Lại dần dần đi tới trước, tức thời xa thấy Đại Bồ-tát Pháp Dũng ngồi trên tòa sư tử ở chính giữa đài bảy báu, có vô lượng, vô số trăm ngàn ức triệu hội chúng vây quanh sau trước, đang vì họ nói pháp.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Thường Đề vừa thấy Đại Bồ-tát Pháp Dũng, thân tâm mừng vui an lạc, giống như Bí-sô buộc tâm vào một cảnh, bỗng nhiên được nhập vào tầng thiền thứ ba; vừa thấy rồi, nghĩ thế này: Chúng ta chẳng nên cỡi xe đi thẳng đến chỗ Đại Bồ-tát Pháp Dũng. Nghĩ tới rồi, liền xuống xe, sửa lại y phục. Cùng lúc nữ trưởng giả và cha mẹ nàng cùng năm trăm thị nữ cũng đều xuống xe; mọi người đều dùng các báu vật và y phục thượng diệu trang điểm thân thể, mang các phẩm vật cúng dường, cung kính vây quanh Bồ-tát Thường Đề, từ từ bước đến chỗ Đại Bồ-tát Pháp Dũng. Bên con đường mà có chỗ ở của Đại Bồ-tát Pháp Dũng, có đài Bát-nhã bằng bảy báu, dùng gỗ chiên đàn đỏ mà trang hoàng, treo linh, chuông báu, phát ra âm thanh vi diệu, chung quanh đều thả lưới chơn châu; ở bốn góc đài treo bốn bảo châu để làm đèn sáng, ngày đêm luôn chiếu sáng; bốn mặt bảo đài có bốn lư hương làm bằng bạch ngân, trang hoàng bằng các châu báu, luôn luôn đốt bằng hương hắc trầm thủy và rải các loại hoa quí để cúng dường. Trong đài có tòa do bảy báu tạo thành, trên đó trải một lớp nệm thêu lụa; ở trên tòa này lại có một cái hòm, do bốn báu hiệp thành, trang hoàng lộng lẫy: Một là vàng, hai là bạc, ba là Phệ-lưu-ly, bốn là đế thanh báu; mài mực lưu ly viết Bát-nhã Ba-la-mật-đa trên lá vàng ròng, đặt vào trong hòm, luôn luôn niêm phong, đóng ấn trong đài, đâu đâu cũng treo phan hoa báu, trang hoàng đẹp đẽ, rất khả ái. Bồ-tát Thường Đề, nữ trưởng giả v.v… thấy đài báu này trang nghiêm đẹp đẽ, chấp tay cung kính khen chưa từng có. Lại thấy Đế Thích và vô lượng trăm ngàn chúng trời ở bên đài báu, cầm đủ các thứ hương bột thượng diệu và loại ngọc vụn, hương hoa vi diệu, vàng, bạc, hoa v.v… rải trên đài báu, ở trên không tấu kỹ nhạc trời.

Bồ-tát Thường Đề thấy việc ấy rồi, hỏi Đế Thích:

– Vì duyên gì Thiên chủ và các chúng trời cúng dường đài này?

Trời Đế Thích đáp:

– Đại sĩ nay biết chăng? Ở trong đài này có Pháp vô thượng gọi là Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, là mẹ của chư Phật Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và các chư Đại Bồ-tát, có thể sanh ra, có thể thâu nhϊếp tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và chư Đại Bồ-tát. Nếu Đại Bồ-tát, có thể đối với pháp này tinh cần tu học thì mau đạt đến tất cả công đức giải thoát, có thể thành tựu tất cả Phật pháp, có thể mau chứng đắc trí nhất thiết trí. Do nhân duyên ấy, tôi và chư quyến thuộc đối với pháp này, cung kính cúng dường.

Bồ-tát Thường Đề nghe rồi hoan hỷ, hỏi tiếp trời Đế Thích:

– Nói như thế thì Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa hiện ở chỗ nào? Tôi muốn cúng dường, mong Ngài chỉ cho.

