QUYỂN 1
HỘI ĐẦU
PHẦN ĐẦU
I. PHẨM DUYÊN KHỞI 01
Tôi nghe như vầy: Một thời nọ, Phật ở trên đỉnh núi Thứu Phong, thuộc thành Vương Xá, cùng với chúng đại Bí-sô gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị, đều là A-la-hán, các lậu đã hết, phiền não không còn sanh khởi lại nữa, đạt được tự tại chân thật, tâm hoàn toàn giải thoát, tuệ hoàn toàn giải thoát, như tập ngựa khôn, cũng như rồng lớn, đã làm việc cần làm, đã xong việc cần xong, bỏ các gánh nặng, mới được lợi mình, cắt các trói buộc, biết đúng đã giải thoát, đạt tâm tự tại, rốt ráo cùng tột. Chỉ có một mình A-nan-đà, mới chứng quả Dự-lưu, còn ở trình độ cần phải tu học. Đại Ca-diếp-ba là thượng thủ. Lại có chúng Bí-sô-ni năm trăm vị đều là A-la-hán. Đại Thắng Sanh Chủ là thượng thủ. Lại có vô lượng cư sĩ nam, cư sĩ nữ, đều thấy được sự thật cao cả. Lại có vô lượng, vô số chúng đại Bồ-tát, tất cả đều chứng pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa, an trụ trong sự chứng đắc các pháp là hư giả, các pháp không thực thể, và không mong cầu gì; đã chứng hạnh nhẫn nhục bình đẳng đối với các pháp; thành tựu bốn sự hiểu biết không chướng ngại; bất cứ diễn thuyết một vấn đề gì, thì tài biện luận không cùng; với năm loại thần thông, dạo chơi tự tại; đã chứng đắc trí tuệ, dứt sạch phiền não; vĩnh viễn không lui mất; ngôn hạnh oai nghiêm, người nghe đều cung kính làm theo; siêng năng dũng mãnh, từ bỏ biếng lười, bỏ hết của cải, không tiếc thân mạng, xa lìa kiêu mạng, từ bỏ dối trá, không nhiễm, không cầu. Tất cả vì chúng sanh mà diễn bày Chánh pháp; chứng đắc sâu xa cùng tột hạnh nhẫn nhục đối với các pháp, không còn điều lo sợ, tâm được thư thái, vượt các cảnh nghịch, thoát các nghiệp chướng, xua tan tất cả phiền não, giặc oán, dựng cờ Chánh pháp, dẹp các tà thuyết. Thanh văn, Độc giác không thể so lường, vì các Ngài đã đạt được tự tại đối với tâm, sự tự tại đối với Pháp; đã cởi bỏ được sự trở ngại do việc làm sai lầm, sự ngu dốt triền miên, sự hiểu biết cục bộ. Chọn pháp tu hành, lý luận trình bày, không có gì là không thông suốt, thâm nhập phương pháp tu hành duyên khởi, sanh diệt, xa lìa sự hiểu biết cục bộ, sự mê lầm dai dẳng,tháo bỏ các buộc ràng, trí huệ thông đạt các chân lý cao cả, trải qua vô số kiếp, phát nguyện rộng lớn, dung mạo vui vẻ, trước hết nói lời chỉ dẫn, xa hẳn nhăn nhó bực dọc, nói năng dịu dàng hòa nhã, rất khéo khen ngợi tán dương, biện tài không vấp; ở giữa số đông, oai đức trang nghiêm bình tĩnh, tiến thối tự tại, không gì sợ sệt, trăm nghìn ức kiếp khéo nói không cùng. Đối với các phương pháp tu hành, quán sát sâu