Trời Đế Thích nói:

– Đại sĩ biết chăng? Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa ở trong hòm bằng bốn báu, trên tòa bảy báu trong đài này dùng ngọc Phệ-lưu-ly làm mực, viết trên là bằng vàng ròng. Bồ-tát Pháp Dũng tự niêm phong và đóng ấn lại. Chúng tôi chẳng dám mở ra xem.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Thường Đề và nữ trưởng giả, cha mẹ nàng, cùng năm trăm thị nữ, nghe nói vậy rồi liền lấy đồ mang theo như: hoa hương, ngọc báu, y phục, anh lạc, tràng phan, bảo cái, kỹ nhạc, đèn đuốc và các phẩm vật cúng dường khác, phân làm hai phần. Trước mang một phần đến chỗ đài báu cúng dường Bát-nhã-ba-la-mật-đa, lại đem một phần cùng đi đến chỗ Đại Bồ-tát Pháp Dũng.

Đến nơi, thấy Đại Bồ-tát Pháp Dũng ngồi trên tòa sư tử, đại chúng vây quanh, liền lấy hương hoa, tràng phan, bảo cái, y phục, anh lạc, kỹ nhạc, đèn đuốc, các thứ ngọc báu v.v… trải bày cúng dường thuyết pháp sư này và pháp được nói. Bồ-tát Pháp Dũng dùng sức oai thần liền khiến các loại hoa quí đã rải bay lên không trung, ở trên đỉnh đầu, bỗng nhiên hiệp thành một đài hoa quí, các báu trang nghiêm, thật khả ái. Lại khiến các loại hương thơm đã rải bay lên hư không, ngay trên đài hoa, bỗng nhiên hiệp thành lọng hương quí, có các loại ngọc báu trang hoàng. Lại khiến các loại y phục quí báu đã rải bay lên hư không, ngang trên lộng hương, bỗng nhiên hiệp thành một cái màn quí báu, cũng dùng các báu trang hoàng đẹp đẽ, còn các loại rải bày khác như tràng phan, bảo cái, kỹ nhạc, đèn đuốc các thứ anh lạc v.v… tự nhiên vọt lên ở bên màn lộng trên đài, bọc quanh đẹp đẽ, an bố xảo diệu.

Bồ-tát Thường Đề, nữ trưởng giả v.v… thấy việc này rồi, vui mừng nhảy nhót, khác miệng cùng lời đều cùng khen ngợi Đại Bồ-tát Pháp Dũng: Nay Đại sư của ta rất là hi hữu, có thể hiện sức đại oai thần như thế, khi làm Bồ-tát còn có công năng như thế, huống là lúc đắc quả vị giác ngộ cao tột.

Khi ấy, Thường Đề và nữ trưởng giả cùng các quyến thuộc, vì thâm tâm ái trọng Đại Bồ-tát Pháp Dũng, nên đều phát tâm cầu quả vị giác ngộ cao tột, phát nguyện thế này: Do thiện căn thù thắng này, chúng con nguyện đời đương lai quyết định thành Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác; do thiện căn thù thắng này, chúng con nguyện đời đương lai khi tinh cần tu học đạo Bồ-tát, đối với pháp môn sâu xa, thông đạt vô ngại, như Đại sư Bồ-tát Pháp Dũng hiện nay; Do thiện căn thù thắng này, chúng con nguyện đời đương lai khi tinh cần tu học đạo Bồ-tát, có thể dùng đài gác bằng bảy báu thượng diệu và các phẩm vật cúng dường khác cúng dường Bát-nhã Ba-la-mật-đa như Đại sư Bồ-tát Pháp Dũng hiện nay; do thiện căn thù thắng này, chúng con nguyện đời đương lai khi tinh cần tu học đạo Bồ-tát, ngồi tòa sư tử, ở giữa đại chúng, tuyên thuyết nghĩa lý sâu xa của Bát-nhã-ba-la-mật-đa, hoàn toàn không sợ như Đại sư Bồ-tát Pháp Dũng hiện nay; do thiện căn thù thắng này, chúng con nguyện đời đương lai khi tinh cần tu học đạo Bồ-tát, thành tựu sức phương tiện thiện xảo Bát-nhã-ba-la-mật-đa, có thể mau chóng thành tựu sở cầu là quả vị giác ngộ cao tột, như Đại sư Bồ-tát Pháp Dũng hiện nay; do thiện căn thù thắng này, chúng con nguyện đời đương lai khi tinh cần tu học đạo Bồ-tát, đắc thần thông thù thắng, biến hóa tự tại, lợi ích an lạc vô lượng hữu tình, như Đại sư Bồ-tát Pháp Dũng hiện nay.