sắc- như ảo ảnh, như quáng nắng, như chiêm bao, như trăng đáy nước, như tiếng vang, như hoa đóm trên không, như ảnh, như bóng sáng, như trò ảo thuật, như ảo thành, tuy đều là không thật, nhưng hiện ra giống như thật; lìa tâm yếu hèn, thuyết pháp không sợ hãi; có khả năng làm theo và chứng nhập vô lượng phương pháp tu hành; biết được tâm tư và ước vọng của loài hữu tình, dùng trí huệ siêu việt mà giáo hóa để giải thoát họ; đối với các loài hữu tình, tâm không vướng mắc, đạt đến mức cao nhất về khả năng chịu đựng; đối với sự vô sinh của các pháp, chứng nhập hoàn toàn trí thấu đạt tánh bình đẳng của các pháp, biết đúng như thật về tính chất sâu xa của các pháp; tùy theo ước nguyện của chúng sanh, khéo léo hướng dẫn họ giác ngộ; thường xuyên giảng thuyết phương pháp tu hành duyên khởi một cách khéo léo; đảm nhận nguyện lớn trong vô biên cõi Phật; đối với vô số các đức Phật trong mười phương, đều giữ chánh niệm bình đẳng, thường hiện ra trước mặt. Các đức Phật ra đời, đều sẵn sàng phụng sự tất cả, cũng luôn luôn cầu thỉnh quay bánh xe Chánh pháp, khoan nhập Niết-bàn, độ vô lượng chúng sanh; thường khéo khắc phục, diệt trừ các trói buộc do bám chặc vào sự hiểu biết cục bộ, và các lửa phiền não của tất cả hữu tình. Trong giây lát, dạo chơi trăm ngàn cảnh định, làm phát sinh vô biên công đức cao cả. Những Bồ-tát này đều đầy đủ công đức vi diệu rộng lớn như vậy. Dù trải qua vô lượng trăm ngàn ức đại kiếp, khen ngợi cũng không thể hết. Tên của các Ngài là: đại Bồ-tát Hiền Thủ, đại Bồ-tát Bửu Tánh, đại Bồ-tát Bửu Tạng, đại Bồ-tát Bửu Thọ, đại Bồ-tát Đạo Sư, đại Bồ-tát Nhân Thọ, đại Bồ-tát Tinh Thọ, đại Bồ-tát Thần Thọ, đại Bồ-tát Đế Thọ, đại Bồ-tát Quảng Tuệ, đại Bồ-tát Thắng Tuệ, đại Bồ-tát Thượng Tuệ, đại Bồ-tát Tăng Trưởng Tuệ, đại Bồ-tát Vô Biên Tuệ, đại Bồ-tát Bất Hư Kiến, đại Bồ-tát Vô Chướng Tuệ, đại Bồ-tát Thiện Phát Thú, đại Bồ-tát Thiện Dũng Mãnh, đại Bồ-tát Cực Tinh Tiến, đại Bồ-tát Thường Tinh Tiến, đại Bồ-tát Thường Gia Hạnh, đại Bồ-tát Bất Xả Ách, đại Bồ-tát Nhật Tạng, đại Bồ-tát Nguyệt Tạng, đại Bồ-tát Vô Tỷ Tuệ, đại Bồ-tát Quán Tự Tại, đại Bồ-tát Đắc Đại Thế, đại Bồ-tát Diệu Cát Tường, đại Bồ-tát Bửu Ấn Thủ, đại Bồ-tát Tồi Ma Lực, đại Bồ-tát Kim Cương Tuệ, đại Bồ-tát Kim Cương Tạng, đại Bồ-tát Thường Cử Thủ, đại Bồ-tát Đại Bi Tâm, đại Bồ-tát Đại Trang Nghiêm, đại Bồ-tát Trang Nghiêm Vương, đại Bồ-tát Sơn Phong, đại Bồ-tát Bửu Phong, đại Bồ-tát Đức Vương, đại Bồ-tát Từ Thị … Vô lượng trăm ngàn vô số đại Bồ-tát như vậy, đều là con của đấng vua Pháp, có khả năng tiếp nối ngôi vị Phật, mà làm thượng thủ.
Lúc Bấy giờ, Đức Thế Tôn ở trên tòa Sư tử, tự trải tọa cụ, ngồi kiết già, thẳng thân chính nguyện, an trụ trong niệm hiện tại, vào định Vương diệu; các định khác đều thu nhϊếp trong định này, vì đây là chỗ lưu xuất các định.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn biết đúng, nghĩ đúng, từ định vương diệu, ung dung quán chiếu, dùng thiên nhãn thanh tịnh, quan sát thế giới chư Phật trong mười phương, toàn thân thư thái, từ nơi tướng ngàn vòng tròn dưới hai lòng bàn chân, phóng ra sáu mươi trăm ngàn, vô số hào quang; từ mười ngón chân, hai mu bàn chân, hai gót chân, bốn mắt cá, hai ống chân, hai bắp chân, hai đầu gối, hai bàn tọa, hai đùi vế, lưng, sườn, bụng, bả vai, chữ Đức () thẳng rốn trên tim giữa ngực, hai vυ', hai nách, hai vai, hai bắp tay, hai khuỷu tay, hai bắp tay trên, hai cổ tay, hai tay, hai lòng bàn tay, mười ngón tay, ót, cổ họng, mép, cằm, má, trán, đầu, đỉnh, hai mày, hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi, miệng, bốn răng cửa, bốn mươi răng, tướng lông xoắn giữa mày … mỗi bộ phận trong cơ thể, đều phóng ra sáu mươi trăm ngàn, vô số hào quang; mỗi hào quang này, soi sáng cả thế giới ba lần ngàn, rồi từ đó, lần lượt soi khắp vô số cõi Phật trong mười phương; trong đó, có loài hữu tình nào gặp được hào quang này, nhất định đạt được quả vị giác ngộ cao tột.
Lúc bấy giờ, tất cả lỗ chân lông của Đức Thế Tôn đều thông hoạt và phát ra sáu mươi trăm ngàn vô số hào quang, mỗi hào quang đó, đều soi sáng cả thế giới ba lần ngàn, rồi từ đó, lần lượt soi khắp vô số cõi Phật trong mười phương; trong đó, có hữu tình nào gặp được hào quang này, nhất định đạt được quả vị Giác ngộ cao tột.
Lúc bấy giờ, từ thân đức Thế Tôn phát ra hào quang, thường soi khắp cả thế giới ba lần ngàn; rồi từ đó, lần lượt soi khắp vô số cõi Phật trong mười phương; trong đó, có hữu tình nào gặp được hào quang này, nhất định đạt được quả vị Giác ngộ cao tột.
Lúc bấy giờ, từ miệng đức Thế Tôn phát ra tướng lưỡi rộng dài, che khắp cả thế giới ba lần ngàn, vui vẻ mỉm cười. Lại từ tướng lưỡi rộng dài đó, tuông ra vô lượng trăm ngàn vô số hào quang; hào quang đó nhiều màu sắc, từ trong mỗi hào quang nhiều màu đó, hiện ra hoa sen báu, hoa đó có ngàn cánh, đều là màu vàng ròng, có các báu trang nghiêm, thêu dệt đẹp đẽ, thật dễ ưa thích, mùi thơm ngào ngạt, xông thơm trùm khắp, mịn trơn nhẹ nhàng, tiếp xúc thì sanh niềm vui thanh thoát. Trong đài của các hoa, đều có hóa Phật ngồi kiết già, nói pháp âm vi diệu, mỗi mỗi pháp âm đều nói pháp tương ưng Bát-nhã-ba-la-mật-đa; loài hữu tình nào nghe được, thì nhất định đạt được quả vị Giác ngộ cao tột, rồi từ đó, lần lượt biến khắp vô số cõi Phật trong mười phương, nói pháp lợi ích, cũng đều như vậy.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn không rời chỗ ngồi, nhập định Sư tử dạo chơi, hiện sức thần thông, khiến cho thế giới ba lần ngàn này phát ra sáu loại biến động: Động, động rất mạnh, cùng động rất mạnh; phun, phun rất mạnh, cùng phun rất mạnh; rung, rung rất mạnh, cùng rung rất mạnh; chạm, chạm rất chạm, cùng chạm rất mạnh; rống, rống rất mạnh, cùng rống rất mạnh; nổ, nổ rất mạnh, cùng nổ rất mạnh.