Bồ-tát Thường Đề và nữ trưởng giả cùng các quyến thuộc mang các phẩm vật cúng dường, cúng dường Bát-nhã Ba-la-mật-đa và pháp sư thuyết pháp là Đại Bồ-tát Pháp Dũng rồi, đảnh lễ sát chân, chấp tay, cung kính nhiễu theo bên phải ba vòng, lui đứng một bên.

Lúc bấy giờ, Đại Bồ-tát Thường Đề, cúi mình chấp tay thưa với Đại Bồ-tát Pháp Dũng:

– Tôi thường ưa ở chỗ thanh vắng cầu Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, đã có một hôm bỗng nhiên nghe có tiếng trên không trung: Này thiện nam tử! Ngươi nên đi về hướng Đông, quyết định được nghe Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa. Tôi nghe trên không trung dạy như thế rồi, vui mừng nhảy nhót, liền đi về hướng Đông, khoảng chưa được bao lâu, nghĩ thế này: Ta sao chẳng hỏi tiếng trên không trung khiến ta đi về hướng Đông kia là cách xa hay gần, đi đến thành ấp nào, lại nghe Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa với ai? Nghĩ như thế rồi liền dừng một chỗ nọ, đấm ngực buồn than, lo sầu khóc lóc, trải qua bảy ngày đêm chẳng hề mỏi mệt, chẳng nghĩ đến việc ngủ nghỉ, chẳng màng ăn uống, chẳng tưởng ngày đêm, chẳng sợ lạnh nóng, đối với pháp trong, ngoài, tâm chẳng loạn động, chỉ nghĩ thế này: Khi nào ta sẽ nghe Bát-nhã-ba-la-mật-đa? Trước đây tại sao ta chẳng hỏi tiếng trên không khuyên ta đi về hướng Đông là cách xa hay gần, đến chỗ nào? Lại nghe Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa với ai? Khi tôi đang sầu lo khóc lóc, tự than giận như thế thì bỗng nhiên ở trước mặt tôi có hình Phật hiện bảo với tôi: Này thiện nam tử! Ngươi đem tâm cầu pháp dõng mãnh tinh tấn, yêu thích, cung kính như thế, đi về hướng Đông này, qua khoảng năm trăm do tuần, có vương thành lớn tên là Cụ Diệu Hương, trong thành có Bồ-tát tên là Pháp Dũng, thường vì vô lượng trăm ngàn hữu tình tuyên thuyết Bát-nhã-ba-la-mật-đa. Ngươi nên theo vị Bồ-tát để được nghe Bát-nhã-ba-la-mật-đa. Lại, này thiện nam tử! Bồ-tát Pháp Dũng là thiện hữu thanh tịnh dài lâu của ngươi, thị hiện dạy bảo, dẫn dắt khen ngợi, chúc mừng, khiến ngươi mau chứng đắc sở cầu là quả vị giác ngộ cao tột. Bồ-tát Pháp Dũng ở đời quá khứ, dùng hạnh cần khổ cầu Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, cũng như ngươi nay cầu phương tiện. Ngươi mau đến chỗ Đại Bồ-tát Pháp Dũng, chớ sanh nghi ngại, chớ kể ngày đêm, chẳng bao lâu sẽ nghe Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa.

Khi ấy, tôi được nghe lời nói như vậy rồi, tâm sanh thích thú mừng vui nhảy nhót, nghĩ như thế này: Khi nào ta sẽ gặp Bồ-tát Pháp Dũng để theo Ngài được nghe Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa? Nghe rồi có thể đoạn trừ vĩnh viễn các thứ phân biệt hư vọng thấy có sở đắc, mau chứng quả vị giác ngộ cao tột. Khi nghĩ như vậy, đối với tất cả pháp liền có thể hiện khởi trí kiến vô ngại. Do tri kiến này liền được hiện nhập vô lượng pháp môn Tam-ma-địa thù thắng, tôi an trụ trong Tam-ma-địa như thế, hiện thấy vô lượng, vô số, vô biên chư Phật Như Lai khắp mười phương thế giới, vì các chúng Đại Bồ-tát tuyên thuyết Bát-nhã-ba-la-mật-đa. Khi ấy, chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều cùng khen ngợi an ủi, ân cần dạy bảo trao truyền tôi: Hay thay! Hay thay! Thiện nam tử! Chúng tôi khi xưa hành đạo Bồ-tát cũng như ngươi ngày nay, dùng hạnh cần khổ cầu Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, trong khi cần khổ cũng như ngươi hiện nay đắc các Tam-ma-địa như thế. Bấy giờ, chúng tôi tu vô lượng Tam-ma-địa thù thắng được cứu cánh rồi thì có thể thành tựu phương tiện thiện xảo Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa. Do đó, có thể thành tựu tất cả Phật pháp, liền được an trụ ở bậc Bất thối chuyển.