Lại khiến cho cõi này Đông nổi Tây chìm, Tây nổi Đông chìm, Nam nổi Bắc chìm, Bắc nổi Nam chìm, ở giữa nổi chung quanh chìm, chung quanh nổi ở giữa chìm. Cõi này trở nên trong sạch, sáng mát êm ả, sinh ra các loài hữu tình lợi ích an vui.
Khi ấy, thế giới ba lần ngàn này có bao nhiêu cảnh Địa ngục, Súc sanh, Ngạ quỉ và các hầm ác thú hung hiểm, khốn khổ khác, tất cả hữu tình, đều lìa nạn khổ. Từ đây, chết rồi, được sinh vào cõi người và sáu cảnh trời trong cõi Dục, đều nhớ kiếp trước, vui mừng nhảy nhót, cùng đến chỗ Phật, với tâm thanh tịnh, đầu lạy chân Phật; rồi từ đây, lần lượt biến khắp vô số cõi Phật trong mười phương. Do thần lực Phật, có sáu loại biến động. Lúc đó, các loài ác thú của thế giới kia và tất cả hữu tình, đều lìa nạn khổ. Từ đây, chết rồi được sanh vào cõi người và sáu cảnh trời trong cõi Dục, đều nhớ kiếp trước, vui mừng nhảy nhót. Mỗi loài ở trong cõi mình, đều đến chỗ Phật, đầu lạy chân Phật.
Khi ấy, thế giới ba lần ngàn này, và vô số thế giới hữu tình khác trong mười phương, người mù thấy được, người điếc nghe được, người câm nói được, nguời điên tỉnh trí, người loạn được yên, người nghèo được giàu, người không y phục được y phục, người đói được ăn, người khát được uống, người bệnh được lành, người xấu được đẹp, người tàn tật được lành lặn, người thiếu giác quan được đầy đủ, người mê được tỉnh, người mệt mỏi được khỏe khoắn.
Khi ấy, các loài hữu tình, với tâm bình đẳng, đối đãi nhau như cha mẹ, như anh em, như chị em, như thân hữu, như bà con; lìa lối sống nói xuyên tạc, tu theo lối sống nói ngay thẳng; lìa nếp sống làm mười điều ác, tu theo nếp sống làm mười điều lành; lìa tư tưởng ác, tu theo tư tưởng thiện; lìa hạnh không thanh tịnh, tu theo hạnh thanh tịnh; thích sạch, bỏ dơ, ưa yên tĩnh, bỏ ồn ào; thân tâm thư thới, liền sanh niềm vui thanh thoát, như người tu hành vào Định thứ ba. Lại có trí tuệ cao tột, bỗng chốc phát sinh, khởi lên ý nghĩ: Ban cho rộng khắp, điều hòa khắc phục, an ổn chịu đựng, tiến tới mạnh mẽ, vắng lặng hoàn toàn, quán sát chín chắn, lìa hẳn phóng túng, tu hành thanh tịnh; đối với các loài hữu tình, từ-bi hỷ-xả, không gây rối nhau, thật là tốt đẹp!
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn ở trên tòa Sư tử, phóng hào quang đặc biệt, oai đức lớn lao, ánh sáng phủ khắp thế giới ba lần ngàn và cả vô số cõi Phật trong mười phương; núi Tô mê lô, núi Luân vi … và còn tất cả thần rồng, cung trời, cho đến cõi Tịnh Cư, cũng đều được chiếu khắp, như trăng tròn mùa thu làm mờ các vì sao, như mặt trời mùa hạ, ánh sáng làm nhòa các sắc; như bốn ngọn Đại Bảo Diệu Cao sơn vương soi đến các núi khác, ánh sáng hơn hẳn, đức Phật dùng thần lực, hiện lại thân Phật, khiến cho tất cả hữu tình, trong thế giới ba lần ngàn này đều thấy được. Khi ấy, vô lượng vô số các vị trời ở cõi Tịnh Cư, trong thế giới ba lần ngàn này, dưới đến các trời trong cõi Tứ Đại Thiên Vương ở cõi Dục và tất cả loài người chẳng phải người … đều thấy Như Lai ngồi trên tòa Sư tử, oai quang sáng rực như núi vàng lớn, vui mừng nhảy nhót, khen chưa từng có; rồi cầm vô số các loại hoa trời, hương khoanh, hương xoa, hương đốt, hương bột, y phục, ngọc anh lạc, tràng phan, lọng báu, nhạc cụ, các thứ ngọc, vô lượng các loại hoa sen trời màu xanh, hoa sen trời màu đỏ, hoa sen trời màu trắng, hoa sen trời thơm, hoa sen trời màu vàng, hoa sen trời màu hồng, hoa cây vàng bạc cõi trời, lá thơm cõi trời và vô lượng hoa tươi trên đất dưới nước, mang đến chỗ Phật, dâng rải lên Phật. Do thần lực Phật, các tràng hoa kia lần lượt tung lên kết thành đài hoa, số lượng đầy cả thế giới ba lần ngàn; lọng hoa trời rũ xuống, chuông quí, phan ngọc thêu dệt tỉ mỉ, rất dễ ưa thích. Khi ấy, cõi Phật này, trang nghiêm mầu nhiệm, giống như thế giới Cực Lạc ở phương Tây. Hào quang của Phật chói sáng khắp mọi loài, trong thế giới ba lần ngàn, hư không đều cùng một màu vàng rực. Các cõi trong vô số cõi Phật ở mười phương, cũng lại như thế.
Khi ấy, các cõi Phật trong thế giới ba lần ngàn này: Châu Nam thiệm bộ, châu Đông thắng thần, châu Tây ngưu hóa, châu Bắc câu lô, người ở trong đó, do thần lực Phật, ai cũng thấy Phật ngồi ngay trước mặt, đều nghĩ rằng, Đức Như Lai nói pháp cho riêng mình. Như vậy, các trời trong các cõi: Trời Tứ Đại Thiên Vương, trời Tam thập tam, trời Dạ ma, trời Đổ sử đa, trời Lạc biến hóa, trời Tha hóa tự tại, trời Phạm chúng, trời Phạm phụ, trời Phạm hội, trời Đại phạm, trời Quang, trời Thiểu quang, trời Vô lượng quang, trời Cực quang tịnh, trời Tịnh, trời Thiểu tịnh, trời Vô lượng tịnh, trời Biến tịnh, trời Quảng, trời Thiểu quảng, trời Vô lượng quảng, trời Quảng quả, trời Vô phiền, trời Vô nhiệt, trời Thiện hiện, trời Thiện kiến, trời Sắc cứu cánh, cũng do thần lực của Thế Tôn, mà mỗi vị đều thấy Phật, ngồi chính trước mặt, và đều nghĩ rằng: Đức Như Lai nói pháp cho riêng mình.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn không rời chỗ ngồi, vui vẻ mỉm cười, từ trên mặt Ngài, phóng hào quang lớn, chiếu khắp các cõi Phật, trong thế giới ba lần ngàn, vô số cõi Phật trong mười phương.
Khi ấy, ở các cõi Phật trong thế giới ba lần ngàn này, tất cả loài hữu tình, theo hào quang của Phật, thấy khắp vô số cõi Phật trong mười phương, tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, được chúng Thanh văn, Bồ-tát vây quanh, và còn thấy tất cả các loài hữu tình, vô tình khác nữa.