Khi ấy, mười phương chư Phật dạy bảo rộng rải, an ủi tôi, khiến hoan hỷ rồi, bỗng nhiên biến mất. Tôi từ sở chứng Tam-ma-địa xuất, chẳng thấy chư Phật, ôm lòng buồn bã, nghĩ như thế này: Ta vừa thấy chư Phật mười phương, trước từ đâu đến, nay đi về đâu? Ai có thể vì ta giúp sự nghi vấn này? Lại nghĩ thế này: Bồ-tát Pháp Dũng từ lâu đã tu học phương tiện thiện xảo Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, đã đắc vô lượng pháp môn Đà-la-ni và Tam-ma-địa, đối với thần thông tự tại của Bồ-tát đã đạt cứu cánh, đã từng cúng dường vô lượng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, ở chỗ chư Phật, phát thệ nguyện rộng lớn, trồng các căn lành. Ở trong thời gian lâu dài là thiện hữu của ta, thường nhϊếp thọ ta, khiến đạt được lợi lạc. Ta nên mau đi đến chỗ Đại Bồ-tát Pháp Dũng, thưa hỏi việc thấy chư Phật mười phương vừa rồi, là trước từ đâu đến, nay đi về đâu? Bồ-tát ấy có thể vì ta mà giải đáp nghi vấn. Bấy giờ, tôi nghĩ như vậy rồi, dõng mãnh tinh tấn đi dần về hướng Đông, thấm thoát lâu ngày vào thành ấp này, dần tiến đến trước, xa thấy Đại sư ngồi tòa Sư tử, trên đài bảy báu, đại chúng vây quanh, vì họ thuyết pháp. Ngay ở chốn này vừa thấy Đại sư, thân tâm an vui, giống như Bí-sô bỗng nhiên được vào tầng thiền thứ ba, cho nên nay tôi thỉnh vấn Đại sư, chư Phật mười phương mà tôi đã thấy trước đây là trước từ đâu đến, nay đi về đâu? Cúi xin Đại sư vì tôi mà nói chư Phật ấy từ đâu mà đến để tôi rõ biết; đã rõ biết rồi, đời đời sẽ gặp chư Phật.

LXXVIII. PHẨM BỒ-TÁT PHÁP DŨNG 01

Lúc bấy giờ, Đại Bồ-tát Pháp Dũng nói với Đại Bồ-tát Thường Đề:

– Này thiện nam tử! Pháp thân của tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Điều Ngự Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật, Bạc-già-phạm không từ đâu đến, cũng chẳng đi đâu. Vì sao? Này thiện nam tử! Vì thật tánh các pháp đều bất động.

Này thiện nam tử! Chơn như của các pháp không đến, không đi, chẳng thể phô bày; chơn như như thế tức là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác v.v… cho đến Phật, Bạc-già-phạm.

Này thiện nam tử! Pháp giới của các pháp không đến, không đi, chẳng thể phô bày; pháp giới như thế tức là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác v.v… cho đến Phật, Bạc-già-phạm.

Này thiện nam tử! Pháp tánh của các pháp không đến, không đi, chẳng thể phô bày; pháp tánh như thế tức là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác v.v… cho đến Phật, Bạc-già-phạm.

Này thiện nam tử! Tánh chẳng hư vọng không đến, không đi, chẳng thể phô bày; tánh chẳng hư vọng tức là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác v.v… cho đến Phật, Bạc-già-phạm.

Này thiện nam tử! Tánh chẳng đổi khác không đến, không đi, chẳng thể phô bày; tánh chẳng đổi khác tức là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác v.v… cho đến Phật, Bạc-già-phạm.

Này thiện nam tử! Tánh bình đẳng của pháp không đến, không đi, chẳng thể phô bày; tánh bình đẳng của pháp tức là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác v.v… cho đến Phật, Bạc-già-phạm.

Này thiện nam tử! Tánh ly sanh của pháp không đến, không đi, chẳng thể phô bày; tánh ly sanh của pháp tức là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác v.v… cho đến Phật, Bạc-già-phạm.

Này thiện nam tử! Tánh định của các pháp không đến, không đi, chẳng thể phô bày; tánh định của các pháp tức là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác v.v… cho đến Phật, Bạc-già-phạm.

Này thiện nam tử! Tánh trụ của các pháp không đến, không đi, chẳng thể phô bày; tánh trụ của các pháp tức là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác v.v… cho đến Phật, Bạc-già-phạm.

Này thiện nam tử! Thật tế của các pháp không đến, không đi, chẳng thể phô bày; thật tế của các pháp tức là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác v.v… cho đến Phật, Bạc-già-phạm.

Này thiện nam tử! Cảnh giới hư không của pháp, không đến, không đi, chẳng thể phô bày; cảnh giới hư không của pháp tức là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác v.v… cho đến Phật, Bạc-già-phạm.

Này thiện nam tử! Cảnh giới bất tư nghì, không đến, không đi, chẳng thể phô bày; cảnh giới bất tư nghì tức là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác v.v… cho đến Phật, Bạc-già-phạm.

Này thiện nam tử! Tánh vô sanh của pháp, không đến, không đi, chẳng thể phô bày; tánh vô sanh của pháp tức là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác v.v… cho đến Phật, Bạc-già-phạm.

Này thiện nam tử! Tánh vô diệt của pháp không đến, không đi, chẳng thể phô bày; tánh vô diệt của pháp tức là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác v.v… cho đến Phật, Bạc-già-phạm.

Này thiện nam tử! Tánh như thật của pháp không đến, không đi, chẳng thể phô bày; tánh như thật của pháp tức là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác v.v… cho đến Phật, Bạc-già-phạm.

Này thiện nam tử! Tánh viễn ly của pháp không đến, không đi, chẳng thể phô bày; tánh viễn ly của pháp tức là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác v.v… cho đến Phật, Bạc-già-phạm.

Này thiện nam tử! Tánh tịch tịnh của pháp không đến, không đi, chẳng thể phô bày; tánh tịch tịnh của pháp tức là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác v.v… cho đến Phật, Bạc-già-phạm.

Này thiện nam tử! Cảnh giới thanh tịnh vô nhiễm không đến, không đi, chẳng thể phô bày; cảnh giới thanh tịnh vô nhiễm tức là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác v.v… cho đến Phật, Bạc-già-phạm.

Này thiện nam tử! Tánh không của các pháp không đến, không đi, chẳng thể phô bày; tánh không của các pháp tức là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác v.v… cho đến Phật, Bạc-già-phạm.

Này thiện nam tử! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác v.v… cho đến Phật, Bạc-già-phạm chẳng phải các pháp, chẳng phải lìa các pháp.

Này thiện nam tử! Chơn như của các pháp, chơn như của Như Lai là một, chứ chẳng phải hai.

Này thiện nam tử! Chơn như của các pháp chẳng phải hợp, chẳng phải tan, chỉ có một tướng, đó là vô tướng.

Này thiện nam tử! Chơn như của các pháp chẳng phải một, chẳng phải hai, chẳng phải ba, chẳng phải bốn v.v… cho đến chẳng phải trăm ngàn v.v… Vì sao? Này thiện nam tử! Vì chơn như của các pháp lìa số lượng, chẳng phải có tánh.

Lại nữa, thiện nam tử! Thí như có người vào mùa nắng gắt, đi trong đồng vắng, giữa ngày khát nước, thấy bóng nắng lay động, nghĩ thế này: Ngay bay giờ, nhất định ta sẽ có nước. Nghĩ như vậy rồi, đi thắng tới bóng nắng đã thấy lùi dần rất xa, liền chạy đuổi theo lại càng thấy xa, bằng đủ mọi cách tìm nước chẳng có.

Này thiện nam tử! Theo ý ông thì sao? Nước trong bóng nắng ấy từ trong núi hang suối ao nào đến, nay lại đi đâu? Có phải vào biển Đông, có phải vào biển Tây, biển Nam, Bắc chăng?