Khi ấy, tất cả loài hữu tình, ở vô số cõi Phật trong mười phương, theo hào quang Phật, cũng thấy ở cõi đó, đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác Thích Ca Mâu Ni, được chúng Thanh văn, Bồ-tát vây quanh và còn thấy tất cả các loài hữu tình, vô tình khác nữa.
Lúc bấy giờ, thế giới tận cùng của vô số thế giới ở phương Đông, tên là Đa Bảo, có Phật hiệu là Bảo Tánh Như Lai, Ứng Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Điều Ngự Sĩ, Thiên Nhơn Sư, Phật, Bạt-già-phạm, đang an ổn trú trì tại đó, nói pháp Đại Bát-nhã-ba-la-mật-đa cho chúng đại Bồ-tát. Trong đó có vị Bồ-tát tên là Phổ Quang, thấy hào quang lớn này, cõi đất biến động và thân tướng Phật, lòng sanh thắc mắc, đi đến trước Phật, đầu lạy hai chân Phật, bạch: Bạch đức Thế Tôn! Do nhân duyên gì, mà có điềm lành này?
Khi ấy, đức Phật Bảo Tánh bảo đại Bồ-tát Phổ Quang: Nầy Thiện nam tử! Ở phía Tây của cõi này, trải qua vô số thế giới, có thế giới tận cùng, tên là Kham Nhẫn, có Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni, Như Lai, Ứng, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Điều Ngự Sĩ, Thiên Nhơn Sư, Phật, Bạt-già-phạm, hiện an ổn trú trì tại đó, sắp nói pháp Đại Bát-nhã-ba-la-mật-đa cho chúng đại Bồ-tát. Do thần lực của Phật đó, mà hiện ra điềm lành này.
Phổ Quang nghe rồi, vui mừng nhảy nhót, lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con nay xin đến thế giới Kham Nhẫn, để chiêm ngưỡng, lễ bái cúng dường đức Như Lai Thích Ca Mâu Ni và các chúng đại Bồ-tát, những vị đã đạt được sự hiểu biết thông suốt, pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa, thần thông tự tại, ở thân sau cùng, nối ngôi vị Phật. Cúi xin dũ lòng thương xót, chấp thuận!
Khi ấy, Phật Bảo Tánh bảo Bồ-tát Phổ Quang: Hay thay! Hay thay! Nay đã đúng lúc. Được, ông cứ khởi hành.
Đức Phật liền lấy ngàn cành hoa sen sắc vàng ròng, hoa ấy có ngàn cánh, có các báu trang nghiêm, trao cho Bồ-tát Phổ Quang và dặn rằng: Ngươi mang hoa này đến chỗ Phật Thích Ca Mâu Ni, như lời Ta dặn, bạch: “Như Lai Bảo Tánh xin ân cần thăm hỏi, Ngài được ít bệnh, ít phiền, đi đứng nhẹ nhàng, khí lực điều hòa, an vui chăng? Việc đời chịu đựng được chăng? Chúng sinh dễ độ chăng?”. Rồi cầm hoa sen này, dâng lên Thế Tôn, để làm Phật sự. Ngươi đến cõi kia, phải nhận thức đúng đắn, thấy cõi Phật và các đại chúng ở đó, chớ sinh lòng coi thường, mà tự làm thương tổn mình. Vì sao vậy? Vì các vị Bồ-tát kia, oai đức khó sánh kịp, do nguyện độ sanh thôi thúc, vì nhân duyên lớn, mới sanh về cõi đó.
Khi ấy, Bồ-tát Phổ Quang nhận hoa, vâng lệnh, rồi cùng với vô lượng trăm ngàn vô số đại Bồ-tát xuất gia, tại gia và vô số trăm ngàn đồng nam, đồng nữ, đầu lễ chân Phật, đi vòng bên phải, rồi xin giả từ. Mỗi vị mang theo vô lượng các loại hoa hương, tràng phan, lọng báu, y phục, trang sức quý và các phẩm vật cúng dường khác, bắt đầu lên đường. Vô số cõi Phật ở phương Đông đã đi qua, đến cõi Phật nào cũng cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, không bỏ sót cõi nào.