Thường Đề đáp:

– Nước trong bóng nắng còn chẳng thể có, huống là có thể nói là có chỗ từ đó đến và có chỗ đến.

Bồ-tát Pháp Dũng nói với Thường Đề:

– Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói, như người khát kia, ngu si vô trí, bị nóng bức bách thấy bóng nắng lay động, trong chỗ không có nước, vọng sanh tưởng nước; nếu bảo Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác có đến, có đi, cũng giống như thế. Nên biết người ấy ngu si vô trí. Vì sao? Này thiện nam tử! Vì tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chẳng thể dựa vào sắc thân mà thấy. Như Lai tức là pháp thân.

Này thiện nam tử! Pháp thân Như Lai tức là chơn như pháp giới của các pháp; chơn như, pháp giới đã chẳng thể nói có đến có đi, thì pháp thân của Như Lai cũng giống như thế không đến, không đi.

Lại nữa, thiện nam tử! Thí như nhà ảo thuật hoặc đệ tử của y hóa làm các loại: tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh và ngựa dê v.v… trong khoảng giây lát rồi bỗng nhiên biến mất.

Này thiện nam tử! Theo ý ông thì sao? Cái trò ảo thuật làm ra đó từ đâu đến, đi về đâu?

Thường Đề đáp:

– Trò huyễn chẳng phải thật, như thế đâu có thể nói có chỗ đến, đi!

Bồ-tát Pháp Dũng nói với Bồ-tát Thường Đề:

– Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Nếu chấp trò huyễn có đến, đi thì nên biết người ấy ngu si vô trí. Nếu cho là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác có đến có đi, cũng giống như thế, nên biết người ấy ngu si vô trí. Vì sao? Này thiện nam tử! Vì tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chẳng thể dựa vào sắc thân mà thấy. Như Lai tức là pháp thân.

Này thiện nam tử! Pháp thân của Như Lai tức là chơn như, pháp giới của các pháp; chơn như, pháp giới đã chẳng có thể nói có đến, có đi thì pháp thân Như Lai cũng giống như thế, không đến, không đi.

Lại nữa, thiện nam tử! Giống như những hiện tượng có trong gương; các hiện tượng ấy tạm có rồi không.

Này thiện nam tử! Theo ý ông thì sao? Hiện tượng trong gương ấy là từ đâu đến, đi đến đâu?

Thường Đề đáp:

– Các hiện tượng ấy chẳng phải thật, như vậy sao có thể nói có đến có đi?

Bồ-tát Pháp Dũng nói với Bồ-tát Thường Đề:

– Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói: Nếu chấp các hiện tượng có đến đi thì nên biết người ấy ngu si vô trí. Nếu cho là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác có đến có đi, cũng giống như thế, nên biết người ấy ngu si vô trí. Vì sao? Này thiện nam tử! Vì tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chẳng thể dựa vào sắc thân để thấy. Như Lai tức là Pháp thân.

Này thiện nam tử! Pháp thân của Như Lai tức là chơn như, pháp giới của các pháp; chơn như, pháp giới đã chẳng có thể nói có đến có đi thì pháp thân của Như Lai cũng giống như thế, không đến, không đi.

Lại nữa, thiện nam tử! Như các tiếng vang phát ra trong hang núi; các tiếng vang như thế tạm có rồi không.

Này thiện nam tử! Theo ý ông thì sao? Tiếng vang trong hang ấy là từ đâu đến, đi đến đâu?

Thường Đề đáp:

– Các tiếng vang chẳng phải thật, như vậy sao có thể nói đến, đi.

Bồ-tát Pháp Dũng nói với Thường Đề:

– Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông đã nói. Nếu chấp các tiếng vang có đến có đi thì nên biết người ấy ngu si vô trí. Nếu cho là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác có đến có đi, cũng giống như thế, nên biết người ấy ngu si vô trí. Vì sao? Này thiện nam tử! Vì tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chẳng thể dựa vào sắc thân mà thấy được. Như Lai tức là Pháp thân.

Này thiện nam tử! Pháp thân của Như Lai tức là chơn như, pháp giới của các pháp; chơn như, pháp giới đã chẳng thể nói có đến có đi, thì pháp thân của Như Lai cũng giống như thế, không đến, không đi.