Khi đến chỗ Phật Thích Ca, đầu lạy hai chân Phật, đi quanh trăm ngàn vòng, rồi lui đứng một bên. Bồ-tát Phổ Quang tiến tới trước, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ở phía Đông của cõi này, trải qua vô số thế giới, có thế giới tận cùng tên là Đa Bảo, có Phật hiệu là Bảo Tánh. Như Lai, Ứng, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Điều Ngự Sĩ, Thiên Nhơn Sư, Phật, Bạt-già-phạm, xin ân cần thăm hỏi Thế Tôn, được ít bệnh, ít phiền, đi đứng nhẹ nhàng, khí lực điều hòa, an vui chăng? Việc đời chịu đựng được chăng? Chúng sinh dễ độ chăng? Rồi cầm ngàn hoa sen sắc vàng ròng ấy, dâng lên Thế Tôn để làm Phật sự.
Lúc bấy giờ, đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nhận hoa sen ấy, rồi rải trở lại vô số thế giới chư Phật ở phương Đông. Do thần lực Phật, khiến cho các hoa này, rơi khắp các cõi Phật. Trong đài của các hoa này, đều có hóa Phật ngồi kiết già, nói pháp tương ưng Đại Bát-nhã-ba-la-mật-đa cho các Bồ-tát, hữu tình nào nghe được, đều đạt được quả vị Giác ngộ cao tột.
Khi ấy, Phổ Quang và tùy tùng thấy việc này, vui mừng nhảy nhót, khen chưa từng có; mỗi người tùy theo căn lành và phẩm vật cúng dường nhiều hay ít, mà cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen Phật và Bồ-tát. Xong, lui ngồi một bên.
Cứ như vậy, từ thế giới tận cùng ấy đến đây, tất cả cõi Phật ở phương Đông, mỗi cõi đều có các Đức Như Lai, hiện đang nói phàp mầu cho đại chúng. Tại chỗ các Đức Phật ấy, cũng đều có một vị Bồ-tát đứng đầu, thấy hào quang lớn ấy, cõi đất biến động, và thân tướng Phật, đều đến chỗ Phật, bạch rằng: Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà có điềm lành này?
Khi ấy, các Đức Phật kia, Ngài nào cũng đáp: Ở phía Tây của cõi này, có thế giới Kham Nhẫn, có Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni, sắp nói pháp Đại Bát-nhã-ba-la-mật-đa cho các Bồ-tát. Do thần lực của Phật đó, nên mới hiện điềm lành này.
Các vị Bồ-tát hàng đầu nghe xong, vui mừng, Ngài nào cũng đều xin đến thế giới Kham Nhẫn, để chiêm ngưỡng, lễ bái, cúng dường Phật và các vị Bồ-tát. Các Đức Như Lai kia khen hay và cho đi. Các Ngài trao cho hoa sen ngàn báu, sắc vàng ròng và dặn dò: Ngươi đem hoa này đến chỗ Phật kia, bạch lại đầy đủ lời Ta: “Xin ân cần thăm hỏi, Ngài được ít bệnh, ít phiền, đi đứng nhẹ nhàng, khí lực điều hòa, an vui chăng? Việc đời chịu đựng được chăng? Chúng sanh dễ độ chăng?” Rồi cầm hoa sen này, dâng lên Thế Tôn để làm Phật sự. Ngươi đến cõi kia, phải nhận thức đúng đắn, thấy cõi Phật đó và các vị Bồ-tát, chớ sinh lòng khinh coi thường, mà tự làm thương tổn mình. Vì sao vậy? Vì các Bồ-tát kia, oai đức khó sánh kịp, do nguyện độ sanh thôi thúc, vì nhân duyên lớn, mới sanh về cõi đó.